nâng cao chất lượng khách sạn, chiến lược marketing sản phẩm, giải pháp phát triển thị trường, kế toán trang thiết bị, nâng cao dịch vụ tiệc cưới, marketing xúc tiến bán
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI 1.1.Tính cấp thiết nghiên cứu của đề tài. Ngày nay, chúng ta đang tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, sản xuất trong nước ngày càng phát triển, nhu cầu về năng lượng tăng cao. Vì vậy, hiện nay nguồn nhiên liệu có một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế, đó là sản xuất ra nguồn năng lượng. Với tiềm năng hạn chế về thủy điện và nguồn khí đốt tại Việt Nam, vai trò của nhiệt điện chạy bằng than ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ than ngày càng lớn. Than là nguyên liệu chính trong các nhà máy nhiệt điện ( Chiếm 94%) được dùng như là một loại nhiên liệu đốt trong lò hơi tạo ra nhiệt và áp suất để quay tuốc bin phát điện. Đồng thời, than cũng là nguồn nguyên liệu được sử dụng rất nhiều tại các nhà máy sản xuất như: Than dùng cho nhà máy xi măng là nhiên liệu được sử dụng để tạo nhiệt cho quá trình sản xuất clanke, than dùng cho luyện coke, luyện thép bằng cách nung than luyện coke ở tình trạng yếm khí trong lò luyện coke, than còn được dùng trong sản xuất giấy, phân bón, hóa chất… Ở Việt Nam, Than là một sản phẩm có lợi thế rất lớn về quy mô và trữ lượng . Nước ta có 2 bể than lớn là bể than Quảng Ninh và bể than Đồng Bằng Sông Hồng với tổng trữ lượng ước đạt khoảng 220 tỷ tấn Bên cạnh đó, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực, tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp như : Điện, giấy, xi măng, phân bón,…ngày càng cao, thì nhu cầu tiêu thụ than hiện nay là rất lớn. Trong khi thực trạng thương mại sản phẩm than đang tồn tại nhiều vấn đề: Sản xuất than ngày càng khó khăn, công tác kho bãi còn nhiều bất cập, hiện tượng xuất lậu than diễn ra với cường độ lớn, chất lượng than chưa đảm bảo cho các ngành sản xuất. Vì vậy phát triển thương mại sản phẩm than là một yêu cầu cấp thiết. Trong quá trình thực tập, tìm hiểu hoạt động của công ty TNHH một thành viên than Hạ Long thuộc Tập Đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam (TKV ) em đã phát hiện được những thành công cũng như những hạn chế trong việc phát triển thương mại sản phẩm than của công ty hiện nay như: lượng than lậu xuất ra bên ngoài vẫn xảy ra liên tiếp, khâu khai thác còn diễn ra nhỏ lẻ, công tác quản lý kho bãi chưa hiệu quả, chất lượng than không đảm bảo, cơ sở hạ tầng thương mại phục vụ kinh doanh than còn kém hiệu quả….Việc phát triển thương mại sản phẩm than đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong quá trình sản xuất là một vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy em đã chọn đề tài “ Giải pháp thị trường nhằm phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường nội địa của công ty TNHH một thành viên than Hạ Long”. 1.2. Xác lập và tuyên bố vấn đề trong đề tài. Qua quá trình thực tập tại công ty TNHH một thành viên than Hạ Long, cùng với quá trình tìm hiểu thị trường than nội địa. Để phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường nội địa trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Đề tài khảo sát thực trạng phát triển thương mại sản phẩm than của công ty trên thị trường nội địa, thông qua các bản báo cáo tổng kết, báo cáo tình hình tiêu thụ sản phẩm than và phiếu điều tra, phỏng vấn. Trên cơ sở nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề, đề tài tập trung giải quyết : - Về lý luận : Đề tài trả lời câu hỏi phát triển thương mại sản phẩm than là gì? Các chỉ tiêu được sử dụng phát triển thương mại sản phẩm? Những nhân tố gì tác động và tác động như thế nào tới quá trình phát triển thương mại sản phẩm than? Lấy chúng làm cơ sở đi sâu nghiên cứu vấn đề về phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường nội địa. - Về thực tiễn : Đề tài đi tìm câu trả lời cho những vấn đề đặt ra bao gồm : thực trạng phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường nội địa của công ty TNHH một thành viên than Hạ Long? Cụ thể là thực trạng về quy mô thương mại, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững trong thương mại sản phẩn than của công ty. Qua đó đánh giá những thành công, hạn chế của công ty trong quá trình phát triển thương mại mặt hàng này, đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân đưa đến thành công, hạn chế đó. Trên cơ sở phân tích những chỉ tiêu, dề xuất một số giải pháp để phát triển thương mại sản phẩm than của công ty trên thị trường nội địa theo hướng mở rộng quy mô thương mại 1.3. Mục tiêu nghiên cứu đề tài - Về lý luận : Làm rõ những vấn đề lý thuyết liên quan đến phát triển thương mại sản phẩm than, tập vận dụng những lý thuyết đã được đào tạo trong ghế nhà trường về kinh tế nói chung và về kinh tế thương mại nói riêng vào thực tiễn, trước hết là tại doanh nghiệp thực tập - Về thực tiễn: Trên cơ sở áp dụng lý thuyết điều tra, phỏng vấn, những nghiên cứu của đề tài là cơ sở đưa ra những giải pháp thị trường nhằm phát triển thương mại sản phẩm than của công ty trong giai đoạn hiện nay, khắc phục những tồn tại trong thực tiễn 1.4. Phạm vi nghiên cứu đề tài Nội dung : Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng và giải pháp thị trường nhằm phát triển thương mại sản phẩm than của công ty TNHH một thành viên than Hạ Long trên thị trường nội địa, trong đó tập trung vào các giải pháp phát triển thương mại theo hướng mở rộng quy mô. Phạm vi thời gian: Thực trạng vấn đề được nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2010, đề xuất các phương hướng, quan điểm và giải pháp thị trường phát triển thương mại sản phẩm than cho giai đoạn 2011-2015. Phạm vi không gian : Phạm vi thị trường nghiên cứu được giới hạn trong thị trượng nội địa, đi sâu nghiên cứu về quy mô, cấu trúc và sự tiêu thụ, tình hình phát triển thương mại của thị trường trong nước. 1.5. Một số khái niệm và phân định nội dung của vấn đề nghiên cứu 1.5.1. Một số khái niệm 1.5.1.1. Khái quát về sản phẩm than - Khái niệm : Than trong tiếng Việt có thể chỉ: + Các loại than thường gặp, trong công nghiệp và dân dụng, có thể là: than mỏ, than nâu, than đá, than (nguyên tố) (carbon), than hoạt tính, than gỗ, than cốc + Đơn vị đo diện tích than trong hệ đo lường cổ của Việt Nam. 1 than = 1 ngũ × 1 ngũ = 4 m² + Than được sử dụng như một loại nguyên liệu, nhiên liệu trong các nhà máy nhiệt điện, các hộ tiêu dùng và các nhà máy sản xuất như : sản xuất giấy, sản xuất phôi thép, cán thép, xi măng… - Phân loại Sản phẩm than cũng có nhiều loại khác nhau và dựa vào đặc tính của than mà người ta có thể sử dụng với các mục đích khác nhau. - Than đá: Thuộc dòng antraxit,đây là một loại nhiên liệu hóa thạch được hình thành ở các hệ sinh thái đầm lầy nơi xác thực vật được nước và bùn lưu giữ không bị ôxi hóa và phân hủy bởi sinh vật (biodegradation).Thành phần chính của than đá là cacbon,tỷ lệ các-bon ổn định 89-90%, ngoài ra còn có các nguyên tố khác như lưu huỳnh. Than đá là sản phẩm của quá trình biến chất, là các lớp đá có màu đen hoặc đen nâu có thể đốt cháy được, nhiệt lượng cao khoảng 7350-8200 Kcal/Kg được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện, sản xuất phôi thép, cán thép - Than cám: Chất lượng than được đánh giá dựa trên độ tro và độ ẩm có trong thành phần của than. Độ ẩm và độ tro càng cao thì nhiệt năng tỏa ra càng giảm; đặc biệt, nếu than có độ tro cao còn tạo nên một lớp vỏ bọc quanh ống than làm giảm hiệu suất của lò. Vì vậy, khi đưa ra tiêu thụ cần làm tốt công tác chế biến,sàng tuyển. Ngoài ra, còn một số loại than khác như: than Anthracite, than bùn, than gỗ, than nâu…được sử dụng trong các hộ tiêu dùng và các mục tiêu sử dụng khác. 1.5.1.2. Phát triển thương mại sản phẩm than: - Nội hàm phát triển thương mại bao gồm việc gia tăng quy mô một cách hợp lý, thúc đẩy nhịp độ, tốc độ tăng trưởng thương mại nhanh, ổn định và liên tục, cải thiện chất lượng phát triển thương mại gắn với chuyển dịch cơ cấu thương mại phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả thương mại hướng vào các mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường - Từ cách hiểu trên, có thể hiểu Phát triển thương mại sản phẩm than là sự nỗ lực cải thiện về quy mô khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm than và các hoạt động thương mại tham gia vào quá trình cung ứng than trên thị trường nhằm đảm bảo chất lượng than, không ngừng cải thiện và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm than trên thị trường.Khái niệm còn bao hàm sự tăng trưởng về tốc độ phát triển, sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm than trong ngành, và một nội dung không thể thiếu là hiệu quả thương mại theo hướng phát triển bền vững – là mục tiêu mà các doanh nghiệp đều hướng đến. Bản chất của sự phát triển thương mại sản phẩm than: + Sự mở rộng về quy mô thương mại sản phẩm than Mở rộng quy mô thương mại sản phẩm than tức là làm cho lĩnh vực thương mại sản phẩm than có sự gia tăng sản lượng tiêu thụ qua đó gia tăng giá trị thương mại và có sự mở rộng về thị trường tiêu thụ. + Lĩnh vực thương mại phải có sự thay đổi về chất lượng Phát triển thương mại sản phẩm than về mặt chất lượng là sự đổi mới, cải tiến hoạt động thương mại sản phẩm này nhằm tạo lòng tin của khách hàng đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Để có thể phát triển thương mại sản phẩm than của DN trên thị trường thì cần phải đảm bảo các yếu tố như: chất lượng sản phẩm than phải theo tiêu chuẩn cũng như phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp có kỹ năng kiến thức, kỷ luật…. + Phát triển thương mại gắn với việc nâng cao hiệu quả Hiệu quả thương mại sản phẩm than phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực phục vụ cho hoạt động kinh doanh mặt hàng này. Nâng cao hiệu quả đối với thương mại sản phẩm than là việc tác động mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nguồn nhân lực,… của công ty trong các khâu : khai thác,vận chuyển, tiêu thụ… + Phát triển thương mại hướng tới tính bền vững: Phát triển bền vững là sự kết hợp giữa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Sự phát triển thương mại sản phẩm không làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển trong tương lai Để phát triển thương mại sản phẩm than theo hướng phát triển bền vững thì cần có sự kết hợp hài hòa ba mặt lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường. Làm thế nào để tăng thu tử kinh doanh than, đồng thời phải giải quyết được các vấn đề xã hội như nạn thất nghiệp, nâng cao đời sống công nhân và người dân,…và bảo vệ không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường sạch, đẹp. 1.5.2. Một số lý thuyết liên quan đến phát triển thương mại sản phẩm than 1.5.2.1. Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả phát triển thương mại sản phẩm a. Chỉ tiêu về quy mô: Các chỉ tiêu về quy mô được thể hiện trên các mặt như: tổng giá trị thương mại sản phẩm tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ, phần trăm tăng trưởng sản lượng, doanh thu… Tổng giá trị thương mại: Tổng giá trị thương mại sản phẩm là toàn bộ doanh thu bán lẻ hàng hóa trên thị trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Kết quả tính toán chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ/ tổng giá trị thương mại, số lượng tiêu thụ / tổng sản lượng cho thấy 1 đơn vị sản lượng sản phẩm than được tiêu thụ đóng góp bao nhiêu phần trăm vào tổng giá trị thương mại sản phẩm than hay trong tổng sản lượng ngành than nói chung Sản lượng tiêu thụ: là số lượng hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp bán trên thị trường Phần trăm tăng trưởng sản lượng: Là phần trăm tăng thêm của sản lượng tiêu thụ năm nay so với năm trước. Dựa vào phần trăm tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của sản phẩm mà có thể biết được nhu cầu về sản phẩm là cao hay thấp. Nếu tăng trưởng cao thì chứng tỏ nhu cầu về sản phẩm này là cao và ngược lại nếu sản lượng tiêu thụ tăng trưởng thấp thì nhu cầu về sản phẩm này là thấp. Con số phần trăm tăng trưởng sản lượng tiêu thụ than nói lên quy mô tăng trưởng của sản phẩm than trên thị trường nội địa qua các năm, từ đó cho thấy đồ thị biên độ dao động mức sản lượng qua các năm, nhận xét về sự biến động, là thước đo của sự phát triển thương mại. Doanh thu là thu nhập mà doanh nghiệp nhận được từ việc bán than TR = P x Q Trong đó : TR : Tổng doanh thu từ việc tiêu thụ than P : Gía bán một đơn vị ( thường là tấn ) than Q: Sản lượng than bán ra của doanh nghiệp b. Chỉ tiêu chất lượng: Chỉ tiêu chất lượng trong phát triển thương mại được hiểu trên khía cạnh tốc độ phát triển và tính đều đặn của sự tăng trưởng, sự chuyển dịch về cơ cấu sản phẩm. Chỉ tiêu về chất lượng là một trong những chỉ tiêu chủ yếu, là thước đo cơ bản của hiệu quả phát triển thương mại nói chung và sản phẩm than nói riêng. Tốc độ phát triển vừa là chỉ tiêu phản ánh quy mô phát triển ngành hàng, vừa là chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng phát triển thương mại. Tốc độ phát triển nếu cao và đều đặn, ổn định qua các năm cho thấy dấu hiệu của một nền thương mại phát triển mạnh, tiềm năng mở rộng trong tương lai. Ngược lại, nếu tốc độ phát triển thấp hoặc tốc độ phát triển cao nhưng không ổn định là biểu hiện của sự phát triển thương mại chưa vững chắc,hiệu quả. Sự chuyển dịch về cơ cấu: là sự thay đổi về tỷ trọng các loại sản phẩm theo chiều hướng gia tăng tỷ trọng của các sản phẩm có chất lượng cao, có hàm lượng chất xám, hàm lượng khoa học công nghệ cao và giảm dần tỷ trọng của các sản phẩm kém chất lượng. Phát triển thương mại sản phẩm than tăng trưởng tốt khi các sản phẩm chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm dần các sản phẩm thô chưa qua sơ chế, việc tiêu thụ mở rộng ra thị trường mới nhiều tiềm năng, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm than…. c. Chỉ tiêu hiệu quả: Nâng cao hiệu quả thương mại theo hướng phát triển bền vững là một nội dung quan trọng trong phát triển thương mại sản phẩm, vì vậy hiệu quả được coi là một trong những thước đo quan trọng nhất trong đánh giá kết quả phát triển thương mại. Nhóm chỉ tiêu hiệu quả được xem xét ở 2 cấp độ: vĩ mô và doanh nghiệp Xét trên cấp độ vĩ mô: nhóm chỉ tiêu hiệu quả đề cập đến sự đóng góp vào GDP quốc gia của ngành hàng, giá trị gia tăng của các sản phẩm đóng góp cho ngành, cho tổng giá trị hàng hóa quốc gia,… Ở góc độ doanh nghiệp: nhóm chỉ tiêu hiệu quả thể hiện ở doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng nguồn lực thương mại doanh nghiệp( vốn, lao động, tài chính…),… Lợi nhuận của doanh nghiệp là con số phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, là phần tiền thu được sau khi đã khấu trừ hết các khoản chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất và kinh doanh của DN. Lợi nhuận càng cao cho thấy doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, từ đó phát triển thương mại cũng thu được kết quả tốt. Công thức : P = TR – TC Trong đó: P : Lợi nhuận thuần TR: Tổng doanh thu TC: Tổng chi phí Tỷ suất lợi nhuận cho biết cứ 1 đơn vị doanh thu thuần thu được phản ánh bao nhiêu đơn vị lợi nhuận ròng. Tỷ suất lợi nhuận theo doanh thu = LNST /Doanh thu thuần Tỷ suất lợi nhuận càng lớn càng phản ánh doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong quá trình phát triển thương mại nói chung. Năng suất lao động bình quân cho thấy trung bình 1 lao động thì đóng góp bao nhiêu % vào tổng doanh thu của doanh nghiệp, năng suất lao động càng lớn thì hiệu quả càng cao. d. Chỉ tiêu xã hội Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển thương mại của một quốc gia. Thương mại phát triển ngoài mục tiêu lợi nhuận, sự đóng góp giá trị trong GDP ra còn phải đảm bảo đáp ứng được cả các mục tiêu xã hội như: tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp một phần vào tổng quỹ phúc lợi xã hội, hay phát triển thương mại phải dựa trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái,… Bảo vệ và phát huy lợi thế so sánh của quốc gia: khi phát triển thương mại sản phẩm cần khai thác lợi thế so sánh để đạt hiệu quả kinh tế cao trong hiện tại nhưng không làm mất đi mà còn duy trì và phát triển trong tương lai nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của đời sống kinh tế, xã hội. 1.5.2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển thương mại sản phẩm than. a. Nhóm nhân tố thuộc về thị trường: Các nhân tố thuộc về thị trường như: nhu cầu về sản phẩm than, sản phẩm thay thế sản phẩm than, giá cả của sản phẩm than. Ngành than nói chung và các DN kinh doanh than nói riêng phải chú ý đến nhu cầu của khách hàng để có những biện pháp kinh doanh tốt như đưa ra chiến lược về giá cả, sản phẩm, nghiên cứu và đa dạng hóa sản phẩm than cũng như nâng cao chất lượng để phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường. Đồng thời, đưa ra giá cả hợp lý để có thể cạnh tranh với các sản phẩm thay thế như dầu mỏ, khí đốt, đảm bảo an ninh năng lượng. b. Nguồn lực của doanh nghiệp Bao gồm: Nguồn lực về vốn, lao động, công nghệ… Các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh than phải có những cơ cấu phân bổ và sử dụng nguồn vốn hợp lý và có hiệu quả Lao động là yếu tố không thể thiếu trong mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh than. Là yếu tố trực tiếp tạo ra các sản phẩm trong các hoạt động sản xuất kinh doanh Đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ khai thác, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác hầm lò, tập trung vào việc cơ giới hóa hầm lò để nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện lao động và an toàn, vệ sinh công nghiệp. Muốn có chất lượng than tốt thì dây chuyền khai thác và chế biến than phải hiện đại c. Năng lực của ngành liên quan Sự phát triển của các ngành liên quan cũng ảnh hưởng tới sự phát triển thương mại sản phẩm than. Vì đó là các ngành liên quan đến các yếu tố đầu vào, đầu ra của ngành than đặc biệt là hoạt động phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường Việc mở rộng quy mô sẽ giúp DN đạt được hiệu quả theo quy mô, tăng quy mô thương mại d. Nhân tố pháp luật Nhà nước ban hành các điều luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động thương mại phát triển sản phẩm than DN sẽ có điều kiện nâng cao hiệu quả phát triển thương mại khi pháp luật thông thoáng, hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành hàng phát triển về cả quy mô, cơ cấu, theo cả chiều rộng và chiều sâu. e. Các chính sách vĩ mô của Nhà Nước Các chính sách vĩ mô của Nhà Nước có tác động đến phát triển thương mại sản phẩm than của các DN nói riêng và các ngành nghề nói chung. Các chính sách của Nhà Nước như: chính sách về vốn, chính sách về phát triển ngành than, chính sách thương mại Các chính sách của Nhà Nước sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm vốn trong việc phát triển thương mại sản phẩm, phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than trong nước, đảm bảo lượng than cung ứng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước 1.5.3. Phân định nội dung của vấn đề nghiên cứu Để đảm bảo đạt được mục tiêu nghiên cứu như đã nêu ở phần 1.3, đề tài đã hệ thống hóa các vấn đề lý thuyết liên quan đến phát triển thương mại sản phẩm than như: khái niệm phát triển thương mại, phát triển thương mại sản phẩm than, bản chất của phát triển thương mại sản phẩm than, các chỉ tiêu đánh giá, các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển thương mại sản phẩm than…lấy đó làm cơ sở nghiên cứu cho chương 2 Qua quá trình thực tập tại công ty TNHH một thành viên than Hạ Long cùng với việc thu thập xử lý các thông tin sơ cấp, thứ cấp em đã phát hiện những thành công cũng như những tồn tại trong phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường nội địa của công ty. Từ đó em xin đưa ra giải pháp vi mô, vĩ mô và một số kiến nghị với Nhà Nước để phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường nội địa của công ty. Các giải pháp chủ yếu bao gồm giải pháp đối với doanh nghiệp và một số kiến nghị với hiệp hội ngành và Nhà Nước, Tất cả những nội dung trên được trình bày trong 3 chương của chuyên đề như sau : Chương 1: Tổng quan nghiên cứu giải pháp thị trường nhằm phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường nội địa của công ty TNHH một thành viên than Hạ Long Chương 2: Phương pháp nghiên cứu và các kết quả phân tích thực trạng phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường nội địa của công ty TNHH một thành viên than Hạ Long Chương 3: Các kết luận và đề xuất về giải pháp thị trường nhằm phát triển thương mại sản phẩm than trên thị trường nội địa của công ty TNHH một thành viên than Hạ Long