1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Nghiên cứu văn bia huyện tiên du tỉnh bắc ninh luận văn ths hán nôm

245 1,1K 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 245
Dung lượng 6,72 MB

Nội dung

Văn bia huyện Tiên Du sớm đã được các nhà nghiên cứu quan tâm ở các góc độ khác nhau, hoặc là dịch thuật một số văn bia phục vụ việc xếp hạng di tích nào đó; hoặc chỉ khai thác theo thể

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

TRƯƠNG VĂN THẮNG

NGHIÊN CỨU VĂN BIA HUYỆN TIÊN DU TỈNH BẮC NINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ Chuyên ngành: Hán Nôm

Hà Nội - 2015

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

TRƯƠNG VĂN THẮNG

NGHIÊN CỨU VĂN BIA HUYỆN TIÊN DU TỈNH BẮC NINH

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm

Mã số: 60 22 01 04

Người hướng dẫn khoa học: TS Nguyễn Hữu Mùi

Hà Nội - 2015

Trang 3

LỜI CẢM ƠM

Trước hết tôi xin gửi lời cảm ơn tới các thầy, cô trong bộ môn Hán Nôm khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các thầy

cô công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, những người đã giảng dạy, giúp

đỡ, tạo điều kiện để tôi học tập và hoàn thành tốt khóa học vừa qua

Tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến TS Nguyễn Hữu Mùi, người thầy đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hiện luận văn

Những lời cảm ơn sau cùng tôi xin gửi tới gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, những người đã luôn bên cạnh động viên, khích lệ, tạo điều kiện tốt nhất cho tôi hoàn thành luận văn

Mặc dù tôi đã có nhiều cố gắng hoàn thiện luận văn này bằng tất cả sự nhiệt tình và năng lực của mình, tuy nhiên không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được những đóng góp quý báu của quý thầy cô và các bạn

để bản luận văn có thể hoàn thiện hơn nữa

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2015

Học viên

Trương Văn Thắng

Trang 4

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan rằng: Luận văn thạc sĩ với đề tài Nghiên cứu văn bia huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh là kết quả làm việc, nghiên cứu nghiêm túc của

riêng tôi Các số liệu, kết quả được trình bày trong luận văn là trung thực Những công trình, kết quả nghiên cứu của những nhà nghiên cứu trước được tiếp thu một cách trung thực, có trích dẫn cụ thể

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2015

Tác giả Luận văn

Trương Văn Thắng

Trang 5

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU 1

1 Lý do chọn đề tài 1

2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2

3 Đối tượng nghiên cứu – Phạm vi nghiên cứu – Phương pháp nghiên cứu 3

4 Đóng góp của luận văn 5

5 Bố cục của luận văn 5

6 Các quy ước trình bày trong luận văn 6

PHẦN NỘI DUNG 7

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VĂN BIA HUYỆN TIÊN DU 7

1.1 Vài nét về huyện Tiên Du 7

1.1.1 Địa lý tự nhiên và địa lý hành chính 7

1.1.2 Các điều kiện văn hoá xã hội 11

1.1.3 Truyền thống giáo dục khoa cử 18

1.2 Những đặc điểm cơ bản của văn bia huyện Tiên Du 23

1.2.1 Hiện trạng văn bia huyện Tiên Du 23

1.2.2 Đặc điểm văn bia huyện Tiên Du 28

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 50

CHƯƠNG 2 GIÁ TRỊ VĂN BIA HUYỆN TIÊN DU 52

2.1 Văn bia huyện Tiên Du góp phần nghiên cứu lịch sử địa phương 52

2.1.1 Ghi chép về các nhân vật địa phương 52

2.1.2 Ghi chép về các nhân vật lịch sử……… 54

2.1.3 Ghi chép về các dòng họ tại địa phương……… 56

2.1.4 Tìm hiểu sự thay đổi diên cách địa phương 57

2.1.5 Tìm hiểu Phật giáo địa phương 58 2.2 Văn bia huyện Tiên Du góp phần tìm hiểu phong tục tập quán tín ngưỡng

Trang 6

2.2.1 Phản ánh tục bầu Hậu phật 59

2.2.2 Phản ánh tục bầu Hậu thần………63

2.2.3 Phản ánh tục gửi giỗ 69

2.3 Văn bia huyện Tiên Du góp phần tìm hiểu các hoạt động làng xã ở địa phương… 70

2.3.1 Xây dựng các công trình phục vụ tín ngưỡng 70

2.3.2 Xây dựng các công trình phục vụ dân sinh 75

2.4 Văn bia huyện Tiên Du góp phần tìm hiểu truyền thống hiếu học của người dân nơi đây 78

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 79

KẾT LUẬN 80

TÀI LIỆU THAM KHẢO 82

PHỤ LỤC 106

Trang 7

PHẦN MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

Thuộc trấn Kinh Bắc xưa, Tiên Du là một trong những huyện có bề dày lịch sử, văn hoá, ở đó hiện còn lưu trữ số lượng văn bia khá lớn Có thể nói, đến bất cứ thôn xóm nào ở huyện Tiên Du, từ các ngôi đình ngôi chùa do làng

xã tạo dựng, hoặc các văn từ, văn chỉ do hội Tư văn kiến thiết, cho đến các từ đường dòng họ lập ra, chúng ta đều có thể bắt gặp những tấm bia đá với nhiều kích thước, hình dáng, trang trí hoa văn khác nhau, góp phần tạo nên một vẻ đẹp cổ kính cho các di tích, đồng thời còn tạo ra bản sắc văn hoá không chỉ cho huyện Tiên Du nói riêng mà còn cho cả vùng Kinh Bắc nói chung Văn bia nơi đây phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của địa phương, những phong tục tập quán cổ truyền, cùng với đời sống văn hoá xã hội của làng quê thuộc xứ Kinh Bắc xưa Đồng thời, đây còn là những cứ liệu khá chính xác để tìm hiểu quá trình vận động và phát triển của làng xã cổ truyền Việt Nam, góp phần bổ sung cho chính sử

Văn bia huyện Tiên Du sớm đã được các nhà nghiên cứu quan tâm ở các góc độ khác nhau, hoặc là dịch thuật một số văn bia phục vụ việc xếp hạng di tích nào đó; hoặc chỉ khai thác theo thể loại như Hậu thần, Hậu phật… Nhưng cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa thấy một công trình nào nghiên cứu về văn bia của huyện Tiên Du một cách toàn diện Vấn đề xác định số lượng của văn bia hiện còn, số lượng thác bản được sưu tầm, lưu giữ và các địa điểm đặt văn bia hiện vẫn còn chưa chính xác, sự chênh lệch giữa xã này với xã khác trong huyện, giữa huyện Tiên Du với huyện khác, sự trùng lặp về thác bản giữa hai đợt sưu tầm Tình trạng này đã gây ra không ít khó khăn cho các nhà nghiên cứu khi muốn sử dụng, khai thác nội dung văn bia của huyện Tiên Du

Vì vậy có thể thấy việc nghiên cứu văn bia huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh

có ý nghĩa cấp thiết Qua việc thống kê số lượng chính xác văn bia, xác định

Trang 8

địa điểm thực của văn bia hiện nay, cũng như việc chỉ ra những đặc trưng cơ bản về mặt hình thức và giá trị về mặt nội dung của văn bia huyện Tiên Du để giúp nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu là việc cần thiết, nằm trong chuyên môn của ngành Hán Nôm

Với những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề: Nghiên cứu văn bia huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh làm đề tài Luận văn Thạc sĩ thuộc chuyên ngành Hán

Nôm

2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Văn bia huyện Tiên Du từ lâu đã thu hút được sự quan tâm, chú ý, tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu Tuy nhiên cho tới nay, chỉ có một công trình nghiên cứu về Văn bia Kinh Bắc khá toàn diện của Phạm Thùy Vinh đề cập

đến văn bia của huyện Tiên Du trong Luận án Tiến sĩ mang tên Văn bia Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã Trong luận án đó, phần văn bia của

huyện Tiên Du được tác giả giới thiệu vắn tắt trong bảng thống kê về văn bia

xứ Kinh Bắc theo địa danh hành chính thời Lê, đồng thời tác giả cũng điểm qua nội dung của một số văn bia huyện Tiên Du để chứng minh cho các luận điểm mà tác giả nêu ra trong luận án Đến năm 2003 luận án này đã được xuất bản thành sách với tên gọi như cũ, phần văn bia của huyện Tiên Du cũng không thay đổi

Đồng thời, cũng có một số nhà nghiên cứu giới thiệu về văn bia huyện

Tiên Du như: Nguyễn Thị Phượng – Bùi Hoàng Anh với bài Giới thiệu bia chuông khánh sưu tầm tại tỉnh Hà Bắc từ năm 1992 đến năm 1995 (Thông báo

Hán Nôm học, 1996), hai tác giả đã giới thiệu khái quát về số lượng văn bia, chuông, khánh sưu tầm được trong những năm 1992 đến 1995, trong đó có giới

thiệu về văn bia huyện Tiên Du; Thiền Phong Phạm Văn Tuấn với bài Chân Phúc thiền sư và mối giao duyên từ Phật Tích đến Bút Tháp (Thông báo Hán

Nôm học, 2007), tác giả thông qua việc tuyển dịch một số đoạn trong văn bia chùa Phật Tích của huyện Tiên Du nhằm giới thiệu về Chân Phúc thiền sư;

Trang 9

Thiền Phong Phạm Văn Tuấn với bài “Khảo về Chuyết Chuyết thiền sư 1644)” (Đặc san Suối Nguồn, 2011), tác giả thông qua nhiều tư liệu Hán Nôm,

(1590-đặc biệt là các văn bia đặt tại chùa Phật Tích huyện Tiên Du đã giới thiệu tiểu

sử, hành trạng thiền sư Chuyết Chuyết Trương Văn Thắng với bài Tấm bia ghi việc trùng tu chùa Phật Tích vào thời Nguyễn (Thông báo Hán Nôm học,

2014), tác giả thông qua việc phiên dịch đã chỉ ra lần trùng tu cuối cùng của chùa Phật Tích vào thời Nguyễn, trước khi chùa này bị phá huỷ vào năm 1946 Ngoài ra, trong phòng Thông tin Thư viện VNCHN còn lưu trữ một số bản dịch văn bia ở các xã của huyện Tiên Du được thực hiện bởi các cán bộ của VNCHN khi giúp đỡ các địa phương này sưu tầm, bảo tồn tư liệu Hán

Nôm Hơn nữa, còn phải kể đến cuốn Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb

KHXH, 1993 do GS TSKH Nguyễn Quang Hồng chủ biên, cuốn sách cũng

đã giới thiệu, tóm tắt nội dung hơn 10 văn bia của huyện Tiên Du

Có thể thấy chỉ có 1 luận án/cuốn sách, 4 bài viết và một số bản dịch, đoạn tóm tắt sơ lược về văn bia huyện Tiên Du Các công trình này, hoặc là giới thiệu văn bia huyện Tiên Du nằm trong thành phần trong văn bia xứ Kinh Bắc, hoặc chỉ đơn thuần là các bản dịch, bản tóm tắt sơ lược, hay thông qua một số đoạn trong văn bia mà giới thiệu về các di tích, nhân vật nào đó Hoàn toàn chưa có một công trình chuyên khảo nào nghiên cứu văn bia huyện Tiên

và thị trấn Lim Các bản dập này do EFEO thực hiện vào những năm trước

Trang 10

Ngoài ra chúng tôi cũng tiến hành điều tra, in dập các thác bản còn sót tại địa phương làm tài liệu nghiên cứu cho đề tài Đồng thời tham khảo các văn bia của huyện Tiên Du được chép trong các thư tịch lưu trữ tại VNCHN

3.2 Phạm vi nghiên cứu

Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi tiến hành khảo sát các thác bản văn bia hiện đang lưu trữ tại VNCHN theo địa giới hành chính huyện Tiên Du hiện nay, có tham khảo với văn bia hiện còn ở một số di tích lớn Từ đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu sự phân bố của văn bia huyện Tiên Du theo không gian và thời gian, tìm hiểu đặc điểm và các giá trị của văn bia trong nghiên cứu lịch sử, văn hoá xã hội huyện Tiên Du Ngoài ra chúng tôi còn lập danh mục văn bia huyện Tiên Du và chọn lọc giới thiệu một số văn bia được xem là tiêu biểu có giá trị về mặt nội dung để công bố

3.3 Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, chúng tôi áp dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:

3.3.1 Phương pháp văn bản học

Văn bia huyện Tiên Du hiện nay chủ yếu tồn tại dưới dạng thác bản, những thác bản này hiện còn để lại nhiều vấn đề về văn bản học Do đó thông qua việc mô tả, khảo sát các đặc điểm trang trí trên văn bia, kích cỡ của văn bia, đặc điểm về chữ viết trên văn bia, hình dáng văn bia, niên đại của văn bia, tác giả của văn bia… chúng tôi đưa ra những nhận định về sự chân xác trong niên đại văn bia ở đây, làm cơ sở cho việc nghiên cứu của luận văn

3.3.2 Phương pháp điền dã

Thác bản văn bia của huyện Tiên Du hiện đang lưu trữ tại VNCHN hiện nay vốn được in dập từ hiện vật gốc là các bia đá được dựng tại các di tích trên địa bàn huyện Tiên Du Các văn bia này đôi khi bị mất chữ do chất lượng bản dập chưa cao, hoặc do văn bia vào thời điểm in rập bị gắn vào tường, hoặc do bia dựng sát với khe tường đều không in dập được phần chữ, thác bản

Trang 11

dập bị tàn khuyết Để khắc phục được tình trạng này chúng tôi tiến hành điền

dã tại các xã có văn bia nhằm bổ sung những chỗ còn thiếu sót của thác bản

3.3.3 Phương pháp thống kê định lượng

Chúng tôi tiến hành một loạt các thao tác thống kê định lượng đối với tư liệu văn bia huyện Tiên Du thu thập được theo các tiêu chí: sự phân bố theo không gian, thời gian, tác giả biên soạn, và các vấn đề có liên quan v.v… Thông qua các kết quả đó đưa ra những nhận xét tổng quan về tình hình và đặc điểm của văn bia huyện Tiên Du

4 Đóng góp của luận văn

Nghiên cứu văn bia huyện Tiên Du, luận văn có những đóng góp sau:

- Cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về văn bia huyện Tiên Du theo các tiêu chí như: số lượng thác bản hiện còn, sự phân bố theo không gian, thời gian, cùng những đặc điểm về hình thức văn bản

- Phân tích, đánh giá giá trị tư liệu của văn bia huyện Tiên Du, không chỉ có

ý nghĩa đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá xã hội địa phương mà còn góp phần tìm hiểu lịch sử văn hoá xã hội cả nước nói chung

- Phần phụ lục chúng tôi lập thư mục văn bia huyện Tiên Du theo 8 yếu tố nhằm cung cấp thông tin ban đầu cho độc giả khi muốn tìm hiểu văn bia huyện Tiên Du, đồng thời phiên âm dịch nghĩa một số văn bia có tính chất tiêu biểu được đặt tại các di tích lớn, kèm theo đó là ảnh thác bản hiện đang được lưu giữ tại VNCHN

5 Bố cục của luận văn

Luận văn gồm có 4 phần: Phần mở đầu, Phần nội dung, Phần kết luận và Phần phụ lục

Phần Nội dung được chia làm 2 chương:

Chương 1: tổng quan về văn bia huyện Tiên Du

Chương 2: giá trị văn bia huyện Tiên Du

Trang 12

Phụ lục 1: bảng phân bố văn bia huyện Tiên Du theo không gian

Phụ lục 2: bảng phân bố văn bia huyện Tiên Du theo thời gian

Phụ lục 3: bảng chi tiết kích thước văn bia huyện Tiên Du

Phụ lục 4: danh mục văn bia huyện Tiên Du

Phụ lục 5: phiên âm, dịch nghĩa một số văn bia huyện Tiên Du, kèm theo ảnh của thác bản hiện đang được lưu giữ tại VNCHN

Phụ lục 6: một số hình ảnh về văn bia huyện Tiên Du

6 Các quy ước trình bày trong luận văn

- Trong phần danh mục văn bia tóm lược, kích thước văn bia được đo

theo hình thức: chiều ngang x chiều cao, đơn vị tính là cm

- Những chữ trên thác bản bị mờ, chúng tôi chưa chắc chắn về phương

án phiên âm sẽ được đặt trong dấu [?]

- Các tài liệu trích dẫn được để trong ngoặc vuông và đánh số thứ tự trong danh mục Tài liệu tham khảo cùng số trang của tài liệu được trích dẫn

Ví dụ: Một số vấn đề văn bia Việt Nam [100, tr 89] Các văn bia cũng được

đánh số thứ tự từ 1 đến 180, đồng thời cũng nằm trong phần Tài liệu tham

khảo Ví dụ: [1] tức là bia số 1

- Quy ước viết tắt:

Trường Viễn Đông Bác Cổ EFEO

Viện Nghiên cứu Hán Nôm VNCHN

Trang 13

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VĂN BIA HUYỆN TIÊN DU

Tiên Du là huyện nằm ở phía bắc tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm tỉnh 5

km về phía nam, cách thủ đô Hà Nội 25 km về phía bắc Đây là huyện có cảnh quan địa mạo tương đối đa dạng: nằm ở gần trung tâm đồng bằng Bắc

Bộ nhưng lại có núi đồi xen lẫn đồng bằng màu mỡ phì nhiêu cùng hệ thống các kênh rạch Nhờ nằm gọn trong vùng văn hóa Kinh Bắc, có lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Tiên Du từng là tụ điểm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt – Hán giai đoạn sớm, nên Tiên Du từ sớm trong lịch sử

đã giữ một vị trí quan trọng về kinh tế, văn hoá, giáo dục của Kinh Bắc xưa

và tỉnh Bắc Ninh ngày nay Chính những yếu tố này đã tạo nên những đặc điểm, giá trị riêng của văn bia huyện Tiên Du

1.1 Vài nét về huyện Tiên Du

1.1.1 Địa lý tự nhiên và địa lý hành chính

1.1.1.1 Địa lý tự nhiên

Về diện tích: Tiên Du là một huyện có diện tích trung bình, theo số liệu

thống kê năm 2007, Tiên Du có diện tích 9.568, 65 ha [207]

Về địa giới: Huyện Tiên Du có giáp ranh với các địa phương sau: Phía

bắc giáp thành phố Bắc Ninh và huyện Yên Phong; Phía nam giáp huyện Thuận Thành; Phía đông giáp huyện Quế Võ; Phía tây giáp thị xã Từ Sơn

Về địa hình: Tiên Du là địa phương có địa hình địa mạo tương đối phức

tạp, có hệ thống đồng bằng nằm xen kẽ với các ngọn núi thấp như: đồi Lim, núi Vân Khám, núi Chè, núi Phật Tích, núi Bát Vạn, núi Đông Sơn… độ cao

từ 20-120m, cùng với đó là hệ thống kênh rạch chằng chịt bao quanh Đất đai của huyện tương đối đa dạng về loại hình, bao gồm: đất đá, đất đỏ bazan ở các núi, đất phù sa cổ ở đồng bằng, đất phù sa ngập nước…thích hợp cho việc

Trang 14

1.1.1.2 Địa lý hành chính

Tên gọi của huyện Tiên Du là từ tên dãy núi Tiên Du nằm tại thôn Phật

Tích Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép “khi Triệu Đà tiến quân đánh An

Dương Vương đóng quân ở núi này” và “tướng quân Nguyễn Thủ Thiệp thời

12 sứ quân cũng đóng quân tại vùng này” Còn theo sách Đại Nam nhất thống chí tên huyện Tiên Du có từ thời Trần trở về trước [182, tr 64]

Thời thuộc Minh (1414 - 1427) huyện Tiên Du thuộc châu Vũ Ninh và là một bộ phận của phủ Bắc Giang [182, tr 64]

Bắt đầu từ thời Lê (1428), huyện Tiên Du thuộc phủ Từ Sơn Theo

sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi và Hồng Đức bản đồ ghi rằng huyện này

thời Lê (1428-1781) có đến 52 xã [208, t2, tr 420]

Thời Gia Long (1802 – 1819) huyện có 9 tổng với 52 xã, gồm: tổng Phù Đổng; tổng Dũng Vi; tổng Đại Vi; tổng Đông Sơn; tổng Thụ Triền; tổng Nội Duệ; tổng Khắc Niệm; tổng Chi Nê; tổng Nội Viên

Các xã: Nguyễn Xá, Phù Đổng, Văn Trinh năm 1807 phiêu tán, đến năm

1808 phục hồi

Đến năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), huyện có 9 tổng với 56 xã thôn [186, tr 490], gồm: tổng Phù Đổng; tổng Dũng Vi; tổng Đại Vi; tổng Đông Sơn; tổng Thụ Phúc; tổng Nội Duệ; tổng Khắc Niệm; tổng Chi; tổng Nội Viên Đầu thế kỉ 20, tổng Khắc Niệm được chuyển về huyện Võ Giàng, sau đó một thời gian lại được chuyển trả lại cho huyện Tiên Du

Sau Cách mạng tháng Tám, khi cấp tổng bị bãi bỏ, đơn vị hành chính xã

cũ được giữ Nguyễn và trực thuộc huyện Tiên Du

Năm 1948, các xã được thành lập trên cơ sở một số làng sát nhập lại Ngày 20 tháng 4 năm 1961, theo quyết định của Hội đồng Chính Phủ, xã Phủ Đổng và xã Trung Hưng (sau đổi là Trung Màu) được chuyển về huyện Gia Lâm (Thành phố Hà Nội)

Trang 15

Ngày 14 tháng 3 năm 1963 Hội đồng chính phủ ra quyết định 25/QĐ nhập hai huyện Tiên Du và Từ Sơn thành một huyện lấy tên là Tiên Sơn Cũng theo quyết định này, 2 xã Phú Lâm và Tương Giang của huyện Yên Phong được chuyển về huyện Tiên Sơn và chuyển 2 xã Đông Thọ và Văn Môn của huyện Từ Sơn về huyện Yên Phong (nay là xã Tương Giang thuộc Thị xã Từ Sơn)

Ngày 4 tháng 6 năm 1969, Hội đồng chính phủ ban hành quyết định

84-CP hợp nhất huyện Tiên Sơn và huyện Yên Phong thành một huyện lấy tên là Tiên Phong Nhưng đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hội đồng Chính Phủ ban hành quyết định số 17-CP phê chuẩn đề nghị của UBND tỉnh Hà Bắc thôi không hợp nhất huyện Tiên Sơn với huyện Yên Phong

Ngày 3 tháng 5 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 130-HĐBT về việc điều chỉnh địa giới các huyện Tiên Sơn, Quế Võ và Thị xã Bắc Ninh Theo đó, xã Võ Cường thuộc huyện Tiên Sơn được chuyển về Thị

xã Bắc Ninh

Sau khi điều chỉnh lộ giới, huyện Tiên Sơn có 26 xã và 1 thị trấn Đó là các xã: Khắc Niệm, Hạp Lĩnh, Lạc Vệ, Tân Chi, Phú Lâm, Vân Tương, Liên Bão, Hiên Viên, Việt Đoàn, Minh Đạo, Cảnh Hưng, Nội Duệ, Tương Giang, Hoàn Sơn, Phật Tích, Tri Phương, Tam Sơn, Đồng Nguyễn, Tân Hồng, Đại Đồng, Hương Mạc, Phù Khê, Châu Khê, Đồng Quang, Đình Bảng, Phù Chẩn

và thị trấn Từ Sơn

Ngày 10 tháng 12 năm 1998, Chính phủ ban hành nghị định số 101/1998/NĐ - CP về việc thành lập thị trấn Lim-thị trấn huyện lỵ huyện Tiên Sơn trên cơ sở toàn bộ 488 ha diện tích tự nhiên và 9.778 nhân khẩu của xã Vân Tương

Ngày 11 tháng 8 năm 1999 Chính phủ ra nghị định số 68/1999/NĐ-CP tách huyện Tiên Sơn thành hai huyện Tiên Du và Từ Sơn Thại thời điểm đó,

Trang 16

với 16 đơn vị hành chính trực thuộc (bao gồm 15 xã và 1 thị trấn) là: xã Khắc Niệm, xã Hạp Lĩnh, xã Lạc Vệ, xã Tân Chi, xã Phú Lâm, xã Liên Bão, xã Hiên Viên, xã Việt Đoàn, xã Minh Đạo, xã Cảnh Hưng, xã Nội Duệ, xã Hoàn Sơn, xã Phật Tích, xã Tri Phương, xã Đại Đồng và Thị trấn Lim

Đến năm 2007 theo nghị định số 60/2007/ NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Yên Phong, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du để mở rộng thành phố Bắc Ninh, từ ngày 24 tháng 4 năm 2007, toàn bộ diện tích đất tự nhiên và nhân khẩu của xá Khắc Niệm và xã Hạp Lĩnh được chuyển về thành phố Bắc Ninh

Từ đó cho đến nay, huyện Tiên Du có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 13 xã và 1 thị trấn:

1 Cảnh Hưng, có 3 làng: Trung (tên đầy đủ là Phù Lập Trung, tên Nôm là Sộp), Thượng (tên đầy đủ là Phù Lập Thượng), Dền (tên chữ là Phúc)

2 Đại Đồng, có 4 làng: Đại Vi, Dương Húc, Đại Thượng, Đại Trung

3 Hoàn Sơn, có 8 thôn, làng: Đồng Xép, Đại Sơn, Làng Núi, Đồng Lạng, Đông Lâu, Làng Móng (tên chữ là Dưỡng Mông), Làng Đoài, Bất Lự

4 Hiên Vân, có 5 làng: Vân Khám, Ngang Nguyễn, Ngang Nội, Ngang Kiều, Ngang Na

5 Minh Đạo, có 2 làng: Tử Nê và Nghĩa Chỉ (tên Nôm là Lỗ)

6 Liên Bão, có 6 thôn, làng: làng Chè (tức thôn Đống Trà), Hoài Thượng (tên Nôm là Bịu Thượng), làng Dọc, Bái Uyên (tên Nôm là Bưởi), Hoài Trung (tên Nôm là Bịu giữa, còn gọi là Bịu Huyện), Hoài Thị (tên Nôm là Bịu Sim)

7 Lạc Vệ, có 6 làng: Xuân Hội, Hương Vân, Nam Viên, An Động, Hộ Vệ, Nội Viên

8 Nội Duệ, có các thôn: Duệ Nam (tức Nội Duệ Nam), Lộ Bao, Đình Cả, Duệ Khánh (tức Nội Duệ Khánh)

9 Phật Tích, gồm 5 làng: Vĩnh Phú, Cổ Miếu, Ngô Xá (tên Nôm là làng Ngò), Phúc Nghiêm, Phật Tích

Trang 17

10 Phú Lâm, có 5 làng: Đông Phù, Vĩnh Phục, Giới Tế, Tam Tảo, Ân Phú

11 Việt Đoàn, có 5 thôn: Đông Sơn, Liên Ấp, Long Vân (tên Nôm là Rồng), Long Khám, Đại Tảo

12 Tri Phương, có 4 thôn: Đinh (tên Nôm là Ve Đinh), Cao Đình (tên Nôm là Đường), Dũng Vi (tên Nôm là Ve Chợ), Làng Lương

13 Tân Chi, có 5 thôn: Chi Hồ (tên Nôm là Hồ), Tư Chi, Chi Đống, Văn Trung, Chi Trung

14 Thị trấn Lim, trước đây là xã Vân Tương, theo nghị định của Chính phủ năm 1998 thành lập thị trấn Lim trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân số của xã Vân Tương, thị trấn có 3 làng: Lũng Giang, Duệ Đông, Lũng Sơn

Từ năm 1832 trở về trước, huyện lỵ huyện Tiên Du đóng tại làng Đông Sơn Năm 1833 chuyển huyện lỵ về thôn Trung và thôn Thị thuộc xã Hoài Bão, chung quanh đắp tường đất, mỗi phía có chu vi dài 12 trượng, trồng tre

làm luỹ, mặt trước có một cửa tại hướng Nam

Từ năm 1963 khi hợp nhất hai huyện Tiên Du và Từ Sơn huyện lỵ đóng tại chân núi Lim xã Vân Tương Hiện nay, huyện lỵ vẫn đóng ở chỗ cũ (nay là thị trấn Lim)

Nằm trong vùng Kinh Bắc với lịch sử phát triển lâu đời, từ lâu nơi này đã

có nhiều nhóm cư dân đến quần tụ, khai hoang, trồng trọt, phát triển thành các xóm làng đông đúc như hiện nay Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009 huyện Tiên Du có 124.497 nhân khẩu, trong đó có 61.498 nam, 62.999 nữ

1.1.2 Các điều kiện văn hoá xã hội

1.1.2.1 Phong tục tập quán tín ngưỡng

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, các phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà là một phần rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng đất này Ngoài việc các gia đình đều có bàn thờ làm không gian thờ tự vào ngày giỗ, ngày rằm, mùng một để tưởng nhớ ông bà tổ tiên mình, người

Trang 18

dân Tiên Du còn dựng các từ đường, nhà thờ, khắc gia phả vào bia đá để các thế hệ con cháu đi sau nhớ đến nguồn gốc, tổ tông của dòng họ mình

Từ rất sớm nơi đây đã có sự xâm nhập ảnh hưởng của Phật giáo, chính vì vậy ở nơi đây đã có một hệ thống các chùa chiền, cùng với đó là lòng mộ Phật của cư dân vùng đất này Hàng tháng cứ đến ngày rằm, ngày mùng 1, người dân nơi đây lại đến các ngôi chùa làng, các đại danh lam như chùa Phật Tích, chùa Hồng Ân để bái Phật, cầu cho bản thân, gia đình, quốc thái dân an, tạo nên một nét đặc sắc của tín ngưỡng nơi đây

Ngoài ra, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng cũng là một phong tục không thể thiếu trong đời sống văn hoá tâm linh của người dân Tiên Du Do quan niệm “đất có thổ công”, mỗi vùng đất, mỗi làng đều có một vị thần bảo hộ để giúp cho dân chúng tránh mọi tai ương, giúp họ làm ăn yên ổn Những vị thần bảo hộ này có thể là những nhân vật thần thoại như Thánh Gióng, Chử Đồng

Tử, Tản Viên Sơn Thánh v.v…; có thể là những anh hùng hào kiệt, có công lao đối với đất nước như Đoàn Thượng, Hai Bà Trưng v.v…; hoặc cũng có thể là những người có công với làng xã, được nhân dân mến mộ mà tôn thờ Bên cạnh những tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, ở Tiên Du còn có một bộ phận người dân theo đạo Thiên Chúa giáo, tập trung tại các xã Liên Bão, Phật Tích, Hoàn Sơn, Tri Phương, Tân Tri, trong đó, nhà thờ sớm nhất được xây dựng tại địa phương là vào năm 1934 ở thôn Đống Trà xã Liên Bão Ngoài những tín ngưỡng trên, Tiên Du còn có những phong tục hết sức điển hình như tục Kết chạ Kết chạ là tục có ở hầu hết các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, nhưng ở vùng Kinh Bắc xưa, tục kết chạ mới đậm đặc hơn

cả Tỉnh Bắc Ninh (theo địa bàn hành chính hiện nay) có ít nhất 30 chạ

Không thể tìm thấy con số lớn như vậy ở các tỉnh, thành khác Tiên Du nổi tiếng với chạ hàng tổng Nội Duệ gồm tất cả 6 xã phường của tổng: xã Lũng Giang, xã Xuân Ổ, xã Nội Duệ, xã Nội Duệ Khánh, xã Nội Duệ Nam và giáo

phường Tiên Du (gồm 3 làng: Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông) [219, tr.30]

Trang 19

Ngoài ra còn có các cặp làng kết chạ với nhau: Lũng Giang - Tam Sơn, Lũng Giang - Hoài Bão Bên cạnh đó, một số làng còn kết chạ với các làng ở khu vực ngoài huyện như: Viêm Xá - Hoài Thị, Bịu Trung - Phúc Đức, Khả Lễ - Bái Uyên, Hạ Giang - Phù Lưu, Tam Tảo - Xuân Dục

1.2.2.2 Di tích lịch sử văn hoá và lễ hội truyền thống

Là vùng đất có địa hình địa mạo tương đối phong phú, lịch sử phát triển lâu đời, dân cư đông đúc, nơi giao của nhiều yếu tố văn hoá, nơi đây có một

hệ thống di tích vô cùng phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại như đình, chùa, miếu, ban sơn thần, điện thờ, từ đường, lăng mộ, nhà thờ đạo thiên chúa v.v Theo thống kê, huyện Tiên Du có 128 di tích các loại [207, tr.15], với 58 di tích đã được xếp hạng, trong đó có các di tích nổi tiếng như chùa Phật Tích, lăng Quận công Đỗ Nguyễn Thuỵ , Nguyễn Diễn v.v… Ngoài ra nơi đây còn có núi non hùng vĩ như núi Nguyệt Thường, Lạn Kha được nhắc

đến trong các câu chuyện Vương Chất xem cờ, Từ Thức gặp tiên v.v… đã góp

phần tô điểm cho cảnh sắc nơi đây Có thể kể tới một số di tích nổi bật như:

Chùa Phật Tích: chùa Phật Tích xưa có tên là Vạn Phúc tự, chùa tọa ở

sườn núi Lạn Kha, chùa được xây dựng vào thời nhà Lý năm Thái Bình thứ 4 (1057) Ngôi chùa được coi là trung tâm văn hóa chính trị thời Phật giáo Lý - Trần Thời vua Trần Nhân Tông cho xây tại chùa một thư viện lớn và cung Bảo Hoa, lấy Phật Tích làm nơi tổ chức cuộc thi Thái học sinh (thi Tiến sỹ) Vào thời nhà Lê, năm Chính Hòa thứ bảy đời vua, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao Sử chép: Khoảng niên hiệu Xương Phù nhà Trần, thi khoa Thái học sinh, niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê mở yến hội lớn, đều ở chùa này, cho nên người ta cho đây là nơi thắng tích Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và quá trình tiêu thổ kháng chiến khiến chùa bị tàn phá nhiều Từ khi hòa bình lập lại đến nay, chùa Phật Tích được trùng tu dần Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi

Trang 20

đặt pho tượng A-di-đà bằng đá quý giá Tháng 4 năm 1962, nhà nước công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử-văn hoá

Lăng Nguyễn Diễn: lăng Nguyễn Diễn được xây dựng từ năm Cảnh

Hưng thứ 30 (1769) trên đỉnh núi Lim, nay thuộc thị Trấn Lim, huyện Tiên

Du tỉnh Bắc Ninh Lăng Nguyễn Diễn1 còn được gọi là lăng quan trấn, lăng

“Hiếu Trung hầu” hoặc như tên cũ của nó được khắc trên tấm biển đá là lăng

“Hồng Vân” Năm 1952 thực dân Pháp vào tàn phá nên cấu trúc lăng gần như

bị phá huỷ, chỉ còn lại một số các tác phẩm điều khắc: các pho tượng đá, võ sĩ, tượng thú, bàn thờ…

Lăng quận công Đỗ Nguyễn Thuỵ: Lăng được xây dựng vào năm Giáp

Dần niên hiệu Long Đức (1734), tại thôn Đình Cả xã Nội Duệ Cổng lăng được xây bằng đá ong, cổng có ba cửa, trên cửa lớn có một biển đá khắc ba chữ “Thọ Phúc Môn” Phía bên trong cổng lăng, sát vách cổng có đặt hai tượng võ sĩ bằng đá cầm đao đứng trang nghiêm Trên ngực một võ sĩ đề

“Hùng tướng quân”, còn người đối diện đề “Dũng tướng quân” Trên mặt khu sinh phần có bày một ngai đá đặt trên một chiếc sập quỳ bằng đá Hai bên ngai đá lại bày hai pho tượng đá nhỏ trong tư thế quỳ khoanh tay, nhưng kích thước to hơn một chút hai pho trên bàn thờ Đối xứng khu sinh phần là khu nhà bia, có quy mô tương đối lớn, được xây bằng đá ong, ở bên phải nhà bia

có một tấm bia lớn 4 mặt Sau khu sinh phần là phần mộ

Tiên Du là vùng đất được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử Nơi đây gắn liền với các truyền thuyết về việc thần tiên du chơi, với hàng trăm di tích lịch sử văn hoá, cùng với đó là hệ thống các lễ hội truyền

1 Nguyễn Diễn là một viên quan triều Lê, sống vào thời Cảnh Hưng Ông là người làng Đình Cả, xã Nội Duệ huyện Tiên Sơn, xuất thân làm quan Thái giám trong phủ chúa Trịnh Sâm Khi Lê Duy Mật dấy quân khởi nghĩa, ông được cử làm trấn thủ kiêm đốc đồng xứ Thanh Hoá, tước Hiếu Trung hầu Sau vì có công đàn áp cuộc khởi nghĩa nông dân do Lê Duy Mật cầm đầu ông được phong Bình Nhung đại tướng quân, sau khi chết được phong Duệ Vương, hưởng hậu thần tổng Nội Duệ

Trang 21

thống vô cùng đặc sắc mà không bất cứ nơi nào có được Có thể kể tới các lễ hội như:

Hội Lim: hội Lim, còn có tên khác là hội núi Hồng Vân, là lễ hội lớn

nhất của huyện Tiên Du, trước đây hội được tổ chức vào ngày rằm tháng 8

Âm lịch, nhưng sau này để tưởng nhớ công ơn tướng công Nguyễn Đình Diễn, quận công Đỗ Nguyễn Thuỵ góp công, góp của xây dựng chùa Lim, cùng với

bà Mụ Ả người làng Duệ Nam bỏ tiền mua hương hoả, mở mang chùa Hồng

Ân, nên sau này hội được chuyển sang ngày 13 tháng Giêng Hội Lim rất phong phú đa dạng về nội dung, bao gồm nhiều nghi thức tế lễ và trò chơi, diễn xướng dân gian như đánh vật, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, đánh đu trên đồi Lim, và đặc biệt nhất là hát Quan họ, chính vì vậy người ta còn gọi hội Lim là hội Quan họ Quan họ trong lễ hội không chỉ mang tính chất diễn xướng mà nó còn trở thành một nếp văn hoá, một lối chơi, một phong tục lâu đời Trong những ngày này, không chỉ có các “bọn Quan họ” của địa phương tham gia diễn xướng, mà còn có “bọn Quan họ” từ khắp các nơi đến kết bạn, giao duyên

Hội chùa Phật Tích: chùa Phật Tích là một trong những ngôi chùa có

lịch sử lâu đời, chùa được xây dựng từ thời Lý, đến nay đã có hơn 1000 năm

lịch sử Hàng năm vào ngày 4 tết Nguyên Đán, nhân dân Phật Tích thường

mở hội truyền thống để tưởng nhớ công lao các vị tiền bối đã khai sinh và tu tạo chùa Trong những ngày xuân tưng bừng ấy, khách thập phương về đây lễ Phật, hái hoa mẫu đơn, thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Kinh Bắc hoặc tham dự

các trò chơi ngày hội như đấu vật, chơi cờ, đánh đu, hát quan họ

1.2.2.1 Văn học – Nghệ thuật

Trong kho tàng văn học huyện Tiên Du, văn học dân gian chiếm một vị trí vô cùng quan trọng Nó là một tư liệu quý báu phản ánh một cách khách quan, chân thực về bức tranh tự nhiên, lịch sử, xã hội, tâm linh qua nhiều thời đại với đủ màu sắc khác nhau, cùng với đó là ngôn ngữ tạo hình giàu tính

Trang 22

sáng tạo Chúng ta có thể thấy điều ấy qua các loại hình văn học dân gian như

ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, truyền thuyết v.v…

Ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ nơi đây, trước hết đó là việc miêu tả những vẻ đẹp về cảnh vật xung quanh, cái đẹp của những cánh rừng, của sông, của núi được miêu tả một cách giản dị, nhưng đầy chất thơ:

“Đằng trước kẻ Rừng 2 , sau lưng kẻ Dáng”

Không chỉ miêu tả khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ca dao tục ngữ còn

mô tả những sản vật do chính con người nơi đây tạo ra, những sản vật nổi tiếng cả vùng Kinh Bắc xưa:

“Long 3

thóc, Dọc 4 tương”

Cho chúng ta biết từ Hội hè, đình đám của người Tiên Du xưa:

“Ba năm hai cái hội chùa,

Nào ai có lỡ bỏ bùa cho ai

Già già, trẻ trẻ, gái trai,

Đua nhau ăn mặc, hán hài đi xem

Hội Lim ai thấy chẳng thèm,

Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì

Không những vậy, ca dao còn miêu tả tính cách, phẩm chất của con người Tiên Du:

“Trai Cầu Vồng- Yên Thế, gái Nội Duệ 6 - Cầu Lim 7

Trang 23

Đặc biệt, ở đây còn lưu truyền nhiều truyện dân gian tương đối phong

phú, nó kể về lịch sử tên gọi các vùng đất, ngọn núi nơi đây như: chuyện Trâu Vàng, chuyện Tháp Bát vạn, chuyện Vương Chất, chuyện Từ Thức gặp tiên v.v…

Văn học viết huyện Tiên Du cũng tương đối phát triển Các bài thơ đề vịnh về các thắng cảnh như vịnh về chùa Phật Tích, về núi Lạn Kha v.v Các tác phẩm thơ của những thi nhân Tiên Du như: thơ của Nguyễn Thiên Tích

được tuyển chép trong Hoàng Việt thi tuyển 皇 越 詩 選, Thi sao 詩 抄 của Nguyễn Đăng Đạo v.v… Về thể loại văn có Tiên Sơn tập 仙 山 集 của

Nguyễn Thiên Tích Ngoài ra còn một số lượng lớn các văn bia được lưu giữ tại địa phương, trong đó, bên cạnh việc ghi chép những sự kiện, những tấm văn bia này còn là những áng văn chương bất hủ, trong đó có nhiều văn bia được viết theo kiểu biền ngẫu, với ý tứ vô cùng phong phú, các vế đối chặt chẽ, nhịp nhàng

Nằm trong không gian văn hoá Kinh Bắc có lịch sử phát triển lâu đời, vô cùng phong phú về các thể loại hình thức nghệ thuật dân gian, từ lâu Tiên Du

đã nổi tiếng khắp cả nước với các tục hát diễn xướng đặc trưng mà ít nơi có được, trong đó nổi bật nhất là Quan họ và hát Chèo Chải hê

Quan họ: quan họ là một hình thức nghệ thuật điển hình của vùng quê

này, theo thống kê trong 49 làng Quan họ gốc của vùng Kinh Bắc xưa thì Tiên Du có tới 9 làng8 Quan họ ở nơi đây đã đi sâu vào trong đời sống văn

Dựa theo kết quả nghiên cứu của Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý (1978) trong cuốn

Quan họ-nguồn gốc và quá trình phát triển thì 9 làng quan họ cổ của huyện Tiên Du là: Làng Lũng Giang (Lim) thuộc thị trấn Lim; Làng Lũng Sơn (Lim), thị trấn Lim; Làng Duệ Đông, thị trấn Lim; Làng Ngang Nội (Ngang), xã Hiên Vân; Làng Vân Khám (Khám), xã Hiên Vân; Làng Bái Uyên (Bưởi), xã Liên Bão; Làng Hoài Thị (Bựu Sim), xã Liên Bão; Làng Hoài Trung (Bịu Giữa), xã Liên Bão; Làng Hạ Giang, xã

Trang 24

hoá của mọi tầng lớp nhân dân, nó gắn liền với những ngày xuân hội hè đình đám; gắn liền với tình bạn thắm thiết thuỷ chung của những “bọn Quan họ”; gắn liền với lời ăn tiếng nói; cách ứng xử đối đãi của người với người; hay nó còn gắn liền với không gian hẹn hò, bầu bạn của con người nơi đây Chính vì vậy, Quan họ là một hình thức sinh hoạt văn hoá tổng hợp, bao gồm nhiều nội dung như: hát Quan họ, tục kết bạn Quan họ, văn hoá hành vi Quan họ, lễ hội Quan họ và tín ngưỡng Quan họ, trong đó dân ca Quan họ là hoạt động chiếm

vị trí trung tâm Hát quan họ nơi đây diễn ra trong nhiều không gian khác nhau như đình, hội hè, nhà chứa Quan họ v.v…trong đó hát Quan họ tại các lễ hội là phổ biến, bao trùm lên các không gian khác Hát Quan họ trong các lễ hội ở vùng quê này gắn liền với các lễ hội dân gian, như: hội Lim, hội Ó, hội Bịu, người ta còn gọi các lễ hội này là hội Quan họ Không chỉ là hát, là một hình thức nghệ thuật đơn thuần, Quan họ còn ẩn sau trong nó văn hoá, phong tục mà hiếm hình thức nghệ thuật nào có được Đó là văn hoá quan họ giữa những “Bọn quan họ” kết bạn với nhau Các “Bọn quan họ” này kết bạn với nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này qua đời khác (kết bạn Quan họ truyền đời), cứ thế duy trì cho tới tận ngày nay

Chèo Chải hê: Tiên Du không chỉ là quê hương của những bài hát Quan

họ mượt mà, tình tứ mà còn là quê hương của nhiều loại dân ca, trò diễn khác

chẳng kém phần độc đáo, mà một trong số đó là chèo Chải hê Chèo Chải hê

còn có tên gọi khác như “Hát Phường bội” và “Chèo Nhị thập Tứ hiếu”, được phổ biến ở các làng Lũng Giang (với 3 xóm Chùng, Chinh, Đông) và thị trấn Lim, đây là một lối hát đặc sắc gắn liền với các phong tục tín ngưỡng cổ truyền của người dân địa phương Chèo Chải hê thường được biểu diễn vào ngày rằm tháng 7, ngày xá tội vong nhân, các đám tang, hay những dịp đốt vàng mã tại

đình chùa, với quan niệm là đưa tiễn những linh hồn về miền cực lạc

1.1.3 Truyền thống giáo dục khoa cử

Trang 25

Nằm trong xứ Kinh Bắc xưa với truyền thống hiếu học, cộng với sự tiếp xúc mạnh và sớm bởi các yếu tố văn hoá Hán, nhất là Nho giáo, nền giáo dục Tiên Du đã được hình thành từ sớm và không ngừng phát triển cho tới tận ngày nay, trở thành một trong những vùng quê có truyền thống hiếu học bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh với nhiều làng khoa bảng và các nhà khoa bảng nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam Điều này có tác động không nhỏ tới

số lượng và nội dung của văn bia

1.1.3.1 Tổ chức giáo dục

Về tổ chức trường lớp: có thể nói từ lâu huyện Tiên Du đã xây dựng được một hệ thống trường học từ huyện cho đến các xã Theo sách Đại Nam nhất thống chí chép trường học huyện Tiên Du được xây dựng ở phía tây của

huyện vào năm Tự Đức thứ 3 (1849) [182] Tục lệ xã ấp Tư Vi xã Chi Nê [286] cũng chép “dân xã vào năm Tân Hợi niên hiệu Duy Tân thiết lập một toà năm gian học xá” Ngoài hệ thống các trường do nhà nước, dân làng xây dựng thì còn có các trường tư, do các ông đồ Nho hoặc những quan về hưu

mở Trong hệ thống các trường này, phương pháp và giờ giấc do người thầy

quy định, nội dung học chủ yếu là chữ Hán, các sách Tứ Thư, Ngũ kinh cùng

các sách khác phục vụ cho việc thi cử

Về chế độ học tập: do lấy việc khoa cử làm mục đích, nên không định

thời gian học tập Chương trình học tập thường tuỳ theo trình độ của thầy, trò cũng như lứa tuổi, giới tính của học sinh Trong quá trình học có diễn ra các

kỳ thi không chính thức nhằm mục đích sát hạch, lựa chọn những người có thực học để tiếp tục bồi dưỡng Việc sát hạch này do các quan Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo chủ trì, có mời những người văn hay chữ tốt đến tham dự Cứ vài năm việc sát hạch này lại diễn ra một lần, sau những lần sát hạch ấy những người có tài năng, cần cù, chăm chỉ sẽ được tuyển chọn lên các trường của huyện, phủ học Đến sát kỳ thi Hương, quan Đốc học tỉnh lại một lần nữa

Trang 26

Về các chính sách khuyến khích học tập: để khuyến khích cho việc học

tập, hầu hết các làng xã đều có Văn chỉ, hội Tư văn, ruộng khuyến học, cùng với đó là các quy định thưởng phạt rất rõ ràng Ví như: nhà nào không cho con đi học, dân làng sẽ hội họp khiển trách; gia đình nào nghèo khó, con trẻ đi học không có tiền mua giấy thì cấp cho giấy bút; người nào đi học đến 18 tuổi

mà vẫn muốn tiếp tục thì sẽ miễn phu phen tạp dịch; người nào đỗ khoa trường thì dân làng chúc tụng, mừng lễ vật, tuỳ theo việc đỗ cao hay thấp mà mừng nhiều hay ít, thông thường sẽ là một đôi câu đối, mấy quan tiền, lụa tốt, chè mạn Còn nếu kẻ nào đi học mà lười nhác, tụ tập chơi bời, thì toàn dân trách phạt, trục xuất về làm dân đinh, chịu mọi lao dịch

1.1.3.2 Thành tựu trong giáo dục

Là địa phương có truyền thống hiếu học, cùng với một hệ thống trường lớp trải khắp từ huyện đến các thôn, nên trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam nơi đây đã xuất rất nhiều các nhà khoa bảng Người đầu tiên của nền khoa bảng huyện Tiên Du là Vũ Mộng Nguyên người làng Đông Sơn, đỗ

Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn niên hiệu Thánh Nguyên thứ 1 (1400) đời Hồ Quý Ly Từ đó đến khi chế độ khoa cử kết thúc vào năm

1919 thì huyện Tiên Du đã có 38 người đỗ Đại khoa, trong đó thời Hồ có 2 người, thời Lê sơ có 23 người, thời Lê Trung Hưng có 13 người [189] Còn

theo sách “Quốc triều hương khoa lục” chép thì thời Nguyễn huyện Tiên Du

có 20 người đỗ Hương cống Trong các xã trong huyện thì Nội Duệ là xã có nhiều người đỗ nhất với hơn 20 người, tiếp đó là xã Hoài Bão, Phật Tích… với nhiều làng khoa bảng như làng Đình Cả xã Nội Duệ 13 người đỗ, làng Hoài Thượng (xưa là xã Hoài Bão) xã Liên Bão 8 người đỗ, cùng với nhiều dòng họ khoa bảng trong huyện như dòng họ Nguyễn Đăng tại làng Hoài Thượng với truyền thống nhiều đời đỗ khoa bảng

1.1.3.3 Các nhà khoa bảng tiêu biểu của địa phương

Trang 27

Nguyễn Thiên Tích: tự Huyền Khê, người làng Nội Duệ Thời vua Lê

Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 4 (1431) ông đỗ khoa Hoành từ, nhờ văn chương mà vua biết đến, được dự giao thiệp với nhà Minh Đầu thời Thiệu Bình ông được thăng Ngự tiền, sung làm Phó sứ sang Trung Quốc tạ việc vua Minh phúng vua Lê Thái Tổ, khi về ông được thăng Thị ngự sử Mùa đông năm Mậu Ngọ (1438) ông lại vâng mệnh làm Phó sứ đi cống nhà Minh Khi

về được đổi là Thị độc Hàn lâm viện Mùa đông năm Nhâm Tuất (1442) ông vâng mệnh soạn văn bia Hựu Lăng Trong đời Thái Hoà ông được cất lên Phó

sứ Nội mật, rồi bị người vu cáo, sau lại được dùng làm Tri chế cáo viện Hàn lâm Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, ông được phong Thượng thư bộ Binh Ông là người có tài văn học, trước sau không đổi, khảng khái nên được trong

và ngoài triều rất mực kính trọng Ông có các tác phẩm như: Tiên Sơn tập 仙

山 集 (nay chưa tìm thấy); Lam Sơn hựu lăng bi 藍 山 祐 陵 碑, cùng với nhiều bài thơ được tuyển chọn vào trong Toàn Việt thi lục 全 越 詩 錄

Nguyễn Đăng Cảo: người xã Hoài Bão huyện Tiên Du, nay là thôn Hoài

Bão xã Liên Bão huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, ông là anh của Nguyễn Đăng Minh, bác của Nguyễn Đăng Tuân và Nguyễn Đăng Đạo Năm 28 tuổi ông đỗ Hội Nguyên, Đình Nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646) đời Lê Chân Tông Sau

đó ông lại đỗ đầu khoa Đông các, được bổ chức Đông các Đại học sĩ (1659) Ông là người thẳng tính, cương trực nên bị nhiều người ghen ghét, vì thế không được trọng dụng, làm quan ở viện Đông các chưa đầy 3 năm thì bị bãi chức

Nguyễn Đăng Minh: người xã Hoài Bão huyện Tiên Du, nay là thôn

Hoài Bão xã Liên Bão huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh Ông là em của Nguyễn Đăng Cảo, cha của Nguyễn Đăng Đạo và Nguyễn Đăng Tuân Năm 24 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Phúc

Trang 28

Thái thứ 4 (1646) đời vua Lê Chân Tông Ông làm quan đến chức Quốc Tử Giám Tế tửu, tước nam Ông thọ 74 tuổi

Nguyễn Đăng Đạo: người xã Hoài Bão huyện Tiên Du, nay là thôn Hoài

Bão xã Liên Bão huyện tiên Du tỉnh Bắc Ninh Ông là con Nguyễn Đăng Minh, cháu họ Nguyễn Đăng Cảo, em Nguyễn Đăng Tuân Năm 33 tuổi ông

đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (trạng Nguyễn) khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hoà thứ 4 (1683) đời Lê Hy Tông Ông được cử đi sứ nhà Thanh hai lần vào năm Đinh Mão (1687) và Đinh Sửu (1697) để thương lượng về việc đòi lại 3 động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc huyện Vị Xuyên xứ Tuyên Quang Ông làm quan trải qua các chức: Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Thọ Lâm tử, thăng Thượng thư bộ Binh, Tham tụng kiêm Đông các Đại học sĩ, tước bá Ông thọ 69 tuổi, khi mất được truy tặng Lại bộ

Thượng thư, tước Thọ quận công Ông có các tác phẩm: Hậu thần bi kí/Thượng Hồng phủ/Cẩm Giàng huyện/Dương Minh xã 後 神 碑 記/上 洪 府 /錦 江 縣/陽 明 社; Quý Đài công lưu phúc bi 貴 台 留 福 碑; Phụng sự` Phạm gia bi kí 奉 事 范 家 碑 記; Thi sao 詩 抄; Tiên Hoài Nguyễn tộc phả kí

仙 懷 阮 族 譜 v.v…

Nguyễn Đức Vĩ: người làng Phật Tích xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh

Bắc Ninh, cha ông là Nguyễn Đức Hán đỗ đồng khoa Tiến sĩ năm Ất Mùi (1715) niên hiệu Vĩnh Thịnh, làm đến Thị lang bộ Hình rồi về quê Ông thi Hương đỗ giải Nguyên Năm 20 tuổi đỗ Đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727) niên hiệu Bảo Thái đời vua Lê Dụ Tông Năm Vĩnh Hựu Bính Thìn (1736) ông làm Hiệu thư Đông các Năm Kỷ Mùi (1739) thăng Hữu bộ Thị lại Đầu thời Cảnh Hưng ông được thăng Bồi Tụng, Thượng thư bộ Công, làm việc bộ Lại, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, vào hầu giảng toà Kinh Diên, tước Nghĩa Phương hầu Năm giáp thân (1764) ông về hưu, được gia hàm Thiếu bảo Năm Ất Mùi (1775) ông mất thọ 76 tuổi, được tặng phong chức Thái bảo

Trang 29

1.2 Những đặc điểm cơ bản của văn bia huyện Tiên Du

1.2.1 Hiện trạng văn bia huyện Tiên Du

1.2.1.1 Tình trạng văn bia hiện còn lưu giữ tại địa phương

Cũng giống như văn bia của cả nước, văn bia huyện Tiên Du phải chịu nhiều yếu tố tác động ngoại cảnh như: chiến tranh, thời tiết, ý thức bảo quản không tốt dẫn đến tình trạng mất mát, phá huỷ, đặc biệt là trong giai đoạn 1945-1975 khi chúng ta phải tiến hành hai cuộc kháng chiến thì một số lượng lớn văn bia đã bị mất, phá huỷ

Theo thống kê của tác giả Nguyễn Quang Khải trong sách Làng xã tỉnh Bắc Ninh thì trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp huyện Tiên Du có

34 đình, 27 chùa, 1 lăng, 1 đền thờ, 2 miếu bị phá huỷ hoàn toàn hoặc một phần, đi cùng với đó là những văn bia đặt tại nơi đây cũng bị phá huỷ hoặc thất lạc Do chưa có điều kiện đi điền dã toàn bộ các thôn xã trong huyện Tiên

Du, nên chúng tôi chỉ đưa ra con số thực tế văn bia bị mất hoặc không thấy tồn tại ở 3 xã/thị trấn mà chúng tôi đã đi điền dã được như sau:

- Xã Nội Duệ, không thấy xuất hiện các văn bia có kí hiệu như sau:

Trang 30

VNCHN tiến hành sưu tầm văn bia tại địa phương này Rất có khả năng số văn bia này đã bị mất, phá huỷ hoặc thất lạc

Qua đó cho thấy, văn bia huyện Tiên Du đã bị mất khá nhiều, đặc biệt là trong giai đoạn chống thực dân Pháp, cùng với chính sách tiêu thổ kháng chiến và sự phá hoại của thực dân Pháp thì nhiều di tích ở địa phương đã bị phá huỷ như chùa Phật Tích, lăng Nguyễn Diễn, lăng quận công Đỗ Nguyễn Thuỵ… đi cùng với đó là các văn bia đặt tại những di tích này cũng bị phá huỷ hoặc thất lạc Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi lẽ các văn bia này đa phần đều có niên đại sớm – chủ yếu là thời Lê Trung Hưng, có giá trị rất lớn

về mặt nội dung, hình thức nghệ thuật

1.2.1.2 Tình trạng các thác bản hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tư liệu văn bia nói chung hiện còn ở ba dạng: văn bia hiện vật, thác bản văn bia và văn bia được sao chép trong các thư tịch cổ Các trường hợp mà chúng tôi khảo sát, nghiên cứu trong luận văn là các thác bản lưu giữ tại VNCHN Các thác bản văn bia này đã trải qua hai lần sưu tầm do EFEO và VNCHN tiến hành

- Các thác bản do trường Viễn Đông Bác Cổ tiến hành sưu tầm

Tháng 1 năm 1900 trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp được thành lập, chức năng chính của cơ quan này là thu thập các hiện vật, tư liệu, sách vở đưa

về lưu trữ tại các bảo tàng, trong đó việc sưu tầm các thác bản văn khắc đã được tiến hành từ rất sớm Trong chú thích báo cáo năm 1910 nêu rằng: “ở Viện, chúng ta đã đào tạo được một đội ngũ nhân viên có khả năng rập văn khắc theo phương pháp của Trung Quốc, một bộ sưu tập với 200 thác bản có giá trị về mặt lịch sử và tôn giáo đã được tập hợp theo phương pháp này trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu được tiến hành riêng ở Hà Nội và vùng phụ cận Chương trình này sẽ được mở rộng ra Bắc kỳ, cha Cadière còn

Trang 31

muốn lập một chương trình rập các văn khắc cổ được tìm thấy ở Trung kỳ” Một năm sau, báo cáo năm 1911 của EFEO ghi rõ rằng số rập băn bia của An Nam tăng lên hàng ngày, từ 200 lên đến 1.000 bản Việc rập văn bia vốn chỉ giới hạn quanh khu vực Hà Nội, đã mở rộng ra nhiều tỉnh ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ Báo cáo năm 1912 cho biết “trong vòng 1 năm kho thác bản văn bia đã tăng lên từ 1.000 đến 3.000 đơn vị” và trong bức thư đề ngày 27 tháng

4 năm 1917 của giám đốc EFEO gửi viên toàn quyền Đông Dương có nhắc đến một khối lượng đồ sộ của An Nam lên tới 5.000 thác bản đã được một đội ngũ in rập có phương pháp tiến hành lần lượt tại các tỉnh” Đến năm 1920, số lượng bản rập đã lên tới 10.000 Đến năm 1944 đã sưu tầm văn bia đến số kí hiệu là 19.944, có lẽ đây cũng là số bản rập sưu tầm được cho đến năm 1944 Đến nay, con số thống kê do EFEO sưu tầm được là 11.651 đơn vị văn khắc với 20.980 mặt thác bản Do đó chúng ta có thể thấy, quá trình sưu tầm các thác bản này được EFEO tiến hành từ rất sớm và kéo dài tới tận trước Cách mạng tháng Tám

Hiện nay chúng tôi chưa xác định được chính xác thời điểm mà EFEO tiến hành sưu tầm tại huyện Tiên Du, tuy nhiên căn cứ vào các chú thích báo cáo trình bày ở trên, cùng với số kí hiệu sớm nhất của văn bia huyện Tiên Du

là N04 và muộn nhất là N019411, thì chúng ta có thể phỏng đoán rằng văn bia huyện Tiên Du được sưu tầm từ rất sớm, có thể là từ năm 1910, và kéo dài mãi cho đến tận cách mạng tháng tám

Số thác bản mà EFEO sưu tầm đã được lên danh mục, và cụ thể hoá

bằng cuốn Danh mục thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, xuất bản năm

1993 Trong cuốn sách này văn bia huyện Tiên Du được lên thư mục với 105 đơn vị văn khắc nằm trong 24 xã, bao gồm: Chi Nê (4), Dưỡng Mông (3), Đông Sơn (6), Đồng Lượng (3), Đổng Viên (4), Hoài Bão (1), Hồi Bão (8),

Hộ Vệ (3), Hương Vân (2), Nghi Vệ (4), Nội Duệ (17), Phật Tích (18), Phù

Trang 32

Thụ Phúc (1), Trình Khê (1), Trung Mầu (11), Trùng Quang (2), Xuân Hội (1) Tuy nhiên theo thời gian, các đơn vị hành chính có sự thay đổi, sát nhập giữa các địa phương, cho nên Phúc Thọ nay đã chuyển về huyện Đông Anh, Trình Khê chuyển về huyện Lương Tài, Đổng Viên, Phù Đổng, Trung Mầu, Thịnh Liêm chuyển về huyện Gia Lâm, các đơn vị văn khắc ở thị xã được chuyển về thành phố Bắc Ninh Do đó con số đơn vị văn khắc được sưu tầm trong giai đoạn này tính theo đơn vị hành chính hiện nay là 74 Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, chúng tôi phát hiện ra còn một đơn vị văn bia có kí hiệu

No6690 ở chùa Tăng Lục xã Hộ Vệ không được liệt kê ra trong danh mục, một đơn vị văn khắc ở xã Phật Tích là văn chuông Chính vì vậy, số văn bia được EFEO sưu tầm lần này là 74 văn bia

- Các thác bản do Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm

Lần sưu tầm thứ hai được tiến hành từ năm 1991 cho tới nay Năm 1991, khi thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm VNCHN và yêu cầu viện triển khai ngay công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm, từ đó cho tới nay công tác này vẫn tiếp tục được tiến hành Lần sưu tầm này, huyện Tiên Du là một phần của huyện Tiên Sơn với 26 xã, trong đó huyện Tiên Du tính theo đơn vị hành chính hiện nay

có 14 xã Số đơn vị văn khắc trong lần sưu tầm này đã được phòng Bảo Quản VNCHN lên danh mục bảng tra, số đơn vị văn khắc có trong danh mục của huyện Tiên Sơn là 343 đơn vị, trong đó huyện Tiên Du tính theo đơn vị 14 xã

đã sưu tầm được 131 đơn vị được sưu tầm, cụ thể là: Minh Đạo (4), Đại Đồng (6), Hoàn Sơn (16), Hiên Vân (1), Lạc Vệ (2), Liên Bão (34), Minh Đạo (4), Nội Duệ (7), Phật Tích (8), Phú Lâm (25), Tân Chi (6), Tri Phương (2), Vân Tương (11), Việt Đoàn (5), trong đó có 18 đơn vị văn khắc là văn chuông, do

đó con số thực tế văn bia sưu tầm được đợt này ở huyện Tiên Du là 113 văn bia

Trang 33

- Số lượng thực của thác bản văn bia tính theo đơn vị hành chính hiện nay

Có thể thấy, hai lần sưu tầm chính của văn bia huyện Tiên Du là hai lần huyện Tiên Du thuộc những đơn vị hành chính khác nhau, và quá trình đó kéo dài cho đến tận năm 2007 mới ổn định như hiện nay Chính vì vậy, các đơn vị thác bản văn khắc cũng liên tục bị xáo trộn trong các bảng danh mục, gây ra rất nhiều khó khăn cho người tra cứu Do đó, thông qua khảo sát, so sánh các thác bản, đối chiếu với đơn vị hành chính hiện nay, chúng tôi đưa ra số lượng thực tế thác bản văn bia huyện Tiên Du theo đơn vị hành chính hiện nay như sau:

+ Xã Cảnh Hưng: lần thứ nhất sưu tầm được 2 văn bia; lần thứ hai sưu tầm được 4 văn bia, tuy nhiên do lên danh mục thác bản có sự nhầm lẫn, chính vì vậy có 2 đơn vị thác bản của xã Minh Đạo được liệt kê vào xã này, như vậy xã này tổng cộng có 4 văn bia

+ Xã Đại Đồng: lần thứ hai sưu tầm được 3 văn bia, tổng cộng có 3 văn bia + Xã Hiên Vân: lần thứ hai sưu tầm được 1 văn bia, tổng cộng có 1 văn bia + Xã Hoàn Sơn: lần thứ nhất sưu tầm được 6 văn bia, lần thứ hai sưu tầm được 13 văn bia, tổng cộng có 19 văn bia

+ Xã Lạc Vệ: lần thứ nhất sưu tầm được 6 văn bia; lần thứ hai sưu tầm được 2 văn bia, tổng cộng có 8 văn bia

+ Xã Liên Bão: lần thứ nhất sưu tầm được 8 văn bia; lần thứ hai sưu tầm được 34 văn bia Tuy nhiên có 5 kí hiệu trùng nhau, có 6 đơn vị thác bản là biển gỗ, văn chuông, như vậy tổng cộng xã này có 31 đơn vị thác bản văn bia + Xã Minh Đạo: lần thứ hai sưu tầm được 4 văn bia, tuy nhiên do lên danh mục thác bản có sự nhầm lẫn, chính vì vậy có 2 đơn vị thác bản của xã này được liệt kê vào xã Cảnh Hưng, như vậy tổng cộng xã này có 6 văn bia + Xã Nội Duệ: lần thứ nhất sưu tầm được 17 văn bia, tuy nhiên do một phần xã Nội Duệ tách ra và sát nhập vào thị trấn Lim, chính vì vậy lần 1 chỉ

Trang 34

chuông, biển gỗ, chính vì vậy lần này sưu tầm được 4 văn bia; tuy nhiên do có

3 kí hiệu trùng nhau nên tổng cộng xã này chỉ có 12 đơn vị thác bản văn bia + Xã Phật Tích: lần thứ nhất sưu tầm được 18 văn bia; lần thứ hai được 8 văn bia, tuy nhiên trong có 2 văn bản không phải là văn bia Sau này có sự sát nhập của thôn Ngô Xá (1), thôn Phúc Nghiêm (1) mà số văn bia qua hai lần sưu tầm là 26, nhưng do có 5 sự trùng lặp giữa hai lần sưu tầm mà số đơn vị văn bia sưu tầm được chỉ còn là 21

+ Xã Phú Lâm: trong lần sưu tầm thứ nhất xã Phú Lâm thuộc địa phận huyện Yên Phong, lần sưu tầm này đã sưu tầm được 43 đơn vị thác bản văn khắc; lần thứ hai sưu tầm xã Phú Lâm thuộc địa phận huyện Tiên Sơn, lần sưu tầm này đã sưu tầm được 25 đơn vị thác bản văn khắc, trong đó có 1 không phải là văn bia Do đó số đơn vị thác bản văn bia qua hai lần sưu tầm này là

64, tuy nhiên do sự trùng lặp giữa hai lần sưu tầm là 18 văn bia, mà số đơn vị văn bia sưu tầm được chỉ còn là 49

+ Xã Tân Chi: lần sưu tầm thứ nhất được 4 văn bia; lần sưu tầm thứ hai được 6 văn bia, tuy nhiên có 4 văn bia trong lần hai trùng lặp với lần một, nên thực tế xã này chỉ có 6 văn bia

+ Thị trấn Lim: trong lần sưu tầm thứ nhất, thị trấn Lim là một bộ phận của tổng Nội Duệ với 17 đơn vị thác bản, trong đó thị trấn Lim có 5 đơn vị Sau giải phóng một bộ phận của tổng Nội Duệ chuyển là xã Vân Tương, đây cũng là tên đơn vị hành chính thuộc lần sưu tầm thứ hai, lần này đã sưu tầm được 11 đơn vị, tuy nhiên có 2 đơn vị không phải là văn bia, nên con số thực

tế sưu tầm lần này là 9 đơn vị Năm 1998 thị trấn Lim được thành lập trên cơ

sở xã Vân Tương, chính vì vậy con số qua hai lần sưu tầm của thị trấn Lim là

14, tuy nhiên có 2 văn bia bị trùng lặp nhau, nên con số đơn vị thác bản văn bia của thị trấn Lim là 12

+ Xã Tri Phương: trước đây xã Tri Phương thuộc tổng Dũng Vi, sau này chuyển thành xã Tri Phương Lần sưu tầm thứ hai sưu tầm được 2 đơn vị thác

Trang 35

bản văn khắc, tuy nhiên do đơn vị không phải là văn bia, nên con số đơn vị văn bia của xã này chỉ có 1

+ Xã Việt Đoàn: trước đây là một số xã của tổng Đông Sơn, trong lần sưu tầm thứ nhất đã sưu tầm được 7 đơn vị thác bản văn khắc; lần thứ hai sưu tầm được 5 đơn vị thác bản văn khắc, tuy nhiên có 3 đơn vị không phải văn bia, hai văn bia còn lại cũng trùng với hai văn bia đã sưu tầm trước đó Do đó còn số thực tế của xã này là 7 đơn vị văn bia

1.2.2 Các đặc điểm của văn bia huyện Tiên Du

1.2.2.1 Sự phân bố theo không gian

Số văn bia huyện Tiên Du hiện được sưu tầm, lưu giữ tại VNCHN là 180 văn bia Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy đa số các văn bia này tập trung ở các xã có truyền thống khoa bảng, nhiều người làm quan, có nhiều di tích lớn

và thắng cảnh đẹp Có thể nói, tuy chưa thực tế khảo sát hết số lượng văn bia hiện được lưu giữ tại địa phương, song với thác bản của 180 văn bia hiện được lưu giữ tại VNCHN cũng đã phần nào phản ánh một cách cơ bản tình hình văn bia huyện Tiên Du Dưới đây, chúng tôi xin khảo sát sự phân bố của

180 văn bia huyện Tiên Du theo không gian

Trong phần khảo sát này, không gian tồn tại của các văn bia huyện Tiên

Du sẽ được chúng tôi thống kê theo đơn vị hành chính hiện nay Theo tiêu chí trên, các thác bản văn bia được khảo sát trên địa bàn của 13 xã, 1 thị trấn với

64 đơn vị thôn xóm cùng 8 loại hình di tích

Dưới đây là bảng tóm lược Sự phân bố văn bia huyện Tiên Du theo không gian (Bảng 1) 9

Bảng 1 Sự phân bố văn bia huyện Tiên Du theo không gian

Trang 36

xã Hoàn Sơn với 19 văn bia chiếm 10,6 %; Thị trấn Lim với xã Nội Duệ cùng

có 12 văn bia, mỗi xã chiếm 6,7% Một số xã có số bia rất ít, như Đại Đồng (3 bia), Hiên Vân (1 bia), Tri Phương (1 bia) Trong số 64 thôn (xóm) của 14 đơn vị hành chính tồn tại văn bia của huyện Tiên Du, có thôn Phật Tích xã Phật Tích chiếm số lượng bia nhiều nhất 19/21 của xã (90,5%) và chiếm 10,5 % trong tổng số 180 văn bia của huyện Tiên Du Tiếp đó là thôn Giới Tế xã Phú Lâm có 18 bia/180, chiếm 10 %; thôn Quảng Độc xã Liên Bão 16 bia /180, chiếm 8,8 %; thôn Đông Phù xã Phú Lâm 11 bia/180 chiếm 6,11 %; thôn Tam Tảo xã Phú Lâm 10 bia/180 chiếm 5,6 % Các thôn còn lại đều có số bia ít hơn 10, đa số là từ 1 – 6 bia

Từ các con số thống kê về tỉ lệ văn bia ở các xã, thôn của huyện Tiên Du, chúng ta thấy rằng xã Phú Lâm là xã có nhiều văn bia nhất Ngoài ra các xã

Trang 37

Liên Bão, Hoàn Sơn, Phật Tích cũng có số bia tương đối lớn Điều này phản

số lượng các di tích ở các địa phương, sự phát triển về kinh tế, truyền thống hiếu học và việc bảo tồn di tích ở các địa phương này

Phú Lâm là một xã trước thuộc tổng Ân Phú huyện Yên Phong, nơi đây

có dân cư đông đúc, các nghề phụ tương đối phát triển như làm mành tre, rèn sắt, làm giấy, điều đặc biệt là nơi đây còn bảo tồn được một số lượng lớn các

di tích, từ đình, đền, chùa theo thống kê thì xã có 6 đình, 6 chùa, 2 điện thờ, 1 đền thờ, 7 miếu Xã Liên Bão là nơi có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, nơi xuất hiện rất nhiều nhà khoa bảng của tỉnh Bắc Ninh như làng Hoài Thượng có 8 vị đỗ tiến sĩ, với các nhà khoa bảng nổi tiếng như Nguyễn Đăng Cảo, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Đăng Tuân…cùng với đó là hệ thống các di tích đình, đền, chùa, từ đường được bảo tồn tương đối tốt Xã Phật Tích là nơi

có nhiều danh lam thắng cảnh với núi Lạn Kha, chùa Phật Tích, đặc biệt là chùa Phật Tích có lịch sử gần 1000 năm, nơi từng được nhà Trần tổ chức khoa thi, từng được thiền sư Chuyết Chuyết đến thuyết pháp, là một danh thắng nổi tiếng trong cả nước

Với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, giáo dục cộng với truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời đã tạo điều kiện cho việc dựng bia với số lượng tương đối lớn ở các xã trên, hình thành nên một hệ thống văn bia nhiều về số lượng, phong phú về nội dung, mang tính nghệ thuật điêu khắc tạo hình cao

Về mặt loại hình di tích:

Văn bia huyện Tiên Du được tạo dựng và đặt tại các loại hình di tích sau: đình, đền miếu, chùa, nghè, văn chỉ, từ đường, lăng Ngoài ra ở các nơi khác như tháp, cầu… cũng là nơi được tạo dựng bia, chúng tôi xếp chung vào loại khác

Từ bảng 2, chúng tôi nhận thấy văn bia huyện Tiên Du phân theo loại hình di tích thì chùa có số lượng bia nhiều nhất là 105/180 bia, chiếm tới 58,3%; tiếp đến là đình với 37/180 bia chiếm 20,6%, từ đường với 12/180 bia chiếm 6,7%, đền miếu có 8/180 bia chiếm 4,4%, lăng có 8/180 bia chiếm 4,4%, nghè có 5/180 bia chiếm 2,8 % Ngoài ra bia của văn chỉ và bia thuộc loại khác chiếm số lượng hết sức khiêm tốn, lần lượt là 2/180 văn bia (chiếm

Trang 38

Bảng 2 Sự phân bố theo loại hình di tích

Phân loại trên cho thấy chùa là loại hình di tích có nhiêu văn bia nhất,

chiếm hơn ½ tổng số bia của huyện Tiên Du, trong văn bia Vạn Phúc tự bi kí

萬 福 寺 碑記 có câu: huyện dĩ tiên hiệu, sơn dĩ phật danh 縣 以 仙 號,山 以

佛 名 (huyện lấy hiệu Tiên, núi lấy tên Phật), điều này phản ánh sự xâm nhập của Phật giáo vào đời sống văn hoá xã hội nơi đây Có thể nói, cùng với xứ Kinh Bắc, nơi đây đã được truyền bá Phật giáo từ rất sớm, và trở thành một trong những trung tâm Phật giáo sớm nhất của nước Đại Việt xưa Năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057) vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng chùa Phật Tích, đến thời Trần vua Trần Nhân Tông lại cho xây ở nơi đây một thư viện

và cung Bảo Hoa, sang thời Lê chùa lại được bà Trần Ngọc Am, vợ của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng lại cho xây dựng lại chùa, đồng thời còn mời thiền sư Chuyết Chuyết về thuyết pháp, giảng kinh tại nơi này, do đó chúng ta

có thể thấy rằng, từ thời Lý cho tới cuối thời Lê, cùng với Bút Tháp, nơi đây cũng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt, có sức lan toả, ảnh hưởng lớn tới các vùng xung quanh Ngoài chùa Phật Tích là ngôi cổ tự

có lịch sử lâu đời, được chính quyền các triều đại phong kiến đầu tư xây dựng,

Trang 39

sửa chữa, thì nơi đây còn có một hệ thống các chùa nằm ở các thôn xóm cũng

có lịch sử lâu đời và được nhân dân địa phương hết sức quan tâm xây dựng sửa chữa Chính điều này đã làm cho văn bia được tạo dựng ở loại hình di tích chùa là chiếm số lượng nhiều lớn, phản ánh rất phong phú những hoạt động xây dựng, tu tạo, hoạt động tôn giáo tại nơi đây Chiếm số lượng lớn thứ 2 là loại hình di tích đình (với 37 văn bia, chiếm 20,6%) Các loại hình di tích khác như đền, miếu, lăng, từ đường… đều có rất ít bia, chiếm số lượng không đáng kể

Qua bảng thống kê, và những nhận xét ở trên, chúng tôi đưa ra kết luận: không gian tồn tại của văn bia huyện Tiên Du gắn liền với điều kiện kinh tế

xã hội, truyền thống hiếu học, việc bảo tồn các di tích; gắn liền với các cụm di tích chùa ở trong huyện

Để hình dung rõ hơn về sự phân bố văn bia huyện Tiên Du về mặt không gian, chúng tôi đã trình bày kết quả ở Bảng 1 dưới dạng biểu đổ sau:

Bảng 1: Biểu đồ phân bố văn bia huyện Tiên Du theo không gian

Trang 40

1.2.2.2 Sự phân bố theo thời gian

Trước khi tiến hành phân tích về sự phân bố theo thời gian của văn bia huyện Tiên Du, chúng tôi tiến hành khảo sát về niên đại, qua khảo sát chúng tôi thấy như sau: 151 văn bia ghi rõ niên đại; 29 văn bia không ghi rõ niên đại, phần lớn số văn bia này không ghi chút thông tin nào về thời gian dựng bia,

có một số văn bia thì phần ghi thời gian dựng bia bị mờ mất, có 1 văn bia chỉ ghi triều đại là triều Lê mà không ghi niên hiệu, không ghi năm thứ bao nhiêu, chúng tôi dựa vào nét chữ xác định thuộc thời Lê Trung Hưng

Trong tình hình niên đại các văn bản văn bia huyện Tiên Du như vậy, sự phân bố của 180 văn bia huyện Tiên Du sẽ được phân tích theo các tiêu chí như sau: thế kỷ, triều đại và không niên đại Chúng tôi dựa vào các tiêu chí đó

để lập bảng thống kê dưới đây (Bảng 3 và Bảng 4) Do niên đại của những tấm bia được xét ở đây ghi theo các niên đại vua của các thời: Mạc, Lê Trung Hưng (1533-1788), Tây Sơn (1788-1802), Nguyễn (1802-1945), cho nên các tiêu chí triều đại xét ở Bảng 3 chỉ áp dụng cho các triều vua trên, những triều đại không được nhắc đến đồng nghĩa với số lượng bia bằng 0

Bảng 3 Sự phân bố theo thời gian (Triều đại) 10

Ngày đăng: 12/10/2015, 19:03

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w