1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

DẠY NGỮ VĂN BẰNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ - ĐÔI ĐIỂU TRAO ĐỔI

4 513 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 4
Dung lượng 47,5 KB

Nội dung

DẠY NGỮ VĂN BẰNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ - ĐÔI ĐIỂU TRAO ĐỔI ****** 1. Theo một nghĩa tương đối: dạy học bằng giáo án điện tử (GAĐT) là một hình thức dạy học tiên tiến và do khả năng lưu trữ, tích hợp, thể hiện thông tin nhanh, đa dạng, cho phép đẩy mạnh sự tương tác giữa thầy và trò, dẫn đến sự thay đổi sâu xa về hình thức của dạy và học. Sau hơn một năm thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nhà trường phổ thông, chúng tôi nhận thấy, việc dạy bằng giáo án điện tử (GAĐT) đối với môn Ngữ Văn hay các phân môn khác đều đem lại những hiệu quả nhất định. Nếu được đầu cẩn thận, phương pháp này sẽ tạo hứng thú cho học sinh, đặc biệt là khi giảng những nội dung có minh hoạ bằng tranh ảnh, âm thanh, sơ đồ, biểu bảng .Mặt khác, việc trình diễn nội dung bài dạy bằng màn hình vừa mới lạ đối với học sinh vừa giúp cho giáo viên tiết kiệm một lượng lớn thời gian ghi bảng, giáo viên sẽ sử dụng thời gian đó vào việc mở rộng vấn đề, liên hệ những kiến thức bên ngoài góp phần làm cho bài học phong phú, sinh động, sâu sắc hơn . Cái được lớn nhất ở mỗi tiết giảng bằng giáo án điện tử chính là một lượng lớn kiến thức, hình ảnh trực quan sinh động được chuyển tải đến các em học sinh. Nó không những giúp cho tiết học trở nên lôi cuốn hơn mà còn hạn chế việc GV bị cháy giáo án vì thời gian được kiểm soát bằng máy. Nếu như trong mỗi tiết học thông thường, giáo viên phải dành khá nhiều thời gian để treo tranh ảnh, thao tác các hoạt động thí nghiệm thì trong tiết học có sử dụng giáo án điện tử, những chuyện đó chỉ cần thao tác trong giây lát. Sự giải phóng đôi tay cho cả giáo viên và học sinh cho phép các em có thể tương tác nhiều hơn với thầy cô giáo, làm nâng cao hiệu quả giờ học. Ngoài ra, về phương diện sức khoẻ, giảng dạy bằng GAĐT sẽ giúp GV tránh được bụi phấn và hạn chế những căn bệnh thường thấy do ảnh hưởng của nghề nghiệp tạo nên. Rõ ràng, hiệu quả của phương pháp giảng dạy mới bằng giáo án điện tử là không thể phủ nhận. Tuy vậy CNTT không phải là tất cả, CNTT không thể thay thế được người thầy. Như chúng tôi đã nói ở trên, nó chỉ giúp người thầy thay đổi cách chế biến để có những "món ăn" ngon và bổ dưỡng - những bài học hấp dẫn, lý thú. Nếu quá lạm dụng CNTT (ở đây chúng tôi muốn đề cập đến việc quá phô diễn kỹ năng tin học, sử dụng những hiệu ứng, những kỹ xảo không cần thiết) thì những "món ăn" ngon và bổ dưỡng ấy sẽ không còn nữa, học sinh sẽ không có khả năng cảm thụ vẻ đẹp của ngôn từ văn chương mà chỉ chú tâm đến phần trình diễn kỹ thuật tin học. 2. Qua thực tế dự giờ thể nghiệm của các đồng nghiệp, chúng tôi nhận thấy khá nhiều điều bất cập: Thứ nhất , văn chương hấp dẫn người đọc bởi tính hình tượng, tính gợi hình gợi cảm của nó. Dạy đúng chưa phải là cái đích của môn văn mà còn phải dạy sao cho có hồn, cho sinh động, cho hay. Sau mỗi giờ học văn, người học ít nhiều thỏa mãn được loại khoái cảm đỉnh cao này, khi ấy họ sẽ tự tìm đến văn chương hơn là ép buộc. Nhà văn không có cảm hứng không thể có tác phẩm, người dạy văn thiếu độ rung của tâm hồn thì tiết giảng khó thành công. Thế nhưng, khi sử dụng GAĐT, phần lớn các giáo viên mà chúng tôi được dự hầu như bị phụ thuộc hoàn toàn vào màn hình máy tính , "vật lộn" với màn hình, thực hiện những thao tác đơn giản đến mức đơn điệu là: Click chuột - diễn giải - Click chuột . Các em HS vốn lâu nay đã quen với việc các thầy cô dạy dưới hình thức giảng - đọc - chép thì nay các em như được đi trên mây, trên gió. Nhiều em tâm sự: "Tiết học thì sống động thật nhưng chữ chạy nhanh quá chúng em không ghi bài được". Học sinh thì cắm cúi ghi chép vì sợ thầy chuyển sang trang khác. Cuối cùng dẫn đến một tiết dạy rời rạc, xơ cứng; học sinh không cảm nhận được nét đặc sắc của văn bản . Thứ hai , dạy văn trước hết phải truyền cho được cái thần, cái hồn của văn chương. Trước đây dạy văn chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình, diễn giảng để truyền chất văn từ thầy sang trò; thầy khơi gợi nhều liên tưởng tinh tế, thú vị. Nay chuyển trung tâm về phía người học, người dạy chỉ đóng vai trò hướng dẫn, "đỡ đầu" cho người học. Các phương tiện dạy học hiện đại được huy động tối đa, cứ ngỡ như thế chắc chắn chất lượng sẽ được nâng lên, vượt xa ngày trước, nhưng hiệu quả lai không như ý muốn. Tự thân phương pháp không giải quyết được vấn đề nếu nó không phù hợp với đặc trưng đối tượng. Chẳng hạn, sử dụng máy chiếu phụ trợ cho giảng dạy văn học dân gian (nhất là phần ca dao dân ca) sẽ rất thành công, bởi đặc trưng của nó là loại nghệ thuật đa chức năng: người dạy có thể làm sống lại không gian diễn xướng bằng hình ảnh trên màn hình. Hay dạy các tiết tập làm văn, trả bài hoặc bài tiếng Việt, sử dụng GAĐT có tác dụng lớn trong việc tiếp nhận của học sinh. Nhưng khi dạy các tiết đọc văn, nếu lạm dụng máy chiếu có khi lại phản cảm.Thông điệp văn chương vọng từ con chữ, gợi trí tưởng tượng chứ không thể hình ảnh hóa bằng đường nét trên màn hình được. Thú thực, được dự nhiều tiết đọc văn theo phương pháp mới; ngoài một số ít tiết thành công, còn lại tôi cứ tự phân vân: không biết người ta dạy văn hay trình chiếu hình ảnh cho văn, chất văn tỏa ra từ ngôn từ bay đi đâu hết; bước ra khỏi phòng học mà lòng cứ nhẹ tênh, bao nhiêu hồn cốt của tác phẩm văn chương tìm mãi mà chẳng thấy đâu, mặc dù trong các tiết dạy bằng GADĐT, giáo viên luôn cố gắng sử dụng những tranh ảnh minh hoạ trực quan (có giáo viên khi giảng bài " Tấm Cám " đã sử dụng hơn 26 hình ảnh . khiến cho học sinh chỉ tập trung .chờ xem ảnh và xem mà ít chú ý lĩnh hội nội dung bài giảng). Thứ ba , khi soạn GAĐT, giáo viên biên soạn thường không có sự phân định rạch ròi giữa nội dung giảng và nội dung học sinh cần ghi chép. Giáo viên cứ "chiếu" kiến thức ngồn ngộn lên màn hình mà không có quy ước nào để học sinh nắm bắt kiến thức. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh ghi chép mải miết mà không sao ghi kịp, ghi ý phụ mà bỏ mất ý chính là chuyện thường. Ngoài ra, một số giáo viên còn sử dụng các kiểu hiệu ứng cho chữ "nhảy múa lung tung" khiến học sinh không tập trung học được mà cứ lo .xem chữ. Có nhiều tiết học, ngay cả những tiết thao giảng, giáo viên giảng trên GAĐT rất hay, tương tác giữa thầy và trò rất tốt, học sinh tham gia và hiểu rõ bài học. Nhưng khi hết tiết học, xem lại tập vở thì học sinh ghi lại kiến thức đã học không được bao nhiêu. Có những học sinh không biết phần nào phải ghi, phần nào không ghi, nên trang vở để trống. Điều này dẫn đến ba hậu quả: học sinh không nắm tổng quát được bài học, khó học bài và mau quên các kiến thức đã thu được khi nghe giảng. 3. Thật ra, để chuẩn bị cho một bài giảng bằng giáo án điện tử là chuyện không hề đơn giản chút nào. Ngoài việc đòi hỏi GV có một kiến thức nhất định về tin học như sử dụng thành thạo phần mềm Power Point thì nó còn yêu cầu GV phải có khả năng vận dụng hợp lý giữa việc trình bày bài giảng một cách khoa học gắn với phương pháp sư phạm. Để giờ dạy bằng GAĐT đạt hiệu quả, ta phải giải quyết khó khăn của học sinh ngay từ người thầy và giải quyết ở ba khâu: soạn GAĐT , trình chiếu giáo án và hướng dẫn học sinh ghi chép . a. Soạn giáo án: Mỗi lớp học có trung bình từ 40-50 học sinh. Trong khi đó các tiết dạy GAĐT thường phải tắt bớt đèn, đóng bớt cửa sổ hay kéo rèm hạn chế ánh sáng trời để ảnh trên màn rõ hơn. Như vậy, những học sinh ngồi ở các dãy cuối lớp hay những học sinh mắt kém sẽ khó khăn khi quan sát hình ảnh, chữ viết hay công thức trên màn chiếu. Do đó để học sinh có thể ghi chép được bài học chính xác từ màn chiếu, giáo viên khi soạn giáo án trên Power Point cần chú ý một số nguyên tắc về hình thức sau: - Về màu sắc của nền hình : cần tuân thủ nguyên tắc tương phản (contrast), chỉ nên sử dụng chữ màu sậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm .) trên nền trắng hay nền màu sáng. Ngược lại, khi dùng màu nền sậm thì chỉ nên sử dụng chữ có màu sáng hay trắng. - Về font chữ : chỉ nên dùng các font chữ đậm, rõ và gọn (Arial, Tahoma, VNI-Helve .) hạn chế dùng các font chữ có đuôi (VNI-times .) vì dễ mất nét khi trình chiếu. - Về size chữ : giáo viên thường muốn chứa thật nhiều thông tin trên một slide nên hay có khuynh hướng dùng cỡ chữ nhỏ. Thực tế, trong kỹ thuật video, khi chiếu trên màn hình TV (25 inches) cho vài người xem hay dùng máy chiếu Projector chiếu lên màn cho khoảng 50 người xem thì size chữ thích hợp phải từ cỡ 28 trở lên mới đọc rõ được. - Về trình bày nội dung trên nền hình : giáo viên không nên trình bày nội dung tràn lấp đầy nền hình từ trên xuống từ trái qua phải, mà cần chừa ra khoảng trống đều hai bên và trên dưới theo tỷ lệ thích hợp (thường là 1/5), để đảm bảo tính mỹ thuật, sự sắc nét và không mất chi tiết khi chiếu lên màn. Ngoài ra, những tranh, ảnh hay đoạn phim minh họa dù hay nhưng mờ nhạt, không rõ ràng thì cũng không nên sử dụng vì không có tác dụng cung cấp thông tin xác định như ta mong muốn. b. Trình chiếu GAĐT Khi giáo viên trình chiếu Power Point, để học sinh có thể ghi chép kịp thì nội dung trong mỗi slide không nên xuất hiện dày đặc cùng lúc. Ta nên phân dòng hay phân đoạn thích hợp, cho xuất hiện theo hiệu ứng thời gian tương ứng. Trường hợp có nội dung dài mà nhất thiết phải xuất hiện trọn vẹn cùng lúc, ta trích xuất từng phần thích hợp để giảng, sau đó đưa về lại trang có nội dung tổng thể, học sinh sẽ dễ hiểu và dễ chép hơn. c. Hướng dẫn học sinh ghi chép Trong tiết học, học sinh phải có sẵn trước mặt sách giáo khoa quy định của Bộ GD&ĐT và dùng vở để ghi chép. Khi trình chiếu Power Point và giảng bài, giáo viên hướng dẫn học sinh cách ghi bài học vào vở như sau: a- Những kiến thức căn bản, thuộc nội dung giáo khoa quy định sẽ nằm trong các slide có ký hiệu riêng. Ví dụ ký hiệu (@, đặt ở góc trên bên trái). Học sinh phải chép đầy đủ nội dung trong các slide này. Tập hợp nội dung các slide có ký hiệu riêng tạo nên kiến thức yêu cầu tối thiểu của tiết học. b - Những nội dung có tính thuyết minh, minh họa, mở rộng kiến thức sẽ nằm trong các slide khác, không có ký hiệu riêng. Với những slide này, học sinh tự chọn học nội dung để chép tùy theo sự hiểu bài của mình. c- Với những kiến thức căn bản nhưng khá dài, nếu chép hết sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của tiết học, sau khi giảng xong giáo viên hướng dẫn học sinh đánh dấu trong sách giáo khoa để về nhà chép (học sinh sẽ chừa khoảng trống thích hợp). Con người hoạt động theo quy luật sáng tạo. Đổi mới phương pháp là tất yếu nhưng mọi đổi mới đều phải có kế thừa, phải phù hợp với đặc trưng từng môn học. Trên đây là những nhận định ban đầu của chúng tôi về việc dạy Ngữ Văn ở trường PT bằng GAĐT. Phải thấy rằng, bên cạnh những ưu điểm thiết thực, GAĐT vẫn còn không ít bất cập như đã trình bày. Có thể đây chỉ là những khía cạnh nhỏ mà chúng tôi ghi nhận được. Mong các đông nghiệp cùng những người làm công tác quản lý giáo dục hãy quan tâm hơn nữa vấn đề này để tiết dạy Ngữ Văn ở trường PT nói riêng và các phân môn khác nói chung, ngày càng đặc sắc, chất lượng hơn. Vinh, tháng 10/2008 TV Phan- Huỳnh Thúc Kháng . DẠY NGỮ VĂN BẰNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ - ĐÔI ĐIỂU TRAO ĐỔI ****** 1. Theo một nghĩa tương đối: dạy học bằng giáo án điện tử (GAĐT) là một hình thức dạy học. trong nhà trường phổ thông, chúng tôi nhận thấy, việc dạy bằng giáo án điện tử (GAĐT) đối với môn Ngữ Văn hay các phân môn khác đều đem lại những hiệu quả

Ngày đăng: 30/08/2013, 19:10

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w