ĐƯỜNG THI: RẤT NHIỀU TRONG CHỈ BỐN CÂU THƠ Thơ Đường có thể loại cực ngắn, gọi là thơ Tứ tuyệt. Mỗi bài Tứ tuyệt có bốn câu. Nếu mỗi câu có bảy chữ thì gọi là Thất ngôn tứ tuyệt. Nếu mỗi câu có sáu chữ thì gọi là Lục ngôn tứ tuyệt. Nếu mỗi câu có năm chữ thì gọi là Ngũ ngôn tứ tuyệt. Cả ba loại Tứ tuyệt này đều được gọi là Tuyệt cú (Thất ngôn tuyệt cú, Lục ngôn tuyệt cú và Ngũ ngôn tuyệt cú). Đọc thơ Đường, người ta luôn phải ngạc nhiên trước sự kỳ diệu của thể loại này. Mỗi bài chỉ có 20, 24 hoặc 28 chữ (Hán), mà vô cùng linh diệu, biến ảo, hàm súc. Nhà thơ như một nghệ sĩ xiếc bậc thầy trong môn biểu diễn đoản kiếm vậy. Xưa nay, chúng ta đã quen với một số bài Tuyệt cú hay, qua bản dịch của ông cha: Trăng tà tiếng quạ kêu sương Lửa chài cây bến sầu vương giấc Hồ - Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San (Phong kiều dạ bạc Trương Kế - Tản Đà dịch); Bạn từ lầu Hạc lên đường Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng Bóng buồm đã khuất bầu không Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời (Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng Lý Bạch Ngô Tất Tố dịch)v.v . Ngoài những bài ấy, Tuyệt cú trong Đườngthi thật Muôn hình vạn trạng. Lý Bạch phiêu du, ưa Đạo Lão, chán sự đời, dùng 20 chữ để tỏ chí mình, dịch ra Lục bát là: Hỏi sao chọn chốn non xanh Ta cười không nói, lòng thanh thản lòng Kìa, hoa đào cũng theo dòng Sang trời khác, chẳng ở chung với đời (Sơn trung vấn đáp Đỗ Trung Lai ĐTL - dịch). Ông vịnh cái đình Lao Lao, tức là Tân Đình, ở phía nam huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô, nơi chuyên dùng cho người ta tiễn đưa nhau, cũng bằng 20 chữ, dịch ra Lục bát là: Cái nơi ruột xé gan bào Là nơi tiễn khách, là Lao Lao đình Gió xuân thấu hết nhân tình Nên xui liễu đứng bên đình đừng xanh (Lao Lao đình ĐTL dịch). Ông đùa Đỗ Phủ, bằng 28 chữ, dịch ra là: Giữa trưa, qua đầu núi Phạn Quả - Tình cờ lại gặp ông Đỗ Phủ - Nón lá thân gầy đến thế ư? Hay vì đục đẽo thơ mà khổ? (Hí tặng Đỗ Phủ - ĐTL dịch). Ông tình tứ bằng 20 chữ, dịch ra Lục bát là: Hái sen, nàng chợt thấy ta Quay thuyền, nàng khuất trong hoa, thẹn thùng Mình ta còn lại bên dòng Chỉ nghe tiếng hát mà không thấy người (Việt nữ từ - ĐTL dịch). Ông tặng vợ, vừa ngông vừa cảm động, cũng chỉ bằng 20 chữ, dịch ra Song thất Lục bát là: Ba trăm sáu mươi ngày say khướt Mở mắt nhìn, trời nước mang mang Theo ta làm vợ như nàng Khác chi làm vợ nhà quan Thái Thường! (Tặng nội ĐTL dịch). Quan Thái Thường Chu Trạch, đời Hậu Hán (25 220), vì làm chức quan coi sóc tôn miếu vương triều, nên giữ trai giới rất nghiêm, thường không về nhà với vợ! Nhớ quê, ông viết 20 chữ kinh điển: Ngỡ sương trên mặt đất Thì ra, trăng trước giường Ngẩng đầu trông trăng sáng Cúi đầu nhớ cố hương (Tĩnh dạ tư - ĐTL dịch). Cám cảnh Bãi bể nương dâu, ông dùng 28 chữ: Việt Vương ngày trước phá Ngô về - Lính thường cũng được khoác nhung y Cung nữ như hoa đầy điện ngọc Nay chỉ chim rừng hót Cối Kê! (Việt trung lãm cổ - ĐTL dịch). Cối Kê chính là Kinh đô nước Việt cái ngày vẻ vang ấy! Nhưng ghê gớm nhất là cái bài 20 chữ ông viết về kiếp người ngắn ngủi, về nỗi sầu vạn cổ, nỗi buồn tóc trắng muôn đời, dịch ra Lục ngôn tuyệt cú là: Tóc trắng dài ba ngàn trượng Sầu ta cũng dài lê thê Đầy gương hỏi đâu còn chỗ - Gọi chút sương thu theo về? (Thu Phố ca ĐTL dịch). Khó thấy ai thông thái, ngộ về thân phận con người đến thế, chỉ trong 20 chữ!v.v Đỗ Phủ, bạn thơ Lý Bạch, kém Lý Bạch 11 tuổi, cũng chỉ dùng 20 chữ để nói về cảnh quê thời loạn lạc, dịch ra là: Lâu nay thiên hạ trọng binh đao Không biết làng ta giờ ra sao Lần trước ta về, luôn thiếu bạn Họ đã sung quân tự thuở nào! Câu cuối đọc mà nhớ thời chiến tranh xưa, bạn bè đi lính cả, ruộng vườn nhà cửa gửi lại ba đảm đang! Cũng với 20 chữ, Đỗ Phủ viết Bát trận đồ, khi đứng trước di tích trận địa Khổng Minh vây Lục Tốn thời Tam Quốc, dịch ra Thất ngôn tuyệt cú là: Anh hùng cái thế thời Tam Quốc Lừng danh cùng Bát quái trận đồ Còn mãi bên sông thành đá cũ Như lời di hận chửa bình Ngô (ĐTL dịch). Ông còn là tác giả bài Thất ngôn tuyệt cú nổi tiếng, và bản dịch của Tản Đà cũng nổi tiếng lâu nay: Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc Một hàng cò trắng vút trời xanh Nghìn năm tuyết núi song in sắc Vạn dặm thuyền Ngô bến rập rình v.v Bạch Cư Dị giản dị, với 20 chữ trong bài Dạ vũ (Mưa đêm): Dế sớm vừa tắt tiếng Đèn tàn chợt bừng lên Lộp độp trên tàu chuối à, mưa ngoài song đêm (ĐTL dịch). Ông dùng 28 chữ để tả người cung nữ, còn trẻ mà không được đoái hoài: Đêm dài, mộng vỡ, lệ đầm khăn Trời khuya, ngoài điện vẫn ca tràn Má phấn còn đây, tình đã hết Ngồi tựa lò hương chờ canh tàn (Hậu cung từ - ĐTL dịch). Cũng ngần ấy chữ, Bạch Cư Dị viết về mình, ngày Rằm tháng Giêng: Rầm rầm xe ngựa đế đô Ta nằm ôm bệnh, không chờ đợi ai Rằm xuân lồng lộng trăng soi Một người sầu giữa vạn người, là đây (Trường An chính nguyệt thập ngũ dạ - ĐTL dịch). Ông nhớ nhà, vì Đông chí rồi, mà thân vẫn phải nằm trạm dịch ở Hàm Đan, kinh đô nước Triệu xưa: Đêm Đông chí, giữa Hàm Đan Bó gối bên đèn, ta với bóng ta Giờ này chắc ở quê nhà Mọi người đang nhắc, sao ta chưa về? (Hàm Đan Đông chí dạ tư gia ĐTL dịch). Ông tiễn bạn bằng 28 chữ: Tiễn người lệ đẫm khăn ta Bảy mươi tuổi hạc, không nhà, về đâu? Thuyền đi, gió giục cơn sầu Sóng bạc đầu, khách bạc đầu trên sông! (Lâm giang tống Hạ Chiêm ĐTL dịch). Ông thanh tĩnh trong đêm thu: Bên giếng ngô đồng xào xạc lá Chày ai đập vải dưới thu sương Mình ta nằm ngủ bên thềm vắng Tỉnh dậy, trăng soi lạnh nửa giường. (Tảo thu độc dạ - ĐTL dịch)v.v Ngoài ba đại thi hào ấy, hàng ngàn thi gia đời Đường đều viết Tuyệt cú, và rất nhiều bài tuyệt hay. Vương Tích viết: Hôm nay ta say tràn cung mây - ừ rằng như thế là không hay Nhưng kìa, thiên hạ không ai tỉnh Ta tỉnh làm chi giữa đất này? (Quá tửu gia ĐTL dịch). “Ghê gớm hơn nữa, là bài Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang: Người trước không còn ai Người sau thì chưa thấy Ngẫm trời đất vô cùng Giục hai hàng lệ chảy (ĐTL dịch). Cao ngạo mà xót xa một cách thành thực. Vi Thừa Khánh chào em để về nam: Trường Giang lặng lẽ về xuôi Sầu lên man mác dạ người ra đi Lìa cành, hoa cũng phân ly Không lời trên đất vọng về nhân gian. (Nam hành biệt đệ - ĐTL dịch). Tống Chi Vấn viết: Thư không, lời nhắn cũng không! Ta chờ hết cả mùa đông, tìm về - Lập xuân đến được gần quê Sợ không dám hỏi người đi qua đường (Độ Hán Giang ĐTL dịch). Hỏi, ngộ nhỡ nghe tin dữ thì sao! Tô Đĩnh có bài Phần thượng kinh thu: Lại về, gió bấc, mây bông Đường xa muôn dặm, qua sông Phần Hà Ngổn ngang trăm mối lòng ta Thiết gì nghe tiếng thu sa bên trời! Vương Hàn có bài Lương Châu từ nổi tiếng: Rượu ngon chén ngọc bạn bày kia Chưa cạn, tỳ bà đã giục đi Chớ cười chiến địa người say ngủ - Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về? (ĐTL dịch). Trương Cửu Linh viết: Từ ngày chàng bước chân đi Cái khung dệt cửi chưa hề dúng tay Nhớ chàng như mảnh trăng đầy Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm (Tự quân chi xuất hĩ Ngô Tất Tố dịch). Vương Xương Linh viết thơ biên tái: Trên đài phong hỏa cao trăm thước Lính gác ngồi trông gió biển về - ải trăng, nghe sáo trời Khương vọng Khuây khỏa làm sao nỗi nhớ quê! (ĐTL dịch). Ông cũng rất trữ tình trong bài hát Hái hoa sen (Thái liên khúc): Quần xanh như sắc lá sen Hoa từ mặt nước hồng lên mặt người Chợt nghe ai hát ai cười Mới hay đầm ấy có người trong hoa (ĐTL dịch). Ông cũng có bài Trường Tín thu từ, viết về người cung nữ già: Ngô đồng bên giếng vàng thêm lá Sương lạnh đành không cuốn rèm châu Gối ngọc thương người thôi nhan sắc Mỗi giọt thu rơi, một giọt sầu (ĐTL dịch). Bài nổi tiếng nhất của ông là bài Khuê oán: Có người vợ trẻ vô tư lự - Ngày xuân trang điểm bước lên lầu Nhìn liễu nõn nà bên lối nhỏ - Tiếc để chàng đi kiếm tước hầu (ĐTL dịch). Mạnh Hạo Nhiên tinh tế: Người chợt tỉnh giấc xuân Chim quanh nhà ríu rít Đêm qua mưa gió về - Hoa rụng nhiều hay ít? (Xuân hiểu ĐTL dịch). Thuyền về bãi vắng bên sông Chiều trong khói sóng, sầu trong dạ người Đồng không, cây chạm tới trời Sông xanh, trăng xuống bên người mà xanh (Túc Kiến Đức giang ĐTL dịch). Một ông kẹ trong Tuyệt cú là Vương Duy: Anh đến Đông Châu, Nam Phố buồn Nam Phố đưa người, tơ lệ vương Bạn cũ giờ đây tiều tụy cả - Đâu được như ngày ở Lạc Dương (Tống biệt ĐTL dịch). Yêu thay bàn đá trong rừng suối Bên chén, thùy dương phơ phất bay Gió xuân, nếu bảo không tình ý Sao lại đem hoa rắc chốn này? (Hí đề bàn thạch ĐTL dịch). Ta về với cửa thung này Ai đi để lại vài cây liễu già Rồi ai sẽ đến sau ta? Nhìn cây người trước sao mà buồn tênh! (Mạnh Thành ao ĐTL dịch); Cây đậu đỏ phương nam Xuân về, đâm bao ngọn? Xin người hái thật nhiều Để người thêm nhớ bạn (Tương tư ĐTL dịch). Cây đậu đỏ phương nam, hạt của nó rất đẹp, những người yêu nhau xâu hạt nó thành chuỗi để tặng nhau, gọi là hạt tương tư, ngọn của nó ăn được. Đến “Thơ vặt (Tạp thi) của ông mà còn thích: Từ làng ra, anh biết Chuyện quê nhà nắng mưa Ngày đi, bên song lạnh Mai đã nở hoa chưa? Ông cũng tiêu dao chả kém gì Lý Bạch: Mình ta ngồi dưới bóng cây Chơi đàn, thổi sáo xa bay khắp rừng Rừng sâu đất rộng, người không Có vầng trăng sáng đến cùng thi nhân. (Trúc lý quán ĐTL dịch). Người nhàn, hoa quế rụng Núi mơ màng đêm xuân Trăng mọc, chim rừng sợ - Kêu trong khe mấy lần (Điểu minh giản ĐTL dịch); Đào hồng mưa đêm còn ngậm Liễu xanh đã đầm sương mai Hoa rụng, gia đồng chưa quét Chim kêu, sơn khách mơ dài (Lục ngôn tuyệt cú ĐTL dịch). Nhưng ghê gớm ở cách nhìn đời, là bài Dữ Lô viên ngoại Tượng quá Thôi xử sĩ Hưng Tôn lâm đình(Cùng viên ngoại Lô Tượng qua nhà cỏ của ẩn sĩ Thôi Hưng Tôn): Cây cao bóng cả trùm bốn mặt Rêu xanh, chiều xuống không bụi đời Dựa tùng, xõa tóc, hai chân duỗi Thế gian không bõ để ta chơi! Còn ghê gớm tương đương với Lý Bạch trong cách ứng xử với sầu tóc bạc, lại là bài Tống xuân từ: Ngày ngày người già đi Năm năm, xuân lại đến Có rượu là vui rồi Kệ hoa bay bên chén! (ĐTL dịch)v.v…và v.v Còn có thể dịch mãi, kể mãi, vì hơn 2200 thi sĩ đời Đường (Toàn Đường thi), với hơn 40.900 bài thơ, hầu như không ai bỏ qua Tuyệt cú. Chỉ có bốn câu với 20, 24 hoặc 28 chữ (Hán) mà các thi nhân đời Đường bàn từ kiếp người, thời cuộc, tình yêu, tình bạn, cảnh vật v.v ., đoản thi (thơ ngắn) trong Đường thi, quả là danh bất hư truyền! . 2200 thi sĩ đời Đường (Toàn Đường thi) , với hơn 40.900 bài thơ, hầu như không ai bỏ qua Tuyệt cú. Chỉ có bốn câu với 20, 24 hoặc 28 chữ (Hán) mà các thi. (Hán) mà các thi nhân đời Đường bàn từ kiếp người, thời cuộc, tình yêu, tình bạn, cảnh vật v.v ., đoản thi (thơ ngắn) trong Đường thi, quả là danh bất hư