Mô tả TỰA Hồi mới ở trường ra, tôi được bổ vào làm sở công chánh Nam-Việt. Người ta đưa tôi xuống Long Xuyên, giao cho công việc đo mực đất và mực nước ở khắp miền Hậu Giang và Tiền Giang. Vì những lẽ về kĩ thuật, chúng tôi phải đo ban đêm. Bạn nào ở những tỉnh từ Châu Đốc tới Bạc Liêu trong mấy năm trước chiến tranh chắc được thấy cứ lâu lâu lại có một bọn 6-7 người, kẻ cầm đèn pha, kẻ xách thước, hoặc máy, đi nhắm theo các đường cái và bờ kinh. Bọn đó là chúng tôi. Chúng tôi làm việc từ 6giờ chiều đến 12giờ khuya, hoặc từ 12 giờ khuya đến 6 giờ sáng. Đời sống khác thường ấy tất nhiên là không thú gì, trong khi thiên hạ yên giấc thì mình phải lặn lội; gặp những đêm trăng thanh gió mát còn dễ chịu chứ vào mùa mưa thì cực khổ vô cùng, nhất là những khi phải len lỏi trong những đám lau sậy ở Đồng Tháp Mười, đã nhiều muỗi lại nhiều đỉa. Tuy nhiên, đời sống của loài vạc đó cũng có cái lợi là chúng tôi có nhiều thì giờ rãnh lắm. Mỗi ngày được 18 giờ tự do, biết dùng vào việc gì ? Đi chơi - chùa nào cũng vào chợ nào cũng ghé - rồi chụp hình, nói chuyện phiếm, viết nhật kí... mà vẫn không hết ngày. Đành phải đọc sách. Có hồi mưa gió liên tiếp 9-10 ngày, chúng tôi phải nằm co trong một chiếc ghe hầu cửa đóng kín mít và đậu ở trên những kênh Xà No hoặc Phụng Hiệp, xa chợ, xa quận, xa bạn, xa nhà. Buồn ôi là buồn ! Những lúc đó, không có sách đọc, chắc tôi loạn óc mất, nên gặp sách gì tôi cũng đọc, đọc bậy bạ, hỗn độn, vô phương pháp, vô mục đích, đọc từ những phóng sự của Maurice Dekobra, truyện trinh thám của Conan Doyle đến những sách về Phật học, Thông thiên học, và Tiểu thuyết thứ bảy của nhà Tân Dân... Hán tự hồi ấy tôi mới biết lem nhem được vài nghìn chữ mà cũng mua của một Huê Kiều gần cầu tàu Cần Thơ một bộ “Văn tâm điêu long”. Đem về ghe, coi trọn một ngày chẳng hiểu chút gì, đành phải bỏ. Hiểu làm sao nổi! Sách thì khó mà lại in sai be bét và không chú thích. Thành thử trong hai năm trời lênh đênh trên sông rạch, đọc hàng trăm cuốn sách mà thật là có ích lợi thì chỉ có mỗi một bộ, tức bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim mà một ngày mưa dầm, vào trú chân trong một quán tạp hoá ở Bạc Liêu, tôi tình cờ kiếm được trong một tủ kính ở góc tiệm, bên cạnh những hộp nhung và đèn cầy. Bây giờ nghĩ lại mà tiếc! Thi giờ nhiều mà không biết dùng, chịu đọc sách mà không biết cách đọc. Nói cho đúng, tôi cũng có mờ mờ một mục đích đấy là trau giồi Việt ngữ, nhưng trau giồi ra làm sao và nên đọc những sách nào thì xin thú thật là hồi đó tôi không nghĩ tới. Thậm chí, tôi không biết mua sách ở đâu nữa. Tôi không nói ngoa đâu, thưa bạn. Có lần nghe một người giới thiệu cuốn L’Art d’écrire của A. Albaiat, tôi lại nhà sách Hậu Giang ở Cần Thơ hỏi mua, không có rồi thôi, chứ không biết hỏi những nhà sách lớn ở Sài Gòn hoặc ngay nhà xuất bản ở bên Pháp. Tới sách xuất bản trong nước tôi cũng không rõ có những loại gì mà sách xuất bản 20 năm trước có nhiều gì đâu chứ ! Tình cảnh của tôi quả như một người muốn qua một khu rừng mà không biết phương hướng cứ bước càn, đương đi về phương Bắc lại quay xuống phương Nam rồi rẽ qua Đông, qua Tây... Mục Lục Chương I-Tại Sao Phải Tự Học? Chương II- Ai Tự Học Được? Chương III- Chúng Ta Hãy Sẵn Sàng Để Chương IV- Những Cách Tự Học Chương V- Đọc Sách Như Thế Nào? Chương VI- Đọc Sách Như Thế Nào? (Tiếp) - Đọc Văn Khảo Cứu Chương VII- Đọc Văn Như Thế Nào? (Tiếp) - Đọc Các Loại Văn Khác Chương VIII- Học Một Ngoại Ngữ Chương IX- Đọc Những Sách Nào? - Sách Tổng Quát Và Sách Để Tu Thân Chương X- Đọc Những Sách Nào?(Tiếp) - Sách Để Mở Mang Trí Tuệ Chương XI- Cách Dùng Thẻ Chương XII- Viết Sách Và Dịch Sách Cũng Là Một Cách Tự Học Chương XIII- Lúc Làm Việc- Nơi Làm Việc- Tủ Sách- Thú Chơi Sách Chương XIV- Khuyến Khích Sự Tự Học Phụ Lục I- Cách Đọc Chữ Hán Phụ Lục II- Danh Ngôn Về Việc Học