Hành động của con người để bảo vệ môi trường tự nhiên

Một phần của tài liệu Môi trường tự nhiên dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Tây hiện nay (Trang 59)

Nhóm giải pháp này được dựa trên quan điểm của triết học Mác - Lênin về mối quan hệ và sự tác động lẫn nhau giữa xã hội và tự nhiên phụ thuộc vào nhận thức và vận dụng quy luật tự nhiên và quy luật xã hội trong hoạt động thực tiễn của con người. Trong nhóm giải pháp được trình bày ở phần này chỉ vận dụng

nguyên lý trên của triết học Mác - Lênin ở một khía cạnh hẹp nào đó là hành động của con người trong thực tế để bảo vệ môi trường tự nhiên ở Hà Tây hiện nay. Dưới đây, xin được đề xuất một số giải pháp cụ thể.

- Chủ động phòng chống ô nhiễm và sự cố môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường. Xét về mặt kinh tế, Hà Tây vẫn là một tỉnh nghèo, chưa cân đối được thu - chi ngân sách địa phương (năm 2006: tổng thu là 2.223.246 triệu đồng, tổng chi là 3.544.654 triệu đồng) [7, tr.48-49]. Vì vậy trong quá trình tiến hành công nghiệp, hiện đại hoá ở Hà Tây, vấn đề vốn là một trong những khó khăn lớn, cho nên việc vẫn tiếp tục duy trì những cơ sở sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu gây ô nhiễm là một thực tế khó tránh khỏi. Cho nên vấn đề đặt ra là phải chủ đông trong vấn đề bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, căn cứ vào kết quả đánh giá tác động đến môi trường của cơ quan chuyên môn, các cơ quan chủ quản, chính quyền tỉnh và các địa phương cần tổ chức phân loại các cơ sở gây ô nhiễm và có kế hoạch xử lý cho phù hợp. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải quy định thời hạn di chuyển đến các địa điểm mới hoặc đình chỉ hoạt động. Trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp mới hoặc thay đổi công nghệ sản xuất mới, các chủ doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật bảo vệ môi trường. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, cấp phép phải kiên quyết không cấp phép, không cho thực hiện các dự án, các quy hoạch phát triển kinh tế gây tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, các trường học, mọi công dân trong tỉnh phải tích cực chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, sự cố môi trường như: rét đậm, rét hại, hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh, dịch bệnh, bão lớn,…

- Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên. Áp dụng các biện pháp có hiệu quả để tăng nhanh tỷ lệ che phủ rừng, che phủ đất trống, đồi trọc. Bảo vệ rừng, nhất là vườn Quốc gia Ba Vì, vùng rừng Hương Sơn (Mỹ Đức), phải gắn liền với giải quyết vấn đề định canh, định cư, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân vùng núi. Mở rộng diện tích vườn Quốc gia, khu di tích danh lam thắng cảnh, bảo vệ sự đa dạng sinh học. Chấm dứt tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi không có kế hoạch, không phù hợp với chu trình sinh học, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn như sản xuất gạch ngói thủ công, khai thác đá, đá vôi, đá ốp lát,…

Chấm dứt việc sử dụng các phương pháp khai thác nguồn lợi tự nhiên có tính huỷ diệt như: dùng điện, chất nổ khai thác thuỷ sản, săn bắn động vật quý hiếm,… Tăng cường các biện pháp tổng hợp để quản lý và khai thác hợp lý các nguồn nước (nước ngầm, nước khoáng, nước sông, hồ) để tránh ô nhiễm nguồn nước và thiếu nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất. Sử dụng tổng hợp các biên pháp để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, các làng nghề,…

Chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ dọc các tuyến đường giao thông gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm đất trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng. Sử dụng các quy trình canh tác có khả năng tái tạo, bồi bổ đất như thâm canh, đa dạng hoá cây trồng, sử dụng phân hữu cơ,…

- Nâng cấp cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý Nhà nước về môi trường trước hết là tạo điều kiện cần thiết về tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để các cơ quan này có đủ sức thực hiện tốt chức năng quản lý môi trường.

Nhân viên các cơ quan này phải được nâng cao năng lực chuyên môn, được tạo điều kiện tốt nhất để công tác đồng thời cũng phải gắn với trách nhiệm ngày càng cao hơn trong công tác bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý Nhà nước về môi trường trước hết thể hiện ở chỗ, các tội phạm về môi trường phải được cơ quan điều tra viện kiểm sát và toà án nhanh chóng điều tra, truy tố và xét xử nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật. Có như vậy mới có tác dụng ngăn ngừa tội phạm về môi trường. Các hành vi xâm hại môi trường tự nhiên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bị xử phạt hành chính nghiêm khắc để răn đe. Trong các cơ quan, nhà máy, trường học, bệnh viện,… nếu các nhân viên, công nhân, học sinh, y bác sĩ có hành vi vi phạm việc bảo vệ môi trường thì thủ trưởng đơn vị phải có sự nhắc nhở hoặc có hình thức kỷ luật thích đáng. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Tỉnh, trong phạm vi quyền hạn của mình phải xây dựng được một mạng lưới quan trắc môi trường, đánh giá và dự báo diễn biến của môi trường cùng với các cơ quan đã có từ trước là dự báo thời tiết và cảnh báo cháy rừng. Để có cơ sở khoa học cho việc nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường và cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường thì phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về môi trường và bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường phải được coi là công việc không những của cơ quan nhà nước mà còn là công việc phải làm của các đoàn thể xã hội, các tổ chức kinh tế và của mọi công dân trên địa bàn tỉnh Hà Tây. Có như vậy thì vấn đề bảo vệ môi trường mới được thực hiện một cách tốt nhất, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống của con người, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.

Nâng cao nhận thức của con người, xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường và hành động của con người trong bảo vệ môi trường

là những nhóm giải pháp khác nhau, có đặc điểm khác nhau nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau vì chúng đều có chung một mục tiêu là bảo vệ môi trường tự nhiên. Nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường nếu được thực hiện tôt sẽ góp phần làm thay đổi thói quen hành vi của con người trong bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường nếu được thực hiện tốt sẽ tạo khuôn mẫu, tạo hành lang pháp lí cho hành động của con người bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao hơn. Ngược lại, hành động bảo vệ môi trường của con người trong thực tế sẽ là cơ sở để điều chỉnh chính sách, pháp luật cho phù hợp. Nâng cao nhận thức của con người và xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách dù có được thực hiện ở mức độ tốt nhất thì tự nó cũng không thể bảo vệ được môi trường nếu như không có hành động cụ thể của con người trong thực tế. Ngược lại, hành động bảo vệ môi trường của con người chỉ có thể đạt kết quả tốt nhất trên cơ sở họ đã thay đổi về nhận thức và hành động của họ được dựa trên cơ sở một hệ thống các quy định của pháp luật đầy đủ, khách quan và có tính khoa học cao và một chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho con người trong bảo vệ môi trường.

Như vậy, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Hà Tây hiện nay thì vấn đề bảo vệ môi trường chỉ có thể đạt kết quả cao nhất trên cơ sở thực hiện kịp thời, đồng bộ cả ba nhóm giải pháp: nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường và hành động cụ thể của con người trong bảo vệ môi trường.

KẾT LUẬN

Tự nhiên, theo nghĩa rộng là toàn bộ thế giới vật chất tồn tại khách quan. Với nghĩa này thì con người và xã hội loài người là một bộ phận, hơn nữa là một bộ phận đặc thù của tự nhiên. Xét về mặt tiến hoá, con người có nguồn gốc tự nhiên, là con đẻ của tự nhiên, là sản phẩm và là sản phẩm cao nhất của quá trình tiến hoá của thế giới vật chất [26]. Ở một khía cạnh hẹp hơn, môi trường tự nhiên là nơi sinh sống và hoạt động của con người, là nơi tồn tại của xã hội . Đó là môi trường sinh - địa - hoá học hay sinh quyển. Sinh quyển là vùng lưu hành sự sống trên trái đất, là hệ thống mở về nhiệt động học, gồm toàn bộ các cơ thể sống (sinh thể), các sản phẩm và các chất thải trong quá trình hoạt động sống của chúng, đồng thời còn bao gồm cả phần khí quyển (không khí), thuỷ quyển (nước), thạch quyển (đất đá) và năng lượng mặt trời, nơi đã và đang có sự sống. Như thế, con người không những là sản phẩm của tự nhiên, là sự phát triển tiếp tục của giới tự nhiên, mà môi trường tự nhiên còn là nơi tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người.

Tự nhiên là môi trường tồn tại và phát triển của xã hội vì chỉ có tự nhiên mới cung cấp được đầy đủ những điều kiện cần thiết nhất cho sự sống của con người và cũng chỉ có tự nhiên mới cung cấp được những những điều kiện cần thiết cho các hoạt động sản xuất xã hội. Theo Mác, con người không thể không sáng tạo ra được cái gì nếu không có giới tự nhiên, nếu không có thế giới hữu hình bên ngoài. Đó là vật liệu trong đó lao động của con người được thực hiện, trong đó lao động của con người tác động, từ đó, nhờ đó lao động của con người sản xuất ra sản phẩm [37].

Hiện nay, môi trường sinh thái đang nổi lên nhiều vấn đề căng thẳng, phức tạp và cấp thiết, có liên quan trực tiếp không chỉ đến sự sống còn của sinh vật mà còn đe doạ đến sự sống của con người, sự tồn tại của xã hội loài người. Trước hết là sự khan hiếm và cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cả tái tạo được lẫn không tái tạo được như rừng, đất, nước, động thực vật, các loại tài nguyên khoáng sản, các loại kim loại quý hiếm, vật liệu xây dựng,… Nền sản xuất xã hội đã tiêu tốn một khối lượng khổng lồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên với một hiệu quả kinh tế rất thấp so với những gì mà tự nhiên đã mất đi và với một hiệu quả sinh thái tai hại đã dẫn đến nạn ô nhiễm nặng nề môi trường sống. Các hiện tượng “hiệu ứng nhà kính”, “lỗ thủng ôzôn”, mưa a xít, sự tăng lên nhiệt độ toàn cầu, sa mạc hoá, sự biến khỏi trái đất nhiều loại động vật, thực vật,… là những bằng chứng về sự phá hoại tự nhiên của con người. Vì vậy bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề không phải chỉ của một quốc gia, một dân tộc mà là một vấn đề mang tính toàn cầu.

Nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ, lao động thủ công là phổ biến.Chính vì vậy, chúng ta phải tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta là nhằm xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Đó là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hà Tây là một tỉnh nghèo chưa cân đối được thu - chi ngân sách (tổng chi lớn hơn tổng thu), lại là một tỉnh thuần nông. Do vậy, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng là một nhiệm vụ tất yếu khách quan. Nhưng vấn đề đặt ra là phải kết hợp mục tiêu kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường thì mới có sự phát triển bền vững. Ở nước ta, mặc dù quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá mới được thực hiện chưa lâu nhưng không ít vấn đề môi trường đã xuất hiện và đang tác động tiêu

cực đến sự phát triển. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tây lần thứ XIV đã chỉ rõ: phải khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường trong các cụm điểm công nghiệp, các làng nghề để đảm bảo phát triển bền vững… Phòng, chống cháy rừng và phát triển tài nguyên rừng. Tích cực trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, khoanh nuôi bảo vệ rừng, tạo môi trường sinh thái bền vững… Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo, tạo sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức và hành động bảo vệ môi trường. Khắc phục ô nhiễm ở các dòng sông, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là ở các làng nghề, các trại chăn nuôi. Đẩy mạnh xã hội hoá vệ bảo vệ môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia bảo vệ và khắc phục môi trường. Như vậy, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ môi trường, đây là một quá trình lâu dài, khó khăn và phải thực hiện liên tục. Trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên hiện nay ở Hà Tây cần triển khai đồng bộ cả ba nhóm giải pháp sau:

- Nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường. Cụ thể là phải tiến hành thường xuyên công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như của Hà Tây về bảo vệ môi trường. Giáo dục cho mọi người ý thức, hành vi đạo đức môi trường, các kiến thức khoa học về bảo vệ môi trường - xây dựng nếp sống, thói quen bảo vệ môi trường.

- Xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường. Hà Tây cần cụ thể hoá các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường cho phù hợp với đặc điểm của Hà Tây.

- Hành động của con người về bảo vệ môi trường. Đó là hành động trong thực tế của mọi cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đoàn thể và của mọi công dân trên địa bàn Hà Tây để bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Hà Tây là một công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài và đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Với ý nghĩa đó, chúng tôi xin góp một phần nhỏ vào quá trình bảo vệ môi trường tự nhiên ở Hà Tây, để phục vụ đắc lực cho sự phát triển bền vững ở vùng đất này.

DANH MỤC TÀI LIÊU THAM KHẢO

1 Ph. ĂngGhen (1971), Biện chứng của tự nhiên, NXB. Sự thật, Hà Nội. 2 Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam

(27/6/1998) “Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời

kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Báo nhân dân.

Một phần của tài liệu Môi trường tự nhiên dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Tây hiện nay (Trang 59)