1. IoT là gì? Internet Of Things (IoT) theo nghĩa tiếng Việt có nghĩa là “Vạn vật kết nối”, ám chỉ khả năng kết nối nhiều thiết bị với nhau trong cùng một mạng. Trong đó, các thiết bị, phương tiện kết nối và thiết bị thông minh được gắn các thiết bị điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành và khả năng kết nối mạng giúp cho các thiết bị này có thể thu và nhận tín hiệu. Năm 2013, tổ chức Global Standards Initiative on Internet of Things (IoTGSI) đinh nghĩa IoT là hạ tầng cơ sở toàn cầu phục vụ cho xã hội thông tin, hỗ trợ các dịch vụ (điện toán) chuyên sâu thông qua các vật thể (cả thực lẫn ảo) được kết nối với nhau nhờ vào công nghệ thông tin và truyền thông hiện hữu được tích hợp. Với Internet Of Things, người sử dụng có thể quản lý các thiết bị từ bất kỳ nơi nào trên thế giới hoặc thiết lập chúng tự động hoạt động theo chương trình cài đặt sẵn bằng điện thoại hoặc máy tính. Bên cạnh đó, IoT còn có thể giao tiếp giữa các thiết bị máy móc với nhau, hạn chế tác động của con người. Tuy nhiên chúng thường chỉ sử dụng trong các ngành công nghiệp nặng. IoT bắt nguồn từ ý tưởng táo bạo của Ashton là kết nối tất cả mọi vật tồn tại trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người vào mạng Internet – biến tất cả các vật vô tri xung quanh ta, từ chiếc ghế, cái bàn, bàn chải đánh răng, hay máy tưới tiêu, thành những chiếc máy vi tính siêu vi có khả năng thu thập thông tin một cách toàn diện, đầy đủ, và tức thời (Ashton 2009). Ý tưởng này xuất phát từ hai quan sát của Ashton: 1 xã hội ngày càng chú trọng đến những khái niệm trừu tượng như ý tưởng, thông tin, và kiến thức khi nói đến Internet; 2 những vật chất trừu tượng này bắt nguồn từ dữ liệu, mà việc thu thập dữ liệu nhìn chung lâu nay vẫn bị hạn chế, bởi chúng được thực hiện từ ý định và khả năng bị giới hạn của con người, cho dù sự xuất hiện của Internet đã cho phép thu thập và lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ.