Mỗi loài Lan có một đặc tính và vẻ đẹp riêng. Nếu như các loại Lan ngoại nhập hoặc Lan được trồng theo phương pháp cấy mô công nghệ sinh học như: Hồ điệp, Van đa, Đen rô, Hoàng hậu, Vũ nữ…, được trồng và bán đại trà, ra hoa quanh năm và ép cho hoa nở vào ngày tết, đa số đều đẹp nhưng không thơm, bền nhưng khó chăm sóc, thì Lan rừng một loại đặc sản “hương hoa quý của núi rừng” có sức sống bền dai, dễ trồng, dễ chăm sóc, hoa nở ngắn ngày nhưng bù lại rất thơm làm ngây ngất lòng người. Ở Gia Lai, Lan rừng cũng rất phong phú với hàng nghìn chủng loại: Từ Nghinh Xuân, Giả hạc, Đuôi cáo, Quế tím, Quế vàng cho đến các loại Hồ điệp, Vũ nữ, Đoản kiếm, Vũ kiếm, Hài đài cuộn, Kim tuyến, Kim điệp,… và thay nhau nở suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Nếu như mùa Xuân là mùa khoe sắc của những bông hoa Nghinh xuân, Trúc Lan, Giả Hạc,... thì mùa Hạ đã có hoa lan Giáng Hương, Quế Vàng, Quế Tím các loại với mùi hương đậm đà và quyến rũ. Trước đây, người mua Lan rừng chủ yếu tới các cửa hàng Lan, vựa hoa cây cảnh…. Nhưng những năm gần đây người chơi Lan chuyển qua thú săn Lan rừng về tự trồng và chăm sóc. Ở thành phố Pleiku, Lan rừng được bán quanh năm nhưng mùa mưa là thời điểm rộ nhất, bởi tại thời điểm này, người chơi Lan thường tìm cho mình những giống Lan đẹp để chuẩn bị cho mùa Tết. Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của các loại Lan rừng. Nhưng điều kiện để phát triển ngành trồng Lan rừng còn khó khăn, chưa có đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Lan rừng, tài liệu nghiên cứu về Lan rừng còn hạn chế. Chính vì lý do đó mà đề tài “Đánh giá thực trạng gây trồng và kinh doanh Lan rừng quy mô hộ gia đình tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai” được thực hiện nhằm làm tài liệu tham khảo cho các hộ gây trồng và kinh doanh Lan rừng và làm cơ sở ban đầu cho việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho việc kinh doanh Lan rừng ở thành phố Pleiku và các địa phương khác có điều kiện lập địa tương tự.