KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH CỦA CÁ TRA PANGASIANODON HYPOPTHALMUS CHỐNG LẠI VI KHUẨN EDWARDSIELLA ICTALURI Nguyễn Hoàng Nhật Uyên 1 , Trần Hoa Cúc 2 , Từ Thanh Dung 1 (1) Bộ môn Sinh học và Bệnh thủy sản, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ (2) Lớp Cao học Nuôi trồng Thủy sản Khóa 17, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ TÓM TẮT Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích theo dõi sự biến động hiệu giá kháng thể đặc hiệu của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) khi nhiễm vi khuẩn Edwarsiella ictaluri (E.ictaluri) ngoài tự nhiên và trong thí nghiệm có tiêm vắcxin. Hiệu giá kháng thể được xác định bằng phản ứng vi ngưng kết (Microagglutination). Nghiên cứu thực hiện trên 25 ao nuôi thâm canh ở Cần Thơ, Tiền Giang và Đồng Tháp. Tổng số mẫu thu được là 419 cá thể ở 4 thời điểm: đang nhiễm bệnh, sau khi nhiễm bệnh 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. Kết quả xác định hiệu giá kháng thể đặc hiệu cho thấy ở cá không bệnh gan thận mủ có hiệu giá kháng thể trung bình luôn duy trì ở mức thấp dưới 0,5. Đối với cá nhiễm bệnh thì hiệu giá này ở mức 1,7; nhưng tăng nhanh sau 1 tháng (mức 3,0) và đạt đỉnh cao ở 2 tháng (mức 3,2); sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Từ tháng thứ 3 lượng kháng thể đặc hiệu suy giảm nhanh chóng, hiệu giá kháng thể trung bình chỉ còn dưới 1,3. Điều này cho thấy cá tra có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu đối với vi khuẩn E. ictaluri ngoài tự nhiên nhưng mức đáp ứng miễn dịch xảy ra không cao và thời gian duy trì miễn dịch ngắn (khoảng 1 tháng) không đủ sức bảo vệ cá chống lại vi khuẩn E.ictaluri. Trong khi đó, kết quả thí nghiệm vắcxin E. ictaluri trên cá tra trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy: hiệu giá kháng thể trung bình tăng nhanh sau 10 ngày tiêm (đạt mức 9,5) và duy trì ở mức cao trong ít nhất 2 tuần tiếp theo. Từ khóa: Đáp ứng, miễn dịch, cá tra, Edwardsiela ictaluri. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Bệnh trên thủy sản, đặc biệt là bệnh trên cá tra đang là vấn đề lớn gây thiệt hại đến ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản nước ta. Trong đó, bệnh mủ gan gây tỉ lệ hao hụt lớn ở cá giống và gây thiệt hại kinh tế lớn nhất ở giai đoạn cá có trọng lượng < 400g (Từ Thanh Dung, 2005). Tuy nhiên, người nuôi cá thường không chú ý nhiều đến hướng dẫn liều lượng và thời gian sử dụng kháng sinh. Điều này dẫn đến nhiều mặt tiêu cực như tồn dư kháng sinh, ô nhiễm môi trường, vi khuẩn kháng thuốc,…Do đó, xu hướng hiện nay là sử dụng chế phẩm vi sinh và vắcxin để khắc phục vấn đề trên. Trên thế giới hiện nay đã có nhiều loại vắcxin trên một số đối tượng nuôi thủy sản. Bên cạnh đó cũng có nhiều nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch của cá da trơn chống lại vi khuẩn E.ictaluri như các nghiên cứu của Shoemaker et al. (1999) trên cá nheo (Ictalurus puncatus); nghiên cứu của Vinitnantharat và Plumb năm 1993 về hàm lượng kháng thể của những cá sống sót sau dịch bệnh ngoài tự nhiên … Ở nước ta đã có một số công trình nghiên cứu về vắcxin như nghiên cứu sản xuất vắcxin bằng vi khuẩn E.ictaluri của Nguyễn Đình Thu. Tuy nhiên, những nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch của cá tra vẫn chưa nhiều và còn hạn chế. Do đó nghiên cứu này nhằm tìm hiểu thêm về sự biến động kháng thể đặc hiệu bảo vệ cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) chống lại vi khuẩn E.ictaluri trong các ao nuôi thâm canh. 2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu Cá tra khỏe và cá bị bệnh mủ gan thu được ở 25 ao nuôi khác nhau trên địa bàn tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang. Vi khuẩn được phân lập và định danh từ mẫu cá bệnh thu tại ao. Cá tra dùng trong thí nghiệm với vắcxin: cá giống (khoảng 12g) được nuôi và bố trí tại phòng thí nghiệm trại cá giống Hồng Mỹ - Đồng Tháp. 2.2. Phương pháp thu mẫu Thu mẫu cá khoẻ và cá bệnh gan thận mủ ở 25 ao nuôi khác nhau ở các thời điểm khác nhau: đang nhiễm bệnh, 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng sau nhiễm bệnh. Ghi nhận tình hình hình nuôi cá ở nông hộ: nguồn giống, mật độ, thời gian thả giống, nguồn nước, thuốc và hóa chất sử dụng, dịch bệnh Mỗi ao thu từ 5 đến 10 con. Thu mẫu máu Sử dụng benzocain (Merck) nồng độ 100 ppm để gây mê cá trong 1 – 2 phút. Vệ sinh vùng gần cuống đuôi của cá. Dùng kim tiêm 1ml châm nhẹ vào phần cuống đuôi cho để lấy máu từ động mạch chủ ở cột sống (Houston,1990). Cho máu vào ống eppendorf 1,5ml và để yên 2 – 3 giờ trong ngăn mát tủ lạnh, sau đó ly tâm 6.000 vòng/phút trong 5 phút. Lấy phần huyết thanh phía trên cho vào ống eppendorf khác và đem xác định hàm lượng kháng thể hoặc trữ lạnh. Huyết thanh A) B) Hình 1. A) Phương pháp lấy máu cá tra; B) Máu cá sau khi ly tâm Kiểm tra vi khuẩn Sau khi thu mẫu máu tiến hành cấy vi sinh ở các cơ quan: gan, thận, tỳ tạng, ủ ở 28ºC trong vòng 48 giờ rồi test các chỉ tiêu sinh lý-sinh hóa vi khuẩn như: kiểm tra tính di động, nhuộm Gram, Oxidase, Catalase. Bên cạnh đó còn sử dụng phản ứng với anti-sera để xác định nhanh tác nhân gây bệnh. Phương pháp bất hoạt vi khuẩn bằng formaline Vi khuẩn sau khi được nuôi tăng sinh được bất hoạt bằng formaline (37%). Xác vi khuẩn được rửa sạch formaline bằng nước muối sinh lý và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc ở -20ºC. Phản ứng vi ngưng kết kháng nguyên-kháng thể Phản ứng này thường được thực hiện trên các đĩa nhựa (microplate) 96 giếng theo phương pháp vi ngưng kết kháng nguyên- kháng thể của Roberson (1990). Cho 25μl huyết thanh vào giếng số 1 và 2. Từ giếng số 2 trở đi pha loãng huyết thanh bằng nước muối sinh lý với nồng độ pha loãng bằng ½. Cuối cùng cho 25μl huyền dịch xác vi khuẩn vào các giếng rồi trộn đều. Để yên 4 – 5 giờ ở nhiệt độ phòng rồi đọc kết quả. Mổi đĩa 96 giếng có sử dụng 1 đối chứng dương (mẫu huyết thanh thu được có hiệu giá kháng thể cao nhất) và 1 đối chứng âm (nước muối sinh lý). Dương tính (+): Đáy giếng tạo thành một lớp ngưng kết trải rộng. Âm tính (-): Ở đáy giếng chỉ có một chấm tròn nhỏ màu trắng. Thí nghiệm có tiêm vắcxin Cá được bố trí thành 2 nghiệm thức: vắcxin và đối chứng. Mỗi nghiệm thức gồm 4 bể lặp lại, mỗi bể 20 con. Ở nghiệm thức vắcxin cá được tiêm ALPHA JECT ® Panga 1 vào xoang bụng với liều 0,05ml/cá. Ở nhóm đối chứng cá được tiêm nước muối sinh lý 0,85% với liều tương tự. Thu mẫu máu ở ngày thứ 7 và 10 sau tiêm vắcxin, mỗi lần thu 10 con/nghiệm thức. Cá ở 2 nghiệm thức được cảm nhiễm vi khuẩn E.ictaluri mật độ 10 4 CFU/cá sau 10 ngày tiêm vắcxin. Sau đó, thu mẫu máu mỗi ngày liên tục trong 7 ngày đầu và ngày thứ 14 kết thúc thí nghiệm. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Kết quả thu mẫu và kiểm tra vi khuẩn Tổng số mẫu cá thu được là 419 từ 25 ao nuôi cá tra ở địa bàn tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang và Đồng Tháp (Bảng 1). Trong đó, số ao cá bệnh là 18 và 7 ao cá khỏe. Trên 18 ao đang xảy ra dịch bệnh thu được 131 mẫu cá, trong đó có 94 con có dấu hiệu bị bệnh gan thận mủ đã phân lập được 87 chủng vi khuẩn E.ictaluri từ các cơ quan như gan, thận và tỳ tạng. Bảng 1. Địa điểm và số ao thu mẫu Địa phương Số ao thu mẫu Số ao cá bệnh Số ao cá khỏe Số mẫu cá thu Số mẫu cá có dấu hiệu gan thận mủ* Số mẫu cá dương tính với E.ictaluri * Cần Thơ 16 10 6 292 35 32 Tiền Giang 3 3 0 25 19 19 Đồng Tháp 6 5 1 102 40 34 Tổng cộng 25 18 7 419 94 87 Số mẫu cá có dấu hiệu gan thận mủ *: cá có dấu hiệu gan thận mủ (đốm trắng nội quan) và phân lập được vi khuẩn từ những ao cá bệnh. Số mẫu cá dương tính với E.ictaluri *: vi khuẩn E.ictaluri được xác định bằng test chỉ tiêu sinh lý- sinh hóa cơ bản và phản ứng anti-sera) thu được từ những ao cá bệnh. Cá tra với các dấu hiệu bệnh được thu mẫu và giải phẫu bên trong nội quan thấy gan, thận và tỳ tạng sưng to, xuất hiện những đốm tròn nhỏ, đường kính khoảng 1-2,5 mm; bên cạnh đó còn thấy hiện tượng gan, thận sưng hoặc bị nhũn. A) B) Hình 2. A) Cá tra bị đốm trắng nội quan; B) Vi khuẩn phân lập từ cá bị gan thận mủ Vi khuẩn được xác định bằng cách kiểm tra chỉ tiêu sinh lý-sinh hóa theo phương pháp của Crumlish et al. (2010). Bên cạnh đó còn thực hiện phản ứng với anti-sera để xác định nhanh tác nhân gây bệnh E.ictaluri. Kết quả định danh xác định được 87/94 trường hợp vi khuẩn phân lập được là vi khuẩn E.ictaluri. Do đó ta có thể kết luận E.ictaluri là tác nhân chính gây nên bệnh gan thận mủ trên các ao cá tra này. 3.2. Kết quả kiểm tra hàm lượng kháng thể đặc hiệu Thời điểm đang nhiễm bệnh Cá tra đang trong thời điểm nhiễm bệnh có hiệu giá kháng thể tương đối thấp, hiệu giá trung bình là 1,69 ± 1,52 và thường dao động trong khoảng từ 0 đến 4, ít khi có trường hợp hiệu giá lớn hơn 5. Điều này cũng tương tự với ghi nhận của Bricknell (1999) rằng cá hồi khi bị nhiễm tự nhiên Aeromonas salmonocidae thì lượng kháng thể tăng không vượt quá 5. Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số cá thể có lượng kháng thể lớn hơn 5 và vượt trội so với các cá thể khác cùng đàn. Trường hợp này có thể giải thích là do đã nhiễm bệnh trước đó và đang ở giai đoạn kháng thể lên cao nhất. Bên cạnh đó cũng có thể cho rằng đó là kết quả của sự hình thành kháng thể thứ phát, đặc điểm của kháng thể thứ phát là luôn cao hơn nguyên phát và duy trì lâu dài hơn. Theo những thí nghiệm của Phạm Công Thành (2010) trên cá tra khi tiêm nhắc với vi khuẩn E.ictaluri bất hoạt thì nhận thấy lượng kháng thể tăng lên đáng kể so với khi tiêm lần đầu. Kết quả này cũng tương đồng với các thí nghiệm trên cá nheo Mỹ và 1 số loài cá xương khác: kháng thể gia tăng khi được kích thích lần 2 (Hanson et al., 1999). Ngoài ra, nghiên cứu thử nghiệm vắcxin bất hoạt vi khuẩn E.ictaluri có chất bổ trợ keo phèn của Nguyễn Đình Thu và ctv (2007) cũng chỉ ra rằng việc tiêm nhắc vào ngày thứ 14 kích thích đáp ứng miễn dịch thứ phát nên kháng thể hình thành sớm, cao hơn và duy trì lâu hơn so kháng thể nguyên phát. Trên thực tế, ao có hiện diện những cá thể trên đều trải qua từ 2 đến 3 đợt dịch bệnh liên tiếp trong vòng 1 tháng do đó kháng thể nguyên phát đã có thời gian hình thành. Thời điểm 1 tháng và thời điểm 2 tháng sau khi nhiễm bệnh Kháng thể trong máu cá được thu vào thời gian 1 tháng sau bệnh có hiệu giá trung bình tăng cao đạt 3,0 ± 2,1; khác biệt có ý nghĩa (P < 0,05) so với lúc đang nhiễm bệnh và chưa nhiễm bệnh. Lượng kháng thể này đạt mức giá cao nhất ở 3,2 ± 1,5 sau 2 tháng nhưng khác biệt không có ý nghĩa (P > 0,05) với thời điểm sau 1 tháng. Kết quả này tương tự một nghiên cứu của Phạm Công Thành (2010) khi khảo sát đáp ứng miễn dịch của cá tra khi nhiễm E.ictaluri là cá tra khi gây nhiễm E.ictaluri trong ao đất ngoài tự nhiên hình thành kháng thể chậm hơn trong phòng thí nghiệm, sau 50 ngày từ khi bị nhiễm bệnh lần 3 lượng kháng thể lên đến đỉnh điểm 4,8 và duy trì ở mức trên 4 trong vòng 30 ngày tiếp theo. Sau đó kháng thể này sẽ suy giảm nhanh chóng trong vòng 60 ngày và gần bằng 0 sau 110 ngày bị nhiễm. Thời điểm 3 tháng sau khi nhiễm bệnh Sau khi đạt mức cao nhất ở tháng thứ 2 sau khi nhiễm bệnh thì hiệu giá kháng thể suy giảm nhanh chóng ở tháng 3 chỉ còn 1,2 ± 0,9 tương đương với mức hiệu giá ở lúc đang nhiễm bệnh. Sự khác biệt này có ý nghĩa (P<0,05) so với 3 thời điểm còn lại: chưa nhiễm bệnh, sau nhiễm bệnh 1 tháng và sau nhiễm bệnh 2 tháng (P<0,05). Sự biến động hiệu giá kháng thể qua 4 thời điểm Hình 3. Sự đáp ứng miễn dịch của cá tra nhiễm bệnh tự nhiên qua từng thời điểm Bảng 2. Hiệu giá kháng thể trung bình của cá tra qua từng thời điểm Thời điểm Hiệu giá kháng thể trung bình Chưa nhiễm bệnh 0,47 ± 0,76 a Đang nhiễm bệnh 1,69 ± 1,52 b Sau nhiễm bệnh 1 tháng 2,98 ± 2,07 c Sau nhiễm bệnh 2 tháng 3,21 ± 1,47 cd Sau nhiễm bệnh 3 tháng 1,23 ± 0,86 e Các giá trị trong bảng thể hiện giá trị trung bình và độ lệch chuẩn Các giá trị trong cùng cột mang chữ cái mũ khác nhau thì khác nhau có ý nghĩa thống kê (P<0,05) Qua biểu đồ (hình 3) và bảng 2 cho thấy lượng kháng thể đặc hiệu của cá tra lúc chưa nhiễm bệnh rất thấp chỉ 0,5 ± 0,8 tăng nhanh và đạt hiệu giá trung bình cao nhất ở thời điểm từ 1 đến 2 tháng sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên ở tháng tiếp theo kháng thể suy giảm nhanh chóng chỉ còn 1,2 ± 0,9 do khả năng duy trì yếu tố miễn dịch của cá kém hơn động vật có vú trên cạn. Một nghiên cứu của Thune et al. (1997) cũng cho kết quả tương tự. Thune thử nghiệm E.ictaluri trên cá nheo 12 ngày tuổi và 10 tuần tuổi. Kết quả cho thấy hiệu giá kháng thể khi chưa tiêm là vắcxin 0 và tăng nhanh sau 10 tuần tiêm vắcxin. Lượng kháng thể này duy trì ở mức cao trong vòng 8 tuần (hiệu giá kháng thể trung bình từ 7,8 đến 8,0). Sau đó hiệu giá giảm xuống ở 4 tuần tiếp theo và dần bằng 0. Nhìn chung trong suốt quá trình từ lúc bệnh gan thận mủ xảy ra lượng kháng thể của cá biến động theo quy luật chung là tăng nhanh so với lúc không bệnh nhưng nhanh chóng suy giảm ở các tháng tiếp theo. Lượng kháng thể có tăng sau mỗi lần nhiễm bệnh nhưng mức tăng cao của kháng thể không đủ sức bảo vệ cá tra chống vi khuẩn E.ictaluri. Đây là nguyên nhân cá tra thường mắc bệnh gan thận mủ 3 – 4 lần trong suốt vụ nuôi (Từ Thanh Dung, 2005). Sự biến động hiệu giá kháng thể của cá tiêm vắcxin trong phòng thí nghiệm Ghi chú: từ ngày 11 đến 24 là 2 tuần theo dõi sau cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri Hình 4. Sự đáp ứng miễn dịch của cá tra tiêm vắcxin và cá đối chứng Bảng 3. Hiệu giá kháng thể trung bình của cá tra sau khi tiêm vắcxin và cảm nhiễm Thời điểm sau tiêm vacxin (ngày) Nhóm vaccine Nhóm đối chứng 0 0,0 a 0,0 a 7 3,5 ± 2,0 b 0,0 a 10 9,5 ± 1,7 c 1,0 ± 1,0 a 11-17 (tuần 1 sau cảm nhiễm) 10,5 ± 0,3 c 1,5 ± 0,9 a 18-24 (tuần 2 sau cảm nhiễm) 10,7 ± 0,4 c 2,7 ± 0,6 b Các giá trị trong bảng thể hiện giá trị trung bình và độ lệch chuẩn Các giá trị trong cùng cột mang chữ cái mũ khác nhau thì khác nhau có ý nghĩa thống kê (P<0,05) Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm vắcxin E.ictaluri trong phòng thí nghiệm lại cho thấy cá được tiêm vắcxin đáp ứng miễn dịch tăng nhanh từ ngày thứ 10 sau cảm nhiễm E.ictaluri (hiệu giá kháng thể trung bình mức 9,5) khác biệt có ý nghĩa với nhóm đối chứng (1,0). Mức hiệu giá cao này được duy trì trong 2 tuần tiếp theo (mức 10,5 và 10,7). Trong khi đó ở nhóm đối chứng, có sự tăng nhẹ lượng kháng thể và đạt mức cao nhất 2,7 sau 2 tuần cảm nhiễm. Tuy nhiên, mức kháng thể này vẫn thấp hơn nhiều so với nhóm vắcxin (bảng 3). Kết quả này tương tự với thí nghiệm của Võ Thanh Tùng (2010) đó là hiệu giá kháng thể trên cá tiêm vắcxin trong phòng thí nghiệm luôn cao hơn nhóm đối chứng và thời gian duy trì miễn dịch không dưới 20 tuần. Điều này cho thấy đáp ứng miễn dịch của cá tiêm vắcxin xảy ra nhanh, mạnh và duy trì trong thời gian dài sau đó. 4. KẾT LUẬN Cá tra khỏe (không có xuất hiện bệnh mủ gan) thì hàm lượng kháng thể đặc hiệu luôn duy trì ở mức thấp (0,5 ± 0,8). Sau khi cá nhiễm vi khuẩn E.ictaluri lượng kháng thể tăng dần đạt cao nhất ở tháng thứ 2 sau khi bệnh (3,21 ± 1,5) và giảm đi nhanh chóng ở tháng thứ 3 là 1,2 ± 0,9. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Cá tra sau 10 ngày tiêm vắcxin có hiệu giá kháng thể trung bình rất cao (từ 9,5 đến 10,7) và duy trì ít nhất sau 2 tuần trong thí nghiệm này. LỜI CẢM TẠ Nhóm tác giả xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến các Thầy Cô Bộ môn Sinh học và Bệnh Thủy sản, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ đã nhiệt tình giúp đỡ. Xin gửi lời cám ơn đến Công ty TNHH PHARMAQ Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt đề tài này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bricknell ; L.R., J.A., Bowden, T.J anh Ellis, A.E, 1999. Duration of protective antibodies and correlation with protection in Atlantic salmon (salmon salar L.), following vaccination with Aeromonas salmonicidae vaccine containing iron regulated membrane protein and secretory polysaccharide. Fish and shellfish Immunology, 9 :139-151. 2. Craig A. Shoemarker, Phillip H. Klesius, Joseph M.Bricker, 1999. Efficacy of a modified live Edwardsiella ictaluri vaccine in channel catfish as young as seven days post hatch. Aquaculture 176 (1999) 189-13. 3. Crumlish M. et al., 2002. Identification of Edwardsiella ictaluri from diseased freshwater catfish (Pagasianodon hypophthalmus) cultured in the Mekong Delta, Vietnam. Journal of fish Diseases, 733 – 736 pages. 4. Hawke, J.P 1979. A bacterium associated with desease of pond cultured channel catfish, Ictalus puncatus. Journal of the Fisheries Research Board of Canada 36:1508-1512. 5. Lê Hùng Dũng, Nguyễn Diễm Thư, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Mộng Hoàng, Nguyễn Mạnh Thắng và Nguyễn Văn Hảo, 2007. Xác định tính sinh miễn dịch và hiệu quả của các loại vacxin từ vi khuẩn Edwardsiella ictaluri phân lập trên cá tra tại các vùng địa lý và thời điểm khác nhau của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tuyển tập nghề cá Sông Cửu Long 2007. Tr 375 – 388. 6. Phạm Công Thành, 2010. Khảo sát đáp ứng miễn dịch của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) nhiễm vi khuẩn Edwardsiella ictaluri. Luận văn cao học. Khoa Thủy Sản – Đại học Nông Lâm. 7. Ronald L. Thune, Lisa A. Collins, Michael P. Pena, 1997. A Comparision of Immersion/Oral Combination and Injection Methods for the Vaccination of Channel Catfish Ictalurus puncatus Against Edwardsiella ictaluri. Journal of the world aquaculture society, vol. 28, No.2, June, 1997. 8. Từ Thanh Dung, M. Crumlish, Nguyễn Thị Như Ngọc, Nguyễn Quốc Thịnh và Đặng Thụy Mai Thy, 2004. Xác định vi khuẩn gây bệnh trắng gan trên cá tra (Pangasius hypophthalmus). Tạp chí khoa học, Đại học Cần Thơ. 137 – 142. 9. Vinitnantharat, S. Anh J. A. Plumb, 1993. Protection of channel catfish Ictalurus puncatus following natural exposure to Edwardsiella ictaluri. 10. Võ Thanh Tùng, 2010. Thí nghiệm thành công vắc-xin cho cá tra. Tạp chí Thương mại Thủy sản. Số 128 – tháng 8/2010. ABSTRACT The study on immune response of catfish to Edwarsiella ictaluri was carried out by examination specific antibody levels of catfish (Pangasianodon hypophthalmus) infected by Edwarsiella ictaluri (E.ictaluri). Microagglutination test was used to quantify the levels of specific antibodies against E.ictaluri from natural infection from the farms and vaccinated fish from wet-lab. The results of examination on 419 catfish from 4 periods: before and after infected, one, two and three months after infection showed that fish which were being infected had mean titer of antibodies at 1.7, the mean antibody level increased quickly after one month of infection (3,0) and reached peak after 2 months (3,2) and decreased after 3 months (lower 1,3). This results demonstrated that catfishes had antibody response to E.ictaluri from natural infection but low antibody levels and short immunity. Meanwhile, the results of vaccine trials in the laboratory showed that mean titer of vaccinated fish increased quickly after 10 days (at 9 ,5) of vaccination and keep high titer at least 2 weeks follow. Keywords: Immune, response, catfish, Edwardsiela ictaluri. . KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH CỦA CÁ TRA PANGASIANODON HYPOPTHALMUS CHỐNG LẠI VI KHUẨN EDWARDSIELLA ICTALURI Nguyễn Hoàng Nhật Uyên 1 , Trần Hoa Cúc 2 ,. nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch của cá da trơn chống lại vi khuẩn E .ictaluri như các nghiên cứu của Shoemaker et al. (1999) trên cá nheo (Ictalurus puncatus); nghiên cứu của Vinitnantharat. Điều này cho thấy cá tra có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu đối với vi khuẩn E. ictaluri ngoài tự nhiên nhưng mức đáp ứng miễn dịch xảy ra không cao và thời gian duy trì miễn dịch ngắn (khoảng 1