Nhóm giải pháp kinh tế

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở tỉnh Phú Thọ (Trang 76)

Một là, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tích cực mời gọi đầu tư

Trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng của tỉnh Phú Thọ cũng được chú trọng đầu tư nâng cấp song chủ yếu là ở thành phố, thị xã, đồng bằng, trung du, ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhất là những huyện mới được tách lập. Hiện tại, cơ sở hạ tầng của tỉnh Phú Thọ chưa thực sự đủ mạnh để thu hút đầu tư từ bên ngoài cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khi cơ sở hạ tầng yếu kém thì rất khó thu hút đầu tư, mà không thu hút được đầu tư thì khả năng cải tạo kết cấu hạ tầng cũng hạn chế. Chính vì vậy, trong thời gian tới Phú Thọ cần tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Muốn phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, cần phải huy động tối đa các nguồn đầu tư, trong đó chủ yếu là nhờ vào vốn đầu tư của Nhà nước. Ngoài ra, tỉnh cũng cần huy động các nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế, khuyến khích, kêu gọi họ đầu tư, phát triển mạnh kết cấu hạ tầng nhằm tạo sức hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, Phú Thọ cần tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia. Phấn đấu đến năm 2015, có 100% tỉnh lộ, huyện lộ được nhựa hóa theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, nâng cấp quốc lộ 2 (đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì), các cầu qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà; đường sắt Hà Nội - Lào Cai,

đường sông Việt Trì - Tuyên Quang. Đầu tư kết cấu hạ tầng thành phố Việt Trì, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I - thành phố Lễ hội - trung tâm dịch vụ của vùng; nâng cấp thị xã Phú Thọ lên đô thị loại II, một số thị trấn, thị tứ vào cấp đô thị. Việc nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nói trên sẽ góp phần tạo ra động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng. Đây là điều kiện vật chất cần thiết để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Đầu tư phát triển mạnh hệ thống điện và mạng lưới bưu chính viễn thông của tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đủ để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tiếp tục kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường nông thôn, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú trọng việc đầu tư, phát triển, nâng cấp Việt Trì lên đô thị loại I vào năm 2015 (tháng 10 năm 2004, Việt Trì đã được công nhận đô thị loại II). Trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ, Việt Trì được xác định là một trong 11 đô thị trung tâm của cả nước. Từ tầm quan trọng của việc định hướng phát triển thành phố Việt Trì, ngày 12-3-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã dành cả một hội nghị chuyên đề để thảo luận đề án xây dựng Việt Trì đạt đô thị loại I vào năm 2015. Việt Trì có tổng diện tích đất tự nhiên là 110,94 km2 (trong đó đất đô thị là 26,82 km2, đất ngoại thành là 84,12 km2); số dân thường trú là 185.013 người (trong đó nội thành 103.838 người, ngoại thành 81.175 người); gồm 23 đơn vị hành chính (10 phường, 13 xã). Về quy mô diện tích, dân số như vậy nhưng hiện nay, kết cấu hạ tầng đô thị của Việt Trì còn đang ở mức thấp, nguồn lực đầu tư cho đô thị rất hạn hẹp; cơ sở hạ tầng còn yếu, chưa đồng bộ; năng lực quản lý chưa bắt kịp với tốc độ đô thị hóa... Do đó, trong thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là phải nâng cao chức năng đô thị, xây dựng Việt Trì - Kinh đô Văn Lang xưa, thực sự là đô

thị trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa, khoa học- công nghệ của tỉnh và của vùng. Trên cơ sở ưu tiên công tác quy hoạch, đầu tư cho cả dự án có quy mô lớn, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng các hệ thống hạ tầng đầu mối. Phấn đấu xây dựng Phú Thọ thành trung tâm du lịch về cội nguồn, du lịch sinh thái với hạt nhân là Đền Hùng, thành phố lễ hội Việt Trì, hệ thống các di tích gắn với giá trị văn hóa thời kỳ Hùng Vương. Phấn đấu hằng năm thu hút 5-6 triệu lượt khách đến tham quan du lịch. Nếu thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động ngày càng tăng ở khu vực dịch vụ.

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nữa là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị một cách đồng bộ; gồm mạng lưới giao thông, hạ tầng đô thị, phát triển các khu đô thị mới, xây dựng, nâng cấp một số xã lên phường. Việt Trì cũng cần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động và thu hút đầu tư; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đô thị để nhanh chóng đạt được các tiêu chí đề ra. Trên cơ sở đô thị hóa sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại và tạo thêm sức hút các nguồn đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Thực hiện giải pháp trên sẽ góp phần từng bước hiện đại hóa nền kinh tế - xã hội, chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để trên cơ sở đó thu hút đầu tư từ bên ngoài vào tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó thúc đẩy NLCN phát triển.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế nhiều thành phần để làm xuất hiện nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và là điều kiện để giải quyết việc làm cho người lao động

Phú Thọ đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH, nhờ đó mà nền kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển liên tục trong mấy năm trở lại đây. Thực tế trên đã đặt ra nhu cầu phải phát triển mạnh NLCN để phục vụ tốt

hơn cho tiến trình CNH, HĐH ở tỉnh. Cùng với đó, cơ cấu kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, chính quá trình này sẽ tác động tích cực đến chuyển đổi cơ cấu lao động của tỉnh. Bởi lẽ, từ trong yêu cầu của CNH, HĐH, cơ cấu lao động sẽ biến đổi theo hướng chất lượng lao động ngày càng tăng lên. Sự phát triển nhanh và nhu cầu sử dụng nhiều lao động ở các ngành công nghiệp, dịch vụ đã dẫn đến tăng nhanh đội ngũ lao động, nhất là lao động lành nghề, có trình độ cao. Từ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng lên đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của nền sản xuất. Mặt khác, cơ cấu ngành nghề của tỉnh cũng thay đổi cùng với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm dần, trong lĩnh vực công nghiệp tăng. Việc hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh cũng đòi hỏi tăng nhanh nguồn lao động kỹ thuật tại chỗ, đủ sức cung ứng cho các nhà máy, xí nghiệp mới hình thành. Rõ ràng, đẩy mạnh CNH, HĐH không chỉ đặt ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng mà còn đặt ra nhu cầu quy hoạch mạng lưới đào tạo về quy mô, ngành nghề thích hợp để kịp thời cung ứng lao động kỹ thuật, có trình độ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Đây không chỉ là chính sách giải phóng mọi năng lực sản xuất, mà còn là giải pháp quan trọng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Ở Phú Thọ, số lao động làm việc trong thành phần kinh tế nhà nước chiếm 7,41%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,97%, bộ phận người lao động đang làm việc trong khu vực ngoài nhà nước chiếm 88,61%. Trong thời gian tới, tỉnh cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Đặc biệt, kinh tế hộ gia đình vẫn là đơn vị kinh tế cơ bản tổ chức sản xuất, kinh doanh và thu hút nhiều lao động, do đó cần có chính sách hỗ trợ phát triển mạnh loại hình kinh tế này.

Phát triển nông - lâm nghiệp - thuỷ sản toàn diện theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, cơ cấu lại diện tích đất nông nghiệp, hoàn thành kế hoạch dồn đổi ruộng đất. Thực hiện có hiệu quả các chương trình nông - lâm nghiệp trọng điểm. Xây dựng cụm công nghiệp, phát triển ngành nghề dịch vụ nhằm giải quyết việc làm tại chỗ. Tăng cường đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học. Giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động/năm.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng tập trung, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp có tiềm năng, tiêu thụ sản phẩm tốt. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất. Ưu tiên phát triển vùng kinh tế Việt Trì - Lâm Thao - Phù Ninh - thị xã Phú Thọ và các cụm, khu công nghiệp để tạo động lực, sức lan toả phát triển sản xuất. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, chú trọng phát triển các nghề truyền thống, phát triển các làng nghề, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu. Lĩnh vực này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động/năm.

Phát triển các ngành du lịch: Ưu tiên phát triển các dự án trọng điểm về du lịch, thương mại; xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội. Phát triển mạnh các dịch vụ du lịch Đền Hùng - Việt Trì đi đôi với đầu tư, quảng bá các điểm du lịch khác như: Công viên Văn Lang; khu nghỉ dưỡng nước nóng Thanh Thuỷ; Đầm Ao Châu (Hạ Hoà); Vườn quốc gia Xuân Sơn (Thanh Sơn). Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

Tăng cường quản lý nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, mở rộng dịch vụ bưu chính viễn thông, điện, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng... Thực hiện lĩnh vực này sẽ giải quyết việc làm

cho 2.000 lao động/năm, gắn liền với đào tạo nghề phù hợp cho người lao động.

Bốn là, tập trung phát triển mạnh công nghiệp, nhất là những lĩnh vực tỉnh có thế mạnh để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH

Phú Thọ có lợi thế là tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên để phát triển công nghiệp, với 215 mỏ và điểm quặng với 20 mỏ lớn và vừa, 50 mỏ nhỏ và 143 điểm quặng. Tổng trữ lượng tài nguyên khoáng sản trên toàn tỉnh hàng nghìn triệu tấn mỗi năm. Lợi thế này giúp cho Phú Thọ có sự phát triển đa dạng trong các ngành sản xuất, nhất là các ngành có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ, có khả năng thu hồi vốn nhanh và đạt hiệu quả cao, tập trung vào 4 nhóm ngành có lợi thế so sánh là: Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; khai khoáng, hóa chất, phân bón; sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp sản xuất hàng may mặc, hàng tiêu dùng. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng được một số mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến như: Chè, giấy, sản phẩm gỗ, chăn nuôi, hàng nông sản... Phát huy lợi thế này, trong những năm tới tỉnh cần đầu tư vốn mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng thị trường tiêu thụ không những trong nước mà cả nước ngoài, mở rộng thêm ngành nghề để thu hút nhiều hơn lao động vào khu vực này. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần phát triển NLCN, qua đó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình sản xuất.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở tỉnh Phú Thọ (Trang 76)