1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Phát triển kĩ năng xã hội cho học sinh tiểu học thông qua dạy học dựa vào dự án

9 1,2K 8

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 9
Dung lượng 199,27 KB

Nội dung

Mặc dù việc phát triển KNXH cho thanh thiếu niên, nhất là các em ở độ tuổi Tiểu học lứa tuổi bắt đầu có những tiếp xúc, va chạm với môi trường xã hội phức tạp được tổ chức thành những ch

Trang 1

PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG XÃ HỘI CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

THÔNG QUA DẠY HỌC DỰA VÀO DỰ ÁN

Nguyễn Thị Hương 1

Vấn đề hình thành và phát triển kĩ năng xã hội cho thanh thiếu niên nói chung, học sinh Tiểu học nói riêng đang được quan tâm nghiên cứu Tuy nhiên, những kết quả thu được trong công tác này chưa mấy khả quan Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một hướng tiếp cận mới trong việc phát triển kĩ năng xã hội cho học sinh Tiểu học thông qua dạy học dựa trên dự án

1 Mở đầu

Sự phát triển của xã hội ngày nay đặc biệt là sự tiến bộ của khoa học, kĩ thuật đã đem đến cho con người cơ hội được thụ hưởng những tiện ích mà trước đây tổ tiên chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới Song, bên cạnh những lợi thế ấy, con người hiện đại cũng phải đối mặt với không ít những nguy cơ và thách thức, thậm chí là những hiểm hoạ tiềm tàng chưa từng xuất hiện trong lịch sử phát triển loài người Chính vì vậy, để thích nghi với những yêu cầu tất yếu của thực tiễn cuộc sống, mỗi chúng ta bất kể ở độ tuổi nào cũng cần phải được trang bị những hiểu biết và kĩ năng thiết yếu để có thể ứng phó với những tình huống nguy hiểm, những nguy cơ hay hiểm hoạ do chính cuộc sống hiện đại đem tới, giúp ta có thể sống được, sống khoẻ mạnh và sống có ích Những kĩ năng thiết yếu ấy được gọi là kĩ năng xã hội (KNXH) (theo cách gọi của UNESCO) hay “Kĩ năng sống” (theo cách gọi của phương Tây), hay

“Năng lực kĩ thuật tổng hợp” (theo cách gọi của Mác), đôi khi chúng cũng được sử dụng với tên gọi “Năng lực hoạt động thực tiễn” [1]

Vấn đề giáo dục KNXH cho mọi người không phải cho đến nay người ta mới mang ra bàn thảo Thậm chí, nó đã được thực hiện khá phổ biến từ những năm 70 của thế kỉ trước ở các nước phương Tây Tuy nhiên, ở nước ta, chỉ một số năm trở lại đây những khái niệm này mới xuất hiện và vấn đề giáo dục kĩ năng sống hay phát triển KNXH cho mọi người vẫn còn tương đối mới mẻ Mặc dù vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hoá, cùng với những vấn đề xã hội phức tạp mang tính toàn cầu xuất hiện, vấn đề phát triển KNXH cho mọi người đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên rất được chú trọng Trước đây, đặc biệt từ năm 2001 đến nay, Bộ giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống HIV/AIDS, tăng cường công tác phòng chống ma tuý tại trường học, thúc đẩy phát triển KNXH cho học sinh phổ thông qua dự án “Giáo dục sống khoẻ mạnh, kĩ năng sống cho trẻ và vị thành niên” với sáng kiến và hỗ trợ của UNICEF tại Việt Nam v.v [2] Có thể kể ra đây phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động giai đoạn 2008-2013 với mục tiêu liên quan đến KNXH là “Rèn luyện kĩ năng ứng xử hợp lí với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kĩ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm; rèn luyện sức khoẻ và ý thức bảo vệ sức khoẻ, kĩ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác; rèn

1

ThS, trường ĐHSP Hà Nội 2

Trang 2

luyện kĩ năng ứng xử văn hoá, chung sống hoà bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội [3]

Mặc dù việc phát triển KNXH cho thanh thiếu niên, nhất là các em ở độ tuổi Tiểu học (lứa tuổi bắt đầu có những tiếp xúc, va chạm với môi trường xã hội phức tạp) được tổ chức thành những chương trình, dự án, và được đẩy lên thành phong trào rầm rộ ở các trường phổ thông, song nhìn chung vấn đề còn hết sức phức tạp; những kết quả đạt được chưa đáp ứng được mong mỏi của những người làm công tác giáo dục, của cha mẹ học sinh, của toàn xã hội Nguyên nhân của thực trạng này thì có nhiều, song theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, một trong số những lí do chính thuộc về ý thức và khả năng của giáo viên – những người gắn bó với các em thời gian nhiều hơn cả cha mẹ chúng

Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một hướng tiếp cận giáo dục kĩ năng sống, phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học dựa vào dự án trong chính quá trình thực hiện các học trình môn học thuộc chương trình Giáo dục Tiểu học hiện hành như là một giải pháp, nhằmgóp phần để tháo gỡ những khó khăn cho thực trạng nêu trên

2 Nội dung

2.1 Những vấn đề chung về KNXH

Có nhiều quan điểm khác nhau về KNXH, theo tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2003) thì KNXH là các khả năng để có hành vi thích ứng (adaptive), giúp con người có thể ứng xử hiệu quả trước các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày KNXH là những kĩ năng mang tính tâm lí xã hội và khả năng về giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hàng ngày

để tương tác một cách hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày Còn theo quan điểm của UNICEF thì KNXH là tiếp cận giúp thay đổi hoặc hình thành hành vi mới, tiếp cận này lưu ý đến sự cân bằng về tiếp thu kiến thức, hình thành thái độ và kĩ năng UNESCO cho rằng KNXH hay kĩ năng sống

là năng lực để cá nhân thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày (UNESCO Hà Nội, 2003) [4] KNXH là những kĩ năng tâm lí xã hội liên quan đến tri thức, những giá trị và những thái độ Bốn trụ cột trong giáo dục là một cách tiếp cận KNXH Đó

chính là sự kết hợp các kĩ năng tâm lí xã hội (Học để biết là kĩ năng liên quan đến tri thức, Học để làm liên quan đến kĩ năng thực hành, Học để chung sống là kĩ năng liên quan đến thái

độ, Học để tự khẳng định mình là kĩ năng liên quan đến giá trị)

Như vậy, quan niệm cho rằng KNXH là năng lực để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày có nội hàm rộng hơn vì nó sẽ bao gồm cả những kĩ năng

cơ bản như: kĩ năng đọc, viết, làm tính… Còn quan niệm KNXH là những kĩ năng mang tính tâm lí xã hội giúp giải quyết có hiệu quả những tình huống trong cuộc sống có nội hàm hẹp hơn, nhưng là những kĩ năng phức tạp hơn, đòi hỏi sự tổng hợp các yếu tố kiến thức, thái độ

và hành vi KNXH vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội Nó mang tính cá nhân vì đó

là năng lực của cá nhân, mang tính xã hội vì trong mỗi một giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội, ở mỗi vùng miền lại đòi hỏi mỗi cá nhân có những KNXH thích hợp Khái niệm KNXH được hiểu theo nhiều cách khác nhau ở từng quốc gia Ở một số nơi, KNXH được hướng vào giáo dục vệ sinh, dinh dưỡng, và phòng bệnh Ở một số nơi khác, nó nhằm vào việc giáo dục

Trang 3

hành vi, cách cư xử, giáo dục an toàn trên đường phố, giáo dục bảo vệ môi trường, hay giáo dục lòng yêu hoà bình

Việc phân loại KNXH cũng hết sức phức tạp, tuỳ thuộc vào từng quan niệm về KNXH, hay định hướng vào một phạm vi giáo dục nào đó mà người ta đưa ra cách phân loại khác nhau Tuy nhiên, dù phân loại theo kiểu nào, hình thức nào thì những kĩ năng nòng cốt cũng vẫn bao gồm: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng nhận diện vấn đề và nguy cơ, kĩ năng giải quyết và ứng phó với tình huống một cách linh hoạt sáng tạo, kĩ năng xác định giá trị, kĩ năng tự khẳng định, kĩ năng xử lí căng thẳng, kĩ năng ra quyết định.Việc phân loại các nhóm kĩ năng chỉ mang tính tương đối vì các kĩ năng này liên quan mật thiết với nhau Mỗi loại kĩ năng đều có một vị thế quan trọng trong việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ Dưới đây, chúng tôi xin làm rõ nội hàm của một số kĩ năng quan trọng, cần định hướng phát triển cho học sinh Tiểu học:

- Kĩ năng tự nhận thức: Sự tự nhận thức được năng lực của bản thân và vị trí của mình trong tập thể sẽ giúp cho mỗi cá nhân học sinh tạo lập cho mình cuộc sống phù hợp với khả năng, điều kiện của chính mình; nhận biết và hiểu rõ bản thân về những mặt mạnh và mặt yếu của mình để có thể tự đánh giá về mình, tránh được những hành động xốc nổi, thiếu tính thực tiễn

- Kĩ năng xác định giá trị: nếu xác định giá trị đúng sẽ giúp học sinh chọn được hướng

đi và giải pháp phù hợp trong các tình huống gay cấn của cuộc sống, tránh được những phản ứng tiêu cực nhất thời

- Kĩ năng giao tiếp: rèn luyện kĩ năng giao tiếp giúp học sinh biết chia sẻ những nguyện vọng, những ý tưởng, những băn khăn trong cuộc sống của chính mình và của người khác

- Kĩ năng ra quyết định: trong cuộc sống hàng ngày ai cũng đều phải ra nhiều quyết định Có những quyết định tương đối đơn giản, song có những quyết định phức tạp liên quan đến các mối quan hệ, tương lai của bản thân Vì vậy, học sinh cần nắm bắt được quy trình, lựa chọn được những giải pháp để đưa ra những quyết định phù hợp

- Kĩ năng đương đầu với các thách thức trong cuộc sống: con người trong xã hội hiện đại phải chịu nhiều áp lực, ngay cả lứa tuổi học sinh tiểu học Rèn luyện kĩ năng ứng phó tích cực với các tình huống khẩn cấp thông qua các tình huống thực, tình huống giả định sẽ giúp các em chuẩn bị các yếu tố tâm lí để đón nhận, để xử trí một cách khôn ngoan khi cần thiết

- Kĩ năng kiên định: đó là loại kĩ năng rất cần rèn luyện, phát triển cho học sinh trong điều kiện cuộc sống phức tạp hiện nay Rèn luyện kĩ năng kiên định giúp các em làm chủ được các yếu tố tâm lí, cảm xúc trong các tình huống cụ thể, đảm bảo sự cân bằng, dung hoà giữa quyền lợi, nhu cầu của bản thân với quyền lợi và nhu cầu của người khác, tránh được các vấn đề mà các em hay gặp phải là hiếu thắng, vị kỉ hoặc phục tùng, phụ thuộc

- Kĩ năng đặt mục tiêu: là khả năng của con người trong việc đặt ra cái đích có thể thực hiện trong một giai đoạn nào đó của cuộc sống Phát triển kĩ năng này giúp các em xác định được các mục tiêu một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của bản thân

Trang 4

Trên đây là một số kĩ năng xã hội quan trọng cần phải hình thành và phát triển cho học sinh Tiểu học Đó là những KNXH dành cho sự thành công học đường và thành công trong cuộc sống Các KNXH liên quan đến tất cả các hoạt động ở trường học Học sinh có thể học những kĩ năng này từ thầy cô, bạn bè, cha mẹ và những người xung quanh Tuy nhiên, vì chúng là những kĩ năng nên đòi hỏi đảm bảo tính hệ thống, tính thường xuyên liên tục trong quá trình hình thành mới đem lại hiệu quả mong muốn Do đó, việc phát triển KNXH cho các

em phải trở thành một phần nhiệm vụ quan trọng của giáo dục nhà trường Nó phải được thể chế hoá thành mục tiêu, chương trình và được cụ thể hoá trong các giờ lên lớp của giáo viên

2.2 Phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học thông qua dạy học dựa vào dự án

2.2.1 Một số vấn đề lí luận về phương pháp dạy học (PPDH) dựa trên dự án và vai trò của nó trong việc hình thành và phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học

Như đã thấy, việc hình thành và phát triển KNXH cho học sinh không phải là vấn đề mới mà điều quan trọng là chúng ta nhận thức nó như thế nào và cách thức tiếp cận, triển khai, thực hiện nó trong thực tiễn ra sao Về vấn đề này, đã có nhiều công trình nghiên cứu của nhiều tác giả với nhiều đề xuất, giải pháp cả ở tầm vĩ mô và vi mô Theo chúng tôi, việc hình thành và phát triển các KNXH cho học sinh Tiểu học cần phải được khai thác và lồng ghép vào trong chính chương trình dạy học các môn học chính khoá và cả các hoạt động ngoại khoá, tạo thành phong trào có sức lôi cuốn, thu hút sự tham gia của tất cả học sinh trong nhà trường Tiểu học Với hướng tiếp cận đó, chúng tôi tìm thấy sự phù hợp rất cao của một PPDH tích cực trong việc hình thành và phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học, đó chính là PPDH dựa vào dự án

PPDH dựa vào dự án còn gọi là PPDH theo dự án (Project - based teaching), đây là một phương pháp dạy học hướng học sinh đến việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng thông qua quá trình giải quyết một bài tập tình huống, được gọi là một dự án (project) mô phỏng môi trường

mà các em đang sống và sinh hoạt Dự án này có thể chỉ giới hạn trong phạm vi lớp học và có

độ dài khoảng 1-2 tuần, hoặc có thể vượt ra ngoài phạm vi lớp học và kéo dài trong suốt năm học Trong cách học theo dự án, học sinh làm việc theo nhóm để giải quyết những vấn đề có thật trong đời sống (authentic), theo sát chương trình học (curriculum-based) và có phạm vi kiến thức liên môn (interdisciplinary)

Học sinh được đặt ở vị trí trung tâm, quyết định cách tiếp cận vấn đề và các hoạt động cần phải tiến hành để giải quyết vấn đề Chính học sinh là người thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, rồi tổng hợp (synthesize), phân tích (analyze) và tích lũy kiến thức từ quá trình làm việc của các em Học tập theo phương thức này, mỗi bài học đều thật sự hấp dẫn đối với học sinh vì vấn đề mà họ đang giải quyết là vấn đề có thật trong đời sống, và việc giải quyết vấn đề đòi hỏi những kỹ năng của “người lớn” như sự cộng tác và diễn giải Kết thúc

dự án, chính học sinh trình bày kiến thức mới mà họ đã tích lũy thông qua sản phẩm và được đánh giá dựa trên những gì đã thu thập được và tính khúc chiết, hợp lý trong cách thức trình bày của các em Trong suốt quá trình này, vai trò của giáo viên là hướng dẫn (guide) và tham vấn (advise) chứ không phải là “cầm tay chỉ việc” cho học sinh của mình

PPDH dựa trên dự án được đặc trưng bởi một số nét nổi bật được trình bày sau đây và chính nó cũng chỉ cho chúng ta thấy sự phù hợp đến kì lạ về vai trò của PPDH này trong việc

Trang 5

hình thành và phát triển KNXH cho người học nói chung và học sinh Tiểu học nói riêng khi học tập theo PPDH dựa trên dự án

Học tập dựa trên dự án, học sinh được được đặt vào trong các tình huống mang tính thực tế, có ý nghĩa xã hội thiết thực và các em được trao quyền như là những người ra quyết định chính Các em phải mày mò, tìm kiếm bằng trải nghiệm, bằng hoạt động thực tiễn của cá nhân để tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho những vấn đề tương đối nan giải Đôi khi nhiệm

vụ học tập đặt học sinh vào trong các tình huống hoặc phải thế này, hoặc phải thế kia, buộc các em phải suy tính và ra quyết định lựa chọn giải pháp Lựa chọn ấy của các em có thể đúng, có thể sai nhưng cho dù kết quả thế nào đi chăng nữa thì những kiến thức và kinh nghiệm các em rút ra được sau đó đều vô cùng quan trọng Kĩ năng phán đoán, đánh giá, tổng hợp, xác định giá trị để đưa ra quyết định hợp lí cho các tình huống tương tự vì thế được hình thành và phát triển ở một trình độ cao hơn trước

Trong quá trình thực hiện dự án, thường thì học sinh phải làm việc cộng tác với nhau trong các nhóm nhỏ để hoàn thành một phần công việc, nhiệm vụ nào đó Mối quan hệ liên cá nhân giữa học sinh vì thế mà được hình thành và phát triển một cách khá tự nhiên Các em dần phải quen và học cách chia sẻ, trao đổi tài liệu, thông tin, kinh nghiệm, giá trị thậm chí cả

tư tưởng, cảm xúc cá nhân Mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên trong nhóm đôi khi lan toả ra tới cộng đồng lớp học Tạo môi trường tâm lí cởi mở, thân thiện cho những mối quan

hệ giao tiếp thuận tiện, giàu tính nhân văn, nâng đỡ người học

Không chỉ có thế, một nét đặc trưng nổi bận nữa của PPDH này là học tập dựa trên dự án

có ý nghĩa thúc đẩy mong muốn học tập của học sinh, tăng cường năng lực hoàn thành những công việc quan trọng và mong muốn được đánh giá Khi học sinh có cơ hội kiểm soát được việc học của chính mình, giá trị của việc học đối với các em cũng tăng lên Cơ hội lựa chọn và kiểm soát, cũng như cơ hội cộng tác với các bạn cùng lớp cùng làm tăng hứng thú học tập của các em Trong một số dự án, chính các em là người được tham gia vào quá trình lập kế hoạch cho việc học tập của bản thân; từ việc xác định vấn đề để xây dựng thành dự án, xác định mục tiêu học tập, chia nhóm, hoạch định các nhiệm vụ, công việc cụ thể… do đó việc học tập càng trở nên lí thú, hấp dẫn và ý nghĩa

Một đặc điểm không thể không nói đến ở đây, đó là tính liên môn, đa ngành của dự án Chính đặc điểm này quy định mọi đặc điểm khác của việc học tập dựa trên dự án, bởi nó là căn nguyên, gốc rễ để kình thành nên kiểu PPDH này Theo PGS.TS Đặng Thành Hưng [1], nội dung học vấn trong dạy học hiện đại được tổ chức thành ba kiểu Kiểu thứ nhất đó là chúng được tổ chức thành môn học với các bài học (bao gồm một hệ thống khái niệm) được cấu trúc theo tương quan chặt chẽ, có tính chất bài bản và hệ thống Kiểu thứ hai, nội dung học vấn được tổ chức thành chủ đề tương ứng với những quan hệ, phạm trù có tính chất tích hợp Kiểu thứ ba, nội dung học vấn được tổ chức thành dự án, đó là hệ thống hoạt động và công việc nhằm giải quyết vấn đề, do đó dự án phản ánh những vấn đề học tập và thực tiễn

mà kết quả giải quyết những vấn đề đó một cách hệ thống sẽ đáp ứng mục tiêu học tập quy định trong chương trình Như vậy việc giải quyết các nhiệm vụ của dự án đòi hỏi học sinh phải huy động kiến thức thuộc nhiều môn học khác nhau, vận dụng kinh nghiệm và năng lực hoạt động thực tiễn ở nhiều lĩnh vực khác nhau Chính điều này cũng tạo cơ hội và điều kiện

Trang 6

để phát huy phong cách, sở trường học tập đa dạng của học sinh mà không bó hẹp theo một kiểu cách hay khuôn mẫu nào

Từ những phân tích trên đây ta nhận thấy, hầu hết các KNXH quan trọng đều có thể được hình thành và phát triển ở học sinh trong quá trình học tập dựa trên dự án Từ kĩ năng xác định mục tiêu, tự nhận thức, xác định giá trị, ra quyết định đến những kĩ năng phức tạp như kĩ năng đương đầu với các thách thức trong cuộc sống, kĩ năng giao tiếp, hợp tác, cộng tác… Như vậy, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là PPDH hết sức tiềm năng trong việc hình thành và phát triển các KNXH cho người học nói chung và học sinh Tiểu học nói riêng

2.2.2 Định hướng hình thành và phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học thông qua dạy học dựa trên dự án

Như đã phân tích, để hình thành bất kể một kĩ năng nào cho học sinh đều phải trải qua một quá trình mà không phải một chốc, một lát Do đó, việc hình thành và phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học cần được lên kế hoạch một cách chi tiết và cẩn thận; từ việc xác lập mục tiêu, nội dung đến phương thức thực hiện Bên cạnh đó, tiến trình chung để áp dụng một phương pháp cụ thể vào dạy học trong thực tiễn cũng thường trải qua ba giai đoạn: chuẩn bị,

tổ chức thực hiện và đánh giá Theo đó, để việc hình thành và phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học thông qua PPDH dựa trên dự án đạt hiệu quả cao thì cần tiến hành theo định hướng sau:

Trước tiên, trong giai đoạn chuẩn bị, khi thiết kế dự án, giáo viên cần liên kết nội dung học tập trong một môn học hay một số môn học nào đó ở Tiểu học với các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống để từ đó đưa đến một dự án học tập không chỉ giải quyết những vấn đề thuộc chương trình học tập quy định mà nó còn mang ý nghĩa xã hội và tính thời sự sâu sắc Chỉ khi nào nội dung học tập gắn với thực tiễn cuộc sống mới kích thích được động cơ học tập của học sinh và cũng chỉ những dự án ấy mới mở ra cơ hội để phát triển những KNXH thiết thực Việc xác định mục tiêu của dự án lúc này không chỉ gói gọn trong phạm vi kiến thức, kĩ năng thuộc chương trình môn học Mà những mục tiêu về KNXH cần phải được tính đến một cách cụ thể: qua dự án này, học sinh sẽ hình thành và phát triển được những KNXH nào và đến mức độ nào Một khi những KNXH này được đặt ra trong mục tiêu, thì trong bước lập kế hoạch thực hiện dự án nhất thiết phải có những khâu, những bước để học sinh thực hiện nhằm tới mục tiêu ấy Và tất nhiên trong kế hoạch đánh giá cũng bao gồm cả những KNXH đã được đặt ra trong mục tiêu

Ngày nay, chương trình Giáo dục Tiểu học Việt Nam đang được tổ chức theo kiểu môn học, trong mỗi môn học bao gồm các bài học được sắp xếp theo logic của các khái niệm khoa học Có một số môn học mà điển hình là các môn học về Tự nhiên và Xã hội thì nội dung lại được cấu trúc theo các chủ đề có tính tích hợp bao trùm Mặc dù vậy, việc thực hiện chương trình vẫn được tiến hành hết sức chặt chẽ theo môn, theo bài trong suốt tiến trình thời gian của kì học, năm học Trong khi đó, việc dạy học dựa trên dự án để đạt được hiệu quả thực sự thì không thể khống chế chặt chẽ thời gian ở một vài tiết học trên lớp, mà nó phải được thực hiện cả trong giờ lên lớp và học sinh độc lập làm việc, học tập bên ngoài lớp học Vì vậy, để việc hình thành và phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học thành công, giáo viên ngoài việc

Trang 7

xác định rõ từng loại kĩ năng cần hình thành cho các em thì còn phải có khả năng gắn kết chúng với những nội dung của các môn học cụ thể Đồng thời tiến hành việc dạy học các môn học đó một cách linh hoạt, cơ động mà không cứng nhắc theo kiểu tiết học, bài học như cơ chế hiện hành Tất nhiên đây là vấn đề phức tạp, liên quan tới nhiều khía cạnh, nhiều đối tượng mà tính quyết định không chỉ thuộc về người giáo viên; đòi hỏi phải có một cơ chế rõ ràng mới mong cải thiện được tình hình trong giai đoạn hiện nay

3 Kết luận

Vấn đề hình thành và phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học nói riêng, thanh thiếu niên nói chung tuy không mới, song còn hết sức phức tạp, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những giải pháp phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay Theo tinh thần đó, trong bài viết này chúng tôi đã giới thiệu một hướng tiếp cận mới cho việc phát triển KNXH cho học sinh Tiểu học thông qua PPDH dựa trên dựa án Đây mới chỉ là những tìm hiểu bước đầu cho vấn đề này, nó đòi hỏi có sự nghiên cứu sâu hơn nữa thì những định hướng trên đây mới

có thể được hiện thực hoá và đem lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn giáo dục nhà trường

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 Đặng Thành Hưng, Dạy học hiện đại: Lí luận, biện pháp, kĩ thuật, Nxb Đại học Quốc

gia, H., 2002

2 Nguyễn Thanh Bình, Giáo trình Giáo dục kĩ năng sống, Nxb Đại học Sư phạm, H.,

2010

3 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chỉ thị số 40/CT-BGDDT của Bộ trưởng về phong trào thi

đua “Xây dựng trường học thần thiện, học sinh tích cực trong trường phổ thông giai đoạn 2008-2013”

4 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, Giáo dục kĩ năng sống ở Việt Nam, H., 2006

DEVELOPING SOCIAL SKILL FOR ELEMENTARY THROUGH PROJECT- BASED TEACHING

Nguyen Thi Huong

Abstract

Today, the problem of formation and development of social skills for youth in general, elementary students in particular are interested in studying However, the results obtained in this work is not satisfactory Therefore, in this article the author introduces a new

Trang 8

approach in the development of social skills for elementary students through project – base teaching as an initial orientation to the difficult problem

Ngày đăng: 11/09/2015, 17:12

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w