. Tính cấp thiết của đề tài luận văn Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc. Cùng với công cuộc đổi mới của cả nước, trong những năm qua tỉnh Cao Bằng đã đạt được thành tựu đáng kể về mọi mặt, nhất là sau khi có chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu (KTCK), đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội (PTKTXH) của tỉnh nhanh và bền vững. Qua hơn 10 năm phấn đấu, hoạt động của khu KTCK tỉnh Cao Bằng đã có sự chuyển biến nhanh, tích cực thể hiện qua lượng xe qua lại khu KTCK ngày càng cao, chủng loại và lượng hàng hóa trung chuyển qua khu KTCK tỉnh ngày càng phong phú, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) ngày càng lớn, quy mô khu KTCK ngày càng mở rộng, dịch vụ hỗ trợ thương mại ngày càng phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho người dân vùng biên giới, cải thiện đời sống của người dân vùng biên giới và của tỉnh... Cao Bằng có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc tạo thuận giao lưu, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá. Trong đó Cửa khẩu Trà Lĩnh là cửa khẩu biên giới cấp tỉnh, thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, giáp với Long Bang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. So với các cửa khẩu khác thuộc tỉnh Cao Bằng, cửa khẩu Trà Lĩnh có khoảng cách đến Trung tâm Thành phố gần nhất, chỉ xấp xỉ 40 km. Đây là một lợi thế lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu. Nhận thức được tầm ảnh hưởng của việc phát triển kinh tế cửa khẩu đến phát triển chung của Tỉnh và khu vực, ngày 29/04/2011, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình số 10 về “ Phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2011 - 2015”, trong đó trọng tâm là cửa khẩu Trà Lĩnh; đồng thời UBND tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch “Phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2011 - 2015, thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên để triển khai thực hiện chặt chẽ nội dung Chương trình. Sau hơn 4 năm tổ chức thực hiện Chương trình, đã có trên 100 tỉ đồng được đầu tư vào cửa khẩu Trà Lĩnh (chiếm 33% tổng số vốn của các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng). Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được xây dựng như: đường tỉnh lộ 205 (đoạn thị trấn Hùng Quốc – cửa khẩu Trà Lĩnh); cải tạo Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu… Qua đó, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn những năm qua đã cán mức gần 180 triệu USD, năm sau đều có mức tăng vượt bậc so với năm trước. Riêng năm 2014, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu đạt gần 70 triệu USD, tăng 138% so với cùng kỳ 2013; thu thuế Hải quan đạt gần 60 tỷ đồng… Để tiếp tục phát huy tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu của huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng cần thực hiện các nghiên cứu dài hạn mang tính khoa học, khách quan nhằm xác định thế mạnh và định hướng phát triển bền vững cho hoạt động KTCK trong hiện tại và tương lai. Trong thực tiễn, kinh tế cửa khẩu của huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng vẫn hoạt động mang tính nhỏ lẻ, chủng loại hàng hóa còn chưa nhiều, cơ sở hạ tầng (CSHT) còn yếu, việc thu hút và đầu tư còn chậm và ít,... Tất cả những yếu kém này đang đe dọa sự phát triển kinh tế cửa khẩu của huyện, mà nếu không có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời để khắc phục thì mục tiêu đưa KTCK trở thành một mũi nhọn trong PTKTXH của tỉnh, của huyện có thể không đạt được. Do đó, để phát huy tiềm năng kinh tế cửa khẩu của huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng xứng đáng với vai trò là đầu tàu động lực trong sự phát triển của tỉnh, của huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới, nên tác giả đã chọn đề tài “Phát triển kinh tế cửa khẩu huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình. Đây là vấn đề cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, PTKTXH trong giai đoạn hiện nay của huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. 2. Mục tiêu nghiên cứu 2.1. Mục tiêu tổng quát Đánh giá được thực trạng và đề xuất giải pháp có cơ sở khoa học về phát triển kinh tế cửa khẩu huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng 2.2. Mục tiêu cụ thể Để thực hiện được mục tiêu tổng quát của đề tài xác định ở trên, mục tiêu cụ thể được đặt ra trong nghiên cứu là: - Hệ thống cơ sở luận phát triển kinh tế cửa khẩu. - Nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế cửa khẩu hiện nay. - Phân tích được thực trạng phát triển kinh tế cửa khẩu huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng thời gian qua (2016 – 2018). - Đề xuất phương hướng và giải pháp phát triển kinh tế cửa khẩu huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu đề tài Những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế cửa khẩu trên địa bàn huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. 3.2. Phạm vi Về không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu hoạt động kinh tế cửa khẩu của huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Về thời gian: Luận văn sử dụng tình hình phát triển và số liệu của kinh tế cửa khẩu huyện Trà Lĩnh từ năm 2016 đến năm 2018; Luận văn đề xuất phương hướng và giải pháp phát triển kinh tế cửa khẩu huyện Trà Lĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 4. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong nghiên cứu của đề tài, luận văn sử dụng chủ yếu phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: - Phương pháp so sánh: so sánh giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa yêu cầu đặt ra của đề tài và điều kiện cụ thể của địa phương trong quá trình thực hiện đánh giá tình hình phát triển kinh tế cửa khẩu của huyện Trà Lĩnh từ năm 2016 đến năm 2018. - Phương pháp điều tra thu thập số liệu thứ cấp: * Thu thập thông tin, số liệu, tài liệu liên quan đến đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội. * Thu thập thông tin, số liệu phát triển kinh tế cửa khẩu của huyện Trà Lĩnh thông qua các chỉ tiêu phát triển của các năm. Số liệu về tình hình đầu tư, phát triển và mở rộng cửa khẩu Trà Lĩnh trong những năm gần đây, đặc biệt là sự phát triển của kinh tế cửa khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu. - Phương pháp phân tích, đánh giá tổng hợp: từ các số liệu thu thập được tiến hành phân tích các mối liên hệ có liên quan đến sự phát triển của kinh tế cửa khẩu thời gian qua. - Phương pháp thống kê, tổng hợp số liệu: trên cơ sở các số liệu, tài liệu thu thập được ta sử dụng các phần mềm máy tính để thống kê, tổng hợp. - Phương pháp chuyên gia: tham khảo, xin ý kiến của các cán bộ chuyên môn giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế cửa khẩu tham gia đóng góp trong phân tích và đánh giá cũng như đề xuất các giải pháp phát triển trong những năm tới. 5. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tham khảo, bố cục luận văn được chia làm 03 chương: Chương 1: Những vấn đề lý luận chung về phát triển kinh tế cửa khẩu trong nền kinh tế thị trường. Chương 2: Thực trạng phát triển kinh tế cửa khẩu huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Chương 3: Giải pháp phát triển kinh tế cửa khẩu huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng thời gian tới.