CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU 1.1 Lý do chọn đề tài Enzyme xanthine oxidase (XO) là một phức hợp metallo-flavoenzyme xúc tác hai bước cuối trong quá trình phân giải purine, cụ thể là biến đổi hypoxanthine thành xanthine và xanthine thành acid uric (Hille, 2006). Nồng độ acid uric trong máu cao là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh. Bệnh gout (Thống phong) là biểu hiện lâm sàng của tình trạng tăng acid uric máu, với sự tạo thành các tinh thể acid uric, đặc biệt là ở các khớp (Smalley et al., 2000; Kasper et al., 2015). Bên cạnh đó, tăng acid uric trong máu thường kèm theo tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, sỏi thận, đái tháo đường và các hội chứng chuyển hóa khác (Nakanishi et al., 1999). Ngoài ra, hoạt động của enzyme XO cũng là nguyên nhân dẫn tới sự tạo ra nhiều gốc tự do có hại cho cơ thể (Cotelle, 2001; Van et al., 2002). Những bệnh có liên quan đến tăng acid uric trong máu đang khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng trên thế giới (Li et al., 2017; Naz et al., 2021). Ức chế enzyme XO là mục tiêu căn bản trong việc điều trị tăng acid uric trong máu (Terkeltaub, 2003; Pacher et al., 2006). Các thảo dược, các hợp chất từ tự nhiên có hoạt tính ức chế enzyme XO ngày càng được quan tâm vì tính an toàn và hiệu quả trong việc phòng trị tăng acid uric trong máu. Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã được thực hiện nhằm mục đích tìm kiếm các thảo dược, các hợp chất thiên nhiên có khả năng ức chế enzyme XO (Agustin et al., 2013; Thiombiano et al., 2014; Xu et al., 2014). Ở Việt Nam cũng có một số nghiên cứu tìm kiếm những thảo dược có khả năng ức chế enzyme XO (Nguyen et al., 2004; Hoàng thị Thanh Thảo và ctv, 2013). Tuy nhiên, Việt Nam có nguồn thảo dược dồi dào (Đỗ Tất Lợi, 2014). Nhiều thảo dược có tiềm năng vẫn chưa được khảo sát về khả năng ức chế enzyme XO. Vì vậy, đề tài “Sàng lọc các thảo dược có khả năng ức chế enzyme xanthine oxidase để giảm sự tạo thành acid uric” được thực hiện nhằm xác định thêm một số thảo dược có khả năng ức chế enzyme XO.