MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài luận án Chính sách pháp luật là những tư tưởng, đường hướng trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật. Trong đó chính sách xét xử hình sự (CSXXHS) là một bộ phận của chính sách pháp luật, thuộc chính sách hình sự và là thành tố quan trọng trong chính sách pháp luật tố tụng hình sự, nó có vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ chế điều chỉnh hoạt động xây dựng pháp luật hình sự và tổ chức thực hiện pháp luật hình sự, trọng tâm là hoạt động xét xử hình sự. Ngoài ra, CSXXHS còn góp phần giải thích pháp luật hình sự, giáo dục và đào tạo pháp luật hình sự để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể, đảm bảo hiệu quả trong việc đấu tranh, phòng và chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của các tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về chính sách pháp luật nói chung, về các thành tố của chính sách hình sự nói riêng như: Chính sách pháp luật hình sự; chính sách pháp luật tố tụng hình sự; chính sách phòng ngừa tội phạm; về hình phạt, hiệu quả của hình phạt… mỗi công trình nghiên cứu, bài viết lại khai thác những khía cạnh khác nhau của chính sách pháp luật, về luật hình sự, về tội phạm và hình phạt, về hoạt động xét xử hình sự... nhưng ít công trình nghiên cứu nào tập trung nghiên cứu về các thành tố của chính sách pháp luật tố tụng hình sự, đặc biệt là về CSXXHS, về những quan điểm, tư tưởng cơ bản của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế điều chỉnh hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật hình sự mà trọng tâm là những tư tưởng về xét xử hình sự sao cho khoa học, hợp lý và tiến bộ. Trong hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật hình sự thì chính sách luôn là vấn đề cơ bản, trọng tâm và phải đi trước để hoạt động xây dựng, thực hiện pháp luật đúng hướng và đạt hiệu quả cao. Bởi thế có nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, chính sách như hồn cốt, như triết học của pháp luật, không thể thiếu trong hoạt động lập pháp và hoạt động tư pháp, là kim chỉ nam cho hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật. Trong cuốn sách “Chính sách pháp luật, những vấn đề lý luận và thực tiễn” xuất bản năm 2020, GS. TS. Võ Khánh Vinh cho rằng: “Trong quá trình phát triển, trong lòng của khoa học chính sách pháp luật đã và đang hình thành nên các hướng nghiên cứu mới, đã và đang hình thành nên các chuyên ngành khoa học mới. Sự phân hóa như vậy trong đối tượng của chính sách pháp luật là hoàn toàn tất yếu và hợp quy luật, nó làm cho nhận thức của chúng ta về chính sách pháp luật trở nên sâu sắc hơn và là tiền đề cho việc tổng hợp, hệ thống hóa nhận thức về chính sách pháp luật ở trình độ lý luận cao hơn” [114. Tr. 46]. Đống thời, tác giả cho rằng: “Đẩy mạnh và phát triển các nghiên cứu về chính sách pháp luật sẽ góp phần đáp ứng các nhu cầu phát triển và hoàn thiện và hoàn thiện pháp luật của Việt Nam.” [114. Tr. 42]. Như vậy, có thể nói chính sách pháp luật có vai trò và tầm quan trọng trong việc hoàn thiện và phát triển pháp luật. Đối với Việt Nam, trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, về mặt lý luận và thực tiễn đang coi tòa án là trung tâm và lấy hoạt động xét xử làm trọng tâm, hướng đến mục tiêu công bằng, hướng thiện trong áp dụng pháp luật hình sự. Khi Việt Nam xác định tòa án nhân dân là thiết chế thực hành quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý... thì việc nghiên cứu chính sách xét xử cũng là vấn đề quan trọng cần đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện công cuộc cách tư pháp giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu về chính sách xét xử hình sự sẽ trang bị cho chúng ta hệ thống lý luận cơ bản, những kiến thức cần thiết về chính sách pháp luật nói chung, chính sách hình sự và chính sách xét xử hình sự nói riêng. Việc nghiên cứu về chính sách xét xử hình sự sẽ cho thấy thực trạng thực hiện chính sách xét xử hình sự, những khó khăn, những yêu cầu đặt ra, những giải pháp để việc thực hiện chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam ngày càng hiệu quả, khoa học và tiến bộ hơn. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài về CSXXHS ở Việt Nam là cần thiết, nhằm bổ sung lý luận cho chính sách pháp luật, làm phong phú hơn các thành tố của chính sách pháp luật, tạo tiền đề lý luận cho việc việc nhận thức và giáo dục đào tạo pháp luật hình sự, cho sự phát triển và hoàn thiện pháp luật hình sự ở Việt Nam. Từ những lý do trên, tác giả lựa chọn đề tài: “Chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam” làm luận án tiến sĩ luật học của mình.