Hoạt động tín dụng của Ngân Hàng là hoạt động tài trợ của ngân hàng cho khách hàng (còn được gọi là tín dụng ngân hàng), bao gồm hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, chiết khấu, bảo lãnh và một số hoạt động khác do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tín dụng là hoạt động lớn nhất song rủi ro cao nhất cho ngân hàng. Khi tiến hành một hoạt động tín dụng, ngân hàng sẽ thu được lãi (lợi nhuận) từ hoạt động đó, lãi chính là phí mà khách hàng phải trả cho ngân hàng để được sử dụng khoản tín dụng mà ngân hàng tài trợ. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải đối mặt với rủi ro có thể khách hàng không trả, hoặc không trả đúng hạn, hoặc không trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Rủi ro này có rất nhiều nguyên nhân, đều có thể gây ra tổn thất, làm giảm thu nhập của ngân hàng. Có nhiều khoản tài trợ mà tổn thất có thể chiếm phần lớn vốn của chủ, đẩy ngân hàng đến phá sản. Vì thế, quản lý và đánh giá rủi ro vỡ nợ được đặt ra như một vấn đề trọng tâm trong hoạt động tín dụng của ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư. Việc ước lượng chính xác rủi ro vỡ nợ của khách hàng vay hoặc danh mục đầu tư có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà đầu tư, mỗi tổ chức ngân hàng và hệ thống tài chính. Rủi ro vỡ nợ được ước lượng chính xác không chỉ có ý nghĩa cho việc định giá đúng cho các khoản vay của mỗi doanh nghiệp và góp phần tăng tính thanh khoản, ngăn ngừa những khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong tương lai. Xếp hạng tín dụng được xây dựng dựa trên việc chấm điểm tín nhiệm (định mức tín nhiệm) chính là căn cứ để cấp tín dụng, để “ phân biệt đối xử ” về lãi suất cho vay, để đầu tư vào một công ty hay quốc gia, để thiết lập các quan hệ làm ăn… Có nhiều cách để xây dựng và cho điểm chỉ số XHTN, mỗi một tổ chức tín nhiệm có một cách riêng. Sở giao dịch I Ngân hàng Công Thương Việt Nam (SGD I) hiện nay cũng đang sử dụng một hệ thống chấm điểm tín nhiệm riêng đối với các tổ chức xin cấp tín dụng tại chi nhánh.