Sự vận động và diễn biến của sức mua tiền tệ trên thị trường luôn luôn là tấm gương phản ánh một cách đầy đủ nhất thực trạng kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ phát triển. Vì thế, sức mua của tiền tệ và sự ổn định của nó luôn là một nhiệm vụ kinh tế quan trọng bậc nhất và cũng là nhiệm vụ chính trị mà các nhà chức trách của bất kỳ đất nước nào cũng phải đặc biệt quan tâm. Cũng bởi vì thế mà vấn đề lạm phát, chống lạm phát, kiềm chế và kiểm soát lạm phát là một trong những vấn đề đầu tiên trong việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước. Và cũng là vấn đề mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nhà quản lý dày công nghiên cứu và có nhiều tranh cãi. Lạm phát, nó luôn là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó kích thích tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, khi lạm phát cao và không kiểm soát được thì nó để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, cũng như xã hội. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam, lạm phát nổi lên là một vấn đề đáng quan tâm về vai trò của nó đối với sự nghiệp phát triển kinh tế. Nghiên cứu lạm phát, kiềm chế và chống lạm phát được thực hiện ở nhiều các quốc gia trên thế giới. Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của nhà nước, việc nghiên cứu về lạm phát và các biện pháp chống lạm phát có vai trò to lớn góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Lạm phát ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế xã hội, cho nên ảnh hưởng đến mỗi cá nhân trong xã hội. Do đó đề tài Lạm phát và kiềm chế lạm phát ở nước ta có ý nghĩa thiết thực đối với bản thân.