đề thi minh họa hướng dẫn chấm môn ngữ văn 12 sở giáo dục đào tạo bắc ninh đề số 7

6 879 1
đề thi minh họa hướng dẫn chấm môn ngữ văn 12 sở giáo dục đào tạo bắc ninh đề số 7

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

SỞ GD & ĐT BẮC NINH Đề 7 ĐỀ THI MINH HỌA –KÌ THI THPT QG 2015 Năm học 2014 – 2015 Môn: Ngữ Văn Lớp 12 Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian phát đề) PHẦN 1: ĐỌC HIỂU Câu 1 (1,5 điểm) Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa Chiều nay con chạy về thăm Bác Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa! Con lại lần theo lối sỏi quen Đến bên thang gác, đứng nhìn lên Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa? Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn! (Trích Bác ơi! – Tố Hữu) Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau : 1. Nêu phương thức biểu đạt của đoạn thơ?. 2. Nội dung chính của đoạn thơ là gì? 3. Xác định nhịp thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật cách sử dụng nhịp thơ ở 2 câu thơ cuối ở đoạn thơ thứ 2? Câu 2 (1,5 điểm) "Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết… " ( Trích Chí Phèo- Nam Cao) 1) Nêu ý chính của đoạn trích? 2) Cách sắp xếp tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo: Bắt đầu hắn chửi trời…Rồi hắn chửi đời…chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo …được sử dụng biệp pháp tu từ cú pháp như thế nào? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó? 3) Đoạn trích sử dụng nhiều câu văn ngắn. Nêu ý nghĩa nghệ thuật của việc sử dụng nhều câu ngắn đó PHẦN 2: LÀM VĂN Câu 1 (3.0 điểm): Tuyên dương 16 thanh niên tham gia cứu nạn tại Lào Cai Ngày 6/9/2014, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên TP Hà Nội đã gặp mặt, tuyên dương 16 thanh niên, sinh viên tham gia đã cứu nạn trong vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 1/9/2014 tại xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. 16 thanh niên, sinh viên được tuyên dương là thành viên của nhóm du lịch mạo hiểm Phong Vân đang trên đường từ Hà Nội lên Sa Pa du lịch. Trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc là chiếc xe khách lao xuống vực khiến 12 người tử nạn và 41 người khác bị thương, cả nhóm đã kịp thời thông báo tới các đơn vị chức năng tham gia ứng cứu và dùng đèn pin, điện thoại soi đường, mò mẫm xuống vực sâu gần 200 mét để cấp cứu, hỗ trợ các nạn nhân trên chuyến xe gặp nạn… (Theo cand.com.vn) Trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề đặt ra từ thông tin trên (bài viết khoảng 600 từ) Câu 2 (4,0 điểm) Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ sau: Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm Đất Nước là nơi ta hò hẹn Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc" Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi" ( Trích Mặt đường khát vọng- Chương Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm) Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức ( Trích Sóng – Xuân Quỳnh) -HẾT- ĐÁP ÁN I. Đọc hiểu (2,0 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng - Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản; - Diễn đạt rõ ràng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 2. Yêu cầu về kiến thức Câu 1 (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt của đoạn thơ là tự sự, miêu tả và biểu cảm. ( Nếu nêu đúng 1 trong ba phương thức trên cho 0,25đ) Câu 2 (0,5 điểm) Nội dung chính của đoạn thơ: Nhà thơ thể hiện tâm trạng xót xa, đau đớn, thẫn thờ, bàng hoàng, tê dại trong lòng khi nghe tin Bác Hồ từ trần. (0,5đ) Câu 3 (1,5 điểm) - Nhịp thơ 2/2/3 ( 0,5đ) - Hiệu quả nghệ thuật: nhịp thơ chậm, buồn, sâu lắng diễn tả tâm trạng đau đớn đến bất ngờ của nhà thơ. Cả không gian cũng đang ngưng lại mọi hoạt động để nghiêng mình vĩnh biệt vị Cha già kính yêu của dân tộc.( 0,5đ) ( Nếu không có câu dẫn, cả phần đọc hiểu – 0,25đ) 1) Ý chính của đoạn trích: (0,5 điểm) - Đoạn trích miêu tả cảnh Chí Phèo uống rượu say và vừa đi vừa chửi giữa sự thờ ơ của tất cả mọi người. 2) Cách sắp xếp tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo: Bắt đầu hắn chửi trời…Rồi hắn chửi đời…chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo …được sử dụng biệp pháp tu từ cú pháp: điệp cú pháp, liệt kê (hắn chửi trời…hắn chửi đời…chửi ngay …chửi đứa …)và chêm xen.(0,5 điểm) Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó: Phép điệp cú pháp và liệt kê nhằm nhấn mạnh đối tượng của tiếng chửi được sắp xếp từ xa đến gần, từ cao đến thấp, có thứ tự, có lớp lang. Nghệ thuật chêm xen ở cuối câu chửi đẻ ra cái thằng Chí Phèo nhằm nhấn mạnh bi kịch bị từ chối của Chí Phèo. Đồng thời, tác giả gián tiếp tố cáo chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẻ ra Chí Phèo (0,5 điểm) 3) Đoạn trích sử dụng nhiều câu văn ngắn tạo nhịp điệu nhanh, dồn dập và tạo nên kịch tính cho truyện. "Tức mình", rồi "tức thật! Thế này thì tức thật. Tức chêt đi mất", "mẹ kiếp",, "nghiến răng mà chửi". Những câu văn ngắn đã cho ta cảm nhận được trực tiếp nỗi đau của Chí. Hiện lên trong đoạn văn là hình ảnh Chí Phèo đang vật vã, đang quằn quại trong nỗi đau khổ, trong bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của mình. Dùng tiếng chửi, dù là có cố gắng giao tiếp với loài người nhưng cuộc đời Chí vẫn là con số không, không bè bạn, không ai coi hắn như một con người; duy chỉ có trong hắn một cái mang hình hài rõ rệt: đó là khối cô đơn ngày càng kết tụ sâu sắc, gay gắt, xót xa. (0,5 điểm) II. Làm văn (3,0 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng : Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống qua một bản tin. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 2. Yêu cầu về kiến thức : Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bám sát yêu cầu của đề bài, cần làm rõ được những ý chính sau: - Nêu được vấn đề cần nghị luận: Giới thiệu tóm tắt nội dung bản tin. Khẳng định đây là hiện tượng tốt, cần học tập và nêu gương. -Phân tích + Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn. 16 thanh niên, sinh viên trên đã có mặt kịp thời, vượt qua nỗi sợ hãi, tìm mọi cách để cứu người bị nạn. + Hành động này thể hiện tinh thần nhân ái cao cả, một lối sống đẹp của tuổi trẻ hiện nay -Bình luận + Việc cứu người bị tai nạn giao thông của nhóm thanh niên, sinh viên là một hành động có ý nghĩa tích cực, phát huy truyền thống thương người của dân tộc, biết lựa chọn đúng đắn mối quan hệ giữa quyền lợi cá nhân ( đi du lịch) với việc tham gia cứu hộ, cứu nạn, không hề tính toán thiệt hơn; bộc lộ trí thông minh, sáng tạo của tuổi trẻ, có kĩ năng sống khi xử lí hiệu quả tình huống nguy hiểm trong cuộc sống. Đó là kết quá của quá trình được giáo dục từ gia đình, nhà trường và ý thức tu dưỡng rèn luyện nhân cách của bản thân. - Phê phán lối sống ích kỉ, vô cảm của một bộ phân thanh niên hiện nay. Hậu quả: bị xã hội lên án, bạn bè xa lánh, xuống dốc đạo đức, vi phạm pháp luật… Đề xuất phương hướng hành động: học tập và rèn luyện đạo đức, có kĩ năng sống để xử lí tình huống thực tế… Lưu ý: - Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà hợp lí thì vẫn được chấp nhận. - Nếu thí sinh có kĩ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa. - Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. III. Làm văn (5,0 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng - Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, đặc biệt là so sánh để tìm ra nét tương đồng và dị biệt độc đáo của hai đoạn thơ. - Vận dụng tốt các thao tác lập luận; - Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; - Khuyến khích những bài viết sáng tạo. 2. Yêu cầu về kiến thức Trên cơ sở hiểu biết về 2 tác giả Nguyễn Khoa Điềm và Xuân Quỳnh, chương V Đất Nước và bài thơ Sóng, thí sinh có thể phân tích và so sánh để phát hiện nét tương đồng và dị biệt giữa 2 đoạn thơ như đề ra. Sau đây là một số gợi ý: a/Vài nét về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm) - Nguyễn Khoa Điềm (1943) thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Đất Nước thuộc chương V trong chín chương của trường ca Mặt đường khát vọng, được sáng tác năm 1971 ở chiến khu Bình-Trị-Thiên, là một trong những tác phẩm xuất sắc của thơ ca chống Mỹ. Đoạn thơ gồm 6 câu thuộc phần một của chương Đất Nước ( trích thơ) - Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường, được xem là một trong số những thi sĩ viết thơ tình hay nhất trong nền thơ Việt Nam từ sau năm 1975. Tình yêu trong thơ chị vừa nồng nhiệt, táo bạo vừa thiết tha, say đắm, dịu dàng; vừa hồn nhiên, giàu trực cảm vừa lắng sâu những trải nghiệm suy tư. Sóng được sáng tác năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào ( 1968), là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ độc đáo của chị. Đoạn thơ gồm 6 câu thuộc phần giữa của bài thơ ( trích thơ) b/Về đoạn thơ trong Đất Nước (1,5 điểm) a.1/ Về nội dung (1,0 điểm) - Ở lần định nghĩa thứ nhất, cả Đất và Nước đều là không gian tồn tại rất thân thuộc, rất riêng tư gắn bó của “anh” và “em”. Kết hợp chất liệu thực tế, diễn tả giản dị, cách giải thích tỉ mỉ của nhà thơ khiến ta hình dung ra được một cách cụ thể: Đất Nước là con đường, mái trường, dòng sông, bến nước…gắn bó thân thuộc với đời sống học tập, sinh hoạt của con người. Đất nước còn gắn bó với những tình cảm riêng tư, chứng kiến tình yêu lứa đôi với bao niềm thương, nỗi nhớ. - Ở lần định nghĩa thứ hai, từ không gian gần gũi, Đất Nước trở nên xa xôi, mênh mông như huyền ảo. Nhà thơ đã đưa Đất Nước từ của thần linh trở thành Đất Nước của nhân dân.Từ đó có thể hiểu rằng: Đất nước là núi, là rừng, là sông, là biển với tài nguyên phong phú. a.2/ Về nghệ thuật (0,5 điểm) - Đọan thơ sử dụng sáng tạo các yếu tố ca dao, truyền thuyết dân gian, với cấu trúc ngôn ngữ “ Đất là…, Nước là…Đất Nước là…”, nhà thơ đã định nghĩa bằng cách tư duy “chiết tự” để giải thích, cắt nghĩa hai tiếng Đất Nước thiêng liêng. - Giọng thơ trữ tình-chính luận b/Về đoạn thơ trong bài Sóng (1,5 điểm) b.1/ Về nội dung (1,0 điểm) - Nhà thơ suy tư về nỗi nhớ của con sóng. Nỗi nhớ choáng ngợp cả không gian “ dưới lòng sâu – trên mặt nước”, trải dài theo thời gian “ ngày đêm không ngủ được”. Dù ở bất kì đâu sóng cũng chỉ có một nơi để nhớ, để thương đó là bờ. - Mượn hình tượng sóng nhớ bờ để diễn tả nỗi nhớ vẫn chưa đủ, chưa thoả, Xuân Quỳnh còn bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ của mình một cách chân thành, bạo dạn “Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ tràn cả vào trong cõi vô thức. b.2/ Về nghệ thuật (0,5 điểm) - Lối điệp cú pháp kết hợp với hình thức đối lập: trên - dưới; ngày – đêm; thức - ngủ…đã góp phần thể hiện một nỗi nhớ cháy bỏng, da diết của sóng với bờ hay cũng chính là nỗi nhớ của người con gái khi yêu. - Sóng là hình ảnh ẩn dụ. Đến khổ thơ này, em đã tách ra khõi sóng để diễn tả chân thực nỗi nhớ lạ lùng, biểu hiện của lòng chung thuỷ của người con gái trong tình yêu. c/Về sự tương đồng và khác biệt (1,5 điểm) - Tương đồng: Ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, hai thi phẩm, trong đó có hai đoạn thơ đề hướng đến vẻ đẹp tình yêu đôi lứa. Nỗi nhớ không chỉ là xúc cảm, là biểu hiện thường nhật trong tình yêu lứa đôi mà đó còn là vẻ đẹp của nhân tính, là thước đo của một tình yêu thuỷ chung, son sắc. Mỗi đoạn thơ đều gồm 6 câu, thể hiện cảm hứng lãng mạn, một trong những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. (0,5 điểm) - Khác biệt: Ở Đất Nước, sử dụng thể thơ tự do, đậm đặc chất văn hoá dân gian, Đất Nước được cảm nhận bằng tình lứa đôi, nghiêng về phía không gian riêng tư, khiến cho việc lí giải Đất Nước trở nên gần gũi, thân thuộc, mới mẻ. Ở Sóng, với thể thơ ngũ ngôn truyền thống, nhà thơ diễn tả trực tiếp tình cảm lứa đôi, thông qua nỗi nhớ của người con gái vừa nồng nàn, vừa mãnh liệt . (0,5 điểm) - Lí giải: (0,5 điểm) + Điểm giống nhau: Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ. Phải chăng vì thế mà khi viết về tình yêu, cả Nguyễn Khoa Điềm và Xuân Quỳnh đều diễn tả nỗi nhớ da diết, cháy bỏng đang trào dâng trong trái tim người con gái đang yêu. + Điểm khác nhau: Nguyễn Khoa Điềm viết về Đất Nước ở tuổi 28- tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và tình yêu nước thiết tha. Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng khi mới 25 tuổi – cái tuổi đầy căng sự sống, dạt dào tình yêu. Vì vậy khi đối diện với sóng, chị như thấy rõ tình yêu và nỗi nhớ đang trào dâng trong trái tim mình. Sự khác nhau giữa hai đoạn thơ còn có thể lí giải bởi sự khác nhau về phong cách thơ của hai tác giả. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư và dồn nén xúc cảm, mang màu sắc chính luận, thể hiện tâm tư của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Hồn thơ Xuân Quỳnh là một hồn thơ giàu nữ tính, là lời tự hát khi hạnh phúc, lời tự bạch khi muốn bày tỏ. Lưu ý chung: Thí sinh có thể làm bài theo những cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo những yêu cầu về kiến thức. Trên đây chỉ là những ý cơ bản thí sinh cần đáp ứng. . SỞ GD & ĐT BẮC NINH Đề 7 ĐỀ THI MINH HỌA –KÌ THI THPT QG 2015 Năm học 2014 – 2015 Môn: Ngữ Văn Lớp 12 Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian phát đề) PHẦN 1: ĐỌC. hề tính toán thi t hơn; bộc lộ trí thông minh, sáng tạo của tuổi trẻ, có kĩ năng sống khi xử lí hiệu quả tình huống nguy hiểm trong cuộc sống. Đó là kết quá của quá trình được giáo dục từ gia đình,. thường, được xem là một trong số những thi sĩ viết thơ tình hay nhất trong nền thơ Việt Nam từ sau năm 1 975 . Tình yêu trong thơ chị vừa nồng nhiệt, táo bạo vừa thi t tha, say đắm, dịu dàng; vừa

Ngày đăng: 28/07/2015, 09:31

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan