Xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu Môi trường tự nhiên dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Tây hiện nay (Trang 57)

Ở phạm vi quốc gia, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bộ luật hình sự nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 đã có một chương quy định các tội phạm về môi trường - Đó là chương XVII, từ điều 182 đến điều 191 quy định các tội phạm về môi trường như: tội gây ô nhiễm không khí; tội gây ô nhiễm nguồn nước; tội gây ô nhiễm đất; tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; tội huỷ hoại rừng; tội vi phạm các quy định về bảo vệ đông thực vật hoang dã quý hiếm; tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên. Trong Luật đất đai (2003) Nhà nước cũng có những quy

định liên quan đến bảo vệ môi trường như: quyền và nghĩa vụ tài sản của người sử dụng đất.Những quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường thể hiện tập trung nhất trong Luật môi trường. Gần đây Nhà nước ta đã thành lập lực lượng cảnh sát môi trường, lực lượng này là công cụ hiệu quả để bảo vệ, giữ gìn môi trường hiện nay. Nhà nước ta cũng đã xây dựng nhiều chính sách nhằm bảo vệ môi trường như: nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách bảo vệ môi trường: ban hành chính sách thuế, tín dụng nhằm khuyến khích việc áp dụng các công nghệ sạch; thể chế hoá việc đóng góp kinh phí bảo vệ môi trường; có chính sách và cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực từ các ngành, các thành phần kinh tế và người dân để bảo vệ môi trường,…

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của Trung ương về bảo vệ môi trường, các cấp chính quyền ở Hà Tây cần cụ thể hoá, xây dựng các quy định về bảo vệ môi trường cho phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể sau đây:

- Rà soát lại để loại bỏ các văn bản dưới luật ban hành trước đây có sự trùng lặp, mâu thuẫn, lạc hậu, không phù hợp với thực tế ở Hà Tây. Ban hành đồng bộ các văn bản mới vừa không trái với các văn bản của Trung ương, vừa phù hợp với đặc điểm cụ thể của Hà Tây.

- Quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn nữa yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới.

- Quy định về thời gian di rời các nhà máy có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư. Quy định về thời hạn chuyển đổi công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm sang công nghệ mới thân thiện với môi trường.

- Có chính sách đào tạo cán bộ, chuyên gia thuộc lĩnh vực môi trường. Tạo điều kiện tốt nhất để các cán bộ, chuyên gia môi trường hoạt động đạt hiệu quả

cao như cung cấp đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có chính sách ưu đãi về đời sống. Xây dựng mạng lưới cán bộ bảo vệ môi trường ở cơ sở giống như mạng lưới y tế viên ở các thôn, xóm, làng, bản, mà ngành y tế đã làm.

- Quy định về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường ở nơi công lập, cơ quan, nhà máy, trường học, khu du lịch.

- Xây dựng quỹ bảo vệ môi trường và mức đóng góp kinh phí bảo vệ môi trường đối với cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Có chính sách khuyến khích đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường như: trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, khắc phục ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nghiên cứu khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường,…

Như vậy, việc hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường tự nhiên, ban hành các chính sách về phát triển kinh tế, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ môi trường tự nhiên, làm cho việc bảo vệ môi trường tự nhiên trở lên có tổ chức chắt chẽ, có hệ thống thống nhất và đạt hiệu quả cao hơn.

Nếu như chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường và xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, chính sách bảo vệ môi trường, mà không tổ chức thực hiện trong thực tế thì môi trường tự nhiên vẫn chưa thể bảo vệ. Vì vậy, nhóm giải pháp tiếp theo phải là hành động của con người để bảo vệ môi trường tự nhiên.

Một phần của tài liệu Môi trường tự nhiên dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Tây hiện nay (Trang 57)