Tư liệu phục vụ dạy Lịchsử địa phương Quá trình thay đổi tên gọi đơn vị hành chính, địa giới hành chính Tỉnh BắcNinh và huyện Thuận Thành- 1. Tỉnh Bắc Ninh: Trong quá trình tồn tại và phát triển của xã hội , tên gọi của các đơn vị hành chính và địa giới hành chính ở BắcNinh có rất nhiều lần thay đổi. Trước đây, một số tác giả, như: Ngô Vi Liễn với công trình “Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc kỳ”; Đinh Xuân Vịnh với “Sổ tay địa danh Việt Nam”, . có tìm hiểu về tên làng xã Việt Nam. Nhưng những công trình này chưa giúp bạn đọc thấy được sự thay đổi địa danh, địa giới hành chính các đơn vị xã, tổng, huyện, tỉnh ở nước ta trong lịch sử. Trên cơ sở những ghi chép của thư tịch cổ, như “Thuỷ kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên, “Đường thư” biên soạn vào đời Đường (thế kỷ VIII), “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, “Bản đồ Hồng Đức” (xuất hiện vào thế kỷ XV), “Các tổng, trấn, xã danh bị lãm” (biên soạn vào đầu đời Gia Long- khoảng 1808-1809), “Đồng Khánh địa dư chí” (biên soạn vào đời Đồng Khánh-1886), “Bắc Ninh dư địa chí” của Đỗ Trọng Vĩ; trên cơ sở các công trình nghiên cứu của các tác giả trước cách mạng tháng Tám năm 1945, như: BắcNinh tỉnh chí” của Trịnh Như Tấu, “Địa lý hành chính Kinh Bắc” của Nguyễn Văn Huyên, “Đất nước Việt Nam qua các đời” của Đào Duy Anh; trên cơ sở các văn bản luật, văn bản qui phạm pháp luật của Nhà nước qua các thời kỳ lịch sử, và đặc biệt, dựa trên kết quả khảo sát lâu dài của mình, tác giả Nguyễn Quang Khải đã có một công trình nghiên cứu công phu về quá trình thay đổi địa danh và địa giới hành chính của các tổng, xã, huyện của tỉnh BắcNinh qua các thời kỳ lịch sử. TỔNG QUAN Theo sách “Thuỷ Kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn thì thời Hùng Vương (2879 TNC-258 TCN) đất BắcNinh thuộc bộ Vũ Ninh. Thời thuộc Tần (307 TCN-206 TCN) được sáp nhập vào Tượng Quận (Trung Quốc); thời kỳ thuộc Hán (207 TCN - 39) là 2 huyện Luy Lâu và Long Biên trực thuộc quận Giao Chỉ. Thời Nam Tấn (265 - 279) là châu Vũ Ninh. Đầu thời thuộc Đường (618-721) là Châu Long. Thời Tiền Lê (980-1009) gọi là đạo Bắc Giang. Đầu thời Lý (thế kỷ XI) gọi là quận Gia Lâm. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” (tập II), tháng 2 năm Nhâm Dần (1242), vua Trần Thái Tông, chia nước ta làm 12 lộ, đất BắcNinh được gọi là lộ Bắc Giang, sau đó được gọi là lộ Kinh Bắc. Thời thuộc Minh (1414 - 1427) đất BắcNinh thuộc phủ Bắc Giang. Thời ấy, phủ Bắc Giang có 3 châu: Gia Lâm, Vũ Ninh, Bắc Giang. Trong đó, châu Gia Lâm có 3 huyện là An Định (tương đương với huyện Gia Bình bây giờ), Tế Giang (tương đương với huyện Văn Giang), Thiện Tài (tương đương với huyện Lương Tài bây giờ). Châu Vũ Ninh có 5 huyện: Tiên Du, Vũ Ninh (sau này đổi tên là Vũ Giang), Đông Ngàn, Từ Sơn, Yên Phong. Châu Bắc Giang có 3 huyện là Tân Phúc (tương đương với Đa Phúc), Thiện Thệ (tương đương với Hiệp Hoà và Việt Yên ngày nay). Hai huyện Siêu Loại và Gia Lâm trực thuộc châu Bắc Giang. Năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1425), nhà Minh đem các huyện Yên Phong, Vũ Ninh, Yên Việt trực thuộc vào châu Bắc Giang; sáp nhập huyện Siêu Loại (tức huyện Thuận Thành sau này) và huyện Đông Ngàn vào huyện Gia Lâm; đưa các huyện: Tế Giang, Thiện Tài, Từ Sơn, Thiện Thệ trực thuộc châu Bắc Giang. Năm Thuận Thiên thứ nhất đời Lê (1428), đất BắcNinh thuộc Bắc Đạo. Đời Thiệu Bình (1434 - 1439), đất BắcNinh thuộc Bắc Giang hạ lộ. Năm Quang Thuận thứ 7 đời Lê (1466) gọi là Bắc Giang thừa tuyên, trên cơ sở Bắc Giang thượng lộ và Bắc Giang hạ lộ. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), khi xác định và vẽ lại bản đồ cả nước, Bắc Giang thừa tuyên được đổi thành Kinh Bắc thừa tuyên. Kinh Bắc thừa tuyên khi đó có 4 phủ, bao gồm 20 huyện: - Phủ Thuận An (năm 1862 được đổi là phủ Thuận Thành) có 5 huyện: Gia Lâm, Lương Tài, Siêu Loại, Gia Định (năm 1820 được đổi là huyện Gia Bình), Văn Giang. - Phủ Từ Sơn có 5 huyện: Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du, Đông Ngàn, Yên Phong. - Phủ Bắc Hà có 5 huyện: Tân Phúc (năm 1862 đổi là Đa Phúc), Hiệp Hoà, Kim Hoa (năm 1841 đổi là huyện Kim Anh), Yên Việt (năm 1824 đổi là huyện Việt Yên). - Phủ Lạng Giang có 6 huyện: Phượng Nhỡn, Hữu Lũng, Yên Thế, Bảo Lộc (đầu thế kỷ XX, huyện Bảo Lộc bị giải thể, phần đất của huyện Bảo Lộc khi đó được phân về huyện Lạng Giang và huyện Lục Ngạn), Lục Ngạn (bao gồm huyện Lục Ngạn và huyện Lục Nam sau này), Yên Dũng. Đất BắcNinh sau này tương đương với phủ Thuận An và phủ Từ Sơn. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), trong bản đồ của nhà Lê ghi tên đất này là xứ Kinh Bắc. Sau gọi là trấn Kinh Bắc. Thời Mạc (1527-1540), cắt phủ Thuận An về trực thuộc tỉnh Hải Dương. Năm Lê Quang Hưng thứ 16 (1593) phủ Thuận An lại cắt trả về Kinh Bắc. Năm Gia Long thứ nhất (1802) vẫn gọi là trấn Kinh Bắc. Lúc này, trấn Kinh Bắc vẫn có 4 phủ với 20 huyện như năm 1469. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), gọi là tỉnh Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), triều Nguyễn đặt thêm 4 phân phủ là Từ Sơn, Lạng Giang, Thiên Phúc và Thuận An. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), hai phân phủ Từ Sơn và Thiên Phúc bị bãi bỏ. Như vậy đến năm 1852, tỉnh BắcNinh có 4 phủ, 2 phân phủ bao gồm 20 huyện. Từ thời Lê trở về trước, trấn lỵ của Kinh Bắc đóng ở Đáp Cầu. Năm 1804 Gia Long chuyển trấn lỵ về địa điểm tiếp giáp của 3 xã Đỗ Xá (thuộc Võ Giàng), Khúc Toại (thuộc yên Phong), Hoà Đình (thuộc Tiên Du). (Địa điểm này được đặt làm tỉnh lỵ đến năm 1963). Năm 1876, tách một phần huyện Đông Ngàn để thành lập huyện Đông Khê (sau đổi là Đông Anh). Năm 1893, 3 tổng của huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương được nhập vào huyện Lương Tài (do huyện Thanh Lâm giải thể). Đó là các tổng: An Trụ, Hoàng Kênh, Lại Thượng. Đồng thời cắt tổng Lương Tài của huyện Lương Tài về huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên và cắt tổng An Tráng của huyện Lương Tài về huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Ngày 10 tháng 10 năm 1895, tại Nghị định số 1593 do toàn quyền Đông Dương Rousscau ký, tỉnh Bắc Giang được thành lập trên cơ sở tách 6 huyện từ tỉnh BắcNinh cũ. Đến đây, tỉnh BắcNinh (mới) có hai phủ (Thuận Thành, Từ Sơn) bao gồm 10 huyện: Đông Ngàn, Tiên Du, Gia Lâm, Văn Giang, Siêu Loại, Gia Bình, Lương Tài, Quế Dương, Võ Giàng, Yên Phong. Năm 1905, tỉnh Phúc Yên được thành lập trên cơ sở tách huyện Đông Anh, Đa Phúc. Năm 1912 huyện Siêu Loại được đổi tên là huyện Thuận Thành, huyện Đông Ngàn được đổi tên là huyện Từ Sơn. Cũng năm này tổng Đông Xá của huyện Thuận Thành được chuyển về huyện Gia Lâm tỉnh Hưng Yên. Ngày 19 tháng 10 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định nâng cấp đơn vị hành chính thị xã BắcNinh lên thành phố loại III. Thành phố BắcNinh khi đó bao gồm toàn bộ khu vực Thị Cầu. Tại Sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước VNDCCH, ấn định nước ta có 7 thành phố, 73 đơn vị hành chính. BắcNinh thuộc chiến khu I. Thực hiện Nghị định số 730-PCH ngày 28 tháng 5 năm 1946 và Nghị định sửa đổi ngày 26 tháng 7 năm 1946 của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ, thị xã BắcNinh được thành lập. Từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 1 năm 1948, cả nước được chia thành 14 khu, tỉnh BắcNinh thuộc khu 12. Từ tháng 1 năm 1948, khu I hợp nhất với khu 12 thành liên khu Việt Bắc. BắcNinh thuộc Liên khu Việt Bắc. Ngày 6 tháng 6 năm 1947, chuyển huyện Văn Lâm trước kia thuộc tỉnh Hưng Yên về khu 12 (Bắc Ninh). Ngày 28 tháng 11 năm 1948 chuyển huyện Gia Lâm về tỉnh Hưng Yên. Đến ngày 7 tháng 11 năm 1949 lại chuyển huyện Gia Lâm về tỉnh Bắc Ninh. Tại vùng tạm chiếm, thực hiện Nghị định số 193/THP/NĐ ngày 26 tháng 1 năm 1050 của Thủ hiến Bắc Việt, tỉnh BắcNinh được gọi là tỉnh Gia Lâm (vì cơ quan hành chính đóng trên địa bàn Gia Lâm) Tháng 8 năm 1950, hợp nhất hai huyện Gia Bình và Lương Tài thành 1 huyện lấy tên là huyện Gia Lương. Huyện lỵ của huyện đặt tại phố Thứa. Ngày 26 tháng 4 năm 1951, Thủ hiến Bắc Việt ban hành Nghị định số 2198- PTH/ NĐ thành lập thị xã BắcNinh trên cơ sở ba thị trấn: Bắc Ninh, Đáp Cầu, Thị Cầu. Chu vi thị xã Bắc Ninh: Bắc giáp Việt Yên, Nam giáp xã Phúc Đức và xã Phương Vĩ, Đông giáp Đạo Chân và xã Ngọc Đôi, Tây giáp xã Y Na và xã Cô Mễ Năm 1958, chuyển huyện Văn Giang về tỉnh Hưng Yên. Ngày 20 tháng 4 năm 1961, Quốc hội khoá II, kỳ họp thứ 2 đã ban hành Nghị quyết: cắt 29 xã và một thị trấn, bao gồm: cả huyện Gia Lâm; 10 xã và 1 thị trấn của huyện Từ Sơn. Đó là các xã: Liên Hà, Vân Hà, Dục Tú, Quang Trung, Đông Hội, Mai Lâm, Tiền Phong, Đình Xuyên, Dương Hà, Ninh Hiệp, thị trấn Yên Viên (thị trấn Yên Viên được thành lập theo Nghị định số 33-NV ngày 6 tháng 2 năm 1959 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ); hai xã: Phù Đổng, Trung Hưng (sau đổi lại là Trung Mầu) của huyện Tiên Du; hai xã: Đức Thắng, Chiến Thắng (sau đổi lại là xã Dương Xá và xã Dương Quang) của huyện Thuận Thành về thành phố Hà Nội. Năm 1962, hợp nhất 2 huyện Quế Dương và Võ Giàng thành 1 huyện lấy tên là huyện Quế Võ. Huyện lỵ của huyện Quế Võ đóng tại phố Mới. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II, ngày 27 tháng 10 năm 1962 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh BắcNinh và Bắc Giang thành 1 tỉnh lấy tên là Hà Bắc. Tỉnh lỵ đóng ở thị xã Bắc Giang. Ngày 14 tháng 3 năm 1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 25/QĐ, nhập 2 huyện Tiên Du và Từ Sơn thành 1 huyện, lấy tên là huyện Tiên Sơn. Huyện lỵ đóng ở xã Vân Tương. Ngày 4 tháng 6 năm 1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 84-CP hợp nhất huyện Tiên Sơn và huyện Yên Phong thành một huyện, lấy tên là huyện Tiên Phong; hợp nhất huyện Gia Lương với huyện Thuận Thành thành một huyện, lấy tên là huyện Gia Thuận. Nhưng hơn 4 năm sau, ngày 19 tháng 1 năm 1974, tại Quyết định số 17-CP, Hội đồng Chính phủ phê chuẩn đề nghị của UBHC tỉnh Hà Bắc thôi không sáp nhập huyện Tiên Sơn với huyện Yên Phong, huyện Gia Lương với huyện Thuận Thành nữa! Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX, Quốc hội Nước cộng hoà XHCN Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh, lấy tên là BắcNinh và Bắc Giang. Lúc này tỉnh BắcNinh có 6 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 5 huyện và 1 thị xã (Gia Lương, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Sơn, Yên Phong và TX Bắc Ninh) với diện tích đất tự nhiên là 797,2 km2 và 922.210 nhân khẩu. Ngày 11 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/1999/NĐ-CP tách huyện Tiên Sơn thành 2 huyện lấy tên là huyện Tiên Du và huyện Từ Sơn; tách huyện Gia Lương thành 2 huyện lấy tên là huyện Gia Bình và huyện Lương Tài. Huyện lỵ Từ Sơn đóng tại thị trấn Từ Sơn, huyện lỵ Tiên Du đóng tại thị trấn Lim; huyện lỵ Lương Tài đóng tại thị trấn Thứa, huyện lỵ Gia Bình đóng tại xã Xuân Lai. Ngày 25 tháng 01 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2001/NĐ-CP về việc thành lập thành phố BắcNinh trên cơ sở toàn bộ diện tích đất tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Bắc Ninh. Khi đó, thành phố BắcNinh có 26,34 km2 diện tích đất tự nhiên, 121.028 nhân khẩu và 10 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: Đáp Cầu, Thị Cầu, Vũ Ninh, Suối Hoa, Tiền An, Ninh Xá, Vệ An, Kinh Bắc, Đại Phúc và xã Võ Cường. Ngày 24 tháng 9 năm 2008, Chính phủ ban hành nghị định số 01/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Từ Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích đất tự nhiên và dân số của huyện Từ Sơn. Cho đến ngày 01 tháng 4 năm 2009, tỉnh BắcNinh có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã. Đó là các huyện: Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, thành phố BắcNinh và thị xã Từ Sơn, bao gồm 1.024.151nhân khẩu, trong đó có 503.200 nam, 520.951 nữ. 2. Huyện Thuận Thành Thời Bắc thuộc (từ năm 939 trở về trước) vùng đất huyện Thuận Thành ngày nay là bộ phận của thành Luy Lâu, Long Biên, Tống Bình. Đến khoảng năm 945 – 967 (thời kỳ loạn 12 xứ quân) mới thấy xuất hiện tên huyện là Siêu Loại. Từ thời Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469) huyện Siêu Loại thuộc phủ Thuận An. Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, ở thế kỷ XV, huyện Siêu Loại có 61 xã, thôn. Đến năm 1490, huyện có 60 xã. Thời Gia Long (1802 - 1819) huyện có 10 tổng với 68 xã, thôn. Đó là các tổng: 1. Tổng Đình Tổ có 8 xã, thôn: Đình Tổ, Đại Trạch, Á Lữ, Nhạn Tháp, Phú Thọ, thôn Đông thuộc xã Đại Đồng, thôn Đoài thuộc xã Đại Đồng, thôn Văn thuộc xã Đại Đồng. 2. Tổng Liễu Lâm có 8 xã: Liễu Lâm, Liễu Khê, Liễu Ngạn, Yên Việt. Đồng Ngư, Đức Hiệp, Đa Tiện, Xuân Lê. 3. Tổng Thượng Mão gồm 11 xã, thôn: thôn Thượng thuộc xã Đại Mão, thôn Lam Cầu thuộc xã Đại Mão, thôn Bình Cầu thuộc xã Đại Mão, thôn Đông Miếu thuộc xã Đại Mão, Mão Điền, Mão Điền Đông, Thuỵ Ngang, thôn Thượng Trì thuộc xã Thượng Mão, thôn Ngọ Xá thuộc xã Thượng Mão, Nghĩa Vi, Dực Vi. 4. Tổng Đồng Xá có 4 xã: Đồng Xá, Đỗ Xá, Thục Cầu, Sầm Khúc. 5. Tổng Để Cầu có 5 xã: Đề Cầu, Kim Tháp, Quỳnh Đôi, Lê Xá Yên Nhuế. 6. Tổng Vương Xá có 8 xã: Vương Xá, Vương Xá Đông, Hoàng Xá, Tái Dương, Bùi Xá, Đông Lĩnh, Đông Ngoại, Nghi Tuyền. 7. Tổng Dương Quang có 6 xã: Dương Quang, Dương Xá, Bình Trù, Dương Nguyễn, An Mỹ, An Bình. 8. Tổng Mỹ Tự có 12 xã, thôn: Mỹ Tự, Đại Tự, Công Hà, Đông Cốc, Thanh Hoài, Thanh Tương, Vĩnh Thế, Mãn Xá, Trà Lâm, Phương Quan, Văn Quan, thôn Lũng Triền. 9. Tổng Đông Hồ có 5 xã, thôn: Đông Hồ, Đạo Tú, thôn Xuân Tú thuộc xã Xuân Tú, thôn Tú Khê thuộc xã Xuân Tú, thôn Cẩm Tháp thuộc xã Xuân Tú. 10.Tổng Lạc Thổ có 1 xã là xã Lạc Thổ. Năm 1821, tổng Vương Xá, xã Vương Xá đổi là Nghĩa Xá, xã Vương Xá Đông đổi là Đạo Xá. Năm 1843, Lũng Triền đổi là Lũng Khê. Năm 1885, ghép tổng Lạc Thổ vào tổng Đông Hồ, vì vậy từ đó trở đi, tổng Đông Hồ có 6 xã, đồng thời chuyển tổng Tam Á từ huyện Gia Bình về huyện Siêu Loại. Theo sách “Đồng Khánh địa dư chí”, không thấy chép tổng Vương Xá. Cũng sách này, thấy tên tổng Khương Tự (thay cho Mỹ Tự). Năm 1897, chuyển hai xã Trương Xá và Đông Côi từ huyện Gia Bình về huyện Siêu Loại. Thời kỳ này, huyện Siêu Loại có 9 tổng với 74 xã, thôn. Năm 1912, huyện Siêu Loại được đổi tên là huyện Thuận Thành, đồng thời chuyển tổng Đồng Xá về huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Từ đây, huyện Thuận Thành còn 8 tổng với 70 xã, thôn. Đó là các tổng: 1. Tổng Đình Tổ có 8 xã, thôn: Đình Tổ, Đại Trạch, Bút Tháp, thôn Đông xã Đại Đồng, thôn Đoài xã Đại Đồng, thôn Văn xã Đại Đồng, Phú Mỹ, Á Lữ. 2. Tổng Đông Hồ có 6 xã, thôn: Đông Hồ, Đạo Tú, thôn Xuân Tú thuộc xã Xuân Tú, thôn Tú Khê thuộc xã Xuân Tú, thôn Tú Tháp thuộc xã Xuân Tú, Lạc Thổ. 3. Tổng Thượng Mão có 11 xã, thôn: thôn Ngọ Xá xã Thượng Mão, Mão Điền Đông, Mão Điền, Dực Vi, Nghĩa Vi, Thuỵ Mão, thôn Thượng Trì xã Thượng Mão, thôn Lam Cầu xã Đại Mão, thôn Bình Cầu xã Đại Mão, thôn Đông Miếu xã Đại Mão, thôn Trung xã Đại Mão. 4. Tổng Tam Á có 6 xã: Tam Á, Yên Định, Bảo Khám, Phú Ninh, Dư Xá, Trạm Lộ. 5. Tổng Đề Cầu có 5 xã: Đề Cầu, Kim Tháp, Lê Xá, Yên Nhuế, Thư Đôi. 6. Tổng Nghĩa Xá có 8 xã: Nghĩa Xá, Đạo Xá, Đông Lĩnh, Đông Ngoại, Nhiễm Dương, Bùi Xá, Hoàng Xá, Nghi Giang. 7. Tổng Liễu Lâm có 9 xã: Liễu Lâm, Liễu Ngạn, Xuân Lê, Đức Hiệp, Đa Tiện, Cửu Yên, Đồng Ngư, Doãn Xá, Liễu Khê. 8. Tổng Khương Tự có 12 xã, thôn: Khương Tự, Công Hà, Văn Quan, Phương Quan, Tư Thế, Trà Lâm, Đông Cốc, Đại Tự, Thanh Tương, Thanh Hoài, Mãn Xá, thôn Lũng Khê thuộc xã Thanh Tương 9. Tổng Dương Quang có 6 xã: Dương Quang, Dương Xá, Yên Bình, Thuận Quang, Yên Mỹ, Bình Trù. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi cấp tổng bị bãi bỏ, đơn vị hành chính cấp xã cũ được giữ nguyên và trực thuộc huyện Thuận Thành. Năm 1948, một số xã nhỏ được sáp nhập lại thành xã lớn. Đó là các xã: Bắc Hồ, Tú Hồ, Gia Định, Đông Côi, Hoài Đức, Thượng Mão, Quyết Định, Thuận Đức, Hạnh Phúc, Dương Xá, Dương Quang, … Năm 1961, chuyển xã Dương Xá và xã Dương Quang về huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội). Ngày 9 tháng 2 năm 1966, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 34-NV về việc hợp nhất một số xã của huyện Thuận Thành. Theo đó, 2 xã Bắc Hồ và Tú Hồ được hợp nhất thành 1 xã, lấy tên là xã Song Hồ; hợp nhất 2 xã Gia Định và Đông Côi thành 1 xã lấy tên là xã Gia Đông; hợp nhất 2 xã Hoài Đức và Thượng Mão, lấy tên là xã Hoài Thượng; hợp nhất 2 xã Quyết Định và Thuận Đức, lấy tên là xã Ninh Xá. Ngày 4 tháng 6 năm 1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 84-CP hợp nhất huyện Gia Lương và huyện Thuận Thành thành một huyện lấy tên là huyện Gia Thuận. Nhưng đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 17-CP phê chuẩn đề nghị của UBND tỉnh Hà Bắc thôi không hợp nhất huyện Gia Lương với huyện Thuận Thành. Năm 1970, xã Hạnh Phúc đổi tên là xã Thanh Khương. Ngày 1 tháng 8 năm 1980, Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định số 237-CP về việc sáp nhập xã An Bình (gồm 4 làng) của huyện Gia Lương về huyện Thuận Thành. Ngày 18 tháng 2 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/CP về việc thành lập thị trấn Hồ thuộc huyện Thuận Thành trên cơ sở 261,45 ha diện tích đất tự nhiên và 4.988 nhân khẩu của xã Song Hồ; 223,36 ha diện tích đất tự nhiên và 3.009 nhân khẩu của xã Gia Đông. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Song Hồ còn 375,80 ha diện tích đất tự nhiên và 6.106 nhân khẩu; xã Gia Đông có 881,33 ha diện tích đất tự nhiên và 7.689 nhân khẩu. Hiện nay, huyện Thuận Thành có 18 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 17 xã: Hoài Thượng, Đại Đồng Thành, Mão Điền, Song Hồ, Đình Tổ, An Bình, Trí Quả, Gia Đông, Thanh Khương, Trạm Lộ, Xuân Lâm, Hà Mãn, Ngũ Thái, Nguyệt Đức, Ninh Xá, Nghĩa Đạo, Song Liễu và 1 thị trấn là thị trấn Hồ với 144.434 nhân khẩu, trong đó có 70.855 nam và 73.579 nữ. Huyện lỵ huyện Thuận Thành thời xưa đóng ở Dương Xá (thuộc tổng Dương Quang cũ, nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Sau đó chuyển về xã Bùi Xá, tổng Nghĩa Xá (nay thuộc xã Ninh Xá), xung quanh đắp đất, chu vi 271 trượng 6 thước, mặt thành rộng 8 thước, chân thành rộng 1 trượng 5 thước, cao 7 thước 2 tấc, 4 mặt có hào rộng 2 trượng 5 thước sâu 5 thước, mở 3 cửa tiền và tả hữu, mỗi cửa rộng 1 trượng 6 thước, cao 1 trượng 2 thước 4 tấc. Hiện nay huyện lỵ đóng ở thị trấn Hồ. . đất Bắc Ninh được gọi là lộ Bắc Giang, sau đó được gọi là lộ Kinh Bắc. Thời thuộc Minh (1414 - 1427) đất Bắc Ninh thuộc phủ Bắc Giang. Thời ấy, phủ Bắc. hiến Bắc Việt ban hành Nghị định số 219 8- PTH/ NĐ thành lập thị xã Bắc Ninh trên cơ sở ba thị trấn: Bắc Ninh, Đáp Cầu, Thị Cầu. Chu vi thị xã Bắc Ninh: Bắc