Thông tin đối ngoại là một trong những nhiệm vụ thiết yếu, quan trọng hàng đầu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong suốt tiến trình đổi mới và phát triển toàn diện của đất nước, báo chí luôn là mũi nhọn xung kích, là lực lượng quan trọng trong việc thông tin các đường lối, chủ trương, chính sách và những thành tựu của Đảng và Nhà nước đến kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Đồng thời, bác bỏ những thông tin sai trái, thiếu khách quan của các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt về tình hình đất nước. Có thể nói, thông tin đối ngoại là một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí nước ta. Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều đơn vị chuyên trách chỉ làm công tác thông tin đối ngoại, song, báo chí vẫn luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng thông tin nhanh, nhạy, thu hút đông đảo nhân dân quan tâm. Thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, với 4 loại hình báo chí tiêu biểu, bao gồm báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử đã có nhiều bước khởi sắc. Mỗi loại hình có một ưu thế riêng trong việc tuyên truyền đối ngoại, song, truyền hình vẫn có một sức hấp dẫn đặc biệt bởi sự kết hợp sinh động của hình ảnh và âm thanh, đưa đến cho người xem cảm giác tin tưởng, chân thực. Thực tế hiện nay, ở nước ta, về truyền hình có rất nhiều đơn vị tham gia làm công tác thông tin đối ngoại, tiêu biểu phải kể đến VTV4, VTC10, HTV7…Mặc dù, truyền hình Việt Nam tham gia thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong suốt thời gian khá dài, song, trên thực tế, ở trong và ngoài nước hiện vẫn chưa thực hiện việc đánh giá thực trạng một cách tổng quát, có hệ thống, cũng chưa có những nghiên cứu chuyên sâu và chi tiết, chưa phân tích được ưu điểm, hạn chế và chỉ ra được những căn nguyên của nó, để từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại trên truyền hình. Năm 2010, Ban Tuyên giáo Trung Ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và một số đơn vị khác, tổ chức đi khảo sát một số đơn vị làm nhiệm vụ thông tin đối ngoại như VTV4, VOV5, Vietnamnews... những bước đầu mới chỉ đưa ra những nhận định sơ bộ, chung chung, chỉ dừng lại ở mức thăm và làm việc, chưa có những đánh giá sát thực về thực trạng của nó. Đây cũng chính là lý do thúc đẩy người viết chọn đề tài nghiên cứu “Thông tin đối ngoại trên truyền hình Việt Nam hiện nay” làm đề tài nghiên cứu của mình.