Một là, nâng cao nhận thức chính trị và định hướng xã hội chủ nghĩa cho người dân, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn
Trải qua 15 năm phát triển và trưởng thành kể từ sau ngày tái lập tỉnh, Phú Thọ đã có những bước phát triển vượt bậc, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, đời sống mọi mặt của nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên, vị thế của tỉnh từng bước được khẳng định. Những thành tựu đó đã góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đặt ra đối với tỉnh cũng là không nhỏ, đời sống của nhân dân tuy được tăng lên song vẫn còn ở mức độ thấp, tỷ lệ nghèo vẫn còn cao, nạn tham nhũng vẫn còn tồn tại, lòng tin của một bộ phận nhân dân vào Đảng và chế độ bị kẻ xấu kích động nên có sự giảm sút... Trước thực trạng đó, cần phải nâng cao nhận thức chính trị và định hướng xã hội chủ nghĩa cho người dân, làm cho mọi tầng lớp nhân dân ý thức được: cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân, để nhân dân hiểu và thấy được quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình đối với xã hội, với đất nước. Không ai khác, nhân dân chính là người làm chủ đất nước, có quyền được hưởng các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp cách mạng. Người dân cần phát huy mọi năng lực của mình, phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực, làm giàu cho bản thân và xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ.
Xây dựng môi trường chính trị - xã hội ổn định tạo điều kiện quan trọng cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra thuận lợi, đời sống vật chất và tinh thần người lao động được ổn định và nâng cao. Trong môi trường đó, con người thực sự an tâm chăm lo phát triển kinh tế, có điều kiện học tập, lao động, sáng tạo, cống hiến tài năng vì sự phồn vinh của xã hội và hạnh phúc của mỗi cá nhân. Do đó, giữ vững ổn định chính trị - xã hội là điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm môi trường cho con người phát triển toàn diện cả về trí, thể, mỹ. Khi con người được phát triển cao về trí tuệ, trong sáng về đạo đức, yên ổn về tinh thần sẽ đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển
kinh tế - xã hội, tạo ra nguồn sức mạnh to lớn. Vì vậy, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn cũng là một giải pháp mang tính gián tiếp thúc đẩy NLCN ở Phú Thọ phát triển.
Hai là, tiếp tục thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, bình đẳng thúc đẩy NLCN phát triển
Trên cơ sở nắm vững nội dung dân chủ nói chung, dân chủ cơ sở nói riêng trong các chỉ thị, văn bản của Đảng và Nhà nước, cần tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa để dân hiểu rằng, không phải dân chủ là dân muốn làm gì thì làm, vô kỷ luật, mà dân chủ gắn với kỷ cương, phép nước. Cần tích cực triển khai quy chế dân chủ cơ sở thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của các cơ quan đoàn thể đến người dân. Từ đó nhân dân hiểu để tự mình thực hiện dân chủ. Bên cạnh đó, cần nâng cao dân trí cho nhân dân, nâng cao khả năng nghiên cứu và công tác tuyên truyền vận động quần chúng của cán bộ cơ sở. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Cụ thể hóa văn bản pháp luật của nhà nước về dân chủ cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương giúp người dân hiểu rõ, thực hiện đúng quy định của pháp luật nhà nước, đảm bảo cá nhân thực hiện dân chủ và được hưởng các quyền tự do dân chủ. Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, trì trệ trái với thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, hình thành các tập tục mới phù hợp với đời sống hiện đại, truyền thống dân tộc và pháp luật của Nhà nước.
Xây dựng các điều kiện tiền đề kinh tế - xã hội để thực hiện tốt dân chủ cơ sở. Phải xác định rõ xây dựng và thực hiện dân chủ theo định hướng XHCN, làm cho người dân hiểu bản chất của dân chủ XHCN, từ đó thấm sâu vào trong suy nghĩ, biến thành hành động cụ thể, phát huy khả năng sáng tạo, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo... tạo điều kiện tiền đề cho việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền đối với
việc thực hiện dân chủ cơ sở. Nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để có giải pháp kịp thời khắc phục những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trên cơ sở đó tạo ra môi trường lành mạnh, bình đẳng thúc đẩy NLCN phát triển.