Giáo dục – đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Mỗi bậc học có một nhiệm vụ khác nhau trong quá trình hình thành và phát triển nhận thức của mỗi con người. Trải qua các bậc học khác nhau, con người càng hoàn thiện mình hơn hướng đến một con người toàn diện. Trong tất cả các bậc học thì Tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục học ở bậc học cao hơn. Giáo dục Tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho việc phát triển đúng đắn, lâu dài về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, thẩm mĩ và các kĩ năng sống cơ bản nhất giúp các em có thể tiếp tục học lên các bậc học, các lớp học cao hơn. Lớp 1 có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân nước ta nói chung và ở bậc Tiểu học nói riêng – lớp đầu tiên trong cuộc đời của trẻ ở trường Tiểu học.Việc đứa trẻ đi học là một bước ngoặt quan trọng để lại dấu ấn đậm nét, các em “thực hiện bước chuyển từ người mù chữ đến sáng chữ (từ chưa biết chữ đến biết chữ)”. Từ Mẫu giáo vào lớp 1 là một bước ngoặt quan trọng đối với mỗi học sinh. Trẻ vào lớp 1 có sự chuyển biến trong hoạt động chủ đạo từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập, trẻ tham gia vào môi trường học tập hoàn toàn mới, tham gia vào một cuộc sống mới, hoạt động mới, yêu cầu mới, quan hệ mới, các hình thức hoạt động với những yêu cầu ở trường Tiểu học cũng thay đổi so với Mầm non trước đây, điều đó sẽ gây cho trẻ rất nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn về tâm lý của trẻ. Những khó khăn tâm lý này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hứng thú, kết quả học tập cũng như các hoạt động của trẻ, nguy hiểm hơn nữa là nó có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ sau này. Theo số liệu của Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình từ năm 2014 – 2017 trung bình mỗi năm ở nước ta có hơn 1 triệu học sinh bước vào lớp 1, sự hồi hộp, lo lắng, căng thẳng, thiếu tự tin, áp lực là những khó khăn tâm lý chung của học sinh khi chuẩn bị bước vào lớp 1 đó là một yêu cầu lớn để những nhà giáo dục có giải pháp giúp trẻ bước vào lớp 1 khắc phục được khó khăn tâm lý ấy nhằm giúp trẻ sẽ dễ dàng thích nghi với hoạt động học tập tốt hơn. Ở các vùng miền khác nhau những khó khăn này bộc lộ cũng khác nhau. Qua sự khảo sát ở một số lớp 1 đóng trên địa bàn huyện Di Linh – một vùng có phần đông học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi nhận thấy việc đưa ra những giải pháp để khắc phục khó khăn tâm lý trong hoạt động của trẻ trên địa bàn này là hết sức cần thiết. Từ đó giúp trẻ có được hứng thú đến trường, đến lớp, nhanh chóng tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất để đạt được kết quả cao trong hoạt động học tập, cũng như phát triển tốt nhân cách và đạo đức. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu đề cập đến vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh Tiểu học, song những khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của trẻ Tiểu học nhất là học sinh lớp 1 ở vùng sâu vùng xa, vùng có phần đông trẻ em là dân tộc thiểu số, có nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế xã hội như huyện Di Linh thì chưa có đề tài nghiên cứu nào đề cập tới. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành lựa chọn đề tài nghiên cứu: “Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh lớp 1 ở một số trường Tiểu học vùng sâu vùng xa huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng”.