PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Ra đời trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động với những thay đổi từ cũ sang mới, thơ Mới (1932-1945) là một hiện tượng mới mẻ, độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam. Thi nhân thơ Mới sáng tạo thơ ca trong hoàn cảnh đời sống xã hội xuất hiện những bi kịch mang tính hiện sinh. Nghiên cứu tâm thức hiện sinh giúp ta hiểu rõ hơn về đặc điểm mang tính lịch sử của thơ Mới. Xuất hiện khi tác giả đưa những suy tư về ý nghĩa sự sống và tồn tại bản thân vào tác phẩm, tâm thức hiện sinh là một trong những đặc điểm nổi bật của thơ Mới nhưng cho đến nay, chưa một công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống. Ở nước ta gần đây đã có sự quan tâm trở lại tới chủ nghĩa hiện sinh. Tác phẩm của chủ nghĩa hiện sinh được dịch lại (Zarathustra đã nói như thế-F.Nietzsche, 1999, Thuyết hiện sinh là một lý thuyết nhân bản-J.P.Sartre, 2015…), công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh được tái bản (Chủ nghĩa hiện sinh-Trần Thái Đỉnh, 2015;, Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc-Trần Thiện Đạo, 2001,…), vận dụng lý thuyết hiện sinh để nghiên cứu văn học (Tiếp cận chủ nghĩa hiện sinh-Lịch sử và sự hiện diện ở Việt Nam-Nguyễn Tiến Dũng, Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh để nghiên cứu văn xuôi Việt Nam đương đại-Nguyễn Thái Hoàng, Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay-Trần Nhật Thu…). Có thể thấy rằng, khi các lý thuyết giai cấp luận lúng túng trong việc giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần thì triết học nhân bản gợi ra hướng giải quyết thấu đáo. Triết hiện sinh quan tâm đến tồn tại con người trong thời đại kỹ trị nên nó đã giải quyết được phần nào vấn đề đó. Triết học hiện sinh là triết học về con người, triết học nhân bản. Nó tập trung nghiên cứu phương thức tồn tại của con người, cung cấp phương pháp phân tích con người từ trạng thái xúc cảm mang tính nhân bản nên rất gần gũi với sáng tạo văn học. Thơ Mới ra đời trên nền tảng tư tưởng khai sáng, có khuynh hướng lý tính nên tâm thức hiện sinh thể hiện một cách vô thức. Tuy vậy, giữa triết học hiện sinh và thơ Mới vẫn có nhiều điểm tương đồng như ý thức về cái Tôi cá nhân, sự cô đơn, nỗi buồn, khát vọng chống lại sự tuyệt vọng… Văn học là sự ý thức về tồn tại, là cảm nhận thế giới và con người từ góc độ tồn tại luận. Thơ ca, nhất là thơ trữ tình, hàm chứa tư duy triết học về tồn tại con người “trữ tình thường có tầm vóc phổ quát nhất về tồn tại và nhân sinh” [176, tr.359]. Nghiên cứu tâm thức hiện sinh giúp chúng ta hiểu rõ hơn chiều sâu tư tưởng triết lý, cụ thể là triết lý nhân bản có tính nhân loại của thơ Mới. Xuất phát từ khát vọng nhân bản, "khát vọng được thành thực" [279, tr.12], mỗi thi nhân thơ Mới đã tự lựa chọn con đường dấn thân làm nên mình, nên họ là những cá thể siêu việt dưới góc nhìn hiện sinh. Trước tình thế phải lựa chọn, họ luôn phân vân giữa được-mất và không biết rằng lựa chọn dấn thân đó có thỏa mãn cái khao khát “được thành thực” hay không? Cảm giác đó cũng mang tính hiện sinh. Mối trăn trở ở họ về ý nghĩa tồn tại: Tôi là ai? Tôi là cái gì trong cuộc đời này?... cũng mang tính hiện sinh. Tâm thức hiện sinh trong thơ Mới thể hiện một cách vô thức qua ý thức về sự cô đơn bản thể, về người với người là không thể hiểu, về thân phận bị ruồng bỏ và kiếp trầm luân, về tồn tại vô nghĩa, về lựa chọn sinh tồn, ý thức về cái chết và sự hữu hạn của kiếp người… Trước đây, những trạng thái bất lực, bế tắc, cô đơn thường được đặt trong mối quan hệ với ý thức hệ nên chưa được xem là những vấn đề mang tính bản thể, nhân loại. Chủ nghĩa hiện sinh là nhãn quan triết học thích hợp để có thể nghiên cứu theo hướng tiếp cận này và đem đến những nhận thức mới ở góc độ bản thể luận. Đề tài “Tâm thức hiện sinh trong thơ Mới” mở ra triển vọng nghiên cứu thi ca trong cái nhìn so sánh với triết học. Lý thuyết hiện sinh đã từng được vận dụng để tìm hiểu văn học trên cơ sở sự tương đồng với triết học. Ở miền Nam trước 1975, hướng nghiên cứu này được vận dụng khá phổ biến với các tác giả Lê Tuyên trong Thời gian hiện sinh trong Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày…, Đỗ Long Vân với Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương…, Đặng Tiến với Nguyễn Du-Nghệ thuật như một chiến thắng… Những năm gần đây, hướng nghiên cứu đó tiếp tục nhận được sự quan tâm của các tác giả Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Thái Hoàng, Trần Nhật Thu… Chúng tôi đi theo hướng nghiên cứu này với đối tượng thơ Mới 1932-1945. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu - Mục đích nghiên cứu Luận án hướng đến việc mô tả, lý giải và khẳng định tâm thức hiện sinh trong thơ Mới với tất cả sự đa dạng của nó. - Nhiệm vụ nghiên cứu + Mô tả lịch sử nghiên cứu vấn đề Tâm thức hiện sinh trong thơ Mới. + Giới thuyết một số chủ đề hiện sinh được vận dụng để nghiên cứu thơ Mới. + Mô tả và lý giải tâm thức hiện sinh qua những sáng tác của các tác giả tiêu biểu trong thơ Mới.