LỜI NÓI ĐẦU PHẦN I: KHÁI QUÁT CHUNG I. KHÁI NIỆM TÀI CHÍNH CÔNG II. CÁC BỘ PHẬN CỦA TÀI CHÍNH CÔNG PHẦN II: THỰC TRẠNG SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY I. THỰC TRẠNG VỀ SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC II. THỰC TRẠNG VỀ SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CÁC QUỸ TÀI CHÍNH NGOÀI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC III. THỰC TRẠNG VỀ SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP PHẦN III: MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẢI CÁCH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG Ở VIỆT NAM I. SỰ CẦN THIẾT CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG II. YÊU CẦU VỀ CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG (CHỦ YẾU BÀN VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG) TRONG THỜI GIAN TỚI KẾT LUẬN LỜI NÓI ĐẦU Tài chính công là một phạm trù gắn với thu nhập và chi tiêu của nhà nước. Nó vừa là nguồn lực để nhà nước thực hiện tốt chức năng của mình , vừa là công cụ để thực hiện các dịch vụ công, chi phối, điều chỉnh các mặt hoạt động khác của đất nước. Trong tiến trình đổi mới, thực hiện cải cách nền hành chính quốc gia, Đảng và nhà nước ta coi đổi mới quản lý tài chính công là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu. Nhận thức một cách đầy đủ, có hệ thống về tài chính công là đòi hỏi bức thiết trong công tác nghiên cứu, học tập cũng như hoạt động thực tiễn cho cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh cải cách hành chính hiện nay ở nước ta. Mặt khác trong giai đoạn hiện nay, khi mà nước ta đang trong giai đoạn phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cuộc cải cách cơ bản tài chính nhà nước được thực hiện theo hướng “phải nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất phát triển, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tăng tích luỹ để tạo vốn cho đầu tư phát triển; đáp ứng những nhu cầu chi thường xuyên thật sự cần thiết, cấp bách; bảo đảm quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, giảm bội chi ngân sách, góp phần khống chế và kiểm soát lạm phát. Xử lý đúng đắn các mối quan hệ như : tích luỹ và tiêu dùng; tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư ,ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, chi bảo đảm quốc phòng an ninh, huy đổng vốn trong nước và vốn bên ngoài, vay và trả nợ ” . Vì thế tài chính công là một lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với nhà nước và việc quản lý nó đòi hỏi phải chính xác và khoa học. Tài chính công và quản lý tài chính công là vấn đề còn tương đối mới cả về nhận thức lý luận lẫn hoạt động thực tiễn ở nước ta, nên việc tìm hiểu về vấn đề này sẽ có những khó khăn nhất định đòi hỏi phải tìm hiểu thật kỹ trước khi bắt tay vào viết nó. Do sự hạn chế về trình độ cũng như thời gian nên bài viết của em không tránh khỏi thiếu sót. Em rất mong được cô chỉ bảo và sửa chữa giúp. Em xin chân thành cám ơn PHẦN I: KHÁI QUÁT CHUNG I. KHÁI NIỆM TÀI CHÍNH CÔNG Tài chính công là một phạm trù gắn với các hoạt động thu và chi bằng tiền của nhà nước, phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ của nhà nước nhằm phục vụ việc thực hiện những chức năng vốn có của nhà nước đối với xã hội (không vì mục tiêu thu lợi nhuận). II. CÁC BỘ PHẬN CẤU THÀNH TÀI CHÍNH CÔNG Tài chính công bao gồm: Ngân sách nhà nước (NSNN) từ trung ương đến địa phương; dự trữ nhà nước; tín dụng nhà nước; ngân hàng nhà nước; Tài chính của các cơ quan hành chính nhà nước; Tài chính của các đơn vị nhà nước cung cấp dịch vụ công (các đơn vị sự nghiệp nhà nước; tài chính phục vụ hoạt động công ích do nhà nước tài trợ); Các quỹ tài chính ngoài ngân sách của nhà nước phục vụ lợi ích công cộng. Trong đó, NSNN được xem là bộ phận quan trọng nhất, chi phối đến các thành tố khác. NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Như vậy, xét về khía cạnh kinh tế, hoạt động thu chi của NSNN thể hiện quá trình phân phối và phân phối lại một bộ phận giá trị tổng sản phẩm xã hội. Quy mô phân phối lại phụ thuộc vào mức độ động viên của NSNN. Về chức năng, NSNN có 3 chức năng cơ bản. Đó là: công cụ thực hiện việc phân bổ nguồn lực trong xã hội; thực hiện chức năng tái phân phối thu nhập và chức năng điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế quốc dân. Với các chức năng đó, NSNN tác động trực tiếp và gián tiếp tới hầu hết các chủ thể, các đơn vị và các tổ chức trong xã hội. Điều này cũng giải thích tại sao NSNN lại là thành tố quan trọng nhất của tài chính công. Quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN (gọi tắt là quỹ ngoài NSNN), có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước từng thời kỳ. Theo quy định của Nhà nước, các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) nhà nước được quyền chủ động thu, chi, quản lý loại quỹ này theo các quy định của pháp luật hiện hành. Dù các quỹ được thiết lập với mục đích khác nhau nhưng đều nhằm thực hiện sự can thiệp của Nhà nước vào kinh tế. Nguồn tài chính hình thành các quỹ ngoài NSNN, một phần trích từ NSNN theo quy định của Luật NSNN (tạo vốn ban đầu cho quỹ hoạt động), một phần huy động từ các nguồn tài chính trong xã hội, chủ yếu là nguồn tài chính tạm thời nhàn rỗi của các tổ chức kinh tế, xã hội và các tầng lớp dân cư. Nhìn chung, độ lớn của các quỹ ngoài NSNN phụ thuộc vào thực trạng của nền kinh tế. Hơn nữa, dù cho nguồn lực của xã hội có được tập trung vào quỹ ngoài NSNN thì đó thực sự vẫn là chuyển giao nguồn lực từ khu vực tư cho khu vực công, từ hàng hóa cá nhân sang hàng hóa công và thực hiện các chương trình phân phối lại thu nhập của Nhà nước. Tài chính các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp: các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc bộ máy nhà nước là những đơn vị có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công cộng cho xã hội. Nguồn tài chính cho các đơn vị này hoạt động chủ yếu dựa vào những khoản cấp phát theo chế độ từ NSNN. Ngoài ra, còn một số khoản thu khác có nguồn gốc từ NSNN, các khoản thu do đơn vị tự khai thác, hoặc từ quyên góp, tặng, biếu không phải nộp NSNN. Giữa NSNN, các quỹ tài chính nhà nước và tài chính các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó NSNN có vai trò quan trọng và chi phối các thành tố khác. Một bộ phận rất lớn của chi NSNN được các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng trực tiếp, do đó, hiệu quả tài chính của các khu vực này có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chi NSNN. Ngược lại, quy mô và hiệu quả của NSNN cũng sẽ quyết định, chi phối tiềm lực và hiệu quả tài chính các đơn vị hành chính, sự nghiệp.