Hình tượng tác giả qua những trang hồi kí, hồi ức của phùng quán

8 214 1
Hình tượng tác giả qua những trang hồi kí, hồi ức của phùng quán

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ QUA NHỮNG TRANG HỒI KÍ, HỒI ỨC CỦA PHÙNG QUÁN Ngô Thị Ngọc Diệp 1 Hình tượng tác giả là hình thức có mặt gián tiếp của tác giả ngay bên trong tác phẩm của mình. Với các dạng hồi kí, tự truyện… gương mặt cái “tôi” tác giả hiện lên chân thật, đậm nét. Phùng Quán (1932 -1995) là nhà văn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Những trang hồi kí, hồi ức của ông cho thấy rõ về hình tượng tác giả, cuộc đời, nhân cách, khí chất của nhà văn. Có thể nói, những trang hồi kí, hồi ức đã giúp người đọc thấy rõ hơn hình tượng tác giả Phùng Quán, một chân dung đẹp, một nhân cách đẹp. 1. Mở đầu Hình tượng tác giả là một trong những thành tố của tác phẩm văn học, nằm trong hệ thống các mối liên hệ nghệ thuật của tác phẩm. Hình tượng tác giả là hình thức có mặt gián tiếp của tác giả ngay bên trong tác phẩm của mình, có sự thâm nhập sâu sắc các phương diện nội dung của nhân cách tác giả (tính cách, thế giới quan, đặc biệt là lập trường tư tưởng - thẩm mĩ) vào cơ cấu nghệ thuật của tác phẩm. Nói hình tượng tác giả là nói đến dấu ấn cá nhân của những lớp ngôn từ nghệ thuật, sự hình thành hình thức trần thuật từ ngôi thứ nhất gắn với cái “tôi” hoặc “ta”, sự thừa nhận hình ảnh nhà văn như là người nói với độc giả nhân danh bản thân mình… Ở các tác phẩm có bình diện hồi thuật (các dạng hồi ức, hồi kí, tự truyện…), tác giả vừa là người “chủ xướng”, vừa là người “tham dự”, tức là như một hình tượng con người được thể hiện bằng nghệ thuật. Trong các thể loại này, hình tượng tác giả hiện ra với tư cách là người “cam kết” kể lại những sự kiện có thật trong quá khứ mà mình tham dự hoặc chứng kiến, lí giải cuộc sống đã qua, bày tỏ quan điểm và những kinh nghiệm của bản thân… Gương mặt cái “tôi” tác giả được dựng lên chủ yếu với những ấn tượng, hồi ức, cái nhìn riêng của cá nhân. Do vậy, nổi lên hàng đầu trong tác phẩm chính là bản thân nhà văn cùng quan điểm, cái nhìn của anh ta vào tất cả những gì được kể lại, tả lại hay bộc bạch, giãi bày… Có thể nói, với những đặc trưng riêng, các dạng thức hồi ức, hồi kí, tự truyện… có thế mạnh nhất định trong việc thể hiện hình tượng tác giả, cho thấy những nét chân thực, sinh động của cá tính, nhân cách nhà văn… Nhà văn Phùng Quán (1932 - 1995), tác giả của những trang văn, trang thơ để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Tác phẩm của ông vừa có cái nhiệt tình bốc lửa của tuổi trẻ, đậm chất lính tráng, hồn nhiên, vừa có cái thiết tha nhân bản, chất chứa nỗi đau đời của một con người nhiều trải nghiệm. Với Phùng Quán, “Thơ mới là tất cả. Thơ là lí lịch, là mạng sống, là nhân cách của đời tôi” (Nhà thơ Phùng Quán trả lời phỏng vấn báo Ấp Bắc, 1 ThS, trường CĐSP Gia Lai ngày 27/7/1988). Tuy nhiên, các mảng sáng tác khác của ông, đặc biệt là những trang hồi ức, hồi kí, tự truyện… cũng khá đặc sắc. Với các tác phẩm Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào, Phùng Quán còn đây, Ba phút sự thật… người đọc có thể thấy rõ hình tượng tác giả Phùng Quán, hiểu thêm về cuộc đời, nhân cách và khí chất văn chương của ông. 2. Nội dung 2.1. Con người của lí tưởng và những khát vọng cao đẹp Qua cuốn tiểu thuyết đậm chất tự truyện Tuổi thơ dữ dội, người đọc đã thấy rõ lí tưởng và những khát vọng cao đẹp của Phùng Quán thời còn niên thiếu được gửi gắm vào những hình tượng chiến sĩ “Vệ quốc đoàn” hồn nhiên, trong sáng như Mừng, Vịnh-sưa, Quỳnh-sơn ca… Trong hồi kí Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào, ông bộc bạch: “Chú mơ ước trở thành Đảng viên Cộng sản Chú mơ ước được lập những chiến công thật vang dội, mơ ước được chỉ huy một đơn vị trinh sát đặc công, mơ ước trở thành anh hùng…” [9, tr.12]. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, niềm tin và những ước mơ ấy vẫn còn vẹn nguyên trong Phùng Quán. Dính vào vụ “Nhân văn giai phẩm”, bị khai trừ khỏi hội nhà văn, bị chuyển đi lao động cải tạo… Đó là những tháng ngày cơ cực nhất của ông: bị mọi người nghi ngờ, không nhà cửa, không có tiền mua sữa cho con… Trong khi những nhà văn khác “việc làm không xuể” thì Phùng Quán phải viết chui, viết ra không nơi nào in, tác phẩm chất đống, bị mối xông…“Các nhà xuất bản là vùng cấm địa đối với tôi. Trước cửa ra vào của các nhà xuất bản trong 30 năm qua đều như có treo biển: “Phùng Quán không phận sự miễn vào” [10, tr.75]. Những ngày đi lao động ở Thái Bình, Thanh Hoá, ông đã rất cần cù, chịu khó, không từ bất cứ việc gì để tỏ rõ mình thành khẩn, thành tâm chấp hành kỉ luật của tổ chức. Trong hồi kí Chiều chiều, Tô Hoài kể rằng Phùng Quán rất thạo việc gắp phân, từng tranh chấp bãi phân trâu với một anh nông dân! Hình ảnh này đi vào kí ức Tô Hoài: “Tôi bỗng nhớ Quán, lẩn thẩn đoán con trâu này bĩnh trong chuồng chưa, nếu ra đường đồng mới ỉa thì Quán gắp được”. Những ngày lao động ở nông trường Cổ Đam, chịu đựng những cái nhìn săm soi, nghi kị, Phùng Quán đã phải khốn khổ vì một lời phán xét lạnh lùng: “Tuy đồng chí có chịu khó lao động, nhưng về mặt lập trường tư tưởng vẫn còn nhiều thiếu sót nghiêm trọng, cần phải tiếp tục lao động cải tạo để tiếp tục sửa chữa” [8, tr.107-108]. Vậy là mảnh giấy khen cố gắng phấn đấu để nó đảm bảo cho nhà văn được trở lại với nghề đã tuột khỏi tay! Cuộc đời Phùng Quán, đúng như ông đã đúc kết: “Cá trộm, rượu chui, văn chui”, “Một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ”. Đã có lúc ông rất buồn, rất cô độc: “Tự nhiên một nỗi buồn ghê gớm dâng lên làm nghẹn cả cổ”, “Trong giây phút ấy tôi bỗng thấy mình đơn độc khủng khiếp. Tôi bật ngâm lên một câu thơ: Tôi đơn độc giữa biển người!”. Nhưng đó là cái buồn nhân bản, nỗi đau riêng, không thù oán ai. Phùng Quán vẫn giữ vững lòng ngay thẳng, thuỷ chung, nuôi dưỡng niềm tin yêu cuộc sống. Trong những chuỗi ngày cay cực, oan trái ấy, niềm đam mê văn chương vẫn bùng cháy trong ông: “Ấy, thế mà trong những năm tháng nghiệt ngã đó, tôi lại ham viết văn như người ghiền ma tuý. Viết để làm gì? Tôi cũng chẳng biết nữa… Tôi viết là tôi tồn tại… Nếu tôi không viết văn là coi như tôi đã chết” [10, tr.75-76]. Có lúc ông thèm muốn số phận may mắn của các nhà văn khác. Họ viết văn thật sướng! Được viết, được in, được kí tên dưới tác phẩm, được lĩnh tiền nhuận bút… Nhưng rồi khí chất văn chương, cái số kiếp văn chương lại cuốn ông đi. Ông vẫn âm thầm viết “Dòng đầu thẳng ngay như dòng cuối”. Phùng Quán viết như là trả nợ làm người, là cứu cánh cuộc đời: “Có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Cho đến những ngày nằm trên giường bệnh, Phùng Quán còn “chế” ra một bàn viết ngược, nằm ngửa kê tay vào giá đỡ trước mặt mà viết những dòng sau chót của đời mình… Không chỉ có niềm đam mê văn chương, niềm tin vào lí tưởng cao đẹp một thời trong ông vẫn còn vẹn nguyên. Mặc dù biết rằng có những đề tài không hợp thời: “Nó ám ảnh anh vì nó chỉ có ý nghĩa với riêng anh… Nó giống chiếc chìa khoá của gian buồng anh. Anh có đánh rơi cũng chẳng ai buồn nhặt, nhưng mất nó, anh sẽ khóc dở, mếu dở” [8, tr.222], nhưng Phùng Quán vẫn viết với niềm tin sắt đá: “Tôi viết với niềm tin không gì lay chuyển nổi. Tôi không hề minh hoạ. Tôi kể lại sự thật. Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi!” [8, tr.231]. Ông đã viết câu chuyện cảm động về một trung đội cảm tử bị giặc thiêu cháy thành tro bụi chứ kiên quyết không đầu hàng. Đó là thiên hùng ca “Huyệt lửa chôn chung”. Mặc dù không có gì để chứng minh nhưng Phùng Quán vẫn tin rằng: “Các anh đã sống hào kiệt và chết anh hùng” [8, tr.229]. Và ngày 4/6/1992, người ta đã phát hiện 17 bộ hài cốt của những chiến sĩ Vệ quốc đoàn năm xưa vùi sâu trong lòng đất, một minh chứng hùng hồn của những sự thật cao cả, khẳng định niềm tin đúng đắn của ông. Cuộc sống có nhiều thay đổi và lòng người cũng dễ đổi thay, nhưng Phùng Quán vẫn luôn tin vào những giá trị tốt đẹp một thời. Câu chuyện của ông về Tố Hữu nhẹ nhàng mà đậm dư vị triết lí về lẽ đời, về thời cuộc. Sau 32 cái Tết, khi “mọi việc đã xong rồi”, Phùng Quán lại đến chúc Tết cậu Tố Hữu, cảm thương người cậu “Bước vào tuổi 70 đã trở lại nguyên vẹn một nhà thơ, một NHÀ THƠ viết hoa” [8, tr.21]. 2.2. Con người của sự chân thật Cả cuộc đời sống và viết, Phùng Quán luôn là người chân thật, chân thật với đời, chân thật với người thân, bạn hữu và trung thực với chính mình. Qua cái nhìn chân thật của ông, người đọc gặp lại những sự thật hào hùng, bi tráng và cả những buồn đau của một thời, của kiếp người. Với những ước mơ cao đẹp cùng nhiệt tình của tuổi trẻ, người lính Phùng Quán cũng như những chiến sĩ Vệ quốc đoàn trong Tuổi thơ dữ dội đã lao vào cuộc chiến đấu vì sự sống còn của cả dân tộc. Nhưng với sự nhạy cảm bẩm sinh, ngay khi đó ông cũng cảm nhận được cái khắc nghiệt của hiện thực: chiến tranh không cho tuổi thơ được sống yên bình “Tuổi thơ tôi là một tuổi thơ nghiệt ngã… 13 tuổi tôi đã phải cầm lấy khẩu súng ra trận cứu nước cùng với thế hệ cha anh. Vào cái tuổi chơi bi, chơi đáo, trèo tường hái trộm quả của nhà chùa thì tôi đã phải nhìn thấy cảnh đầu rơi máu chảy, phải trộm súng vượt ngục” (Nhà thơ Phùng Quán trả lời phỏng vấn báo Ấp Bắc, ngày 27/7/1988). Các tác phẩm của ông mang cảm hứng tìm về sự thật, kể lại sự thật. Có sự thật bi hùng về cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Đó là gương hi sinh anh dũng của những người dân bình dị, không tên như liệt sĩ Bún-nước mắm-chanh-tỏi-tạm thời. Đó là trận Rơm-ớt hồn nhiên cũng là vẻ đẹp thần thánh của cuộc chiến tranh nhân dân [10, tr.67,120]. Tuy không tiếc lời ngợi ca, tôn vinh nét anh hùng, cao cả, nhưng trong tâm hồn người lính Phùng Quán, trải nghiệm về cái ác liệt, dữ dội của chiến tranh vẫn luôn nhức nhối. Người đọc cảm nhận được nỗi đau của ông khi chứng kiến cái chết của người con gái Pháp: “Cả người cô ướt sũng máu và bùn nhưng vẫn đẹp như một thiên thần. Đôi mắt xanh biếc đã chết nhưng vẫn mở to ngơ ngác nhìn lên bầu trời xa lạ”. Ông đã khóc lặng lẽ, thấm thía: “Mười sáu tuổi đầu, lần đầu tiên tôi được nếm cái vị mặn chát kinh người của chiến tranh…” [8, tr.81]. Mối tình buồn và cái chết đáng thương của chị Hoài Trinh và anh Hồ Vi cũng để lại nhiều day dứt… [8, tr.89- 94]. Chiến tranh là khốc liệt nhưng có những sự thật nếu không phải là người trong cuộc thì không thể nào hình dung ra được. Người đọc thật ấn tượng với những trận đánh đẫm máu: “Máu lội ướt mắt cá chân”, đến nỗi “cả tháng trời sau đó hễ cứ đưa hai bàn tay lên là tôi ngửi thấy mùi máu tươi đồng đội” [10, tr.40]. Dữ dội hơn là những bát cơm chan máu: “Nhiều ruột tượng gạo mang về đến đơn vị, xổ ra, đỏ lòm những máu… Những hạt gạo mục xốp hút máu như giấy thấm. Chúng tôi ngâm gạo xuống suối, nhờ nước rửa máu. Ngâm suốt đêm, sáng vớt gạo lên vẫn có màu hồng hồng. Chúng tôi bưng bát cơm chan máu đồng đội, nhắm mắt, nhắm mũi lùa vào miệng thật nhanh và nuốt chửng… Mỗi chén cơm chúng tôi trộn một phần tư chén ớt bột, loại ớt hiểm, cho dịu bớt vị tanh của máu…” [8, tr.148-149]. Và có những cái chết cứ nhẹ tưng, nỗi đau chưa kịp thấm vào người nhưng rồi ám ảnh khôn nguôi: “Tối ngủ trên sạp cành cây tôi còn ôm chặt thằng bạn, chia nhau nửa cái bao tải làm mền, sáng ra sờ thấy hắn lạnh ngắt. Hắn chết từ lúc nào không biết” [10, tr.47]. Cuộc đời qua cái nhìn của Phùng Quán còn có cả sự đẩy đưa, tình cờ, những đổi thay, bất trắc, vui buồn lẫn lộn. Việc ông trở thành nhà văn cũng là sự run rủi của số phận. Cái cơ duyên đó đã đưa Phùng Quán đến những vinh quang và cay đắng từng nếm trải như ông đã kể trong hồi kí Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào. Cuộc đời của nhà thơ Tố Hữu cũng khiến Phùng Quán nghĩ ngợi phân vân: “Có lẽ nào một nhà chính trị, một nhà thơ từng trải, thông minh như cậu mà mãi cho đến lúc bước vào tuổi bảy mươi mới bắt đầu ngấm cái đòn- giả-thật?”. Cuộc đời lắm khi không biết đâu là giả-thật, dại-khôn… Khi người cậu nói: “Phùng Quán nó dại” thì Phùng Quán bật cười ngâm câu thơ của chính Tố Hữu: “Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần!” [8, tr.22]. Cuộc đời, chiến tranh hay hoà bình, khắc nghiệt, oan trái hay yên bình, ấm áp, Phùng Quán vẫn đón nhận nó, sống với nó với tất cả sự chân thành. Ông “Tạ” cuộc đời này vì đã cho những trải nghiệm đáng quí, dâng đầy chất sống cho ngòi bút của ông. Hình tượng Phùng Quán, con người “chân thật trọn đời” còn thể hiện rõ trong mối quan hệ của ông với bạn hữu, đồng nghiệp. Ông viết về bạn bè thật cảm động. Họ là những người có tài nhưng cũng thật lắm đa đoan, hệ lụy. Một Văn Cao “rất cần tiền mà cũng vô cùng chán tiền”, dứt khoát từ chối món tiền lớn “một cái đơn đặt hàng ngon lành”, nhưng lại có lúc hỏi vay Phùng Quán 5 đồng vì: “từ sáng đến giờ chỉ toàn rượu suông, muốn đi ăn bát cháo” [8, tr.31]. Một Trần Đức Thảo sống lập dị, cô đơn với cái chết lạnh lẽo nơi xứ người và bình tro hài cốt tạm trú ở gầm cầu thang… [8, tr.37]. Một Nguyễn Hữu Đang sống bần hàn mà tấm lòng hào hiệp, tự trọng đến mức chọn sẵn chỗ nằm để chết, khỏi làm phiền ai [8, tr.111]. Rồi Đoàn Phú Tứ, Phùng Cung… qua trang văn của Phùng Quán, thấy họ được ông yêu mến và trân trọng biết bao! Ông luôn nhớ đến một chỉ thị: “Nhân tài là báu vật của Tổ quốc. Những người lính chúng ta có nhiệm vụ phải chăm nom, săn sóc, bảo vệ họ như con ngươi của mắt mình”. Và trong một dịp mừng thọ Văn Cao, Phùng Quán đã viết: “…Chúng tôi thường mơ / Một hôm nào đó / Nhạc sĩ Văn Cao bị bốn bề vây súng giặc / Chúng tôi sẽ xông ra lấy ngực che đạn cho anh…” [8, tr.35-36]. Nặng tình nghĩa với bạn bè, ngòi bút ông khắc họa tình yêu dành cho họ qua những nét bình dị, đời thường. Người đồng đội Lê Văn Nghi “vừa chăm chút, vừa la lối, mắng mỏ, quát nạt” [10, tr.101]. Tuân Nguyễn, người bạn lính cùng tiểu đội, được mệnh danh là “cụ Đốt” (Dostoievski), đã từng nhận xét thơ Phùng Quán: “Thơ của cậu, hai mươi câu đầu để giữ gìn trật tự, hai mươi câu cuối chuẩn bị cho người nghe vỗ tay, còn đoạn giữa là vè!”, khiến ông nổi sùng lên “chỉ muốn đạp cho hắn một đạp”. Nhưng đó cũng là người tình nguyện chu cấp tiền cho ông. Phùng Quán đã “không khách sáo” nhận mỗi tháng 5 đồng của Tuân Nguyễn để mua sữa cho con. Những hôm cạn túi, ông còn đạp xe đến bếp ăn tập thể của bạn để được… no bụng! [8, tr.104]. Phùng Quán không có gì ngoài tình cảm chân thành đối đãi với những tấm lòng chân thành. Ông thương và lo cho Nguyễn Hữu Đang như với người ruột thịt của mình. Tự dưng thấy sốt ruột, mặc dầu đã giáp Tết, ông vẫn lặn lội vừa đi tàu, vừa ô tô, vừa lóc cóc đạp xe ngược gió về thăm Nguyễn Hữu Đang, để rồi “nổi gai ớn lạnh… lạnh kinh khủng” như thấm cái buồn của một người già cô độc đang ngồi trầm tư thế sự… [8, tr.111]. Cũng vì thương xót Đoàn Phú Tứ mà ông đã “liều mạng” bịa chuyện viết thư lên Văn phòng Quốc hội để xin tiền làm ma cho nhà thơ [8, tr.56]. Lời uỷ thác của Đoàn Phú Tứ là dối nhưng tấm lòng “trọn nghĩa vẹn tình” ông dành cho tác giả “Màu thời gian” là có thật. Cả lời nói dối và việc kể lại câu chuyện này để mong được “cứu rỗi” của Phùng Quán đều đáng trân trọng. Biểu hiện cao nhất của sự chân thật là chân thật với chính mình. Cả cuộc đời, Phùng Quán đã sống đúng như “Lời mẹ dặn”: “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao doạ giết / Cũng không nói ghét thành yêu…” (Phùng Quán đã thờ bài thơ này, vì đó là tuyên ngôn sống của ông). Luôn thành thật với mình, ông không giả tạo, không cơ hội, không đổi thay, sống thật, yêu thật, đam mê thật… Chọn hồi kí, tự truyện là ông muốn bộc lộ cái tôi chân thật của mình. Quen sống thẳng ngay nên tuy gọi Tố Hữu bằng cậu nhưng những ngày nhà thơ còn đương chức, đương quyền, ông không hay lui tới vì ngại: “bạn hữu và những người quen biết cháu sẽ đinh ninh Phùng Quán đến để cầu cạnh, xin xỏ Tố Hữu điều gì, và Tố Hữu gọi Phùng Quán đến để sai bảo điều gì. Tấm lòng thật của cháu dù biện minh đến ngàn lần cũng chẳng ai tin” [8, tr.17]. Có những “tố chất” mà lắm người cố tìm cách che giấu thì nhà văn lại công khai bộc bạch.Việc ông khóc thương người con gái Pháp đẹp như thiên thần, chị Hoài Trinh với mái tóc dài chấm gót là tiếc thương cho cái đẹp bị huỷ diệt bởi chiến tranh. Phùng Quán “lẳng lơ”: “thích màu môi của các nàng hơn tất cả những câu thơ hay của thế gian” nên rất tâm đắc với chi tiết Bảo Ngọc thích ăn sáp môi của các a hoàn: “Tào Tuyết Cần ma thật!”. Có lần đến Tuân Nguyễn thấy Tuân đang tiếp ba cô gái “đẹp ngời ngời”, ông mặc bạn rao giảng Đốt như nhập đồng để “tranh thủ” ngắm nhìn “những cái miệng xinh đẹp như bông hồng hàm tiếu, những hàm răng trắng như ngọc trai”! [8, tr.161]. Chính vì cái “thói” lãng mạn này mà có lần Phùng Quán bị một chiến hữu “mắng mỏ”: “Những câu thơ cậu làm ra như rứa mà cậu không thèm nhớ. Còn tên mấy đứa con gái õng ẹo ở mấy cái làng quanh mình đóng quân cách đây cả mấy chục năm thì cậu nhớ không sót đứa mô. Cậu còn tả nữa chớ! Con ni có cái mụt ruồi ở cằm. Con nọ có cái răng khểnh. Con tê tóc quắn mỗi lần vén tóc lên chải, để lộ cái gáy trắng như nõn chuối lại thêm xoăn xoăn mấy sợi lông tơ… Đầu óc cậu toàn chất chứa những cái đó thì còn chữ mô mà đựng thơ kháng chiến!” [10, tr.103]. Sống thật với chính mình ở Phùng Quán còn là sự nhận thức đúng về mình. Khi mới bắt đầu viết văn, ông nhận ra mình thiếu nhiều thứ vì mới học đến lớp 4 trường làng, viết vẫn còn sai chính tả… Phùng Quán thấy những người xung quanh sao đáng ngưỡng mộ về tài năng và sự hiểu biết. Khi nghe các anh ở phòng Văn nghệ quân đội nói chuyện, ông rất khâm phục: “Vốn kiến thức của các anh thật đồ sộ. Tuy các anh gặp đâu nói đó nhưng tôi thực sự choáng ngợp trước sự học vấn và hiểu biết của các anh” [9, tr.126]. Phùng Quán biết mình chẳng là gì khi đứng bên cạnh những tên tuổi tầm cỡ: Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Đoàn Phú Tứ… Ông luôn khiêm nhường nhắc mình điều đó và càng trân trọng những tình cảm mà các “bậc bề trên” ưu ái dành cho: “Tôi là cái thá gì mà được một người như Nguyễn Hữu Đang hỏi chuyện?”; “Mình là cái con khỉ gì mà được nhà thơ Đoàn Phú Tứ thương quý làm vậy?”. Phùng Quán cũng biết rõ mình “dù cố gắng đến hết đời cũng chỉ là anh văn nghệ quần chúng, ca dao, hò, vè” và thừa nhận thơ mình đúng là “hai mươi câu đầu để giữ gìn trật tự…”. Qua những trang hồi kí, tự truyện của Phùng Quán, người đọc càng thấy rõ tấm lòng ngay thật của ông. Sống trong sáng, thuỷ chung, trọn vẹn với quê hương, người thân, bạn bè, đồng đội, Phùng Quán không có gì phải day dứt, ân hận. Ông đã nếm trải quá nhiều, thấu hiểu quá nhiều “Tất cả những gì đời tôi đã nếm trải, đủ chất đầy một thế kỉ sống”, khiến ông có cái nhìn nhân hậu, bình thản và trào lộng đối với cuộc đời. Có những lúc nhà văn chạnh buồn đúc kết một đời: “… Tôi sẽ đào nấm huyệt / Cạnh mồ cha mẹ tôi / Tôi sẽ lăn xuống đó / Thế là xong một đời/…Căn hộ mới đáy huyệt / Rượu đất tôi uống tràn / Cụng li cùng ròi bọ / Mừng trắng nợ trần gian.” Có những lúc nỗi đau xưa lại cựa quậy nhức nhối: “Tết không vào nhà tôi / Tết đi qua trước ngõ / Tim tôi tan nát rồi / Không còn lành được nữa…” [10, tr.110]. Người đọc cảm thông, chia sẻ với tâm sự của ông, tuy được kể lại với giọng hài hước nhưng vẫn bật lên nỗi chua xót: “Tôi biết có lúc tôi hèn nhát, muốn buông xuôi hai tay, chết quách cho rồi. Nhưng nếu anh biết tất cả những gì tôi phải nếm trải trong ba mươi năm qua, có thể anh sẽ tha thứ cho tôi… Anh còn nhớ đoạn trường của Kiều là bao lâu không? 15 năm… Thế mà tôi phải lãnh một lúc 2 xuất Kiều… Hệt như cái ngày ở bộ đội, những dịp tết nhất lễ lạt được ăn đúp-ra-xông!” [10, tr.110-111]. Nhưng trên hết, người đọc cứ thấy hiện lên những trang viết của ông một Phùng Quán ung dung tự tại, hồn nhiên. Kể chuyện đời, chuyện người hay chuyện mình, lúc nào cũng bông đùa, dí dỏm. Đó là những chuyện vui kháng chiến: chuyện bác sĩ nổi tiếng Đặng Văn Ngữ bị đội quân diệt dốt bắt đọc chữ mới cho vào chợ; chuyện những anh lính Thừa Thiên nói tiếng Bắc, “gà mạ” (mái) thành “gà u” [10, tr.71]; chuyện bọn trẻ con thèm chất ngọt bày trò giả vờ bị ho gà, ho lao để được uống những thìa thuốc ho ngòn ngọt! [8, tr.87-88]. Đặc biệt là những chuyện về mình, Phùng Quán hay có giọng “tự trào”, hài hước. Có người hỏi: “Sau Tuổi thơ dữ dội, anh viết tiếp cái gì?”. Ông đáp: “Sau Tuổi thơ dữ dội là Tuổi già ham chơi” [8, tr.80]. Đó là cái tôi hồn nhiên của Phùng Quán, cũng “ham rượu, ham bạn, ham chơi”. Hay câu chuyện phóng viên Xuân Đài tặng ông một vở kịch vui với câu đề tặng: “Tặng cháu Đỗ Quyên để đọc - XĐ”, ông chê: “Câu văn dở ẹc, chẳng nói lên được cái gì hết…, tớ chỉ cần thay một từ” và liền “biên tập” lại: “Tặng cháu Đỗ Quyên để xé” với lời giải thích: “Như vậy người đọc sẽ biết ngay cháu Đỗ Quyên là một đứa con nít, chỉ mới biết xé giấy thôi và Xuân Đài là nhà viết kịch thích đùa, coi chuyện kịch cọt, văn chương của mình chỉ là chuyện tào lao cho vui.”! [8, tr.77-78]. Ngay cả những chuyện về quãng đời cay cực nhất, Phùng Quán cũng kể lại với giọng trào lộng, chuyện thật mà cứ như đùa. Những ngày lao động ở nông trường Cổ Đam, đặt lời bài hát cho đội mộc theo điệu bài Tình bằng có cái trống cơm, đến đoạn: “lội, lội, lội, sông, ấy mấy đi tìm”, ông dùng “từ chuyên môn” của đội: “đẽo, đẽo, đẽo” hi vọng hát lên thành “đẹo, đẹo, đẹo” người nghe cũng hiểu. Vậy mà khi hát lên, khán giả lại hò hét: “đéo, đéo, đéo” làm cho mọi người cười đến vỡ trời! [8, tr.100-101]. Lại chuyện viết diễn văn, Phùng Quán đã vận dụng hết tài văn chương: “Thời gian trôi chảy trên công trường như dòng sông Đáy êm đềm… Nó như đàn ngựa đang phi nước kiệu… Với quyết tâm vượt năng suất thi công… Ban lãnh đạo cùng với công nhân đã quất cho đàn ngựa lồng lên phi nước đại”. Vậy mà lại bị cho là đánh lừa mọi người bằng thứ văn chương “biểu tượng hai mặt”: “Hắn ví công nhân như một bầy ngựa và lãnh đạo công trường chăn ngựa bằng roi vọt”! [8, tr.104-105]. Thật là những chuyện bi hài cười ra nước mắt. Phùng Quán là vậy, cuộc đời cơ cực của ông thành ra lắm chuyện vui, lắm “lễ nghi” thú vị, sang trọng. Cái chòi dựng tạm bợ thành “Chòi Ngắm sóng”, Phùng Quán còn gọi là “nhà sàn”: “Tôi là người thứ hai ở Hà Nội có nhà sàn”! [10, tr.90] Nơi đây, “chiếu rượu” (thực ra là chiếc chiếu đôi rách) của Phùng Quán đã đón bao người nổi tiếng đến đối ẩm, đề thơ, ngắm tranh, ngắm sóng, ngẫm chuyện thế sự… Phùng Quán thơ rằng: “Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ nhà thơ như ở đây? / Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi / Hai phải đứng vì không đủ chỗ…/ Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ yêu thương như ở đây? / Mỗi tấc đất có một người quỳ gối / Dâng trái tim và nước mắt, cho nỗi đau của cả loài người…” [10, tr.95]. 3. Kết luận Có thể nói, cùng với thơ, tiểu thuyết, những trang hồi kí, hồi ức đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về hình tượng tác giả Phùng Quán - một chân dung đẹp, một nhân cách đẹp. Một con người trong sáng, hồn nhiên mà rất sâu sắc, chân thật, thẳng ngay mà rất bao dung, hài hước, dí dỏm nhưng đậm dư vị triết lí, chất chứa những suy ngẫm về kiếp nhân sinh. Cuộc đời ông đã đi vào hồi ức của các nhà văn, nhà thơ, đi vào nhiều giai thoại “dân gian” như một nhân vật nổi tiếng, một hình ảnh đẹp được truyền tụng, tôn vinh. Phùng Quán ra đi trong chiếc áo liệm có hàng trăm chữ kí của bạn bè như nghĩa cử thuỷ chung cuối cùng của ông với bằng hữu. Mong rằng chuyến đi này của ông không phải là “Mừng trắng nợ trần gian”. Xin được viết lại một chữ câu thơ ông: “Mừng trọn nợ trần gian”… TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lại Nguyên Ân, 2003, 150 Thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, H 2. Khương Duy, Tuổi thơ dữ dội và những ước mơ đẹp, Nguồn: Tuần Việt Nam, ngày 20/10/2010. 3. Tô Hoài, 1999, Chiều chiều, Nxb Hội nhà văn, H 4. Phương Lựu, 2006, Trần Đình Sử… Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, H 5. Nguyễn Khắc Phê, Sự thật từ ngòi bút Phùng Quán, Báo Văn nghệ số 29, ngày 22/7/2006. 6. Phùng Quán, 2003, Thơ Phùng Quán, Nxb Hội Nhà văn. 7. Phùng Quán, 2005, Tuổi thơ dữ dội, Nxb Thuận Hoá. 8. Phùng Quán, 2006, Ba phút sự thật, Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh. 9. Phùng Quán, 2007, Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh. 10. Phùng Quán, 2007, Phùng Quán còn đây (Vũ Bội Trâm - Ngô Minh biên soạn, chỉnh lí), Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh. 11. Lý Hoài Thu, Hồi kí và bút kí thời kì đổi mới, Tạp chí Văn học số 10/2008. AN AUTHOR IMAGE IN REMINISCENTES PHUNG QUAN’S Ngo Thi Ngoc Diep Abstract An author image is a form of indirect presence of the author in his/her works. Through his/her reminiscences, ther author’s “self” can be clearly seen. Phung Quan (1932 - 1995) is the writer who leaves readers with deep impression. His reminiscences have provided readers with his image, his real life, his personality and his literatura temperament. It can be said through the pages of reminiscences, readers are able to clearly see Phung Quan’s image - a beautiful portrait, a beautiful personality. . HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ QUA NHỮNG TRANG HỒI KÍ, HỒI ỨC CỦA PHÙNG QUÁN Ngô Thị Ngọc Diệp 1 Hình tượng tác giả là hình thức có mặt gián tiếp của tác giả ngay bên trong tác phẩm của mình hồi ức của ông cho thấy rõ về hình tượng tác giả, cuộc đời, nhân cách, khí chất của nhà văn. Có thể nói, những trang hồi kí, hồi ức đã giúp người đọc thấy rõ hơn hình tượng tác giả Phùng Quán, . Hình tượng tác giả là một trong những thành tố của tác phẩm văn học, nằm trong hệ thống các mối liên hệ nghệ thuật của tác phẩm. Hình tượng tác giả là hình thức có mặt gián tiếp của tác giả

Ngày đăng: 05/09/2015, 07:00

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan