Kỹ năng làm tốt môn ngữ văn Chương trình Ngữ văn lớp 12 năm nay có nhiều đổi mới. Một số bài được lược bỏ như Bên kia sông Đuống, Mùa lạc, Tiếng hát con tàu, Các vị La Hán chùa Tây Phương… Thay vào đó là các tác phẩm mới: Chiếc thuyền ngoài xa, Ai đã đặt tên cho dòng sông? Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc… Để nắm vững kiến thức, trước hết các em phải hệ thống lại những tác phẩm văn học Việt Nam đã học. Hệ thống hóa kiến thức có thể theo nhiều cách, và dựa vào tiêu chí khác nhau. Phân theo thể loại gồm có: thơ (bài thơ Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước…), văn xuôi (truyện ngắn Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, tùy bút Người lái đò sông Đà…) và kịch (trích đoạn vở kịch nói của Lưu Quang Vũ: Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Phân theo chủ đề như: tác phẩm chủ nghĩa anh hùng cách mạng (Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình…) và chủ nghĩa nhân đạo (Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa…). Phân theo thời gian gồm giai đoạn kháng chiến chống Pháp, giai đoạn chống Mỹ cứu nước và thời kỳ đổi mới… Không chỉ hiểu tác phẩm mà các em phải nắm vững thông tin về tác giả, nhớ đặc điểm chính của nhà văn, nhà thơ như biến cố cuộc đời, phong cách sáng tác. Về hoàn cảnh sáng tác, các em phải nắm bắt được bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm (như truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân gắn với nạn đói năm 1945). Ngoài ra, các em không thể bỏ qua chủ đề của tác phẩm vì đó là căn cứ quan trọng để phân tích giá trị tác phẩm, thái độ và cách giải quyết đề tài của nhà văn. Riêng phần văn học nước ngoài, các em cần thuộc phần tiểu sử và phong cách sáng tác của tác giả vì đề thi thường kiểm tra phần này. Đề thi về nghị luận xã hội thường hỏi những vấn đề xung quanh cuộc sống, đề tài rộng (về hiện tượng đời sống và tư tưởng đạo lý .). Phần mở bài các em phải nêu được vấn đề, giải thích rõ trong phần thân bài theo các thao tác bàn luận, phân tích, nêu nguyên nhân, giải pháp. Bàn về tư tưởng đạo lý, các em cũng phải biết giải thích phân tích vấn đề, bàn luận rồi sau đó nêu cách giải quyết, hướng phấn đấu chung. Để có kỹ năng làm bài tốt, các em phải làm văn đúng phương pháp (phân tích tác phẩm, phân tích nhân vật .), không chỉ chú ý nội dung mà còn khai thác các yếu tố và giá trị về nghệ thuật, thủ pháp xây dựng nhân vật, kết cấu tác phẩm… Cần rèn luyện khả năng diễn đạt, văn viết phải có cảm xúc, có hình ảnh, dẫn chứng tiêu biểu, chính xác chứ không phải nhớ gì viết nấy.