Nhóm giải pháp này được xây dựng dựa trên nguyên lý cơ bản của triết học Mác - Lênin về sự điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Bằng hoạt động thực tiễn, con người và xã hội ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự biến đổi và sự phát triển của tự nhiên. Đứng trên bình diện xã hội, những kết quả mà con người đạt được trong lĩnh vực sản xuất vật chất đều phải nhằm phục vụ cho mục đích phát triển không ngừng của xã hội . Song, trong các chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, đặc biệt trong suốt mấy thế kỷ thống trị của chủ nghĩa tư bản, sự khai thác tự nhiên, vơ vét của cải nhằm thu lợi nhuận tối đa đã tàn phá tự nhiên hết sức nặng nề. Do đó, xét trên bình diện tổng thể của hệ thống tự nhiên - xã hội, thì hoạt động của con người là hoạt động tự phát. Vì vậy, những hoạt động đó chưa có tính toán đầy đủ những quy luật tồn tại và phát triển của tự nhiên mà con người cần tuân thủ trong hoạt động thực tiễn, trước hết là hoạt động sản xuất xã hội, là quy luật bảo đảm cơ chế hoạt động bình thường của chu trình sinh học, hay chu trình trao đổi vật chất năng lượng và thông tin của tự nhiên. Bới vì sự thống nhất giữa xã hội được thực hiện thông qua cơ chế hoạt động của chu trình này. Bằng hoạt động sản xuất, xã hội đã tham gia vào chu trình trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin với tự nhiên. Song, “mắt khâu xã hội” trong chu trình đó đã không phù hợp với tính chất cơ bản của sinh quyển - tính tự tổ chức, tự điều chỉnh, tự làm sạch, tự bảo vệ. Cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn ra ở một số nơi trên hành tinh của chúng ta là
hậu quả của những hành động thiếu suy nghĩ và “bóc lột” quá đáng tự nhiên của con người, đặc biệt dưới chủ nghĩa tư bản. Những hành động đó đã không chỉ huỷ hoại các sinh vật, mà còn làm tổn hại đến khả năng tự điều chỉnh của các hệ thống tự nhiên hay hệ thống tự điều chỉnh của khí quyển. Bởi vậy, tự nhiên đang trả thù chúng ta, đang chống lại chính con người điều mà cách đây hơn 100 năm Ph.Ăng Ghen đã từng cảnh báo. Không thể tiếp tục phạm sai lầm, phải tìm cách sống hài hoà với tự nhiên, phải điều khiến có ý thức mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Đó là cách giải quyết đúng đắn cho các vấn đề sinh thái toàn cầu hiện nay. Bởi vì “chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc của chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với cả các sinh vật khác là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng những quy luật đó một cách chính xác” [37, tr.655]. Như vậy, để điều khiển được tự nhiên trước hết, con người cần phải nhận thức được rằng mình là một bộ phận không thể tách rời của tự nhiên, hơn thế nữa còn là con đẻ của tự nhiên. Vì vậy, con người cần phải nắm vững những quy luật của tự nhiên và quan trọng hơn, phải biết vận dụng các quy luật đó một cách chính xác vào hoạt động thực tiễn của mình. Đây chính là cơ sở lý luận của giải pháp nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường. Ở nhóm giải pháp này, Hà Tây có điều kiện hết sức thuận lợi để thực hiện. Những điều kiện đó là: Trên địa bàn Hà Tây hiện nay tất cả các xã đều có trường tiểu học. 100% số xã được công nhận hoàn thành phổ cập tiểu học và xoá nạn mù chữ. Toàn tỉnh có 59 trường phổ thông trung học.Các huyện đều có các trung tam giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp. Trên địa bàn Hà Tây có 10 trường đại học và cao đẳng, 9
trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, 3 trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Liên đoàn lao động tỉnh. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Hà Tây luôn cần cù lao động, kiên cường bất khuất trong chiến đấu đã tạo nên những làng mạc trù phú, giàu truyền thống văn hoá, luôn bảo lưu những di sản văn hoá - những di sản đã kết tinh tài năng, trí tuệ, tình cảm yêu nước, yêu quê hương, yêu thiên nhiên nồng nàn của nhân dân. Trên cơ sở những điều kiện như vậy, Hà Tây có thể thực hiện nhóm giải pháp nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường cụ thể như sau:
- Trước hết là tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.
Tuyên truyền ở đây có nghĩa là phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như Luật môi trường, quan điểm của Đảng ta về công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với việc bảo vệ môi trường. Tuyên truyền quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Tây cũng như các Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong tỉnh về bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền có thể thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như phát thanh, truyền hình, có thể thông qua các cuộc thi tìm hiểu về môi trường,… Hà Tây có lễ hội chùa Hương từ mùng 6 tháng giêng âm lịch đến tháng 3 âm lịch hàng năm với hàng vạn lượt khách du lịch, vì thế có thể sử dụng hình thức tuyên truyền như Áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi,… để tuyên truyền những nội dung cơ bản của vấn đề bảo vệ môi trường. Thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về các sự cố, các hiểm hoạ môi trường trên thế giới trong nước và trong tỉnh tới đông đảo quần chúng nhân dân để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Giải pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường nên triển khai ở phạm vi rộng, hiểu với nghĩa rộng. Bản thân việc đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo
nói chung cũng như tạo tiền đề cơ sở cho việc tạo dựng ý thức bảo vệ môi trường. Bởi vì trình độ dân trí nói chung được nâng cao cũng đồng nghĩa với việc con người nhận thức đầy đủ hơn các quy luật khách quan của tự nhiên và trong hoạt động thực tiễn của mình tuân thủ theo các quy luật ấy. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường còn thể hiện ở việc đưa Luật môi trường và những nội dung cụ thể của bảo vệ môi trường ở địa phương vào chương trình giáo dục của các bậc học từ mẫu giáo tới trung học phổ thông. Động viên, hướng dẫn và giáo dục cho nhân dân thực hiện nếp sống sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh công cộng, tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng. Giáo dục cho nhân dân những phương pháp sản xuất mới, những công nghệ sản xuất mới nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Một nội dung khác của giáo dục bảo vệ môi trường là phải xây dựng và giáo dục đạo đức môi trường. Đạo đức môi trường là một phương diện của đạo đức nói chung, là sự thể hiện và thực hiện đạo đức xã hội trong lĩnh vực qua hệ giữa con người và tự nhiên. Cần phải xây dựng đạo đức môi trường vì đằng sau quan hệ giữa con người và môi trường là quan hệ đạo đức giữa người với người. Để bảo vệ môi trường thì sự điều chỉnh bằng luật pháp hay các quy chế là chưa đủ. Đạo đức có vai trò to lớn và không thể thiếu được trong việc điều chỉnh mọi hành vi, mọi quan hệ giữa người và người. Sự điều chỉnh bằng đạo đức là sự điều chỉnh không chỉ tự giác mà còn là sự tự nguyện, điều mà điều chỉnh bằng pháp luật không có được. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của đạo đức môi trường ngày càng trở lên quan trọng. Ở nước ta cũng như ở Hà Tây hiện nay, cần phải đẩy mạnh việc xây dựng và giáo dục đạo đức môi trường, biến các chuẩn mực đạo đức môi trường thành sức mạnh nội tâm của mỗi người, để những chuẩn mực đó thôi thúc chúng ta trên tất cả các cấp độ, các lĩnh vực hoạt động nhằm xây dựng một xã hội bền vững, một cuộc sống bền vững. Trong việc xây dựng và giáo dục đạo đức môi trường, chúng ta dựa
trên cơ sở lý luận là triết học và đạo đức học Mác - Lênin, đồng thời cũng cần phải tính đến bối cảnh chung của tình trạng môi trường ở nước ta, truyền thống văn hoá, đặc biệt là truyền thống hoà hợp giữa con người với thiên nhiên trong triết lý phương Đông và Việt Nam. Nếu coi những yếu tố cơ bản của đạo đức nhân loại về cuộc sống bền vững là sự phản ánh những nỗ lực hiện nay của nhân loại trong việc xây dựng những chuẩn mực, những yêu cầu của đạo đức môi trường thì chúng ta cần tiếp nhận và luận giải chúng trên tinh thần của triết học và đạo đức học Mác - Lênin và truyền thống hoà hợp với thiên nhiên ở nước ta để từ đó cụ thể hoá thành những chuẩn mực phù hợp với điều kiện hiện nay ở nước ta. Những chuẩn mực đạo đức môi trường sau khi đã được xây dựng, phải tiến hành truyền bá, giáo dục trong quảng đại nhân dân. Để cuối cùng làm sao cho mỗi chiến lược, mỗi dự án phát triển đều kết hợp được các mục tiêu kinh tế - xã hội và môi trường, làm sao cho mỗi người dân đều thấu hiểu được và quán triệt được những chuẩn mực đạo đức vì xã hội, vì cuộc sống bền vững, đó là mục tiêu của phát triển và cũng đồng thời là mục tiêu của đạo đức và đạo đức môi trường ở nước ta cũng như ở Hà Tây hiện nay.
- Xây dựng nếp sống, thói quen bảo vệ môi trường:
Để có được nếp sống, thói quen bảo vệ môi trường thì ngoài tuyên truyền, giáo dục còn phải đẩy mạnh các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường để từ đó hình thành nếp sống, thói quen của cả cộng đồng. Có thể triển khai các biện pháp cụ thể như: phát động giữ gìn khu phố, làng xóm, bệnh viện, trường học, cơ quan, nhà máy,… xanh - sạch - đẹp để từ đó hình thành thói quen bảo vệ, giữ sạch môi trường. Ở các trường học nên sử dụng các tiết học dành cho địa phương, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để xây dựng ở các em học sinh nếp sống, thói quen bảo vệ môi trường. Trong các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, khu phố văn hoá, làng văn hoá nên đánh giá cao hơn tiêu chuẩn về
giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái. Vận động bà con nông dân thay đổi cách canh tác gây ô nhiễm môi trường bằng phương pháp canh tác ít gây ô nhiễm môi trường hơn, chẳng hạn như đa dạng hoá cây trồng, thay đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp, sử dụng phân hữu cơ, bèo hoa dâu, vận dụng nông nghiệp sinh thái,… để vẫn đạt hiệu quả sản xuất cao nhưng lại giảm ô nhiễm môi trường. Kết hợp các loại cây trồng vật nuôi trong một hệ thống sản xuất liên hoàn, khép kín để giảm thiểu ô nhiễm như: vườn - ao - chuồng hay vườn - ao - chuồng - rừng.
Như vậy, giải pháp nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường là một tổng thể gồm nhiều công việc cụ thể khác nhau, gắn bó mật thiết với nhau. Tuy nhiên, chỉ nâng cao nhận thức của con người thì chưa đủ mà còn cần phải có một hệ thống các quy định mang tính cưỡng chế để điều chỉnh hành vi của con người, buộc con người phải hành động theo hướng bảo vệ môi trường tự nhiên.