Chấn thương hàm mặt do nhiều nguyên nhân khác nhau như TNGT, lao động, sinh hoạt và tai nạn thể thao, nhưng trong giai đoạn hiện nay chủ yếu do TNGT đặc biệt là tai nạn xe máy. Trong khối XTGM có các xoang, hốc tự nhiên chứa những cơ quan giữ chức năng quan trọng của vùng Hàm mặt và liên quan chặt chẽ với sọ não mà trực tiếp là nền sọ. Vì vậy khi chấn thương gãy XTGM thường có những tổn thương kết hợp như sọ não, hệ thống sàng hàm và khoang miệng, đặc biệt ổ mắt, nhãn cầu. Tổn thương xương ổ mắt trong chấn thương gãy XTGM hay gặp tổn thương sàn và thành trong ổ mắt, nơi có cấu trúc xương mỏng và yếu. Nghiên cứu của Pasquale Piombino 61 tổn thương xương ổ mắt chiếm 40% gãy xương hàm mặt nói chung, trong đó tổn thương SOM chiếm tỷ lệ 67% 84%. Tổn thương SOM có triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp việc chẩn đoán nhiều khi khó khăn, trong điều trị nếu bỏ sót tổn thương có thể để lại những di chứng như giảm thị lực, lõm mắt, nhìn đôi, hạn chế vận nhãn, tê bì vùng má, môi trên ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ của người bệnh. Các di chứng này rất khó xử lý sau khi quá trình liền thương được hoàn tất. Các phương pháp điều trị tổn thương SOM trong chấn thương gãy XTGM rất đa dạng, ngoài việc điều trị gãy khối XTGM còn phải phục hồi lại SOM tùy theo mức độ tổn thương. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tổn thương SOM do chấn thương cũng như các phương pháp điều trị về tổn thương này. Tùy theo mức độ tổn thương, SOM có thể được nắn chỉnh, kết hoặc ghép xương. Trần Đình Lập 8 sử dụng Silicon, Lê Minh Thông 9 dùng chế phẩm san hô lấy từ vùng biển Việt nam để phục hồi tổn khuyết SOM , Lê Mạnh Cường 3 10 sử dụng xương tự thân hoặc lưới titanium để phục hồi các tổn khuyết lớn SOM. Trong trường hợp tổn thương không khuyết hổng, SOM quá mỏng, nên việc kết xương cực kì khó khăn, việc nâng đỡ để giữ cho SOM đúng vị trí giải phẫu là cần thiết. Đỗ Thành Chí 17 đã sử dụng sonde Foley đặt trong xoang hàm để nâng đỡ các thành của xoang gãy. Tuy nhiên chưa nghiên cứu sâu về SOM. Trong thời gian qua, Khoa phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình Bệnh viện Quân y 103 đã sử dụng bóng sonde Foley để nâng đỡ, cố định các mảnh xương gãy SOM 10 trong gãy XTGM cho kết quả rất khả quan. Từ thực tế trên, chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, Xquang và đánh giá kết quả điều trị tổn thương sàn ổ mắt trong chấn thương gãy xương tầng giữa mặt bằng đặt bóng sonde Foley xoang hàm trên„. Với mục tiêu: 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, Xquang tổn thương sàn ổ mắt trong chấn thương gãy xương tầng giữa mặt. 2. Đánh giá kết quả điều trị tổn thương sàn ổ mắt bằng đặt bóng sonde Foley xoang hàm trên.