Với những bước tiến như vũ bão của các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thành tựu khoa học kỹ thuật, khoảng cách giữa các quốc gia ngày một rút ngắn lại, thương mại quốc tế thay đổi khá lớn cả về nội dung và hình thức, thủ tục hải quan truyền thống chưa đáp ứng được mục tiêu quản lý của mình vì bị giới hạn về không gian và thời gian cũng như khó nhận biết các nguy cơ tiềm ẩn do hạn chế về nguồn lực. Đặc biệt, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, hoạt động thương mại quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, điều này vừa là cơ hội và cũng là thách thức với cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, là một trong các ngành được giao quản lý và thực thi các chính sách về hoạt động kinh tế đối ngoại của đất nước. Hải quan Việt nam đã gia nhập công ước quốc tế về đơn giản hóa và hài hóa thủ tục hải quan (gọi là Công ước KYOTO sửa đổi), là đơn vị chủ trì thuộc Bộ Tài chính triển khai cơ chế một cửa quốc gia và Asean, đồng thời hải quan Việt Nam đã và đang triển khai dự án do Nhật Bản tài trợ (VNACCS/VCIS)…Những yêu cầu thực hiện nghĩa vụ pháp lý trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đòi hỏi hải quan Việt Nam phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý theo yêu cầu của quản lý hải quan hiện đại một cách toàn diện trong hầu hết các hoạt động quản lý của hải quan. Việt Nam đang mở rộng các mối quan hệ song phương và đa phương, hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn nữa vào nền kinh tế thế giới nên các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện vận tải, hành khách xuất nhập cảnh tăng lên nhanh chóng. Cùng với các hình thức thương mại mới như các loại hình kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử.., công việc của hải quan ngày càng nhiều thách thức, nặng nề hơn. Với việc áp dụng quy trình thủ tục hải quan thì những yêu cầu nêu trên sẽ được xử lý nhanh chóng, chính xác, kịp thời, qua đó giảm mức độ kiểm tra đối với các đối tượng tuân thủ, nhằm tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan. Để tranh thủ trình độ khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới cũng như tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, cần mẫn, nhiều tiềm năng với mức giá khá hấp dẫn ở trong nước, thì hoạt động gia công cho thương nhân nước ngoài ở Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu, khách quan và rất có ý nghĩa đối với chúng ta trong giai đoạn đầu của thời kỳ hội nhập. Chính vì vậy, hoạt động này đã và đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện. Thực tiễn cho thấy, cũng như các lĩnh vực khác của nền kinh tế, công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn thảo và tháo gỡ kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả do hoạt động này đem lại. Thời gian qua, cũng đã có không ít quan điểm, bài viết, ý kiến từ phía doanh nghiệp hoặc của cơ quan hải quan về một hoặc một nhóm vấn đề cụ thể nhằm vào các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và đầu tư nói chung cũng như việc thực hiện của cơ quan hải quan trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ mà pháp luật quy định, việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp. Song hầu như chưa có một đề tài nào đi sâu nghiên cứu, phân tích nhằm hướng vào mục tiêu vừa thúc đẩy hoạt động gia công cho thương nhân nước ngoài đạt hiệu quả cao nhất vừa đảm bảo cho cơ quan hải quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình. Xuất phát từ những lý do trên, với cương vị là một cán bộ công tác tại Chi cục Hải quan Gia Thụy, Cục Hải quan TP. Hà Nội, trong quá trình học tập, nghiên cứu cũng như trong thực tiễn công tác, tôi nhận thấy việc nghiên cứu về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhận gia công cho thương nhân nước ngoài tại Chi cục Hải quan Gia Thụy vừa góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ công tác tại chỗ của đơn vị, vừa tạo điều kiện cho tôi được bồi dưỡng khả năng nghiên cứu và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như trình độ quản lý của bản thân. Trên cơ sở đó, tôi quyết định chọn đề tài: “ Hoàn thiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhận gia công tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài (nghiên cứu tại Chi cục Hải quan Gia Thụy) ”, làm đề tài Luận văn Thạc sỹ của mình.