Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 13 tỉnh, thành phố là Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau. Tây Nam Bộ có diện tích trên đất liền là 39.712 km2 (chiếm 12% diện tích cả nước), có hải phận rộng trên 360.000 km2, dân số 16.698.900 người (năm 2002), mật độ dân số trên 400 ngườikm2. Trong đó có khoảng 1,3 triệu người dân tộc Khmer sống tập trung ở các tỉnh TràVinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Tây Nam Bộ có vùng biển rộng tiếp giáp với các nước trong khối ASEAN, với hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ (trong đó 40 đảo có dân sinh sống); có 17 huyện chạy ven biển Đông bao bọc cả vùng Tây Nam Bộ với 700 km bờ biển; có 339,6 km biên biới trên bộ tiếp giáp với Campuchia (phía Tây Nam) gồm 7 huyện là Đức Huệ, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tân Hồng, Hồng Ngự, An Phú, Tân Châu; có ba cửa khẩu quốc tế và bốn cửa khẩu quốc gia. Tây Nam Bộ còn có hải phận giáp với Thái Lan, Campuchia thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Do vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nên đây là vùng đất mà trong quá khứ kẻ thù đã nhiều lần xâm nhập để thực hiện mưu đồ chống phá nước ta. Ngày nay sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng của vùng Tây Nam Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đặc điểm tự nhiên nổi bật và ít có trên cả nước của Tây Nam Bộ là vùng có gần một nửa diện tích bị ngập lũ từ 3 đến 4 tháng mỗi năm, vừa có mặt hạn chế đối với canh tác nông nghiệp, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của dân cư nhưng đồng thời cũng tạo nhiều thuận lợi đối với việc khai thác nguồn lợi từ thuỷ sản, tăng độ phì nhiêu cho đất trồng trọt và làm sạch môi trường.