1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Liêu trai chí dị

6 1,1K 3
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 6
Dung lượng 1,87 MB

Nội dung

LIÊU TRAI - LAO SƠN ĐẠO SĨ (Tranh do Triệu Hoành Bản, Vương Diệc Thu, Vương Thúc Huy, Tiền Tiếu Ngai, Uông Ngọc Sơn, Lưu Kế Dữu, Trương Lệnh Đào, Hồ Nhược Phật liên hoàn họa). LIÊU TRAI CHÍ DỊ: CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG TRONG CÕI MỘNG. (Tạp chí Kiến thức ngày nay số - 673 - ngày 20/4/2009) Nguyễn Cẩm Xuyên. Truyện truyền kì trong dân gian xưa nay không hiếm; truyện mặc dù không thực nhưng sức hấp dẫn lại lớn nên vẫn hay được người đời sưu tập. Văn học cổ điển nước ta có nhiều tác phẩm như thế: Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ… Riêng ở Trung Quốc: truyện truyền kì ma quái cũng nhiều, trong đó một tác phẩm vừa hấp dẫn người xem bởi nhiều tình tiết, vừa kì dị lại vừa phản ánh cuộc sống thực của xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ là Liêu Trai chí dị. Tác phẩm lúc mới hoàn thành gồm 8 quyển, có cả thảy 491 truyện, ước hơn 40 vạn chữ, sáng tác vào đầu đời nhà Thanh, được đánh giá là đỉnh cao của tiểu thuyết văn ngôn thời cổ đại. Truyện tập hợp các câu chuyện dân gian, phảng phất giống các truyện quái dị đời Lục triều, các truyện truyền kỳ đời Đường nhưng vẫn có một tính cách riêng khá độc đáo. Tác giả Liêu Trai chí dị là Bồ Tùng Linh (1640-1715), người tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tự là Lưu Tiên (留仙) lại có tự là Kiếm Thần ( 剑臣), biệt hiệu : Liễu Tuyền cư sĩ (柳泉居士), tự xưng là Di Sử thị (剑史氏), người đời vẫn gọi là Liêu Trai tiên sinh (聊剑先生). Bồ Tùng Linh là thầy giáo nghèo ở làng quê, học giỏi, 18 tuổi đã đỗ đầu huyện, phủ, tỉnh trong khoa thi Đồng tử, được bổ Bác sĩ đệ tử viên (1) nhưng sau đó thi mãi không đỗ đạt gì, đến năm 71 tuổi mới đỗ Cống sinh và chỉ 4 năm sau thì mất. Sau khi Bồ Tùng Linh mất, vì nhà nghèo, Liêu Trai chí dị vẫn không thể ấn hành; mãi hơn 50 năm sau (năm Càn Long thứ 31; 1766) mới được khắc in và chỉ sau một thời gian, các bản dịch Liêu Trai chí dị đã xuất hiện ở hơn 20 nước. Đến nay tác phẩm được chuyển thể sang các loại nghệ thuật khác như: hí kịch, điện ảnh, phim truyền hình…Riêng ở ta, từ năm 1901 trên báo Nông Cổ Mín Đàm, Liêu Trai chí dị đã được dịch và đăng nhiều kì, sau đó các dịch giả như Đào Trinh Nhất, Tản Đà, Nguyễn Huệ Chi, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyền, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Vọng Chi Nguyễn Chí Viễn, Phạm Tú Châu, Đỗ Ngọc Toại, Nguyễn Đức Lân, Trần Thị Băng Thanh . dịch lại, in thành sách. Ngoài Liêu trai chí dị, Bồ Tùng Linh còn là tác giả của nhiều thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn. Về tiểu thuyết, có Liêu Trai văn tập gồm 12 quyển. Về thơ có Liêu Trai thi tập gồm 6 quyển với hơn 1000 bài thơ, 170 bài từ, 14 vở ca khúc dân gian và 3 vở tạp kịch. Xã hội phong kiến thời Mãn Thanh cũng như bao đời vua chúa đầy rẫy những tệ nạn, những thói tục vô lí, đầy rẫy những tên dốt nát, gian ác nhưng lại đỗ đạt và được cất nhắc làm quan khiến Bồ Tùng Linh chán nản. Thực tế cuộc sống ấy được tác giả cách điệu thành những câu chuyện ma quái, đưa vào Liêu Trai chí dị. Đọc truyện, một người bạn đồng hương là Vương Sĩ Trinh (2) đã cảm khái viết đề thi: Phiên âm: Cô vọng ngôn chi, cô thính chi, Đậu bằng qua giá, vũ như ti. Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ, Ái thính thu phần quỷ xướng thi. (3) Bài thơ đề rất hay khiến hơn trăm năm nay ở ta đã có cả chục bản dịch quốc ngữ của nhiều dịch giả khác nhau, trong đó có lẽ bản dịch của Tản Đà là hay nhất: Nói láo mà chơi, nghe láo chơi; (4) Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi. Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc, Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời. Bồ Tùng Linh họa lại: "Chí dị" thư thành, cộng tiếu chi, Bố bào tiêu sác, mấn như ty. Thập niên phá đắc Hoàng-châu ý, (5) Lãnh vũ, hàn đăng, dạ thoại thi Dịch thơ: "Chí dị" làm xong, cất tiếng cười, Tóc mai trắng nõn, áo bào tơi. Mười năm mới hiểu lời Tô tử. Mưa lạnh, đèn tàn, kể láo chơi ! Cả hai bài thơ khái quát một thái độ, một hướng sáng tác. Dù rằng ” nói láo mà chơi, nghe láo chơi” nhưng cả tập, mấy trăm truyện Liêu Trai chí dị lại không phải là như thế, mà lại mang một dụng ý nghiêm túc: phản ánh cuộc sống thực để răn đời. Nhân vật chính diện trong truyện có nhân cách đáng trọng; họ là những con người luôn nêu cao gương nhân nghĩa, trinh tiết…. có khi họ là kẻ hiền lương bị chà đạp, đày ải, có khi lại là người đã trải qua những cuộc đấu tranh cam go với thế tục, bọn tham quan ô lại, bọn du thủ du thực, những tên bạc ác bất nhân…: Nhân vật Thành Danh trong truyện Dế chọi (Xúc chức), Phùng Tương Như trong truyện Hồng Ngọc, Tịch Phương Bình trong truyện Tịch Phương Bình, Hình Vân Phi trong truyện Thạch Thanh Hư… khốn đốn với cả một xã hội từ triều đình trung ương đến quan lại địa phương vì thú vui riêng, vì tư lợi, cấu kết với nhau bức hại người dân. Xã hội không còn công lí, không còn chính nghĩa. Lời của Nhị Lang thần buộc tội Diêm vương : “Ánh sáng đồng tiền bao trùm mặt đất…, hơi đồng tanh tưởi ngất trời làm cho trong thành không ngày nào không có những vụ chết oan…” là của Bồ Tùng Linh tả cảnh dưới âm ti nhưng kì thực là để tả thảm trạng trần gian. Bên cạnh mặt trái của xã hội, Liêu Trai chí dị miêu tả sống động một nước Trung Hoa xưa với những nét truyền thống quý báu qua mấy ngàn năm văn hóa đậm dấu ấn của Tam giáo. Trước hết Liêu Trai chí dị thể hiện ý thức truyền thống lâu đời nhất của người Trung Hoa: Nho giáo, đặc biệt nêu cao những hình mẫu đáng trọng với đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thực hiện đúng tôn chỉ của người viết văn theo quan niệm truyền thống Văn tải đạo nên tình cảm giữa người với người: tình cha con, tình vợ chồng son sắt, tình bằng hữu, tình tri âm, tri kỉ… được Bồ Tùng Linh nêu rất cao trong hầu hết các truyện và ngược lại, nhằm răn những kẻ bạc ác, truyện của Bồ Tùng Linh cũng dựng nên những nhân vật phản diện hung ác bất nhân, bất tín, bất nghĩa phải chịu kết cục rất thảm khốc. Tư tưởng Phật giáo cùng với tư tưởng Lão Trang cũng thể hiện khá rõ trong Liêu Trai chí dị với những chi tiết chứng thực cho thuyết luân hồi, nhân quả…, những nhân vật là sư tăng, đạo sĩ hành tung kì dị, phong thái phiêu diêu thoát tục được trộn vào trong cõi đời thường, chung đụng với những phàm nhân đầy dục vọng, sân si (Giang Thành, Bức họa trên tường, Lục Phán quan, Họa bì, Đạo sĩ núi Lao…). Riêng truyện Đạo sĩ núi Lao đã dựng nên một hình mẫu tuyệt vời sống động của con người thế tục trong cõi thần tiên hư ảo: “ Trong huyện có chàng họ Vương, vào hàng thứ bảy, là con nhà cố gia, tuổi trẻ mộ đạo. Nghe nói núi Lao Sơn có nhiều tiên ở, liền quẩy tráp đi thăm. Trèo lên một ngọn núi thấy có đạo quán thật u nhã. Một vị đạo sĩ ngồi trên tấm bồ đoàn tóc trắng rủ xuống tận cổ, nhưng dáng vẻ thư thái, tinh thần trông thật sắc sảo. Vương liền khấu đầu, bắt chuyện, thấy đạo lý rất huyền diệu, bèn xin thờ làm thấy. Ðạo sĩ nói: - Chỉ sợ quen nhàn rỗi, không chịu nổi khó nhọc thôi. Vương hứa là: "Ðược" Học trò Ðạo sĩ đông lắm, gần tối mới kéo hết về. Vương cùng họ cúi đầu làm lễ, rồi lưu lại trong quán. Sáng tinh sương, Ðạo sĩ gọi Vương, đưa cho cái búa, bảo theo đám học trò đi hái củi. Vương kính cẩn vâng lời. Ðược hơn một tháng, tay chân phồng rộp thành chai, cực khổ không chịu nổi, Vương đã ngầm có bụng muốn về. Một buổi chiều, trở về, thấy hai người khách đang cùng thầy uống rượu. Trời đã tối mà chưa thấy đèn lửa gì cả. Thầy bèn cắt một miếng giấy như hình cái gương, dán lên vách. Phút chốc, ánh trăng vằng vặc soi sáng khắp nhà, trông rõ từng sợi tơ, cái tóc. Ðám học trò chạy quanh hầu hạ. Một người khách nói: - Ðêm này đẹp trời có thể vui chơi, nên cho ai nấy cùng vui; bèn lấy hồ rượu lên bàn, chia cho các học trò, lại dặn nên uống thật say. Vương nghĩ bụng: Bảy tám người một hồ rượu, làm sao cho đủ khắp được? Mỗi người đều đi tìm chén, bát , tranh nhau rồi uống trước, chỉ sợ rượu trong hồ hết mất. Thế mà rót hết lần này lượt khác, vẫn chẳng vơi đi chút nào. Bụng thầm lấy làm lạ. Giây lát, một vị khách nói: - Ðã làm ơn ban cho ánh sáng trăng, mà lại chỉ tịch mịch uống suông. Sao không gọi Hằng Nga xuống chơi? Ðạo sĩ bèn lấy một chiếc đũa, vứt vào trong trăng. Bỗng thấy một người đẹp từ trong vùng ánh sáng bước ra: mới đầu chưa đầy một thước, xuống đến đất thì cao lớn như người thường, lưng thon nhỏ, cổ trắng muốt, phấp phới múa khúc Nghê Thường. Rồi ca rằng: “Tiên tiên nào! Về đây nao! Giữ ta mãi chốn Quảng Hàn sao!” Âm thanh trong trẻo, cao vút, nghe hay như tiếng tiêu, tiếng sáo. Ca xong, uốn lượn mà đứng lên, rồi nhảy lên mặt bàn, ngoảnh đi ngoảnh lại, đã biến trở lại thành chiếc đũa. Ba người cùng cười lớn. Lại một vị khách nói: - Ðêm nay vui quá, nhưng uống vẫn chưa đã. Có thể đãi rượu tiếp chúng tôi trên cung Nguyệt được chăng? Ba người bèn rời chiếu tiệc bước vào dần trong trăng. Mọi người nhìn thấy rõ cả ba đang ngồi trong trăng uống rượu: râu, lông mày, đều trông thấy hết, như bóng hiện trong gương. Một chốc, ánh trăng mờ dần; đám học trò châm đèn mang đến thì một mình đạo sĩ còn ngồi đấy mà khách đã biến đâu mất. Trên bàn thức nhắm hãy còn. Mà mặt trăng trên vách chỉ còn là miếng giấy tròn như tấm gương mà thôi. Ðạo sĩ hỏi: - Mọi người đã uống đủ cả chưa? Các học trò cùng thưa: - Ðủ cả. - Ðủ rồi thì nên đi ngủ sớm, đừng làm lỡ việc kiếm củi ngày mai. Chúng học trò đều "vâng" mà lui ra. Vương lòng thầm thích thú, hâm mộ, bụng muốn về lại tiêu tan. Lại một tháng nữa, khổ không thể nào kham nổi, mà đạo sĩ tuyệt không truyền dạy cho một phép nào. Sốt ruột không chờ được nữa, Vương bèn lên cáo từ rằng: - Ðệ tử này vượt mấy trăm dặm đường đến đây thụ nghiệp với thầy; dẫu chẳng học được cái thuật trường sinh bất tử, thì cũng mong thầy cho chút gì gọi là tấm lòng cầu học. Thế mà qua hai ba tháng, chỉ những sáng đi kiếm củi, tối lại trở về. Hồi còn ở nhà, đệ tử chưa bao giờ phải chịu khổ như thế. Ðạo sĩ cười bảo: - Ta vẫn nói là anh không kham nổi khó nhọc, nay đã quả nhiên. Sáng mai, sẽ cho anh về: Vương nói: - Ðệ tử làm lụng đã bao ngày, xin thầy dạy qua cho một thuật mọn, khỏi phụ công lao đệ tử lặn lội tới đây. Ðạo sĩ hỏi: - Muốn học thuật gì? Vương đáp: - Thường thấy thầy đi đâu, tường vách không ngăn được. Chỉ xin một phép cũng đủ. Ðạo sĩ cười nhận lời. Bèn đem một bí quyết truyền cho, bảo miệng đọc mấy câu thần chú xong rồi hô: "Vào đi!". Vương đối diện với một bức tường mà không dám vào. Ðạo sĩ lại nói: - Cứ vào thử đi! Vương theo lời, thong thả tiến lại, đến tường thì bị vấp. Ðạo Sĩ bảo: - Cúi đầu, vào cho nhanh, đừng lần chần! Vương quả quyết, đứng cách tường mấy bước, lao nhanh tới. Gặp tường, cảm thấy trống không có vật gì cả. Quay lại thì đã thấy mình ở bên kia tường rồi.Vương mừng quá, vào lạy tạ. Ðạo sĩ bảo: - Về nhà nên giữ mình đứng đắn, không thế thì phép không nghiệm nữa đâu. Nói rồi cấp lộ phí cho mà về. Ðến nhà, chàng khoe đã gặp tiên, tường vách dày đến đâu cũng không ngăn được mình. Vợ không tin. Vương làm đúng như lời đạo sĩ đã dạy, đứng cách tường mấy bước, chạy ù vào. Ðầu đụng phải tường cứng, bỗng ngã lăn đùng. Vợ Vương đỡ dậy, nhìn xem, thấy trán đã sưng lên như một quả trứng lớn. Vợ Vương đưa ngón tay lêu lêu, diễu cho. Vương vừa thẹn vừa ức, chỉ biết chửi lão đạo sĩ bất lương mà thôi.” Vương sinh chẳng qua chỉ là một con người nhiều dục vọng của đời thường. Việc Vương mộ đạo chẳng qua chỉ là lòng ham muốn có thuật lạ; ham muốn này cũng như các ảo vọng rất thường thấy, rất phổ biến của nhiều người trong thế tục. Vương không phải là người trì chí nên chẳng chịu nổi gian khổ, lại thiếu cẩn trọng, thích khoe mẽ, mới được thầy truyền cho chút phép thuật đã vội về khoe ngay với vợ… Việc Vương mộ đạo cũng như những người hay mơ ước đạt được chân lí. “Đạo” được Bồ Tùng Linh nói ở đây là con đường, là “Đạo” trong Đạo đức kinh của Lão tử, là chân lí vĩnh hằng của vạn vật, là “Đạo khả đạo phi thường đạo” (6) . Cái đã gọi là chân lí thì không thể truyền đạt được mà chỉ có thể “ngộ” … và kẻ phàm như Vương Sinh thì làm sao mà “ngộ” được. Trong cõi đời có vô số những kẻ tầm thường vẫn mơ tưởng đạt đến chân lí và cuối cùng chỉ làm trò cười mà thôi. Việc Vương húc đầu vào tường, “trán sưng lên như một quả trứng lớn” lại bị vợ “lêu lêu cho” là một chi tiết biếm họa cho toàn cảnh. Truyện của Liêu trai đều là bịa đặt nhưng tình tiết phong phú, linh hoạt, muôn màu, muôn vẻ chứng tỏ tác giả là người rất từng trải. Mỗi nhân vật trong từng truyện đều có tính cách riêng rất độc đáo và nhất quán. Nhân vật có khi là cây cỏ, thú vật, chim chóc hóa thân thành người và khi đã thành người lại có tính cách rất riêng. Tính cách này thường phục vụ cho một chủ đề nào đó của truyện; ví dụ ở truyện “Chuyện lạ chim câu”(Cáp dị): để ca ngợi tình tri âm, Bồ Tùng Linh đã cho chim câu biến hình thành thiếu niên: Công tử Trương Công Lượng đất Châu Bình rất thích chim câu, cứ theo sách Kinh mà tìm. Cầu có được đủ các chủng loại. Có con nào, Trương chăm chút y như trẻ thơ: bị bệnh lạnh thì chữa bằng cỏ phấn, bệnh nóng thì cho ăn muối hạt. Chim câu thích ngủ, nhưng ngủ quá nhiều thì mắc bệnh bại liệt. Hồi ở Quảng Lăng, Trương mua một con “Dạ du” mười đồng vàng, mình rất nhỏ, chạy rất nhanh, thả trên mặt đất nó cứ chạy loanh quanh không biết đến bao giờ, kỳ đến mệt lăn ra chết mới thôi, cho nên phải có người bắt giữ. Ban đêm Trương bỏ”Dạ du” vào trong đàn chim, nó chạy lung tung làm cho chim câu giật mình không ngủ được, để tránh cho chúng bệnh bại liệt. Kể thế, những nhà nuôi chim đất Tề, đất Lỗ cũng kém tài. Mà công tử cũng lấy việc nuôi chim câu để tự khoe một chút. Một đêm công tử đang ngồi ở thư phòng, bỗng một trang thiếu niên mặc áo trắng gõ cửa bước vào. Hai người không quen biết nhau, công tử hỏi, chàng ta đáp: - Con người phiêu bạt, tên họ có gì đáng nói. Ở xa nghe tin đồn công tử nuôi bồ câu được lắm. Bình sinh tôi cũng ưa thích thứ ấy, xin được cho xem. Trương liền đem hết ra, đủ cả năm sắc, rực rỡ như gấm mây. Chàng thiếu niên cười mà rằng: - Lời đồn quả không ngoa, có thể nói công tử biết hết mọi sự trong nghề nuôi chim câu. Tôi cũng có mang theo một hai con, công tử có muốn xem không? Trương mừng quá, theo người thiếu niên đi. Đêm ấy, ánh trăng mờ ảo, đồng không mông quạnh, đi thì đi nhưng trong lòng Trương đã thầm ngờ ngợ. Thiếu niên vừa chỉ vừa nói: - Xin gắng đi chút nữa, nơi tôi ngụ không còn xa nữa. Đi thêm mấy bước đã tới một ngôi nhà hai gian. Thiếu niên dắt tay đi vào. Trong nhà không có ánh đèn lửa. Thiếu niên đứng giữa sân, bắt chước tiếng chim câu gù. Bỗng có một đôi chim tầm cỡ như chim thường lông trắng tuyền bay ra ngang tầm mái hiên, vừa gù vừa chọi. Thiếu niên xua tay hai con nối cánh bay vào chuồng. Thiếu niên lại chúm miệng gù cách khác. Lại có hai con khác bay ra - con lớn như con le, con bé bằng nắm tay - đậu xoè cánh như hai cánh bình phong, vừa gù vừa nhảy rất uyển chuyển, dường như để khơi dẫn. Con nhỏ vừa gù vừa bay lên xuống rồi đậu trên đầu con lớn đang vẫn giương cổ không động cựa cánh chấp chới như tiếng chim yến lạc vào đám lác. Tiếng kêu con nhỏ như tiếng trống bỏi, tiếng con lớn lại y như tiếng khánh, đan hoà nhau như một dàn nhạc. Rồi chim nhỏ bay lên, con lớn cứ lắc lư như chào gọi vậy. Công tử nhìn quang cảnh ấy, cứ khen ngợi mãi không thôi. Tự chỉ thấy mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng, đáng xấu hổ bèn vái chàng thiếu niên, xin cho chia sẻ niềm yêu thích. Thiếu niên không nghe, lại cố gắng xin, lúc ấy thiếu niên mới gù gọi đôi chim trắng ra, bắt lấy đưa cho Trương, nói: - Nếu công tử không ghét bỏ, tôi xin biếu đôi này. Trương nhận lấy, ngắm nghía: đôi mắt chim câu tròn như hạt hồ tiêu, phản chiếu ánh trăng lóng lánh màu hổ phách như trong suốt, mở đôi cánh ra da thịt nó mỏng tanh trong vắt như có thể nhìn rõ tim ruột. Trương rất lấy làm lạ, mà ý chưa cho là đủ, còn nài nỉ xin nữa. Thiếu niên miễn cưỡng bảo: - Hãy còn hai đôi chim chưa đưa ra trình, nay không dám mời xem nữa. Còn đang chuyện trò đàm đạo thì người nhà Trương đốt đuốc đi tìm chủ nhân. Trương vừa quay đi, chàng thiếu niên đã hoá thành chim câu trắng, to như con gà, bay vút lên trời, đi đâu không rõ. Nhà cửa vừa trước mắt biến đâu mất mà chỉ còn một ngôi mộ có hai cây bách trồng bên. Trương vội cùng gia nhân ôm đôi chim về. Về đến nhà, thử cho bay, chim vẫn thuần và lạ như trước. Tuy chưa phải là cực hay, song trên đời này cũng hiếm. Do vậy, Trương càng yêu quý… (7) Đại khái truyện của Bồ Tùng Linh hư ảo như thế, đọc hết gần năm trăm truyện kì dị, mỗi truyện mỗi màu mỗi vẻ, đầy cả hỉ nộ ái ố của thế tục, vô vàn nhân vật, vô vàn những chi tiết diễm tình hư hư, thực thực, lắm ngoa ngôn và cũng lắm ngụ ngôn; Liêu Trai chí dị đúng là ý tại ngôn ngoại, là tảng băng trôi trên biển đời, bảy phần chìm ba phần nổi. Những gì Bồ Tùng Linh hư cấu chẳng qua chỉ là phương tiện để chuyển tải hảo ý răn đời, giáo huấn, cải tạo tư tưởng, tinh thần người Trung Quốc. Cũng như Kim Dung ở thế kỉ hai mươi về sau, Bồ Tùng Linh không ngại dùng ngoa ngôn làm phương tiện, lấy những chi tiết vẽ vời siêu thực đưa người đọc vào chốn thần tiên, yêu ma, quỉ mị để hấp dẫn họ, khiến họ noi đức tốt, làm lành, tránh dữ. --------------------------------------------- CHÚ THÍCH: (1) Chức danh ban cho người học giỏi, được vào học ở Thái học. (2) Vương Sĩ Trinh tức Ngư Dương Lão Nhân, tự là Di Thượng, hiệu Nguyễn Đình, đậu tiến sĩ, làm quan đến thượng thư, là nhà thơ và bình thơ rất nổi tiếng của Trung Quốc, là bạn đồng hương của Bồ Tùng Linh. (3) Trong Duy cơ bách khoa toàn thư của Trung quốc: ở câu cuối, chữ 诗 được chú thêm : 诗(thì). Nguyễn Huệ Chi cũng cho là đây là chữ "thì" (時) nhưng xem ra câu “Ái thính thu phần quỷ xướng thi “ vẫn có hàm nghĩa hay hơn. (4)&(5) Tương truyền Tô Đông Pha lúc ở Hoàng châu, mỗi sáng thường mời khách đến hoặc đi chơi cùng khách; tùy từng người mà bảo họ kể chuyện khôi hài, phóng đãng, không cần giữ lễ; người nào không có chuyện khôi hài thì ông yêu cầu kể chuyện ma quỷ. Có người nói là không có ma quỷ, thì ông bảo "Cứ nói láo đi". Trong bài đề thi của Vương Sĩ Trinh và bài họa lại của Bồ Tùng Linh đã dùng tích này. Chữ Hoàng châu ý trong bài thơ họa của Bồ Tùng Linh cũng chính là nhắc lại tích trên. (6) “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” …: Câu đầu tiên, Chương I của Lão tử Đạo Đức kinh; nghĩa là : Đạo mà có thể truyền đạt được thì không phải là Đạo thường hằng; Danh mà có thể gọi tên được thì không phải là Danh thường hằng”… (7) Liêu trai chí dị, Nguyễn Văn Huyền dịch; NXB Văn Học-2000. . nghèo, Liêu Trai chí dị vẫn không thể ấn hành; mãi hơn 50 năm sau (năm Càn Long thứ 31; 1766) mới được khắc in và chỉ sau một thời gian, các bản dịch Liêu Trai. hình…Riêng ở ta, từ năm 1901 trên báo Nông Cổ Mín Đàm, Liêu Trai chí dị đã được dịch và đăng nhiều kì, sau đó các dịch giả như Đào Trinh Nhất, Tản Đà, Nguyễn Huệ

Ngày đăng: 15/09/2013, 05:10

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w