THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP KHAI THÁC hợp lý tôm hùm GIỐNG tại VỊNH NHA TRANG

10 584 0
THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP KHAI THÁC hợp lý tôm hùm GIỐNG tại VỊNH NHA TRANG

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP KHAI THÁC HỢP LÝ TÔM HÙM GIỐNG TẠI VỊNH NHA TRANG Nguyễn Văn Nhuận, ThS. Nguyễn Trọng Lương Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác TS Trường Đại học Nha Trang 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tôm hùm là loài thủy sản có giá trị thương mại cao, ở hầu hết các nước có nghề khai thác tôm hùm trên thế giới đều quy định không cho phép đánh bắt tôm hùm ôm trứng. Trong các nghiên cứu của Lamadrid và Blanco (1996), Phillips và Brown (1989), Vega (1991) đều cho rằng các loài tôm hùm thuộc giống Panulirus sinh sản quanh năm, nhưng ở mỗi loài đều có thời gian sinh sản tập trung. Biện pháp quan trọng để duy trì và bảo vệ nguồn lợi tôm hùm là cấm các hoạt động khai thác tôm hùm bố mẹ vào mùa vụ sinh sản và cấm khai thác tôm hùm giống trong một thời gian nhất định, nhằm bảo vệ quần thể tôm hùm [7]. Để bảo vệ nguồn lợi tôm hùm gai (Panulirus argus), chính quyền Sait Lucia đã ra đạo luật cấm khai thác tôm hùm từ ngày 01/05÷31/08 hàng năm. Lý do chính dẫn đến sự hình thành điều luật này là do cường lực khai thác quá mức, dẫn đến nguồn lợi tôm hùm bị suy giảm. Được sự hỗ trợ về tài chính của EU thông qua dự án phát triển thủy sản bền vững, từ năm 2000 hàng loạt hoạt động bảo vệ nguồn lợi tôm hùm đã được triển khai (Joseph, W.2002) [8]. Trước đó, vào năm 1999, một cuộc hội thảo quy mô lớn nhằm đưa ra giải pháp kỹ thuật để bảo vệ nguồn lợi tôm hùm với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, chính quyền địa phương và ngư dân khai thác tôm hùm. Kết quả của hội thảo là đã xây dựng được bộ nguyên tắc ứng xử có trách nhiệm đối với nguồn lợi tôm hùm với sự đồng thuận cao của các bên liên quan. Theo đó, hàng loạt quy tắc có tính bắt buộc được thi hành triển khai như: tàu khai thác tôm hùm phải đăng ký và có giấy phép mới được đánh bắt; chỉ những người trước đây làm nghề khai thác tôm hùm toàn thời gian mới được cấp phép; bẫy tôm hùm phải có phao và đánh số thứ tự số bẫy của tàu; kích thước mắt lưới của bẫy phải lớn hơn 3,2cm; không được phép đánh bắt nhũng con tôm hùm nhỏ hơn quy định, … [8]. Hiệu quả kinh tế to lớn từ hoạt động khai thác tôm hùm gai đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về quy mô ở nhiều nước. Tình hình khai thác tôm hùm gai đã được các nhà khoa học cảnh báo là quá mức vào những năm 70. Tuy nhiên, phải đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, các nhà khoa học và quản lý thủy sản trên thế giới mới tìm ra một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng khai thác quá mức và bảo vệ nguồn lợi này [9]. Việc quy định mùa vụ khai thác tôm hùm cần phải dựa trên mùa vụ sinh sản tập trung ở từng vùng cụ thể. Joseph (2001) cho rằng, ở Saint Lucia mùa vụ sinh sản của tôm hùm khá khác nhau. Ở khu vực Đông Nam, tôm hùm sinh sản tập trung vào tháng 2 và từ tháng 8÷12. Ở phía Tây Nam, tôm hùm tập trung sinh sản từ tháng 3÷7. Chính vì vậy, thời gian cấm hoạt động khai thác cần phải điều chỉnh theo từng khu vực cho phù hợp. Mặc dù có nhiều nỗ lực của chính quyền Saint Lucia và cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi tôm hùm nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn. Tôm hùm đang bị khai thác quá mức và cường lực khai thác không ngừng tăng. Nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của hoạt động bảo vệ tôm hùm ở đây là do nguồn tài chính thiếu hụt, các kỹ thuật bảo vệ nguồn lợi còn hạn chế và thiếu sự tham gia, đồng thuận của ngư dân địa phương [8]. Hội nghị nghề cá khu vực Đông Nam Á do SEAFDEC và ASEAN phối hợp tổ chức vào tháng 11/2001 tại Bangkok (Thái Lan) đã đưa ra kết luận quan trọng chung cho nghề cá khu vực, đó là tăng cường các khu vực và thời gian cấm khai thác, nhằm bảo vệ các đàn cá sinh sản và chủng quần non của các loài có giá trị thương mại cao, trong đó có tôm hùm [2]. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, tôm hùm phân bố chủ yếu ở vùng biển miền Trung với 7 loài trong họ Palinuridae: Panulirus ornatus, P. homarus, P. longipes, P.stimpsoni, P. versicolor, P. penicillatus và P. polyphagus. Trong có có 4 loài có giá trị kinh tế cao là P. ornatus, P. homarus, P. longipes, P. stimpsoni. Chúng phân bố ở vùng biển miền Trung kéo dài từ đèo Ngang (Quảng Bình) đến mũi Kỳ Vân (Vũng Tàu) [5, 6]. Tỉnh Khánh Hòa thuộc vùng Nam Trung Bộ, có nghề khai thác tôm hùm giống phục vụ nuôi biển phát triển nuôi biển mạnh nhất nước ta. Năm 2011, nghề khai thác cung cấp nguồn giống cho khoảng 27.700 lồng nuôi, với sản lượng tôm hùm thương hàng năm gần 1.000 tấn và doanh thu ước đạt gần 1.000 tỷ đồng [4]. Nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển, kéo theo đó là sự phát triển của nghề khai thác tôm hùm giống cung cấp cho các vùng nuôi. Những loài tôm được chọn là đối tượng nuôi chính như: tôm hùm bông, tôm hùm xanh, tôm hùm đỏ… Mặt khác, trong quá trình nuôi tỷ lệ tôm chết khá lớn (từ 20÷50%) [3] làm nhu cầu con giống ngày một tăng. Điều này dẫn đến việc khai thác tôm hùm giống một cách triệt để và trở nên quá mức. Bên cạnh đó, nghề khai thác tôm hùm giống ở vịnh Nha Trang đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, cản trở giao thông đường thủy nội địa và làm mất cảnh quan môi trường tự nhiện, ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch, v.v Hình 1: Nuôi tôm hùm thương phẩm tại vịnh Nha Trang Không thể phủ nhận nguồn lợi tôm hùm giống tại Nha Trang mang lại những lợi ích cho ngư dân vùng ven biển và hình thành nghề khai thác giống cung cấp cho vùng nuôi tôm hùm tại địa phương. Tuy nhiên, cần có chính sách thích hợp như: quy định về thời gian, mùa vụ, khu vực khai thác có thời hạn; bảo vệ nơi cư trú trọng điểm và vùng sinh thái tự nhiên; nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng nguồn lợi tôm hùm nhằm khai thác hợp lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi tôm hùm giống tự nhiên và cảnh quan môi trường vịnh Nha Trang [3]. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀO PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu - Nghề khai thác tôm hùm giống tại vịnh Nha Trang. - Tìm kiếm giải pháp hợp lý để quản lý nghề khai và bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống. 2.2. Phương pháp nghiên cứu 2.2.1. Số liệu thứ cấp - Tổng hợp, thu thập các dữ liệu đã được nghiên cứu và công bố liên quan đến nội dung nghiên cứu. - Tổng hợp từ các báo cáo của Sở NN&PTNT, Chi cục KT&BVNLTS, Chi cục nuôi trồng thủy sản. 2.2.2. Số liệu sơ cấp - Phỏng vấn trực tiếp các hộ ngư dân tham gia khai thác tôm hùm giống tại vịnh Nha Trang thông qua phiếu điều tra nhằm thu thập các thông tin về sản lượng, mùa vụ, năng suất, … - Phỏng vấn du khách và thuyền trưởng tàu du lịch tham gia các tuyến biển đảo nhằm thu thập các thông tin liên quan đến cảm nhận của họ đối với việc khai thác tôm hùm giống của ngư dân. - Trực tiếp tham gia sản xuất trên biển để quan sát, thu thập thông tin về sản lươngm đối tượng khai thác và đánh giá về phương thức khai thác tôm hùm giống - Thu mẫu bẫy tôm hùm nhằm đo đạc, tính toán thể tích san hô dùng làm bẫy,… 2.3. Phương pháp xử lý số liệu Số liệu được xử lý theo phương pháp trung bình số học và thống kê mô tả trên cơ sở các công cụ hỗ trợ của phần mềm Microsoft Excel 2003. 2.4. Phương pháp xây dựng giải pháp quản lý - Trên cơ sở đánh giá thực trạng nghề khai thác tôm hùm, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống tại vịnh Nha Trang. - Tổ chức thăm dò ý kiến của các bên liên quan để đánh giá tính khả thi của các giải pháp. - Tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các bên liên quan như chính quyền địa phương, nhà quản lý, ngư dân và đại diện của các nghành du lịch, giao thông đường thủy, bảo tồn thiên nhiên nhằm đánh giá sự đồng thuận họ khi thực thi các giải pháp quản lý. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Thực trạng nghề khai thác tôm hùm giống 3.1.1. Lao động khai thác tôm hùm giống - Nhìn chung, tỉnh Khánh Hòa có nguồn lực lao động khai thác khá đông, đáp ứng nhu cầu tại tại chỗ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do hiệu quả của hoạt động khai thác thủy sản thấp nên lực lượng lao động ngày càng khan hiếm, họ có xu hướng chuyển sang làm các nghề nhẹ nhàng hơn và có thu nhập ổn định hơn. - Qua khảo khảo sát, vịnh Nha Trang hiện có khoảng 827 hộ ngư dân với 1.450 lao động làm nghề khai thác tôm hùm giống. - Cũng giống như các nghề khai thác khác, trình độ học vấn của lao động làm nghề khai thác tôm hùm giống khá thấp, có tới 63,2 % chưa hoàn thành chương trình tiểu học, 27,1 % chưa hoàn thành chương trình phổ thông cơ sở và số còn lại là có trình độ cao hơn. Trình độ dân trí thấp, có thể rất khó khăn khi thực hiện các chính sách của nhà nước, các quy định của ngành và địa phương trong việc quản lý hoạt động khai thác tôm hùm giống và các vấn đề khác liên quan khác như chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững, … - Thu nhập của lao động nghề khai thác tôm hùm giống khá cao, trung bình từ 20-24 triệu đồng/tháng vào chính vụ và từ 3-5 triệu đồng/ tháng vào mùa phụ. Bởi nguồn thu nhập cao và khá ổn định trong những năm gần đây nên nghề này đã thu hút được khá lớn lao động và phương tiện tham gia hoạt động khai thác. Đây cũng là vấn đề căng thẳng cho việc tìm kiếm các giải pháp quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi tôm hùm. Hơn nữa, lợi ích kinh tế từ hoạt động khai thác càng lớn, việc kiểm soát càng khó khăn. Chính vì thế, số lượng lao động đã tăng từ 1.052 người (năm 2009) tới 1.450 người (năm 2011). - Độ tuổi của lao động nghề khai thác tôm hùm dao động từ 11– 65 tuổi. Trong đó, nhóm tuổi từ 11-18 chiếm trên 13%; nhóm tuổi từ 19-30 chiếm 23,6%; nhóm tuổi từ 31-50 chiếm 31%; nhóm tuổi 51-60 chiếm 20% và còn lại là nhóm tuổi lớn hơn 60. Điều này gửi tới chúng ta một thông điệp rằng: nghề khai thác tôm hùm giống có khoảng 23% ngoài độ tuổi lao động, đặc biệt là đối với những người đang ở độ tuổi đi học chiếm tỷ lệ khá lớn. Nếu không có biện pháp khuyến khích con em của ngư dân đi học, vòng luẩn quẩn “dân trí thấp”  “nghèo đói”  “bám biển, tăng cường khai thác”  “nguồn lợi thủy sản cạn kiệt”  “đói nghèo”  “dân trí thấp”,… không bao giờ giải quyết được. 3.1.2. Ngư cụ và phương thức khai thác Qua khảo sát cho thấy, khai thác tôm hùm giống tại vịnh Nha Trang có 3 hình thức chính đó là nghề lưới mành, nghề bẫy và nghề lặn. Mỗi loại nghề gắn liền với ngư cụ và phương thức đánh bắt khác nhau. Hình 2: Năng lực khai thác tôm hùm giống phân theo nghề a. Phương thức khai thác bằng nghề lưới mành - Khai thác tôm hùm giống bằng lưới mành là hình thức kết hợp giữa loại lưới cước trủ (2a = 5mm), kết hợp ánh sáng. Trung bình, mỗi thuyền có từ 6 - 8 máng đèn tùy thuộc vào công suất của tàu và máy phát điện, mỗi máng đèn thường có 4 đèn tuyp. Ngoài ra các thuyền còn trang bị thêm 4-6 máng đèn với tổng công suất từ 1.000-2.000W để nhử tôm hùm giống. - Những tàu khai thác của địa phương thường đi về trong ngày, tôm được chuyển cho chủ thu mua. Tiếp đó, họ bán cho người ương nâng cấp hoặc người nuôi thương phẩm. - Tàu thuyền nghề lưới mành có công suất máy chính nhỏ, < 20 CV chiếm 61,5%; từ 20-33 CV chiếm 29,5% và > 33 CV chiếm 9%. Mặc dù công suất máy chính nhỏ, nhưng trên tàu luôn trang bị máy phát điện nhằm cung cấp nguồn điện cho hệ thống đèn chiếu sáng phục phụ đánh bắt. b. Phương thức khai thác bằng bẫy Bẫy là phương pháp đánh bắt thủ công và mang tính thụ động. Tuy nhiên, phương thức khai thác bằng tôm hùm giống bằng bẫy khá đơn giản, ít tốn kém, dễ thao tác do đó nó được sử dụng phổ biến tại vịnh Nha Trang (chiếm 74%). Tùy theo vậy liệu, bẫy tôm hùm giống được chia thành nhiều loại như bẫy rạn san hô, bẫy lọc gỗ, bẫy lưới trủ, bẫy mút và chà. Hình 3: Khai thác tôm hùm giống bằng bẫy tại vịnh Nha Trang - Bẫy rạn san hô: Bẫy được làm bằng rạn san hô có khối lượng trung bình từ 1,5÷2kg/cục, trên bề mặt của đá thường được khoan từ 8÷12 lỗ, đường kính lỗ từ 10÷12mm, độ sâu từ 30÷40 mm. Rạn san hô được buộc vào dây và treo thành từng dàn. Khoảng cách giữa 2 viên đá chừng 0,3÷0,5m. Trung bình một hộ khai thác sử dụng từ 1.200 – 2.000 bẫy cục san hô. Thể tích trung bình của một bẫy san hô là 900cm 3 . Hình thức khai thác bằng bẫy đá phù hợp với những vùng biển có độ sâu thấp, ít tàu bè qua lại và những nơi này thường là những vùng gần bờ. Mặc dù rạn san hô là vật liệu tư nhiên, không tác động đến môi trường. Tuy nhiên, Trung bình mỗi hộ ngư dân sử dụng khoảng 1,5-2,2 m 3 rạn san hô để làm bẫy (chỉ tính phần bổ sung vào lượng bẫy bị mất trong quá trình khai thác). Như vậy, việc khai thác rạn san hô làm bẫy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, làm mất nơi sinh cư, trú cụ của các loài thủy sản bao gồm cả tôm hùm giống. Nếu không được quản lý tốt, tôm hùm giống sẽ không có môi trường để sinh sống và vì thế hậu quả của nó sẽ vô cùng to lớn, tác động trực tiếp đến nghề khai thác, nghề nuôi và cả ngành kinh tế thủy sản. Hình 4: Bẫy tôm hùm giống bằng rạn san hô kết hợp mành dũ tại Nha Trang - Bẫy lọc gỗ: Được làm từ những cây gỗ có đường kính thân từ 10÷15cm, chiều dài của mỗi lọc từ 0,8÷1,2m. Trên lọc được khoan rất nhiều lỗ, khoảng cách giữa các lỗ từ 5÷7cm, đường kính mỗi lỗ từ 10÷12mm. Một đầu lọc được cột vào dây chính và khoảng cách giữa hai lọc từ 1,5÷1,7m, sợi dây chính được neo sát đáy biển. Một đầu còn lại của lọc được cột với 1 chai nhựa 1,5(lít), giúp cho lọc đứng vuông góc với đáy biển. Ngoài ra, ngư dân còn có thể cột một đầu lọc với 1 viên đá, còn đầu kia được nối với một sợi dây, đầu sợi dây ấy được cột vào dây chính nổi trên mặt nước. c. Phương thức khai thác bằng lặn - Ngư trường chủ yếu là các khu vực có rạn san hô gần bờ, có độ sâu từ 0,5 – 3m. Ngư dân dùng thuyền nhỏ có trang bị hệ thống máy nổ, bình hơi và dây dẫn khí. Khi tới khu vực khai thác người lặn mặc áo lặn, trang bị chì, ngậm dây khí để thở, tay cầm đèn pin soi các các hốc đá, nếu phát hiện có tôm thì dùng vợt và tay lùa tôm vào vợt để bắt. - Phương thức khai thác này khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp nhưng lại gặp nhiều rủi ro trong quá trình lặn. 3.1.3. Mùa vụ và thời gian khai thác Tôm hùm giống thường bắt đầu xuất hiện từ tháng 8, rộ lên vào tháng 10 đến hết tháng 3 âm lịch năm tới và giảm dần cho đến mùa vụ năm sau. Đây cũng là mùa vụ khai thác tôm hùm giống chính của tất cả loại hình khai thác từ lặn bộ, bẫy đến khai thác bằng lưới mành. Tuy nhiên, khoảng thời gian khai thác tôm hùm giống trong năm của mỗi loại hình khai thác lại có sự khác biệt rõ ràng. Theo kết quả điều tra, khai thác tôm hùm giống bằng lưới mành chỉ tập trung vào những tháng chính vụ, hầu hết ngư dân bắt đầu khai thác tôm giống vào cuối tháng 10 đến hết tháng 3 âm lịch năm sau. Đối với các nghề khai thác bẫy, lặn bắt thì mùa vụ khai thác chính cũng bắt đầu từ cuối tháng 10 nhưng tới khoảng từ tháng 6÷7 âm lịch năm sau mới kết thúc. Theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS, từ tháng 4÷8 hàng năm, thời điểm tôm hùm trong thời kỳ sinh sản, không được phép khai thác dưới bất kỳ hình thức nào [1]. . Nhưng kết quả điều tra cho thấy hoạt động khai thác tôm hùm trên địa bàn vịnh Nha Trang vẫn diễn ra công khai. Mùa vụ khai thác tôm hùm kéo dài tới 10 tháng/năm. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây nên sự suy giảm nguồn lợi tôm hùm giống. 3.1.4. Thành phần loài và kích cỡ tôm khai thác Theo kết quả điều tra, ngư dân khai thác được nhiều loài tôm hùm khác nhau: tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm đá (Panulirus homarus), tôm hùm sỏi (Panulirus stimpsoni) và tôm hùm đỏ (Panulirus longipes). Trong đó, tôm hùm sỏi và tôm hùm đỏ có giá trị thấp hơn rất nhiều so với tôm hùm bông và tôm hùm đá, nên họ chỉ chú tâm khai thác tôm hùm bông và tôm hùm đá. Tỷ lệ khai thác của hai loài tôm này thay đổi theo các tháng trong mùa vụ khai thác. Theo kinh nghiệm khai thác của ngư dân lâu năm thì đầu vụ (cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch) tôm hùm đá thường xuất hiện nhiều hơn tôm hùm bông, vào những tháng chính vụ tôm hùm bông xuất hiện nhiều hơn. Trung bình toàn vụ tôm hùm bông chiếm khoảng 71%, tôm hùm đá chiếm 29%. Tuy nhiên, giá trị của tôm hùm đá chỉ bằng 1/5 tôm hùm bông nên ngư dân thường ít để ý tới việc tính chính xác số lượng con giống tôm hùm đá khai thác được. Vì vậy, tỷ lệ tôm hùm đá theo kết quả điều tra có thể thấp hơn so với thực tế đánh bắt. Kích cỡ con giống bắt được có sự khác nhau giữa các hình thức khác. Khai thác bằng lưới mành, ngư dân sử dụng lưới có cỡ mắt nhỏ (2a ≤ 5 mm), bắt được con giống cỡ nhỏ đồng đều có chiều dài giáp đầu ngực từ 7÷8 mm, 100% con giống có màu trắng hoặc trắng hồng. Nhử tôm bằng bẫy bắt được con giống có kích cỡ lớn hơn: 95% tôm giống có màu trắng hồng và 5% tôm con có màu sắc gần giống tôm trưởng thành. 3.2. Đánh giá sự tác động của việc khai thác tôm hùm giống đến nguồn lợi tôm hùm Mỗi một hình thức khai thác mành, bẫy, lặn đều có những ưu, nhược điểm riêng. Tất cả các hình thức khai thác này đã tạo nên một chu kì khép kín, khai thác triệt để tôm hùm giống từ giai đoạn ấu trùng (Puerulus) đến tôm trưởng thành. Khi ấu trùng mới xuất hiện ở ngoài cửa vịnh, đầm đã bị đánh bắt bằng lưới mành, những con di chuyển được vào gần bờ thì mắc phải đủ các loại bẫy, một số ít thoát khỏi lưới mành, bẫy thì bị ngư dân lặn bắt gần như quanh năm. Khai thác bằng lưới mành đạt được số lượng con giống lớn, cỡ giống đồng đều nhưng có tỷ lệ tôm chết cao (1,2%). Thêm vào đó, lưới mành có kích thước mắt lưới nhỏ (2a < 5mm) bắt được tôm con ở giai đoạn Puerulus, chất lượng con giống không cao, kết hợp với phương thức lưu giữ và vận chuyển không đúng kỹ thuật đã làm tôm giống yếu đi và bị chết nhiều khi đưa vào ương. Mặt khác, những con giống không đảm bảo chất lượng đưa vào nuôi thương phẩm thường hay bị bệnh, nên có tỷ lệ hao hụt lớn trong quá trình nuôi. Chính điều này làm cho nhu cầu con giống của người ương luôn cao hơn thực tế, đẩy giá bán con giống tăng, kích thích ngư dân khai thác tìm mọi cách để bắt được càng nhiều tôm hùm giống càng tốt mà không quan tâm đến chất lượng con giống. Điều đó nói lên rằng, nghề khai thác đã làm lãng phí một số lượng lớn tôm hùm giống, tác động làm suy giảm số lượng cá thể trong quần thể tôm hùm ở tất cả các giai đoạn sống, từ giai đoạn ấu trùng đến giai đoạn trưởng thành. Các hình thức khai thác không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng con giống mà còn ảnh hưởng tới sinh cảnh đáy biển bao gồm cả rạn ngầm, vùng đáy sỏi, rạn san hô, thảm cỏ biển, bọt biển - là nơi cư trú và phát triển tốt của các loài thủy sản sống đáy, đặc biệt là đối với tôm hùm ở giai đoạn tôm con. Mức độ tác động của mỗi hình thức khai thác có khác nhau: lưới mành nằm sát đáy suốt đêm cộng thêm 4 neo cố định lưới và thuyền làm cho nền đáy bị tác động rất lớn; bẫy đá, lọc, lưới trủ, mút thả trong nước suốt vụ khai thác từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau, có thể tạo hình thức bẫy giả khi các bẫy bị đứt mất hoặc thải bỏ ra biển khi không còn sử dụng, việc sử dụng rạn san hô làm bẫy đã hủy hoại các hệ sinh thái biển. Hơn nữa, như chúng ta đã biết, vịnh Nha Trang là 01 trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nghề khai thác tôm hùm giống bằng bẫy đã và đang tác động không tốt đến cảnh quan tự nhiên, môi trường và giao thông đường thủy nội địa[3]. . Theo kết tham dò ý kiến của 115 du khách trong và ngoài nước đến tham gia tuyến biển đảo ở vịnh cho thấy, có 49,6% số người được hỏi cho rằng: cần nghiêm cấm hoạt động khai thác tôm hùm giống tại vịnh Nha Trang để trả lại cảnh quan tự nhiên vốn có; 35,6% cho rằng: cần phải quy hoạch lại ngư trường đánh bắt và cấm khai thác ở gần bãi tắm, khu du lịch và nơi có nhiều tàu thuyền qua lại; 14,8% du khách cho rằng: để ngư dân tự do khai thác, nhưng cần phải tìm giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hệ thống phao nổi lên mặt nước và việc khai thác đó không làm ảnh hưởng đến các bãi tắm và đường đi của tàu thuyền. Như vậy, các hoạt động khai thác đều có tác động ít nhiều lên môi trường sống của các loài tôm hùm, làm thay đổi hoặc hủy hoại nơi cư trú của chúng đồng thời làm mất cảnh quan tự nhiên vùng vịnh. Do vậy, để nghề khai thác tôm hùm giống, nuôi thương phẩm tại vịnh Nha Trang phát triển ổn định và không gây mâu thuẫn với các hoạt động kinh tế khác, cần thiết phải thực hiện một số giải pháp quản lý hoạt động khai thác nguồn lợi này. 3.3. Một số giải pháp nhằm quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống - Hạn chế hoặc tối thiểu không để nghề khai thác tôm hùm phát triển về quy mô. Để làm được điều này, cần kiểm soát bằng việc cấp phép, giao quyền quản lý vùng nước cho các hộ làm nghề bẫy. - Quy định kích thước tối thiểu con giống được phép khai thác và quản lý thông qua hệ thống thu mua, nhà bè và người khai thác. - Nâng cao trình độ, kỹ thuật ương, nuôi và phương pháp bảo quản sau khai thác nhằm hạn chế sự thất thoát con giống. Để làm được việc này, cần tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn cho ngư dân. - Quy hoạch vùng cấm khai thác, vùng cho phép khai thác và thời gian khai thác, quy định khai thác luân phiên giữa các vùng,… nhằm giữ lại nguồn giống bổ sung vào quần thể tôm trưởng thành. - Quy định ngư cụ khai thác hợp lý cho từng khu vực trong vịnh. - Quy định về việc bảo vệ sinh cảnh sống của tôm hùm, nghiêm cấm việc khai thác, phá hủy rạn san hô, bãi thực vật đáy và các sinh cảnh tự nhiên khác. 4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 4.1. Kết luận - Nghề khai thác tôm hùm giống tại vịnh Nha Trang có 827 hộ, với 03 hình thức chính: Lưới mành, bẫy và lặn bắt. - Trình độ học vấn của lao động làm nghề khai thác tôm hùm giống thấp, là vấn đề khó khăn cho việc quản lý hoạt động khai thác tôm hùm trong vịnh Nha Trang - Thu nhập của lao động nghề khai thác tôm hùm giống khá cao, trung bình từ 20-24 triệu đồng/tháng vào chính vụ. - Hàng năm, trung bình mỗi hộ ngư dân khai thác tôm hùm giống bằng bẫy đã sử dụng khoảng 2,2 m 3 rạn san hô tự nhiên, tác động rất lớn đến môi trường sống của các loài thủy sản nói chung và nguồn lợi tôm hùm nói riêng. - Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc đặt bẫy khai thác tôm hùm giống đã ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan môi trường và gây cản trở các hoạt động kinh tế khác tại vịnh Nha Trang như ngành du lịch, giao thông đường thủy. - Nghiên cứu cũng đưa ra một số giải pháp có tính khả thi cao để quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống cũng như trả lại cảnh quan tư nhiên cho mặt trong vịnh. 4.2. Kiến nghị - Nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở việc đánh giá thực trạng nghề khai thác tôm hùm giống, mà chưa đi vào thực thi các giải pháp quản lý. Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nói trên cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban ngành và thực hiện trong thời gian dài nhằm tìm kiếm hạt nhân đi đầu, gương mẫu làm cơ sở áp dụng rộng rãi trên toàn vùng nước. Đồng thời, tìm hướng giải quyết việc làm cho ngư dân nhằm giảm sự phụ thuộc hoàn toàn vào nghề khai thác tôm hùm giống. - Cần đầu tư, nghiên cứu và thiết lập khu bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống dưới dạng khu bảo tồn nhằm lưu giữ và bổ sung vào nguồn tôm trưởng thành. - Giao quyền khai thác và trách nhiệm bảo vệ mặt nước cho các hộ ngư dân được cấp phép, nhằm phát giác, hạn chế các hộ ngư dân khác xâm nhập đánh bắt. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Thủy sản, 2006. Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản - Hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản) 2. Hồ Thu Cúc, 1986. Biện pháp bảo vệ nguồn lợi Tôm Hùm Miền Trung. Báo cáo khoa học do Bộ thủy sản quản lý, 30 trang 3. Phòng Kinh tế Thành phố Nha Trang – Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch tháo dỡ bẩy nhử tôm hùm đặt trái phép trên vùng biển vịnh Nha Trang năm 2011. 4. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa, báo cáo thường niên. 5. Nguyễn Thị Bích Thúy, 1998. Một số nét về khai thác Tôm Hùm ở vùng biển Miền Trung trong 10 năm (1984 - 1994). Tạp Chí Thủy Sản số 4/1998 6. Nguyen Thi Bich Thuy, Nguyen Bich Ngoc, 2004. Current Status and Exploitation of Wild Spiny Lobsters in Vietnamese Waters. In: Spiny lobster ecology and exploitaition in the South China Sea region. Proceedings of a workshop held at the Institute of Oceanography, Nha trang, Vietnam, July 2004, ACIAR Proceedings No.120, 13-16. 7. Brown, R. S. and Phillips, B.F, 1994. The curent status of Australias Rock Lobster Fisheries. In Spiny Lobster Management, (Ed. By B. F. Phillips, J. S. Cobb & J. Kittaka), Fishing News Books, pp.285 - 300. 8. Joseph, W.B.2001. Saint Lucia country report. FAO Fisheries Report NO.619: 255-257. 9. Pillips . B.F, Sartry. A. N, 1980. Larval Ecology. Vol. 2: Ecology and Management, (Ed.by J.S. Cobb &B. F.Pillips) , Academic Press, New York, 1980, pp. 11 – 57 ABSTRACT The paper presents the status of lobsters fishing and subtainable fishing plans in Nha Trang bay, Khanh Hoa province. The data is collected through catch and landings reports, port sampling, and sea sampling with the following results: - The lobters fishery has 03 fishing methods: Lift net (20,8%), traps (74,2%) and dive-fishing (5%). - The education level of lobtermen is low. Specifically, only 27,1% of them have gone through primary education while 63,2% did not, less than 10% graduated from high school, vocational schools or universities. - The income of lobtermen is rather high, average from 20 to 24 millions VND/ month in the main season. - The result also shows that, the lobtermen use alot of coral reef to do fihsing traps, yearly average 2,2 m 3 /household. The fishing traps also impacts on natural landscape of Nha Trang bay, and others field such as tourism, shipping, The paper also prents solutions for subtainable lobters fishery in Nha Trang bay, Khanh Hoa province. . THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP KHAI THÁC HỢP LÝ TÔM HÙM GIỐNG TẠI VỊNH NHA TRANG Nguyễn Văn Nhuận, ThS. Nguyễn Trọng Lương Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác TS Trường Đại học Nha Trang 1 Nghề khai thác tôm hùm giống tại vịnh Nha Trang. - Tìm kiếm giải pháp hợp lý để quản lý nghề khai và bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống. 2.2. Phương pháp nghiên cứu 2.2.1. Số liệu thứ cấp - Tổng hợp, . Phương pháp xây dựng giải pháp quản lý - Trên cơ sở đánh giá thực trạng nghề khai thác tôm hùm, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống tại vịnh

Ngày đăng: 06/09/2015, 18:27

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan