ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện nay, phẫu thuật bắc cầu chủ vành (phẫu thuật mạch vành) được thực hiện nhiều nhất trong các phẫu thuật tim, do có sự gia tăng bệnh lý mạch vành trong mô hình bệnh tật. Phần lớn các ca phẫu thuật mạch vành được thực hiện khi chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể, với tim ngừng đập, chỉ một số ít bệnh nhân được phẫu thuật mạch vành với tim đập, không có tuần hoàn ngoài cơ thể. Trong số các biến chứng của phẫu thuật mạch vành có chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, biến chứng phổi khá thường gặp. Biến chứng này làm giảm khả năng hồi phục sau mổ, kéo dài thời gian nằm viện, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ tử vong và chi phí điều trị [1],[2]. Đây là hậu quả của toàn bộ quá trình gây mê, phẫu thuật, hồi sức, với 3 nhóm nguyên nhân chính: đáp ứng viêm hệ thống, tổn thương thiếu máu - tái tưới máu và xẹp phổi. Đáp ứng viêm hệ thống xảy ra do máu tiếp xúc với các vật liệu của hệ thống THNCT, kích hoạt bạch cầu, tiểu cầu, tế bào nội mạc, hoạt hóa bổ thể, giải phóng các chất trung gian hóa học gây tổn thương phổi [3],[4],[5],[6]. Tổn thương thiếu máu - tái tưới máu là hậu quả của việc giảm lượng máu cấp cho phổi trong khi chạy THNCT và tăng cấp máu phổi trở lại khi kết thúc THNCT. Thiếu máu - tái tưới máu làm tăng giải phóng các gốc tự do, oxy hóa lipid, đồng thời gây ra đáp ứng viêm tại chỗ và toàn thân, dẫn đến tổn thương phổi [7],[8],[9]. Cuối cùng, khi chạy máy THNCT thường quy, phổi bệnh nhân sẽ không được thông khí, để xẹp tự nhiên; khi kết thúc cuộc mổ, phổi được bóp bóng cho nở lại. Việc để phổi xẹp trong suốt thời gian chạy máy THNCT dẫn đến tổn thương các tế bào phế nang, hoạt hóa các bạch cầu. Sau đó, việc bóp bóng làm phổi nở lại sẽ tiếp tục hủy hoại tế bào phế nang và tế bào nội mạc mạch máu. Các tổn thương này sẽ khởi động quá trình viêm tại phổi [10],[11],[12]. Hậu quả của phản ứng viêm này là các tế bào nội mạch máu và tế bào biểu mô phế nang bị kích hoạt, phù nề, mất sự liên tục; bạch cầu hoạt hóa xâm nhập vào khoảng kẽ; phế nang tràn ngập huyết tương, hồng cầu và các sản phẩm giáng hóa của quá trình viêm [13]. Như vậy, 3 nhóm nguyên nhân trên đều có thể gây tổn thương phổi thông qua cơ chế viêm. Khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi trong khi chạy THNCT được xem là biện pháp dễ áp dụng, ít tốn kém và có hiệu quả để giảm đáp ứng viêm, thông qua đó làm giảm các biến chứng sau mổ, trong đó có biến chứng phổi. Thông khí nhân tạo sẽ giữ phế nang mở, tránh các biến chứng do phổi xẹp hoàn toàn. Đồng thời, khi phổi nở - xẹp theo chu kỳ, lượng máu đến phổi sẽ tăng lên, làm giảm tổn thương thiếu máu - tái tưới máu. Cả 2 quá trình trên đều gián tiếp làm giảm đáp ứng viêm và giảm tổn thương phổi [14],[5]. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu cho các kết quả ủng hộ TKNT như: TKNT làm giảm nồng độ các dấu ấn viêm, cải thiện các chỉ số oxy hóa máu, giảm lượng nước ngoài lòng mạch ở phổi, cải thiện cơ học phổi, giảm thời gian thở máy, thời gian nằm viện [15],[16],[17],[18]. Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu nào về TKNT trong khi chạy máy THNCT. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá tác động của thông khí bảo vệ phổi trong tuần hoàn ngoài cơ thể lên đáp ứng viêm và tình trạng phổi ở bệnh nhân phẫu thuật mạch vành”, với các mục tiêu sau: 1. Đánh giá tác động lên một số dấu ấn viêm hệ thống của thông khí bảo vệ phổi trong chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể ở bệnh nhân phẫu thuật mạch vành. 2. Đánh giá tác động lên một số chỉ số cơ học phổi, lâm sàng và biến chứng phổi của thông khí bảo vệ phổi trong chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể ở bệnh nhân phẫu thuật mạch vành.