1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Chính sách bảo vệ môi trường biển từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

89 533 2

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 89
Dung lượng 908,73 KB

Nội dung

Dựa trên những văn bản của Đảng, Nhà nước và của các tác giả đi trước về bảo vệ môi trường nêu trên, đồng thời dưới góc độ chính sách công, có thể khái quát: Bảo vệ môi trường là toà

Trang 1

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

PHẠM NGỌC HÀ NY

CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN

TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG

HÀ NỘI, Năm 2017

Trang 2

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

PHẠM NGỌC HÀ NY

CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN

TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NAM

Chuyên ngành: Chính sách công

Mã số: 60 34 04 02

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC

TS LÊ THỊ THANH HÀ

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam kết luận văn này là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của tôi Các tài liệu, tư liệu được sử dụng trong luận văn có nguồn dẫn rõ ràng, các kết quả nghiên cứu là quá trình lao động trung thực của tôi

Hà Nội, Ngày 31 tháng 7 năm 2017

Tác giả luận văn

Phạm Ngọc Hà Ny

Trang 4

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN 11

1.1 Một số khái niệm cơ bản 11

1.2 Yêu cầu và các yếu tố bảo đảm chính sách bảo vệ môi trường biển 19

1.3 Các bước thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển 27

CHƯƠNG 2 CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN Ở QUẢNG NAM HIỆN NAY – THỰC TRẠNG VÀ HẠN CHẾ 34

2.1 Điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội Quảng Nam tác động tới môi trường biển 34

2.2 Thực trạng chính sách BVMT biển ở tỉnh Quảng Nam hiện nay 40

2.3 Thành tựu trong BVMT biển tỉnh Quảng Nam hiện nay 52

2.4 Một số hạn chế trong chính sách bảo vệ môi trường biển ở Quảng Nam hiện nay 60

CHƯƠNG 3 65

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN Ở TỈNH QUẢNG NAM HIỆN NAY 65

3.1 Quan điểm hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường biển ở Quảng Nam hiện nay 65

3.2 Một số giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường ở tỉnh Quảng Nam hiện nay 70

KẾT LUẬN 79 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trang 5

DANH MỤC VIẾT TẮT

CBCC : Cán bộ công chức CCKT : Công cụ kinh tế CCN : Cụm công nghiệp

TN & MT : Tài nguyên và Môi trường

TT : Thông tư UBND : Ủy ban nhân dân VMT : Bảo vệ môi trường

Trang 6

DANH MỤC BẢNG BIỂU

Số hiệu

bảng

Tên bảng

Trang

2.1 Các Văn bản chủ trương chính sách bảo vệ môi

2.2 Các lỗ khoan quan trắc môi trường trên địa bàn

Trang 7

MỞ ĐẦU

1 Tính cấp thiết của đề tài

Biển và đại dương được các nhà khoa học công nhận là cội nguồn của sự sống trên Trái đất Không có biển và đại dương, cuộc sống như được biết hôm nay có thể không tồn tại (Seibol và Berger, 1989) Bởi lẽ, biển và đại dương có nhiều chức năng quan trọng liên quan tới sự sống của Trái đất Nó hoạt động với

tư cách là một "cỗ máy điều hoà nhiệt độ" và "cỗ lò sưởi" khổng lồ có tác dụng điều chỉnh cân bằng các cực trị nhiệt độ thịnh hành trên Trái đất và làm dịu các ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết như mưa bão, lũ, lụt, khô hạn, Thiếu biển và đại dương, các đại lục sẽ trở thành các sa mạc khô cằn, môi trường sống của loài người trên Trái đất sẽ khắc nghiệt hơn.Trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt và nỗ lực ứng phó với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, thì biển và đại dương một lần nữa lại chứng tỏ vai trò quan trọng toàn cầu của nó Biển, đảo Việt Nam là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước Hiện nay có trên 31% dân số cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển Đa

số các thành phố, thị xã đều nằm ở ven sông, cách biển không xa, nhất là các thành phố, thị xã ở Trung Bộ nằm sát ven biển, có đường quốc lộ 1A chạy qua Khu vực ven biển cũng là nơi tập trung các trung tâm công nghiệp lớn Các tỉnh, thành phố ven biển có các cảng, cơ sở sữa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối… thu hút hơn 13 triệu lao động, giải quyết công ăn việc làm, góp phần

to lớn vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng

Ý thức rõ vai trò to lớn của biển đối với sự sống cũng như phát triển kinh tế

- xã hội của nước ta, trong những năm đổi mới, Ðảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, khai thác biển, phát triển kinh tế từ biển, đảo và bảo vệ môi trường biển Ngày 06-5-1993, Bộ

Chính trị đã ra Nghị quyết 03-NQ/TW về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển

Trang 8

Chỉ thị 399, ngày 05-8-1993, về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong

những năm trước mắt; Chỉ thị 171/TTg năm 1995 triển khai Nghị quyết

03-NQ/TW Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy

mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thực

hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, một loạt kế hoạch về phát triển kinh tế biển đã được thông qua, như: Chiến lược phát triển thủy sản 2010; Chiến lược phát triển du lịch 2010; Chiến lược phát triển giao thông vận tải 2010…Hội nghị lần thứ tư Ban

Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược

biển Việt Nam đến năm 2020

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước sức ép của tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt, càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển Nhưng đi kèm với việc tăng cường khai thác tài nguyên biển lại là các phương thức thiếu tính bền vững Các hoạt động khai thác chủ yếu chỉ tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được lợi nhuận tối

đa, trong khi xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường Đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu với các biểu hiện chính là sự gia tăng mực nước biển và nhiệt độ của trái đất tăng cao đang làm cho nhiều nguồn tài nguyên biển bị khai thác cạn kiệt, hệ sinh thái biển bị đe dọa nghiêm trọng, môi trường biển nhiều nơi trở nên ô nhiễm đến mức báo động

Tỉnh Quảng Nam có 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp lý tưởng như: Hà

My, An Bàng, Cửa Đại, Bình Minh, Tam Thanh, Biển Rạng nơi đâu cũng hoang

sơ, tràn đầy gió và ánh nắng mặt trời Các bãi tắm ở Quảng Nam đều có bãi cát trắng, mực nước nông, có độ mặn vừa phải và quanh năm trong xanh Thống kê của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, lượng nước thải từ các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp(CCN) ước khoảng 23.600m3/ngày đêm, nhưng chỉ có KCN

Trang 9

Điện Nam – Điện Ngọc, Bắc Chu Lai và CCN Trường Xuân có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 7.100m3/ngày đêm Lượng nước thải còn lại chưa qua xử lý đổ xuống sông suối, môi trường xung quanh.Vùng biển Cửa Đại, ngoài hiện tượng nước biển dâng cao, xâm thực đất liền, còn tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm từ sông Vu Gia - Thu Bồn Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng kim loại nặng và các hóa chất độc hại trên thượng nguồn và một lượng nước thải không nhỏ xả ra từ các nhà máy ở khu, cụm công nghiệp… là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển rất cao.Nguồn nước phía

hạ lưu Thu Bồn bị đe dọa bởi tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị Sông Vĩnh Điện có nồng độ dầu mỡ ở mức cao, sông Hoài chảy qua Hội An, qua kết quả quan trắc các năm cho thấy, ngoài chất rắn lơ lửng còn có nhiều thông số dầu mỡ, hàm lượng Sắt, Amoni Photphat và vi sinh Coliform bị ô nhiễm từ sự phân bố dân

cư đông đúc cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn ven sông dày đặc Nước biển khu vực cảng Cửa Đại, Cửa Lở có hàm lượng sắt đều vượt giới hạn bình thường Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường biển cả nước nói chung và biển Quảng Nam nói riêng có nhiều Nhưng một trong những nguyên nhân chính gây

ô nhiễm môi trường biển tại Quảng Nam là do việc thiếu chính sách bảo vệ môi trường biển, việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển chưa nghiêm, chính sách khi triển khai thực hiện còn nhiều bất cập chưa phù hợp với thực tiễn Vì

vậy, học viên chọn đề tài “Chính sách bảo vệ môi trường biển từ thực tiễn tỉnh

Quảng Nam”làm luận văn chính sách công

2 Tình hình nghiên cứu liên quan đến luận văn

Trong những năm qua, có rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu về bảo vệ môi trường (BVMT) biển và chính sách bảo vệ môi trường biển Tiêu biểu có các công trình sau:

2.1 Các công trình nghiên cứu về bảo vệ môi trường biển

-Công trình “Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam luật pháp và thực tiễn” của

Trang 10

tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao đã đề cập đến nhiều nội dung như: Khái niệm môi trường biển và BVMT biển, tầm quan trọng của vấn đề BVMT biển, định nghĩa ô nhiễm môi trường biển, các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển; các điều ước quốc tế và khu vực Đông Nam Á về môi trường biển và ô nhiễm môi trường biển; TN&MT và ô nhiễm biển tại Việt Nam: TN&MT biển Việt Nam, Thực trạng ô nhiễm biển Việt Nam, Các yếu tố khí tượng thủy văn ảnh hưởng đến ô nhiễm biển; chiến lược và hoạt động liên quan đến BVMT biển, phòng chống ô niễm môi trường biển

-Công trình “Bảo vệ môi trường biển vấn đề và giải pháp” của tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao đề cập đến: Những vấn đề chung, có tính cấp thiết của việc BVMT biển cùng những công ước quốc tế quan trọng liên quan đến vấn đề này Đề cập tình hình ÔNMT biển Việt Nam hiện nay, việc tổ chức phòng chống, hạn chế ô nhiễm Đặc biệt cuốn sách còn giới thiệu một số văn bản luật quan trọng của Việt Nam về bảo vệ, phòng chống, ô nhiễm môi trường biển

- “Chính sách, pháp luật biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững” là công trình khoa học do PGS.TS Nguyễn Bá Diến chủ biên, Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật, ĐHQGHN) được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Các nguyên tắc trong thực tiễn quản lý biển và đới bờ” (Principles in Practice: Ocean and Coastal Governance) giữa Đại học Quốc gia

Hà Nội, Trường Đại học Dalhousie (Canada) và Trường Đại học Visayas (Philippines) dưới sự tài trợ của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Canada (CIDA) Cuốn sách này được thiết kế và biên tập từ các bài viết tham luận và ý kiến được trình bày tại các cuộc hội thảo của các nhà khoa học đầu ngành, các giảng viên lâu năm, các nhà quản lý tâm huyết, các vị đại biểu Quốc hội giàu kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứ của các chuyên gia tại Trung tâm Luật biển

và Hàng hải quốc tế Nội dung cuốn sách trình bày tổng quan về: Chính sách, pháp luật về biển và nguyên tắc phát triển bền vững; phân tích 17 thực trạng và đề xuất

Trang 11

một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện chính sách biển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; giới thiệu về một số hoạt động hợp tác quốc tế trong khai thác, quản lý biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực

- “Quản lý môi trường bằng công cụ kinh tế (CCKT)” của tiến sĩ Trần Thanh Lâm đã hệ thống hóa các đề tài nghiên cứu, giáo trình, bài viết trên các tạp chí…

về CCKT trong BVMT Công trình đề cập một cách tổng quan về quản lý môi trường; sử dụng CCKT trong quản lý môi trường; khái quát về môi trường toàn cầu, khu vực và Việt Nam; hiện trạng quản lý môi trường bằng CCKT ở Việt Nam; các giải pháp đẩy mạnh sử dụng các CCKT trong quản lý môi trường ở Việt Nam Công trình cung cấp kiến thức cần thiết về quản lý, quản lý môi trường bằng CCKT và các giải pháp có tính khả thi cao trong việc áp dụng công cụ này cả ở tầm vĩ mô và vi mô; giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và quản lý môi 18 trường,…có cái nhìn tổng quan về một công cụ quản lý được đánh giá là mềm dẻo, dễ lựa chọn và hiệu quả trong quản lý môi trường trong nền kinh tế thị trường

- Cuốn sách “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Viện chiến lược, chính sách TN&MT thực hiện Cuốn sách làm rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế và các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước

- Cẩm nang quy hoạch không gian biểntrên thế giới và ở Việt Nam và vùng

bờ cấp địa phương của nhóm tác giả trong đó Nguyễn Chu Hồi Công trình đã đề cập và giải quyết một số nội dung quy hoạch không gian biển: quy hoạch không gian biển là gì; cung cấp các thông tin ban đầu, khái niệm và nhấn mạnh các đặc

Trang 12

trưng cơ bản của quy hoạch không gian biển; các bước quy hoạch không gian biển, cách tiếp cận từng bước sẽ được thể hiện cụ thể trong phần này, nhấn mạnh các lưu ý và nội dung cần thiết cho mỗi bước thực hiện; quy hoạch không gian biển trên thế giới và Việt Nam với cái nhìn tổng thể, toàn diện về những thành công và thực trạng áp dụng; quy hoạch không gian biểncấp địa phương sẽ được làm rõ trong quá trình áp dụng công cụ quy hoạch không gian biển trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên biển

- Bài viết của TS Lê Thị Thanh Hà về Bảo vệ môi trường biển đảo ở nước ta

hiện nay đăng trên tạp chí Lý luận chính trị số 12/2015 đã chỉ ra vai trò của biển

đảo đối với sự sống của con người, thực trạng môi trường biển đảo đang bị ô nhiễm ở Việt Nam hiện nay và một số giải pháp nhằm bảo vệ môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay

- Bài viết của TS Lê Thị Thanh Hà về Phát triển kinh tế biển gắn liền với

bảo vệ môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay đăng trên tạp chí

http://www.tapchicongsan.org.vn/ đã chỉ ra việc vươn ra biển, làm giàu từ biển ở nước ta hiện nay là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước Tuy nhiên, do hiện nay, chủ trương chính sách bảo vệ môi trường biển từ việc phát triển kinh tế chưa đầy đủ và phủ kín các lĩnh vực, do vậy, môi trường biển đang bị ô nhiễm nghiên trọng Vì vậy, tác giả chỉ ra một số giải pháp phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường biển đảo ở nước ta hiện nay

2.2 Các công trình nghiên cứu về bảo vệ môi trường biển ở Quảng Nam và việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển ở Quảng Nam

- Bài viết:Quảng Namngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường biển của Yến

Nhi và Anh Dũng trên báo http://baotainguyenmoitruong.vn Bài viết đã chỉ ra thực trạng nguy cơ ô nhiễm môi trường biển ở Quảng Nam từ du lịch, từ nuôi trồng thủy sản và đặc biệt từ các khu công nghiệp đang đổ thẳng ra biển Quang Nam

Trang 13

- Bài viết Quảng Nam, báo động ô ngiễm môi trường biển từ các khu công

nghiệp của Dương Bùi đăng trên báo http://baotainguyenmoitruong.vn Bài viết

đã chỉ ra Hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với quy mô lớn, tuy nhiên hầu hết các KCN, CCN này vẫn chưa hoàn thiện xong việc xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung dẫn đến việc nước thải không được xử lý theo quy trình đổ thẳng ra môi trường biển gây ô nhiễm môi trường của biển

- Bài viết Giảm sút chất lượng môi trường biển của Trần Hữu đăng trên

http://www.baoquangnam.vn đã chỉ ra vùng biển và bờ biển Quảng Nam đã, đang bị đe dọa trước những diễn biến ô nhiễm môi trường phức tạp, nơi gián tiếp nhận nhiều chất gây ô nhiễm từ đất liền

- Bài viết Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở Quảng Nam của

Quang Bách đăng trên http://mtnt.hoinongdan.org.vn đã chỉ ra những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Quảng Nam đã và đang nảy sinh, làm ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của nhân dân và gây bức xúc cho xã hội Vùng bờ biển đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do sức ép của phát triển kinh tế và tác động xấu của con người Chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang tích cực tìm giải pháp trả lại môi trường xanh – sạch cho biển

- Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 về phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 3983/QĐ-UBND ngày 06//12/2012 về phê duyệt đề án quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020

- Chỉ thị số 23/2005/CT-UBND ngày 09/8/2005 của UBND tỉnh về việc ngăn ngừa, giảm thiểu ÔNMT trong phát triển đô thị, dịch vụ và công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 34/CT-UBND của UBND tỉnh ngày 12/11/2011 về tăng cường BVMT khu cụm công nghiệp và các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 08/3/2010 UBND tỉnh về Quy hoạch mạng lưới

Trang 14

quan trắc môi trường tỉnh Quảng Nam năm 2015 – 2020

- Năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc quản lý sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2006-2011 tại 09/18 huyện, thành phố và 02/9 đơn vị (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Quảng Nam)

Nhìn chung các công trình trên đã đề cập đến việc bảo vệ môi trường biển, một số chính sách bảo vệ môi trường biển và đây là nguồn tài liệu quý giá để học viên kế thừa và phát triển Việc nghiên cứu chính sách bảo vệ môi trường biển qua thực tế tỉnh Quảng Nam sẽ làm phong phú thê nguồn tài liệu tham khảo và góp phần vào bức tranh chung bảo vệ môi trường biển - vấn đề đang gây nhức nhối ở nước ta hiện nay

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn

3.1 Mục đích nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận về chính sách bảo vệ môi trường và khảo sát, đánh giá thực trạng chính sách bảo vệ môi trường biển ở tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở đó luận văn đề xuất một số giải pháp

cơ bản nhằm hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường biển ở tỉnh Quảng Nam hiện nay

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

- Nghiên cứu cơ sở lý luận của chính sách bảo vệ môi trường

- Phân tích chính sách bảo vệ môi trường ở tỉnh Quảng Nam trong những năm gần đây

- Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam hiện nay

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn

4.1 Đối tượng nghiên cứu

- Luận văn nghiên cứu việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường ở tỉnh

Trang 15

4.2 Phạm vi nghiên cứu

Nội dung nghiên cứu của Chính sách công rộng và có nhiều khía cạnh khác nhau do vậy trong phần Luận văn này tác giả chỉ Nghiên cứu việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Nam từ năm 2010 đến nay

5 Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn

5.1 Cơ sở lý luận

Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật bảo vệ môi trường biển của Nhà nước Việt Nam, của tỉnh Quảng Nam hiện nay

5.2 Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng: + Phương pháp phân tích và tổng hợp: được sử dụng để phân tích thực trạng và đánh giá kết quả thực hiện chính sách bảo vệ môi trường;

+ Phương pháp thống kê: được sử dụng để tập hợp thành các chuỗi số liệu phản ảnh thực trạng, phục vụ cho việc phân tích và đánh giá kết quả thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển

+ Phương pháp quan sát thực địa: được sử dụng nhằm kiểm nghiệm thực tế môi trường Biển ở địa bàn để nghiên cứu như một chứng cứ về kết quả thực hiện

chính sách ở địa bàn

6 Những đóng góp mới về khoa học củaluận văn

6.1 Ý nghĩa lý luận

- Đề tài này có ý nghĩa về mặt lý luận, người học nghiên cứu và biết vận dụng các kiến thức về đánh giá chính sách công để đánh giá thực hiện chính sách bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng

- Kết quả nghiên cứu đề tài minh chứng cho việc vận dụng lý luận về đánh giá chính sách công trong quá trình triển khai thực hiện nhằm phát hiện các vấn

Trang 16

đề bảo vệ môi trường biển và định hướng cho việc giải quyết

6.2 Ý nghĩa thực tiễn

- Các phân tích, đánh giá về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường tại vùng biển Quảng Nam giúp nhìn nhận rõ hơn những kết quả, những tồn tại và qua đó gợi ý, kiến nghị những giải pháp thúc đẩy cũng như khác phục tồn tại

- Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp những luận cứ từ thực tiễn ở vùng Biển Quảng Nam liên quan đến các giải pháp quản lý môi trường, thực hiện chính sách bảo vệ môi trường Biển

7 Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn kết cấu

3 chương, 9 tiết

Chương 1 Cơ sở lý luận và thực tiễn của chính sách BVMT biển

Chương 2 Chính sách BVMT biển ở Quảng Nam hiện nay – Thực trạng và hạn chế

Chương 3 Một số quan điểm và giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường biển ở tỉnh Quảng Nam hiện nay

Trang 17

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CHÍNH SÁCH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN

1.1 Một số khái niệm cơ bản

1.1.1 Khái niệm bảo vệ môi trường

Vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường chưa bao giờ nhân loại nhắc đến nhiều như hiện này bởi nhân loại đang phải chứng kiến nhiều thảm họa môi trường, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu và những tác hại của ô nhiễm môi trường gây ra cho con người trong thời gian gần đây Trước tình hình đócon người buộc phải bảo vệ môi trường

Ở Việt Nam thuật ngữ bảo vệ môi trường được sử dụng lần đầu tiên trong Pháp lệnh Bảo vệ rừng năm 1972 Nhưng do Việt Nam là nước phải khắc phục nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, là nước có nền kinh tế chậm phát triển nên thời kỳ đó vấn đề bảo vệ môi trường chưa đặt ra và ưu tiên giải quyết như những vấn

đề khác Đến năm 1998, trước tình hình đất nước bị ô nhiễm môi trường do tác

động của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước Đảng ta đã ra Chỉ thị

số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước Nhưng do Việt Nam là nước phải

khắc phục nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, là nước có nền kinh tế chậm phát triển nên thời kỳ đó vấn đề BVMT chưa đặt ra và ưu tiên giải quyết như những vấn đề khác Đến năm 1998, trước tình hình đất nước bị ô nhiễm môi trường do

tác động của quá trình CNH, HĐH đất nước Đảng ta đã ra Chỉ thị số 36/CT-TW

ngày 25/6/1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước Chỉ thị khẳng định “Bảo vệ môi trường là một

vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính chất xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo của mỗi nước với cuộc đấu

Trang 18

tranh vì hòa bình và tiến bộ trên phạm vi thế giới”

Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá “Bảo vệ môi trường gồm các chính sách các chủ trương, các chỉ thị nhằm ngăn chặn hậu quả xấu của con người đối với môi trường, các sự cố môi trường là do con người và thiên nhiên gây ra Bảo vệ môi trường còn bao hàm cả ý nghĩa sử dụng hợp lý tài nguyên thiên

nhiên”[2, tr.96-97] Định nghĩa này đã đề cập đến chính sách của Đảng, Nhà nước

nhằm ngăn chặn những tác động xấu của con người gây ra cho môi trường sống

Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Bảo vệ môi trường là tập hợp các

biện pháp giữ gìn, sử dụng hoặc phục hồi một cách hợp lý sinh giới (vi sinh vật, thực vật, động vật) và môi sinh (đất, nước, không khí, lòng đất, khí hậu…v.v.), nghiên cứu thử nghiệm thiết bị sử dụng tài nguyên thiên nhiên, áp dụng công nghệ ít có hoặc không có phế liệu … nhằm tạo ra một không gian tối ưu cho cuộc sống của con người Ngoài ra môi trường còn gồm các điều kiện tinh thần, văn hóa

khiến cho đời sống con người được thỏa mái”[27,t.l,tr.160]

Theo khoản 3, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2005 định nghĩa“Bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và

tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học”[19, tr.78] Định nghĩa

này khá đầy đủ về nội dung bảo vệ môi trường Nhưng theo chúng tôi, nếu bảo vệ môi trường chỉ là những hoạt động nêu trên thì chưa đủ mà cần phải dựa trên cơ

sở chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng và Nhà nước

Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014 thì “ Hoạt động bảo vệ môi trường là

hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành”[21 Khoản 3 điều 3]

Trang 19

Dựa trên những văn bản của Đảng, Nhà nước và của các tác giả đi trước về bảo vệ môi trường nêu trên, đồng thời dưới góc độ chính sách công, có thể khái

quát: Bảo vệ môi trường là toàn bộ chủ trương, chính sách, thể chế và những hoạt

động của con người, từ các cá nhân, nhà nước đến tổ chức xã hội nhằm khai thác

và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải tạo, phục hồi, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, giữ gìn sự

đa dạng, phong phú của môi trường vì sự tồn vong của nhân loại và vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia

Theo định nghĩa trên, bảo vệ môi trường có một số nội dung chủ yếu sau:

- Để bảo vệ môi trường phải có một số chủ trương, chỉ thị, thể chế, quy định hay nói một cách chúng nhất là chính sách của các cấp đưa ra nhằm giữ gìn một

số các yếu tố cáu thành môi trường trong tiêu chuẩn cho phép nhất định

- Để bảo vệ môi trường phải có một số hành động thiết thực của Đảng, Nhà nước và nhân dân khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên từ môi trường

- Để bảo vệ môi trường cần một số chính sách của các cấp khuyến khích nhân dân cải tạo, phục hồi những vùng môi trường đã bị ô nhiễm

- Bảo vệ môi trường biển

Biển và đại dương là cái nôi của sự sống, đã và đang cung cấp cho nhân loại một khối lượng rất lớn thực phẩm, dược phẩm, nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên Nhưng phát triển kinh tế biển cũng đang làm suy giảm mạnh nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng Môi trường vùng biển Việt Nam với diện tích rộng hơn 1 triệu km2, sẽ là không gian phát triển và sinh tồn tương lai, cũng không nằm ngoài quy luật ấy Nên việc đề xuất ứng dụng và đa dạng hóa các phương thức bảo vệ tài nguyên môi trường biển quốc gia và quốc tế ở các vùng biển Việt Nam là rất cần thiết, nhằm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững

Luật Bảo vệ môi trường 2005 chỉ có mục 1 là "Bảo vệ môi trường biển",

Trang 20

không có quy định cụ thể rõ ràng thì hiện nay Luật Bảo vệ môi trường 2014 có hiệu lực đã có chương riêng quy đinh về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cụ

thể là Chương V: bảo vệ môi trường biển và hải đảo và có 3 Điều (bao gồm: Điều

49 Quy định chung về bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Điều 50 Kiểm soát và

xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Điều 51 phòng ngừa và ứng phó sự cố

môi trường biển và hải đảo) Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã quan tâm đến vấn

đề môi trường biển, đảo hơn, có tính bao quát rộng hơn về vấn đề này và tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường biển hải đảo trong giai đoạn hiện nay.Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có một chương quy định về bảo vệ môi trường biển

và hải đảo nhằm bảo đảm tính thống nhất và toàn diện, đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tổng hợp, thống nhất nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.Song trong các điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 không chỉ ra thế nào là bảo

vệ môi trường biển? Theo chúng tôi, bảo vệ môi trường biển là những chủ trương,

chính sách và hoạt động thực tiễn của Đảng, Nhà nước, nhân dân nhằm giữ gìn, khai thác, bảo vệ, cải tạo, phục hồi các yếu tố cấu thành môi trường biển gồm:nước biển, các sinh vật thủy, hải sản trong lòng biển, rêu rong tảo trong nước biển và các tài nguyên thiên nhiên có trong lòng biển

Trong tài liệu "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho giới trẻ" của Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ ra một số cách bảo vệ môi trường biển và chúng tôi đồng nhất với quan niệm này nhằm bảo vệ môi trường biển như sau:

Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên: Trong số những lợi ích mà biển mang

lại, các yếu tố môi trường biển, các Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đan xen giữa lợi ích trước mắt và lâu dài theo đúng nghĩa của nó Đây là nguồn tài nguyên tái tạo, là nền tảng đối với phát triển bền vững các ngành kinh tế sinh thái của đất nước Cho nên, có thể nói sự “trường tồn của biển cả” sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển

Trang 21

Giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và vùng ven biển: Chú

trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm biển kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tăng cường bảo tồn Đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Tăng cường thực thi Luật Bảo vệ môi trường (2004) liên quan tới quy định các hành vi huỷ hoại môi trường bị nghiêm cấm trong các điều 14-16, 20-29, áp dụng cho vùng biển

Quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo: thông qua áp dụng

và thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng, liên kết với cộng đồng và các bên liên quan và quản lý không gian biển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái Mục đích chung của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là: đảm bảo phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hoá) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa nhà nước, lĩnh vực tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương, cũng như giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành trong quá trình khai thác, sử dụng các hệ thống tài nguyên - môi trường biển, ven biển và hải đảo

Tăng cường kiểm soát môi trường biển và vùng ven biển: Phương thức này bao

gồm các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát, cưỡng chế thực thi (kiểm soát liên ngành), chủ yếu như: tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), quan trắc - cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường hoặc ô nhiễm, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển và mặt nước biển

Quan trắc - cảnh báo môi trường: Tiến hành quan trắc định kỳ và lập lại để

đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời cảnh báo để xử lý và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường Ngoài hệ thống quan trắc môi trường biển quốc gia, Chính phủ đang đầu tư xây dựng hệ thống

Trang 22

giám sát môi trường biển bằng Rada tích hợp (18 trạm dọc biển, đảo)

Các công cụ kinh tế và chính sách: Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh

tế trong QLMT biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính, thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác

Tham vấn của các bên liên quan và tuyên truyền: Về bản chất, tài nguyên

biển - ven biển thuộc loại tài nguyên chia sẻ cho nên việc sử dụng nó làm gia tăng mâu thuẫn lợi ích giữa các cộng đồng hưởng dụng các hệ thống tài nguyên này

Vì thế, cần một giải pháp quan trọng là phải tranh thủ càng nhiều càng tốt sự tham vấn của các bên liên quan và lôi cuốn được khả năng tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động quản lý môi trường biển và ven biển Vấn đề này thực hiện đơn lẻ ở từng khu vực, chưa đại trà

1.1.2 Khái niệm chính sách bảo vệ môi trường biển

1.1.2.1 Chính sách bảo vệ môi trường

Chính sách là tập hợp các chủ trương và hành động về phương diện nào đó

của Chính phủ nó bao gồm các mục tiêu mà chính phủ muốn đạt được và cách làm để thực hiện các mục tiêu đó Những mục tiêu này bao gồm sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội – môi trường

Chính sách bảo vệ môi trường là những chủ trương, biện pháp mang tính

chiến lược, thời đoạn, nhằm giải quyết một nhiệm vụ bảo vệ môi trường cụ thể

nào đó, trong một giai đoạn nhất định

Chính sách môi trường cụ thể hoá Luật Bảo vệ Môi trường (trong nước) và

các Công ước quốc tế về môi trường Mỗi cấp quản lý hành chính đều có những chính sách môi trường riêng Nó vừa cụ thể hoá luật pháp và những chính sách của các cấp cao hơn, vừa tính tới đặc thù địa phương Sự đúng đắn và thành công của chính sách cấp địa phương có vai trò quan trọng trong đảm bảo sự thành công của chính sách cấp trung ương

Trang 23

Theo Luật Bảo vệ môi trường, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể như: Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi

tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, kết hợp áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế và các biện pháp khác để xây dựng ý thức tự giác, kỷ cương trong hoạt động bảo vệ môi trường; Sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái

sử dụng và giảm thiểu chất thải; Ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc; tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phục hồi môi trường ở các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư; Ðầu tư BVMT là đầu tư phát triển; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường và bố trí khoản chi riêng cho sự nghiệp môi trường trong ngân sách nhà nước hằng năm; Ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường; kết hợp hài hoà giữa bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các thành phần môi trường cho phát triển; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường; hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; Phát triển kết cấu hạ tầng BVMT; tăng cường, nâng cao năng lực quốc gia về bảo vệ môi trường theo hướng chính quy, hiện đại

1.1.2.2 Chính sách bảo vệ môi trường biển

Chính sách bảo vệ môi trường biển là một loại chính sách công nhằm bảo vệ môi trường biển, là bộ phận của chính sách bảo vệ môi trường, tập trung vào các vấn đề môi trường biển và có liên quan chặt chẽ với các bộ phận khác của chính sách bảo vệ môi trường.Theo PGS.TS Đỗ Phú Hải thì “Chính sách công là tập

Trang 24

hợp các Quyết định chính trị có liên quan của Nhà nước nhằm lựa chọn mục tiêu, giải pháp và công cụ thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội theo mục tiêu tổng thể đã xác định”

Như vậy,chính sách bảo vệ môi trường biển là một tập hợp các quy định,

quyết định quản lýnhà nước về bảo vệ môi trường biển nhằm lựa chọn các mục tiêu, giải pháp và công cụ thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề môi trường biển theo mục tiêu tổng thể đã xác định

Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển

và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam Nhà nước ta có những chính sách

về bảo vệ môi trường biển là bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cụ thể:

Một là, nhà nước bảo đảm bảo vệ môi trường biển, tài nguyên biển và hải

đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh

Hai là, nhà nước huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công tác

điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

ưu tiên cho vùng biển sâu, biển xa, hải đảo, vùng biển quốc tế liền kề và các tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác,

sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Ba là,tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao

hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó

sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển

Trang 25

Bốn là, đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên,

môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh

Năm là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai

thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia

1.2 Yêu cầu và các yếu tố bảo đảm chính sách bảo vệ môi trường biển

1.2.1 Yêu cầu chính sách bảo vệ môi trường biển

Chính sách bảo vệ môi trường biển của nước ta hiện nay phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

Một là, chính sách bảo vệ môi trường biển phải là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng về công tác bảo vệ môi trường Trong quá trình đổi

mới, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT, đã được nêu trong Văn kiện Đại hội

IX, X, XI, XII, trong các nghị quyết, chỉ thị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong chính sách, pháp luật về đất đai, chiến lược biển, khoáng sản và bảo vệ môi trường Để chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường biển đi vào cuộc sống, các cấp chính quyền phải cụ thể hóa bằng các chính sách môi trường bằng Luật Bảo vệ Môi trường (trong nước) và các Công ước quốc tế về môi trường Mỗi cấp quản lý hành chính đều có những chính sách môi trường riêng Nó vừa cụ thể hoá luật pháp và những chính sách của các cấp cao hơn, vừa tính tới đặc thù địa phương Sự đúng đắn và thành công của chính sách cấp địa phương có vai trò

quan trọng trong đảm bảo sự thành công của chính sách cấp trung ương

Hai là, chính sách bảo vệ môi trường biển phải bám sát thực trạng môi trường của đất nước Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1.000.000

km2 và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa, bờ biển kéo dài trên 3.260 km Đây là những tiền đề cho phép hoạch định một chiến lược

Trang 26

biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển Nhưng thực trạng về ô nhiễm môi trường biển đang là vấn đề báo động "đỏ", mà hiện tượng hải sản tự nhiên và nuôi trồng đột ngột chết trên quy mô chưa từng có diễn ra tại các tỉnh

Miền Trung trong tháng 4/2016do ô nhiễm môi trường của con người gây ra

Môi trường biển bị ô nhiễm đã dẫn tới suy thoái đa dạng sinh học biển, điển hình là hệ sinh thái san hô Vùng biển Việt Nam có khoảng 1.122 km2rạn san hô, nếu hệ sinh thái này bị mất, biển nước ta có nguy cơ sẽ trở thành "thủy mạc" không còn tôm cá nữa Đó là thông điệp mà các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên nước ta đã cảnh báo Theo số liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đến nay có khoảng 20% rạn có độ phủ san hô sống nghèo (độ phủ 0-25%), 60% thuộc loại thấp (26-50%), 17% còn tốt (51-75%) và chỉ có 3% rất tốt (trên 75%)

"Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay Mỗi năm, mất hơn 50 tấn san hô chưa kể mất san hô đen ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng, theo đà này 20 năm nữa san hô không còn trong vùng biển Việt Nam" - Viện Hải Dương học Việt Nam cảnh báo.Vì vậy, nếu không sớm thực hiện các giải pháp khả thi giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm,

sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển bền vững biển và hải đảo của nước ta Nói cách khác, việc ra đời các chính sách bảo vệ môi trường biển

ở nước ta thời gian này là vô cùng cấp thiết

Ba là, chính sách bảo vệ môi trường biển đóng vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững của quốc gia Trước tình trạng môi trường biển đảo Việt Nam đang

có những biểu hiện ô nhiễm nghiêm trọng, làm mất đi môi trường sống của nhiều sinh vật biển và ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội của con người, có khả năng chúng ta không hoàn thành được mục tiêu thiên niên kỷ là phát triển bền vững

Do vậy, Ðảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường biển đảo thông qua việc ký kết, ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật các cấp:

Trang 27

- Việt Nam đã ký kết các văn bản pháp lý quốc tế về bảo vệ môi trường biển như: Công ước đa dạng sinh học; Công ước di sản; Công ước Ramsar; các Công ước MARPOL, SOLAS, COLREG… Đặc biệt ngày 23/6/1994, Việt Nam đã tham gia ký Công ước Luật biển 1982 tại Montego Bay Quốc hội nước ta đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này Điểm 1 trong Nghị quyết nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc

tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển” Quốc hội khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải Quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng tuyên bố rõ lập trường của Nhà nước ta là giải quyết hòa bình các bất đồng liên quan đến Biển Ðông trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau

- Trong nước,lần đầu Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã dành một mục gồm bốn điều quy định về Bảo vệ môi trường biển (các điều từ 55 đến 58) Cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, ngày 6-3-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NÐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa

X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển

Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh "Thế kỷ XXI được thế giới xem

là thế kỷ của đại dương” Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020:

Thứ nhất, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển

trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu

Trang 28

quả cao với tầm nhìn dài hạn

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc

phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ ba, khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi

trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng “Về chiến lược biển Việt Nam đến

năm 2020”, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP, ngày 30-5-2007 và

Chương trình hành động của Chính phủ Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg, ngày 21-8-2007, phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển; Quyết định số 373/QĐ-TTg, ngày 23-3-2010, phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo

vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam Các cơ quan ở Trung ương và địa phương, cùng với các lực lượng vũ trang đã chủ động xây dựng kế hoạch, trực tiếp triển khai chương trình hành động của Chính phủ và đã đạt được những kết quả quan trọng

Ðặc biệt, Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013) đã có một điều quy định cụ thể về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển (Ðiều 35) Ngày 25- 6-2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Luật có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2016 Luật quy định cấm những hành vi hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng

Trang 29

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên

và bảo vệ môi trường biển và hải đảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong quá trình xây dựng, không chỉ nghiên cứu, kế thừa các luật chuyên ngành đã được ban hành, mà còn chắt lọc, xâu chuỗi, kết nối các luật thành một

hệ thống luật quốc gia về biển, hướng tới một hành lang pháp lý cho một phương thức quản lý mới về khai thác, sử dụng biển và hải đảo, phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất

Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường biển bước đầu đã tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quản lý nhà nước về biển và hải đảo nói chung, môi trường biển nói riêng; tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành kinh tế biển hiệu quả và bền vững; thúc đẩy bảo vệ môi trường và sinh thái biển

1.2.2 Các yếu tố đảm bảo xây dựng chính sách bảo vệ môi trường biển

Một là,hệ thống pháp luật, chính sách bảo vệ môi trường biển

Hệ thống pháp luật BVMT biển ở nước ta hiện nay gồm:

- Luật Môi trường quốc tế là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm quốc tế điều

chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn, loại trừ thiệt hại gây ra cho môi trường của từng quốc gia và môi trường ngoài phạm

vi sử dụng của quốc gia

Trong quan hệ giữa các quốc gia về môi trường hình thành các nguyên tắc, quy phạm pháp lý quốc tế nhằm ngăn chặn, loại trừ mọi thiệt hại do các nguồn khác nhau gây ra cho môi trường của từng quốc gia và môi trường thiên nhiên nằm ngoài tài phán quốc gia Trong thời đại ngày nay, đó là các điều ước, hiệp định quốc tế, các công ước do các hội nghị quốc tế và các tổ chức môi trường Liên Hợp Quốc đưa ra; các tập quán quốc tế được các quốc gia công nhận và ràng buộc

về mặt pháp lý; các phán quyết của các toà án quốc tế, các trọng tài quốc tế, các nghị quyết và quyết nghị của các hội nghị quốc tế

Trang 30

Cho đến nay, đã có hàng nghìn các văn bản luật quốc tế về môi trường Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều văn bản trong số đó Pháp luật quốc tế về BVMT biển do nhiều nước ký kết hoặc tham gia không có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ quốc gia cụ thể Muốn thi hành trên phạm vi lãnh thổ quốc gia nào đó, các quy phạm của Luật quốc tế về BVMT biển cần phải chuyển hóa thành quy phạm pháp luật quốc gia, nghĩa là nhà nước phải phê chuẩn các văn bản này

- Luật Môi trường quốc gia là tổng hợp các quy phạm pháp luật, các nguyên

tắc pháp lý điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình các chủ thể sử dụng hoặc tác động đến một hoặc một vài yếu tố của môi trường trên

cơ sở kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau, nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả môi trường sống của con người Hệ thống luật BVMT biển của một quốc gia thường gồm luật chung và luật sử dụng hợp lý các thành phần môi trường hoặc BVMT cụ thể ở một địa phương, một ngành

Nhà nước thay mặt xã hội, thể hiện ý chí xã hội, biến ý chí đó thành pháp luật Vì vậy, các mục tiêu chung về BVMT biển, vì lợi ích chung của cộng đồng,

xã hội cần được thể chế hóa, pháp luật hóa trong Luật và mọi chủ thể trong xã hội phải có trách nhiệm thi hành Với chức năng: nhận thức, giáo dục, điều chỉnh, phân công xã hội, bảo vệ và giải quyết các xung đột, Luật BVMT biển giúp nhà nước quản lý công việc BVMT biển hiệu quả trong xã hội

Ngoài Luật BVMT biển, nhà nước còn phải có các văn bản pháp lý khác dưới luật để quản lý, chỉ đạo việc BVMT biển Các văn bản dưới luật về BVMT biển ở Việt Nam bao gồm: pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thỏa thông qua, Chủ tịch nước ký lệnh ban hành; nghị định và quyết định do Chính phủ ban hành để hướng dẫn và cụ thể hóa luật; quyết định và quy định do các Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành; chỉ thị và thông tư hướng dẫn do Cục Môi trường, Bộ TN &MT và Cục BVMT biển ban hành

Hệ thống công cụ pháp lý để BVMT biển của quốc gia chính là khung khổ

Trang 31

pháp lý để điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong các hoạt động phát triển có liên quan đến môi trường nhằm BVMT của con người Nếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT của quốc gia rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế, được ban hành kịp thời, đồng bộ, đầy đủ thì nó sẽ đi vào cuộc sống, được các tổ chức, cá nhân chấp nhận và thực hiện tốt Ngược lại, văn bản quy phạm pháp luật về BVMT của quốc gia không rõ ràng, không sát với thực tế, chồng chéo, mâu thuẫn nhau thì sẽ khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện và không được các tổ chức, cá nhân chấp hành, tức hiệu lực quản lý nhà nước QLNN về BVMT kém

Hai là, ý thức, nhận thức của người dân và các chủ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường biển BVMT biển sẽ đem lại lợi ích cho toàn xã hội Như vậy,

đòi hỏi các tổ chức, cá nhân trong xã hội đều phải tích cực tham gia BVMT biển Hoạt động này được xem là nét văn hoá, đạo đức của con người trong xã hội văn minh Yêu cầu đặt ra là con người cần có hành vi ứng xử văn hoá đối với môi trường, không có hành động làm ô nhiễm, suy thoái môi trường, cần sống thân thiện với môi trường Có như vậy, môi trường mới đem lại lợi ích cho chính con người, không gây tổn hại đến con người

BVMT biển chính là sự nghiệp của tất cả mọi người Vì vậy, việc QLMT phải giác ngộ, huy động và tổ chức tất cả mọi người thực hiện trách nhiệm đó, vì lợi ích của bản thân mọi người và lợi ích của các thế hệ trong tương lai Cũng chính vì vậy mà, quản lý nhà nước về BVMT không thể đơn độc, chỉ dựa vào pháp luật và cưỡng chế mà cần có các hình thức khác

Ở Việt Nam, trong quá trình phát triển nền văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa của các làng, xã ở nông thôn đã có năng lực tự chủ, tự quản Chính năng lực này là tiền đề để cộng đồng có thể huy động mọi thành viên tham gia xây dựng

và thực hiện các quyết định về BVMT biển của nhà nước một cách hiệu quả Hơn nữa, BVMT biển có mối liên hệ mật thiết với cộng đồng dân cư, bởi, môi trường

Trang 32

có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của chính cộng đồng, của mỗi thành viên trong cộng đồng Sự tham gia của cộng đồng dân cư vào BVMT biển cụ thể là: đóng góp gián tiếp vào việc xây dựng chiến lược BVMT biển thông qua nêu nhu cầu, nguyện vọng của mình; cộng đồng tiếp nhận các quyết định BVMT biển của nhà nước, vận động mọi thành viên trong cộng đồng thực hiện quyết định này; cộng đồng giám sát và kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình quản lý nhà nước về BVMT biển Vì thế, việc nhà nước xây dựng được các tổ chức xã hội, các cộng đồng dân cư tham gia vào BVMT biển là rất cần thiết trong thực hiện chính sách về môi trường Việc thực hiện chính sách về BVMT biển có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào các tổ chức tự nguyện hay các cộng đồng dân

cư tham gia BVMT biển Đây cũng là xu thế chung của thời đại đang hướng tới xây dựng một xã hội với sự tự quản cao của các cộng đồng dân cư trong xã hội

Ba là, bộ máy tổ chức quản lý năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển Con người là một thực thể xã hội và hoạt

động là phương thức tồn tại của con người Sự hoạt động của con người không phải ngẫu nhiên, không phải bất kỳ, mà nó theo một trật tự nhất định để duy trì một trạng thái nhất định, một tổ chức nhất định Vì vậy, để thực hiện chính sách BVMT biển đạt hiệu quả cao, các cấp chính quyền cần phải tổ chức thành hệ thống các cơ quan có nhiệm vụ BVMT biển Để thực hiện đầy đủ và có hiệu quả những nội dung chính sách về BVMT biển, hệ thống cơ quan quản lý phải được xây dựng từ Trung ương đến địa phương bao gồm hai nhóm: hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền chung và hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyên môn về bảo vệ môi trường biển

Khi bàn về công tác tổ chức, phải khẳng định ngay rằng đội ngũ cán bộ giữ vai trò quyết định Như các nhà kinh điển Mác - Lê nin đã chỉ ra, công cụ lao động, thể chế chính trị dù có tiên tiến đến đâu, tự nó không thay đổi được xã hội

Xã hội muốn phát triển hay không đều do con người quyết định Năm 1922, Lênin

Trang 33

đã viết: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh Hiện nay đó là then chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy

lộn” [34, tr.449] Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng cần có một đội ngũ cán

bộ thích ứng, có phẩm chất, năng lực đáp ứng được sự đòi hỏi của nhiệm vụ từng giai đoạn, từng thời kỳ Để thực hiện chính sách BVMT biển thành công, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ triển khai chính sách bảo vệ môi trường biển là khâu then chốt, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân Kinh nghiệm thực tế cũng đã chứng minh, độ chính xác của chính sách, kế hoạch, quy hoạch, hệ thống pháp luật BVMT biển đều tùy thuộc cuối cùng ở chất lượng của công tác cán bộ

Bốn là, sự phối hợp của các bên liên quan Bảo vệ môi trường biển là việc

làm vô cùng khó khăn và liên quan đến nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực và hiều quốc gia Do vậy, để chính sách BVMT biển có tính khả thi cao, đi vào hoạt động thực tiễn của quần chúng nhân dân cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các bên liên quan, các cơ quan liên quan như: hải quan, người dân làng chài, dân du lịch, những người khai thác dầu khí, dân nuôi trồng thủy sản, các nước lân cận Theo

đó, các bên liên quan khi phối hợp để đưa ra những chính sách bảo vệ môi trường biển là: BộTài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Bộ Thủy sản, Bộ Công thương, Công ước quốc tế

1.3 Các bước thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển

Quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển diễn ra trong thời gian dài và có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân vì thế, để chính sách bảo

vệ môi trường biển mang lại kết quả và hiệu quả như mong muốn thì quá trình tổ chức thực hiện cần được thực hiện theo một quy trình khoa học, hợp lý và phù hợp với những điều kiện khách quan của chính sách Cụ thể các bước như sau:

Bước 1: Xây dựng chính sách bảo vệ môi trường biển trên cơ sở chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của địa phương

Trang 34

Trước khi đưa chính sách bảo vệ môi trường biển vào cuộc sống cần xây dựng chính sách bảo vệ môi trường biển Chính sách bảo vệ môi trường biển trước hết phải trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng Sau đó là chính sách cụ thể

về bảo vệ môi trường biển phải dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà nước và đặc biệt phải tùy từng tình hình cụ thể o nhiễm môi trường biển của địa phương đó để xây dựng chính sách cho phù hợp Đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình triển khai chính sách BVMT biển của từng địa phương cụ thể Hiệu quả thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển phụ thuộc vào chất lượng, tính chính xác, tính khả thi của bản kết hoạch thực hiện chính sách

Chính sách bảo vệ môi trường biển cần được xây dựng trước khi đưa vào thực hiện Chính sách đúng giúp hành động đúng Chính sách sai dẫn đến hành động thực hiện sai Vì vậy, yêu cầu khi xây dựng chính cần đầu tư thời gian, con người và đặc biệt hiện nay phải khảo sát thực trạng môi trường biển chính xác cả

về tiềm năng lẫn thực trạng ô nhiễm Sau khi có chính sách, các cơ quan có nhiệm vụ triển khai thực thi chính sách bảo vệ môi trường biển từ Trung ương đến địa phương đều phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cho phù hợp với yêu cầu của chính sách Ngoài ra, trong bản kế hoạch thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển cần phải xây dựng nội quy, quy chế tổ chức điều hành thực hiện chính sách; về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước và cán bộ công

chức tham gia tổ chức điều hành chính sách

Bước 2: Lập kế hoạch về quản lý môi trường biển

Kế hoạch bảo vệ môi trường biển là khâu cần thiết nhất đểthực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của chính sách bảo

vệ môi trường biển.Kế hoạch là một quá trình giúp bạn lập nên được các mốc thời gianđể thực hiện các nhiệm vụ, các công việc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách bảo vệ môi trường

Giai đoạn đầu tiên, phân tích cơ hội, giúp bám chắc kế hoạch vào thực tế

Trang 35

Giai đoạn 2, hãy xác định mục tiêu và đặt ra trọng tâm kế hoạch

Giai đoạn 3, tìm ra càng nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu càng tốt Bằng việc sử dụng thời gian vào việc này, bạn có thể tìm được một giải pháp tốt hơn giải pháp hiện có, hoặc có thể cải thiện giải pháp hiện có bằng việc tham khảo các giải pháp khác

Tiếp theo, lựa chọn cách tiếp cận tốt nhất, và lập một kế hoạch chi tiết để tiến hành Đánh giá kế hoạch này để chắc chắn rằng nó đáng để thực hiện Nếu không, quay trở lại bước đầu và cải thiện kế hoạch hoặc lập một kế hoạch khác Nếu không có kế hoạch nào có vẻ khả thi hơn để quản lý ô nhiễm môi trường thì đừng thay đổi gì cả.Khi bạn đã lựa chọn được phương hướng hoạt động, và chứng minh được rằng nó khả thi, thì hãy thực hiện nó Khi kết thúc một kế hoạch, hãy xem xét và rút ra bài học Rồi áp dụng chúng vào việc lập kế hoạch quản lý môi trường mới trong tương lai

Bước 3 Phổ biến, tuyên truyền chính sáchbảo vệ môi trường biển

Thiếu hiểu biết về môi trường chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự ô nhiễm, suy thoái môi trường nói chúng và môi trường biển nói riêng Bởi khi con người thiếu hiểu biết, có nghĩa là con người ít kiến thức về môi trường, không thấy được vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nên không có động cơ để bảo vệ môi trường Đồng thời thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến con người không biết cách bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến hậu quả con người xả thải gây ô nhiễm môi trường mà không biết được hậu quả của nó và hơn thế nữa không đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, cải thiện môi trường Mặt khác, xuất phát từ tình hình thực tiễn nhận thức về quan điểm phát triển kinh tế với bảo

vệ môi trường của nhân dân chưa đầy đủ, sâu sắc, do vậy mọi người cần phải có nhận thức đúng đắn để từ đó có hành động đúng trong BVMT biển

Phổ biến, tuyên truyền chính sách tốt giúp cho các dối tượng thực hiện chính sách và mọi người dân hiểu rõ về mục đích, yêu cầu của chính sách; về tính đúng

Trang 36

đắn của chính sách trong điều kiện hoàn nhất định về tính khả thi của chính sách để họ tự giác thực hiện theo yêu cầu quản lý của nhà nước

Việc phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo vệ môi trường biển cho mọi người dân không chỉ giúp cho các ngư dân mà mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của việc phải bảo vệ môi trường biển, môi trường sống của người dân Đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nhận thức đầy đủ, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển

Bước 4, Thực hiện và điều hành chính sách bảo vệ môi trường biển

Trong lý luận về tiếp cận cách thức quản lý, có ba mô hình chính thường được áp dụng trên thế giới, bao gồm các mô hình mệnh lệnh, tự nguyện và dựa trên thị trường Mỗi một mô hình đều có những ưu nhược điểm riêng, song đều

có thể áp dụng trong quản lý tài nguyên và môi trường, dù có thể ở những mức độ khác nhau Phương thức mệnh lệnh thì thường đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, các

cá nhân phải đáp ứng được những yêu cầu hành chính đã được đặt ra Phương thức kinh tế có những điểm chung với phương thức mệnh lệnh, song điểm khác biệt là ở chỗ những yêu cầu đặt ra thì dựa trên các lí do kinh tế, thị trường Phương thức tự nguyện thì dựa nhiều vào ý thức tự giác, thông qua tuyên truyền, giáo dục

và vận động để thuyết phục người khác Thực tế đã chứng minh rằng không một phương thức nào là tối ưu cho mọi tình huống, và việc chọn lựa các phương thức cho các tình huống cụ thể hay việc phối hợp giữa các mô hình là một lựa chọn hiệu quả hơn Chẳng hạn, nếu như mục đích chính của chúng ta là đòi hỏi một/một

số hành vi cụ thể nào đó cần phải được thực hiện, thì mô hình mệnh lệnh xem ra

là thích hợp, như cấp phép hay cấm một loại hoạt động nào đó, hay ra quyết định buộc người gây ô nhiễm phải khắc phục các thiệt hại môi trường… Nhưng nếu chúng ta muốn khuyến khích một/một số hành vi nào đó, việc áp dụng nhiều phương pháp một lúc sẽ thích hợp hơn Bởi vậy, lựa chọn cách thức quản lý nào còn phải phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể Không có câu trả lời chung cho

Trang 37

mọi câu hỏi Phân công vai trò và trách nhiệm trong quản lý, cũng giống như trong các lĩnh vực khác, đóng một vị trí lớn trong hoạt động quản lý tài nguyên và môi trường Bên cạnh việc phân định vai trò giữa trung ương và địa phương, giữa mô hình tập trung và phân cấp, thì việc xác định nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong từng lĩnh vực cũng là điều rất cần thiết Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có rất nhiều nhóm lĩnh vực nhỏ hơn có thể phân ra như: quản lý tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch và sử dụng đất, các vấn đề nông nghiệp, kiếm soát ô nhiễm… Thông thường, để thuận tiện cho hoạt động quản lý, mỗi nhóm lĩnh vực này sẽ do các cơ quan khác nhau phụ trách

Tuy nhiên, một hệ quả rất khó tránh khỏi đó là sự phân công như vậy sẽ dẫn tới sự cạnh tranh và xung đột về thẩm quyền giữa các cơ quan Thí dụ như cùng một loại tài nguyên, có thể cùng chịu sự quản lý giữa cơ quan môi trường và cơ quan thương mại Vậy thì việc phân định vai trò và phối hợp giữa các cơ quan sẽ

là rất hữu ích trong những trường hợp như vậy Phần tới chúng ta sẽ xem xét tới kinh nghiệm quốc tế trong việc làm rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan khác nhau trong quản lý tài nguyên và môi trường

Bước 5: Kiểm tra và hành động khắc phục

Kiểm tra sát sao tình hình tổ chức thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển nhằm vừa kịp thời bổ sung hoàn thiện chính sách, vừa lên kế hoạch hành động khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển Đồng thời chấn chỉnh lại công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển

Chủ thể kiển tra và điều chỉnh thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển là các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa phương Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và chính xác về kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình này còn cần có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể nhân dân, thậm chí là của chính các ngư dân được hưởng lợi từ việc BVMT biển

Bước 6: Tổng kết việc thực hiện chính sách và rút bài học kinh nghiệm

Trang 38

Tổng kết việc thực hiện chính sách để trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm là một khâu không thể thiếu trong quá trình thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển Vì tổng kết việc thực hiện chính sáchbảo vệ môi trường biển là phân tích và khái quát những vấn đề thực hiện chính sách, những mặt thực hiện được và những mặt chưa thực hiện được còn bát cấp trong chính sách để rút ra bài học cho chỉ đạo tiếp theo cũng như bổ sung, phát triển chính sách nói chung, chủ trương đường lối, chính sách bảo vệ môi trường biển nói riêng Không có tổng kết việc thực hiện chính sách thì không có chính sách tiếp theo, mà không có những chính sách tiếp theo thì không có việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển tiếp theo Thông qua tổng kết thực tiễn, giúp người cán bộ xây dựng chính sách, đưa ra những quyết định phù hợp với thực tế ở địa phương mình Thông qua tổng kết việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển họ mới có điều kiện phân tích, so sánh tổng hợp để thấy được những gì đã đạt được, những khó khăn, hạn chế, những vướng mắc mà quá trình tổ chức thực hiện quyết định gặp phải Tổng kết thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển giúp phát hiện ra những vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được giải quyết, những quyết định chưa phù hợp, chưa hiệu quả cần phải sửa đổi, bổ sung Mặt khác, chính thông qua quá trình tổng kết thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển mỗi cán bộ xây dựng chính sách mới có điều kiện để rèn luyện tư duy lý luận, tư duy biện chứng, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, trên cơ sở đó nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý

Tiểu kếtchương 1

Trong chương 1, luận văn đã trình bày khái quát những vấn đề lý luận về chính sách bảo vệ môi trường biển và những vấn đề liên quan đến chính sách bảo

vệ môi trường biển ở Quảng Nam như sau:

1 Luận văn nêu khái niệm chung về môi trường, bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển là gì? Bảo vệ môi trường biển ở Quảng Nam; Chính sách bảo vệ môi trường là gì và chính sách bảo vệ môi trường biển ở Quảng Nam

Trang 39

2 Luận văn tập trung phân tích yêu cầu và các yếu tố bảo đảm chính sách bảo vệ môi trường biển

3 Luận văn phân tích 6 bước thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển như: Xây dựng chính sách bảo vệ môi trường biển trên cơ sở chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của địa phương; Lập kế hoạch về quản lý môi trường biển; Phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo vệ môi trường biển

Trang 40

CHƯƠNG 2 CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN Ở QUẢNG NAM HIỆN

NAY – THỰC TRẠNG VÀ HẠN CHẾ

2.1 Điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội Quảng Nam tác động tới môi trường biển

2.1.1 Điều kiện tự nhiên

- Vị trí địa lý, Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế

trọng điểm miền Trung Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng; phía Đông giáp biển Đông với trên 125 km bờ biển; phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào Vùng bờ Quảng Nam là cầu nối giữa hai khu kinh tế năng động - thành phố Đà Nẵng và khu kinh tế Dung Quất - tạo nên vị thế quan trọng mà ít nơi của miền Trung có được Vùng bờ Quảng Nam rất thuận lợi về giao thông, có cả đường hàng không, đường sắt, đường biển và đường bộ, với Quốc lộ xuyên Việt, cảng biển Kỳ Hà và sân bay Chu Lai, nằm trong hành lang giao thông Đông - Tây của khu vực Đông Nam Á Ngoài ra, vùng bờ Quảng Nam nằm giữa các cảng lớn của miền Trung là Dung Quất và Đà Nẵng, rất thuận lợi trong việc trung chuyển hàng hoá trong nước và

quốc tế[20]

- Tài nguyên biển

Đây là tài nguyên có tính chất quyết định đối với sự phát triển kinh tế của Quảng Nam trong tương lai Quảng Nam có bờ biển dài trên 125km và thềm lục địa rộng lớn, có nguồn hải sản vô cùng phong phú thuộc vùng biển Nam Trung

bộ Theo số liệu của Viện Quy hoạch thủy sản thì vùng biển Nam Trung bộ có trữ lượng cá khoảng 42 vạn tấn, khả năng đánh bắt hàng năm 20 vạn tấn, trữ lượng mực 7.000 tấn, tôm biển 4.000 tấn Với những tiềm năng và lợi thế kể trên, Quảng Nam có điều kiện để phát triển ngành đánh bắt xa bờ cũng như ngành nuôi trồng

Ngày đăng: 12/12/2017, 15:14

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Lê Huy Bá, Vũ Chí Hiếu, Võ Đình Long (2002), Tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, Nxb. Khoa học kỹ thuật Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tài nguyên môi trường và phát triển bền vững
Tác giả: Lê Huy Bá, Vũ Chí Hiếu, Võ Đình Long
Nhà XB: Nxb. Khoa học kỹ thuật
Năm: 2002
2. Lê Huy Bá (2004), Môi trường, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố HCM 3. Bộ Chính trị (1993),Nghị quyết 03-NQ/TW, ngày 06/5/1993về một số nhiệmvụ phát triển kinh tế biển Sách, tạp chí
Tiêu đề: Môi trường", Nxb. Đại học quốc gia Thành phố HCM 3. Bộ Chính trị (1993),"Nghị quyết 03-NQ/TW, ngày 06/5/1993về một số nhiệm
Tác giả: Lê Huy Bá (2004), Môi trường, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố HCM 3. Bộ Chính trị
Nhà XB: Nxb. Đại học quốc gia Thành phố HCM 3. Bộ Chính trị (1993)
Năm: 1993
9. Các công ước Quốc tế về bảo vệ môi trường (Việt – Anh), Nxb Chính trị quốc gia, H.1996 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Các công ước Quốc tế về bảo vệ môi trường (Việt – Anh)
Nhà XB: Nxb Chính trị quốc gia
17. Lê Thị Thanh Hà (2013), Nhà nước Việt Nam với vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. NXB Chính trị – Hành chính Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhà nước Việt Nam với vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Tác giả: Lê Thị Thanh Hà
Nhà XB: NXB Chính trị – Hành chính
Năm: 2013
18. Lê Thị Thanh Hà (2016), “Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, 10/11/2016 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay"”, Tạp chí Cộng sản
Tác giả: Lê Thị Thanh Hà
Năm: 2016
19. Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định hướng dẫn thi hành (2001), Nxb. Chính trị quốc gia Sách, tạp chí
Tiêu đề: Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định hướng dẫn thi hành
Tác giả: Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định hướng dẫn thi hành
Nhà XB: Nxb. Chính trị quốc gia
Năm: 2001
29. UBND tỉnh Quảng Nam (2010), Quyết định số 2302/QĐ-UBNDngày 23/7/2010 về việcban hành kế hoạch hành động kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2015 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quyết định số
Tác giả: UBND tỉnh Quảng Nam
Năm: 2010
30. UBND tỉnh QuảngNam (2011),Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch chất thải rắn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quyết định số
Tác giả: UBND tỉnh QuảngNam
Năm: 2011
31. UBND tỉnh Quảng Nam (2011), Quyết định số3603/QĐ-UBND ngày 09/11/2011 phê duyệt kế hạch hành động Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quyết định số
Tác giả: UBND tỉnh Quảng Nam
Năm: 2011
32. UBND tỉnh Quảng Nam (2014),Quyết định số3260/QĐ-UBND ngày 26/10/2014 phê duyệt kế hạch hành động Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quyết định số
Tác giả: UBND tỉnh Quảng Nam
Năm: 2014
4. Bộ Chính trị (2004), Nghị quyết số 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Khác
5. Bộ Chính trị (2012), Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa Khác
6. Bộ TNMT (2007), Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/7/2007 4. Bộ TNMT (2012), Thông tư số 04/2012/TT – BTNMTngày 08/5/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (từ năm 2008 - hết năm 2014) Khác
7. Bộ TNMT (2015), Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại Khác
8. Bộ TNMT (2016), Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ Khác
10. Các công ước Quốc tế về bảo vệ môi trường, Tuyên bố của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1996 Khác
11. Chính phủ (2003), Nghị định số 35/NÐ-CP, ngày 04 tháng 4 năm 2003 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Khác
12. Chính phủ (2009), Nghị định số 25/2009/NÐ-CP, ngày 06 tháng 03 năm 2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Khác
13. Chính phủ (2015), Nghị định số 19/2015/NĐ-Cp, ngày 14/02/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường Khác
14. Chính phủ (2015), Nghị định số 18/2015/NĐ-Cp, ngày 14/02/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường Khác

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w