Phan Khôi- Ngọn thông reo mãi với thời gian Nhà văn, nhà báo PhanKhôi Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực văn học dịch, làm thơ…, Phan Khôi, một người con đất Quảng Nam, còn là một nhà báo với ngòi bút sắc nhọn… Ngày 5-10, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã diễn ra buổi Toạ đàm tưởng niệm PhanKhôi nhân 120 năm ngày sinh của ông (1887-2007) do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay và Gia đình tổ chức với sự tham gia của gia đình, họ hàng, bạn bè của ông và rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình… Nói về Phan Khôi, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, ông là người có tính cách quyết liệt và tư tưởng duy tân. “Sống trong thời kỳ lịch sử đầy biến cố, bi hùng, mỗi con người trước vận mệnh của Tổ quốc có nhiều lựa chọn khác nhau. Vì sự lựa chọn là gắn bó với dân tộc và cũng gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc, chúng ta đã chứng kiến toàn bộ cuộc đời của cụ, kể cả những ngày khó khăn nhất, gai góc nhất cũng thấy đó là cuộc đấu tranh lựa chọn con đường. Nếu con đường đi theo cách mạng để giải phóng dân tộc là một dấu chấm than khẳng định, thì con đường phấn đấu để xây dựng một đất nước Việt Nam mới vẫn có thể đối với các cụ là một dấu hỏi. Hôm nay tưởng niệm PhanKhôi chúng ta nhấn mạnh đến dấu chấm than ấy!”. Còn với Nhà thơ, nhà nghiên cứu, sưu tầm về danh nhân lịch sử nước Việt Lê Minh Quốc thì viết: “Ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng, nếu chỉ chọn lấy một nhà báo tiêu biểu nhất của xứ Quảng trong thế kỷ 20, tôi sẽ chọn lấy Phan Khôi. Đó là một hình ảnh kỳ lạ nhất, cô độc nhất, bản lĩnh nhất của lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại. Ngay trong cõi nhân sinh ta bà bụi bặm, PhanKhôi đã chọn thái độ sống như một cây thông. Ông đứng sừng sững, không bè phái, băng nhóm, dù đơn độc nhưng lại dám… “gây sự” từ Nam chí Bắc trên trường văn trận bút”. Là con trai của Phó bảng Phan Trần, tri phủ Diên Khánh và là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu, ngay từ nhỏ, PhanKhôi đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi và hay… lý sự! Chính vì thế mà một trong những sự nghiệp lớn của ông chính là báo chí. Với bút danh “Thông Reo”, ông đã viết và cộng tác với rất nhiều tờ báo. Năm 1928-1929, ông lấy bút danh là Tân Việt trên tờ Đông Pháp thời báo và Thần chung. Năm 1930, PhanKhôi viết “nhàn đàm” về những điều nghe thấy trên tờ Trung lập. Có thể nói, từ năm 1928 đến năm 1933 là giai đoạn mà ngòi bút của PhanKhôi toả sáng nhất. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã dày công sưu tầm và cho đăng 3 tập “Phan Khôi- Tác phẩm đăng báo”. Đó vẫn chưa phải là toàn bộ những tác phẩm đăng báo của PhanKhôi vì theo ông Lại Nguyên Ân, “vẫn còn phải tiếp tục tìm hiểu hoạt động báo chí” của cố nhà báo này. Phan Khôi, theo nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, là một trong những nhà văn hoá nổi bật của thế kỷ 20: “Ông vừa viết văn chương, vừa vận động yêu nước”. PhanKhôi cũng chính là người đầu tiên dịch Kinh thánh Tin lành từ tiếng Pháp sang tiếng Việt (năm 1920) và dịch một số tác phẩm từ tiếng Hán. Không thể phủ nhận những đóng góp của PhanKhôi trong nền văn học Việt Nam, các giáo sư, tiến sĩ, dịch giả trong buổi toạ đàm đã không ít lần nhấn mạnh bản dịch của PhanKhôi hay và chính xác hơn nhiều bản dịch của những dịch giả khác. Giáo sư Chương Thâu đặc biệt lưu ý khả năng “trực dịch” của Phan Khôi. Còn giáo sư Đinh Xuân Lâm (Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) dù đã 83 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những câu trong bài thơ “Tình già” của Phan Khôi, tác phẩm được cho là một trong những bài thơ mở đường Thơ mới, mà ông đã đọc cách đây gần 70 năm. Giáo sư còn nhắc đến cuốn tiểu thuyết “Trở vỏ lửa ra” của PhanKhôi để chứng minh rằng, PhanKhôi là một người toàn diện, không chỉ dịch văn, thơ, viết thơ, viết báo mà còn viết cả tiểu thuyết. “Muốn dùng được PhanKhôi phải là người cực giỏi, cực tài. Chắc chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Giáo sư Đinh Xuân Lâm nhấn mạnh. Phan An Sa, con trai út của cố nhà báo, nhà văn Phan Khôi, tự hào về cha mình Theo bài viết “Học giả PhanKhôi với Việt ngữ nghiên cứu” của Nguyễn Văn Khang trên Tạp chí Xưa và Nay, số 292 IX-2007, nếu nhìn từ góc độ ngôn ngữ học, không thể phủ nhận những đóng góp của PhanKhôi bằng cả tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ đối với quá trình bảo vệ và phát triển ngôn ngữ quốc gia tiếng Việt, “làm cho tiếng Việt nước ta tiến dần lên đến bậc hoàn mỹ”. “Phan Khôi, người đi trước thời đại”, đó là kết luận của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong bài viết của ông, do nhà sử học Dương Trung Quốc đọc trong buổi toạ đàm. Đại diện cho gia đình của cố Nhà văn, nhà báo Phan Khôi, ông Phan An Sa, con trai út của Phan Khôi, đưa ra nhận xét về cha mình: “Một trí thức trẻ mới ngoài 20 tuổi đã bị thực dân Pháp bắt bỏ tù 2 lần, một lần 18 tháng, một lần 3 năm, chỉ vì theo chân Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh để hoạt động yêu nước. Một nhà báo suốt thời tráng niên của mình lăn lộn trên văn đàn chỉ nhằm một mục đích hai tiếng cho nhân dân. Một nhân sĩ bỏ lại tất cả ở phía sau để dấn thân cho cuộc kháng chiến 9 năm và cuối cùng, một học giả sức cùng lực kiệt vẫn gắng gượng đóng góp sức mình, mong có được một vườn hoa văn nghệ đầy hương sắc của dân tộc. Một người như vậy không bao giờ đi ngược lại quyền lợi của đồng bào mình”. Buổi toạ đàm có thể nói là bước khởi đầu cho những buổi hội thảo tiếp theo về Phan Khôi, một nhà báo, nhà văn kỳ khôi, ngọn thông reo mãi trong lòng chữ Việt Nam. Bài và ảnh: MAI HƯƠNG . Phan Khôi- Ngọn thông reo mãi với thời gian Nhà văn, nhà báo Phan Khôi Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực văn học dịch, làm thơ…, Phan Khôi, một. đàm. Đại diện cho gia đình của cố Nhà văn, nhà báo Phan Khôi, ông Phan An Sa, con trai út của Phan Khôi, đưa ra nhận xét về cha mình: “Một trí thức trẻ