1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn từ góc nhìn thể loại

8 1K 5

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 8
Dung lượng 306,9 KB

Nội dung

Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn từ góc nhìn thể loại Vũ Thùy Trang Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Luận văn Thạc sĩ ngành: Văn học nước ngoài; Mã số: 60 22 30 Người hướng dẫn: PGS.TS. Đỗ Hải Phong Năm bảo vệ: 2014 Keywords. Tiểu thuyết; Văn học Mỹ Content I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Khi truy ngược về nguồn gốc của thể loại phiêu lưu, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong văn hóa văn học phương Tây, nguồn gốc của thể loại này có lẽ bắt đầu xuất hiện ở Thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, với bộ sử thi Odyssey của Homer. Khai thác chủ đề trung tâm là chủ nghĩa anh hùng qua câu chuyện kể về cuộc hành trình nguy hiểm của Odyssey, các nhà nghiên cứu cho rằng, chính Odyssey đã thiết lập một khuôn mẫu cho tất cả các cốt truyện phiêu lưu sau này. Có không ít tác phẩm đã đi theo khuynh hướng đó, bằng bút pháp sử thi và cảm hứng lãng mạn, khắc hoạ lại hình tượng người anh hùng chiến đấu và bảo vệ những lí tưởng cao đẹp như Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes, Ông già và biển cả, Đảo giấu vàng, Sáu người đi khắp thế gian Tiểu thuyết, với tư cách là một thể loại văn xuôi, ra đời rất lâu sau sử thi, và nhanh chóng trở thành một thể loại chủ đạo trong văn học hiện đại. Hầu hết các tác phẩm vĩ đại của văn học Thế giới Thế kỉ XIX - XIX đều được xây dựng trên thể loại tự sự này (Chiến tranh và hoà bình, Tấn trò đời, Những người khốn khổ, Giã từ vũ khí ). Đặc trưng bởi sức chứa một dung lượng hiện thực khổng lồ, tiểu thuyết gần như đã trở thành phương thức khắc hoạ và chuyển tải sinh động nhất hiện thực lịch sử nhân loại qua các thời kì. Nhiều hình tượng nhân vật, mô típ tiêu biểu của tiểu thuyết đã đi vào trong đời sống cũng như không ít những nguyên mẫu của cuộc đời đã bước lên trang sách qua bút pháp điển hình hoá. Trong nhiều chủ đề khác nhau của tiểu thuyết, có thể nói, tiểu thuyết phiêu lưu đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển chung của thể loại cũng như của toàn nền văn học. Theo Từ điển Văn học (2004), tiểu thuyết phiêu lưu là thể loại tiểu thuyết có cuộc phiêu lưu (the adventure), có các nhân vật tham gia trên một hành trình, đi khám phá những vùng đất mới và đấu tranh cho một lý tưởng xã hội. Những cuộc phiêu lưu này thường gắn với những yếu tố nguy hiểm, rủi ro, hay đơn giản chỉ là những thách thức mà nhân vật chính sẽ phải đối mặt trong toàn bộ cuộc hành trình. Thông qua việc thám hiểm, vượt qua những cơ hội và thử thách, các nhân vật sẽ khám phá ra những giá trị sống, những đích đến mà con người luôn hướng tới. Trong nền văn học hiện đại nói chung và văn học Mỹ nói riêng, Mark Twain có thể coi là một trong những tác giả có những đóng góp quan trọng ở thể loại tiểu thuyết. Với ưu thế trong nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật tạo tiếng cười thông minh, dí dỏm, Mark Twain đã làm nên sức sống vĩnh cửu cho các tác phẩm của ông. Chính nhà văn đã từng chia sẻ: Cái hài là ân huệ lớn nhất mà nhân loại được hưởng thụ. Đó là lí do mà mỗi thời đại, mỗi độc giả tìm đến các tác phẩm của ông đều tìm thấy sự đồng cảm, một khát vọng mơ hồ được giải thoát hay thoả mãn chính bản thân mình. Chất liệu hiện thực trong các tác phẩm của ông được khai thác từ những kí ức tuổi thơ trên dòng Mississippi hoang dã. Có thể thấy, với việc tập trung khắc hoạ tiếng cười và trẻ em, thành công đầu tiên của Mark Twain chính nằm ở việc ông đã biết chọn một đối tượng phản ánh hết sức gần gũi, phù hợp với độc giả. Tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của Mark Twain là một trong số những tác phẩm như thế. Tiếp nối Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, năm 1883, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn chính thức ra mắt độc giả sau hơn 5 năm thai nghén. Câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của cậu bé Huck thông minh, lém lỉnh và Jim - người bạn da màu bên dòng sông Mississippi hùng vĩ và những miền đất dọc bên sông. Đó cũng là con đường hai cậu bé vượt lên những bất công của xã hội, tìm đến tự do và hướng đến những lí tưởng cao đẹp. Đại văn hào Ernest Hemingways đã có một câu nói nổi tiếng: “Toàn bộ nền văn học Mỹ đương đại đều bắt đầu bằng “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”. Đó là tác phẩm hay nhất mà chúng ta từng có”. Thuộc thể loại tiểu thuyết phiêu lưu, theo như cái tên mà Mark Twain ngay từ đầu đã chọn đặt cho tác phẩm, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn nằm trong số những tác phẩm hành trình mà qua đó, nhân vật sẽ trưởng thành trong hành động và nhận thức. Cuộc du hành của Huck và bạn đồng hành đến những vùng đất khác nhau của nước Mĩ, gặp gỡ một loạt những con người khác nhau, trong số đó có cả những người du hành (travelers) chính là cái cớ cho mọi tình huống và những phát triển của hình tượng nhân vật. Bên cạnh đó, chúng ta còn hoàn toàn có thể bắt gặp yếu tố của một cuốn tiểu thuyết giáo dục (hay tiểu thuyết tập sự “apprenticeship novel”) qua câu chuyện về những trải nghiệm của cậu bé Finn cũng như những bài học về cuộc sống. Là một tác phẩm được dựng nên bởi nhiều đặc trưng thi pháp thể loại khác nhau, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn sẽ giúp cho chúng ta hình dung tổng thể về tiểu thuyết và tiểu thuyết phiêu lưu, trên hành trình từ khi định hình đến khi dần ổn định và hoàn thiện. Với một tác phẩm chứa đựng rất nhiều vấn đề lý thú, đa chiều, đa dạng về phong cách thể loại như Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, chúng tôi mong muốn rằng, việc khai thác và tìm hiểu chất phiêu lưu - yếu tố trung tâm độc đáo trong tác phẩm này sẽ đóng góp thêm một đánh giá mới về những phương diện làm nên thành công vang dội của tác phẩm. Bên cạnh đó, thông qua việc chỉ ra những đặc sắc toàn diện từ nội dung đến nghệ thuật, chúng tôi muốn góp phần khẳng định lại vị trí của Mark Twain trong nền văn học Mỹ hiện đại với vai trò là người cách tân, đổi mới quan trọng về thể loại văn học. II. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Có không ít những tên tuổi lớn đã làm nên dấu ấn và sự thành công của văn học Mỹ như Ernest Hemingway, Edgar Adlan Poe, Walt Whitman, Henry James, Jack London, William Faulkner, John Steinbeck, Saul Bellow, Toni Morrison… Trong số đó, không thể không kể đến Mark Twain với những tác phẩm được độc giả nhiều thế hệ ngưỡng mộ cùng những đóng góp quan trọng trong sự định hình, cách tân thể loại tiểu thuyết hiện đại. Sau đây, chúng tôi sẽ điểm qua một số các công trình nghiên cứu về Mark Twain trong phạm vi tư liệu bao quát được.  Tư liệu bằng Tiếng Việt Trước hết có thể kể đến những công trình tổng quan về văn học phương Tây, trong đó có nền văn học Mỹ và những tác giả tiêu biểu như: Lịch sử văn học phương Tây, Văn học phương Tây của nhóm tác giả Đặng Anh Đào, Phùng Văn Tưu, Hoàng Nhân… Đi vào chi tiết hơn, chúng tôi có khảo sát cụ thể nền văn học Hoa Kỳ nói chung và tác giả Mark Twain nói riêng trong một số chuyên luận của các tác giả: Hữu Ngọc (Hồ sơ văn hoá Mỹ), Lê Huy Bắc (Văn học Mỹ, Mark Twain và Tom Sawyer), Nguyễn Đức Đàn (Hành trình văn học Mỹ), Lê Đình Cúc (Văn học Mỹ - Mấy vấn đề về tác giả; Lịch sử văn học Mỹ). Bên cạnh đó, những bài báo, bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành của các nhà nghiên cứu Giang Tân, Thanh Việt Thanh, Huy Liên, Lê Huy Bắc, Lê Đình Cúc cũng đã gợi mở cho chúng tôi những tư liệu, những vấn đề quan trọng trong quá trình tiếp cận và khảo sát đối tượng. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu, các chuyên luận, bài viết đều theo hướng khẳng định và tôn vinh tác giả Mark Twain và những tác phẩm của ông. Tuy nhiên, có thể thấy nổi lên hai vấn đề chính: giá trị hiện thực và tính hài hước trong tác phẩm của Mark Twain. Trong đó, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn được nhắc đến như hai kiệt tác để đời của đại văn hào. Nhận định về Mark Twain, có không ít những nhà nghiên cứu đã đưa ra những đánh giá trên nhiều diện thành tựu mà ông mang lại cho văn học Mỹ Thế kỉ XIX. Các tác giả Đặng Anh Đào, Phùng Văn Tửu, Hoàng Nhân trong cuốn Văn học phương Tây (1998) đã khẳng định Mark Twain “Là nhà văn lớn nhất của Mỹ Thế kỉ XIX, với những tác phẩm mà giá trị phê phán, tính chất hiện thực và yếu tố hài hước hoà quyện vào nhau tạo nên một phong cách độc nhất vô nhị” [39, tr. 450 – 451]. Không những thế, các nhà nghiên cứu còn cho rằng nhà văn đã dùng cái hài như một phương thức tư duy nghệ thuật để chuyển tải nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc; Lấy châm biếm và hài hước làm vũ khí, Mark Twain đã phê phán sâu sắc nhiều mặt xã hội Mỹ Thế kỉ XIX. Văn của Mark Twain luôn ngộ nghĩnh, dí dỏm khiến người đọc luôn mỉm cười; Mặc dù giọng văn có vẻ hài hước nhưng những sự kiện được nêu ra luôn luôn có một giá trị sâu sắc và thực tế. Tuy trong các tác phẩm của ông luôn có những nét hài hước hấp dẫn không bao giờ cạn nhưng vẫn bắt nguồn từ một suy nghĩ nghiêm túc sâu sắc. Một số nhà nghiên cứu khác tập trung phân tích tiếng cười đa bậc trong sáng tác của Mark Twain. Tác giả Hữu Ngọc của công trình Hồ sơ văn hoá Mỹ khẳng định: “Trong cái cười cợt của Mark Twain lắng u buồn của một tâm hồn còn tin vào lý tưởng, ngay cả trong những tác phẩm cuối đời rất bi quan”[24;tr. 80]. Tác giả Giang Tân trong bài Chất hài của Mark Twain (Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số 209 ra ngày 21/01/1982) cho rằng cái hiện thực phản ánh trong tác phẩm của Mark Twain cũng là hiện thực của đất nước, con người Mỹ, trong cái nhìn phê phán những điều lạc hậu và đả kích những bất công: “Nội dung truyện của Mark Twain mang chất hài từ đầu đến cuối, cái cười có khi tươi mát, có khi chua xót, mang được nội dung, tư tưởng của thời đại.”[34, tr. 52]. Như vậy, có thể thấy, giá trị hiện thực và tiếng cười đa sắc thái chính là hai điểm nổi bật trong đặc trưng phong cách của Mark Twain. Cùng với Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn cũng nhận được nhiều ý kiến đánh giá từ phía các nhà nghiên cứu. Các tác giả của cuốn Bách khoa toàn thư tuổi trẻ - Văn học và nghệ thuật, bên cạnh việc khẳng định Mark Twain là Lincoln của nền văn học hiện thực Hoa Kỳ Thế kỉ XIX, khi đề cập đến tác phẩm này còn đưa ra nhận định: “Cuốn tiểu thuyết này vừa miêu tả tinh tế hiện thực chủ nghĩa lại vừa có sự phân tích tâm lí cụ thể, lại có cả những cảnh tượng kỳ ảo, hào hứng… Nó sử dụng phổ biến các loại khẩu ngữ, tục ngữ, tiếng lóng dân gian, vừa giàu hơi thở đời sống lại vừa lưu loát gọn gàng” [43;tr. 250]. Cũng trên quan điểm ấy, các tác giả của công trình Thập đại tùng thư - Mười đại văn hào thế giới (Phong Đảo dịch) đưa ra những nhận xét xác đáng: “Việc tạo dựng hình tượng nhân vật chính Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn là một đột phá trong nền văn học Mỹ… Huck rất ít màu sắc lãng mạn, chú trọng thực tế, sáng suốt và chú ý nhiều đến kinh nghiệm”[44;tr. 295]. Đây có thể coi là một gợi mở để người đọc tiếp cận đặc điểm và tính cách của Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn. Tác giả Lê Đình Cúc trong chuyên luận Lịch sử văn học Mỹ, khi bàn về Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer cho rằng, đây: “Không chỉ nói đến số phận con người mà còn là bức tranh rộng lớn, miêu tả nhiều mặt đời sống xã hội Mỹ” [9; tr.16]. Trong bài viết Nghệ thuật châm biếm - hài hước trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (Tạp chí Châu Mỹ ngày nay số 5/1997), tác giả Lê Huy Liên cũng đã chỉ ra tiếng cười trong tác phẩm của Mark Twain được tạo ra từ sự đối lập giữa thế giới trẻ thơ hồn nhiên và thế giới người lớn nguy hiểm, xấu xa. Tiếng cười đa thanh ở đây được tạo ra trên nhiều cung bậc từ hồn nhiên, dí dỏm cho đến mỉa mai, chua xót. Ngoài ra có thể kể đến những công trình nghiên cứu gần với đề tài chúng tôi lựa chọn như luận văn của thạc sĩ khoa học Ngữ văn Phan Thị Kim Oanh với đề tài:“Nghệ thuật hài hước, châm biếm trong Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”. Luận văn của tiến sĩ khoa học Ngữ văn Dương Thị Ánh Tuyết với đề tài: “Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Mark Twain” cũng là những công trình gợi mở và rút kinh nghiệm cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện đề tài này.  Tư liệu bằng tiếng nước ngoài Các tác phẩm của Mark Twain và phong cách nghệ thuật đặc trưng của ông đã trở thành đối tượng nghiên cứu của không ít các học giả trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong phạm vi cho phép của đề tài, chúng tôi đã tiến hành khảo sát những công trình nghiên cứu quan trọng về Mark Twain và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn ở những khía cạnh gần với đề tài và đối tượng nghiên cứu nhất. Tác giả Kathryn VanSpanckeren khi nghiên cứu về Mark Twain cùng tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn trong Đại cương văn học Hoa Kỳ (1990), ngoài việc ghi nhận nghệ thuật sử dụng tiếng lóng và phương ngữ, còn nhận định: “Với Twain và các nhà văn Hoa Kỳ khác ở cuối Thế kỉ XIX, chủ nghĩa hiện thực không chỉ là kỹ thuật văn chương. Nó là cách thức để nói sự thật và làm nổ tung tập quán cũ mèm. Vì vậy, đó là sự giải phóng dữ dội và là mối bất hoà tiềm tàng với xã hội. Ví dụ tiêu biểu nhất là: Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn, cậu bé nghèo quyết định nghe theo tiếng nói lương tri mình, giúp một nô lệ da đen bỏ trốn đến vùng tự do, ngay cả khi Huck nghĩ rằng việc làm đó có nghĩa rằng cậu sẽ bị đày xuống địa ngục vì vi phạm pháp luật” [19;tr. 48]. Nói cách khác, tác giả công trình đã gợi mở một phương diện tiếp cận Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn với tư cách là nhân vật bị chối bỏ, phủ nhận thực tại và khao khát tìm kiếm tương lai tươi sáng. Cũng bàn về Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, nhà nghiên cứu Everett Emerson trong cuốn Hợp tuyển Heath về văn học Hoa Kỳ (1998) bắt đầu bằng câu hỏi: “Tại sao cho đến nay Huckleberry Finn vẫn là cuốn sách nổi tiếng nhất của Mark Twain?”. Qua quá trình nghiên cứu, câu trả lời được đưa ra là bởi “trong cuốn sách đó, những tình cảm sâu sắc nhất của tác giả đã tìm thấy lối thoát. Thông qua phát ngôn viên Huck, trong một khoảng thời gian, ông có thể tìm thấy tự do cho bản thân từ sự câu thúc của văn hoá mà một phần trong ông đã lựa chọn để chấp nhận nó” (16;tr. 272). Peter Conn trong cuốn Văn học Hoa Kỳ (1989) lại tìm cách chỉ ra những đóng góp của Mark Twain trong sự đối sánh với Henry James, bằng cách trích lời Henry James: “Sự lựa chọn của tôi là thế giới cũ”, trong khi của Mark Twain là “thế giới mới” với tất cả “sự không phù hợp, sự đa dạng hầu như không thể phân loại của nó”. Peter Conn cũng xếp Mark Twain vào đội ngũ những nhà văn mang tư tưởng ủng hộ cái mới và tác phẩm của ông, hiển nhiên cũng sẽ bao hàm nhiều yếu tố hiện đại hơn các nhà văn cùng thời. Năm 1999, Emory Elliott - tổng chủ biên công trình Lịch sử Columbia về tiểu thuyết Hoa Kỳ cũng đưa ra những phân tích kỹ lưỡng về điểm nhìn dịch chuyển và cái tôi du hành - một đặc trưng nổi bật của tiểu thuyết phiêu lưu khi bàn về đối tượng chúng tôi nghiên cứu: “Mark Twain khám phá lại miền Nam thời tiền chiến trong Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn và Chàng ngốc Wilson để thẩm vấn hiện tại. Bằng cách dịch chuyển hành trình tự sự của Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn từ phía Bắc lên phí Nam, từ tự do đến nô lệ và hơn nữa, từ sự vận động của Jim như một nô lệ bỏ trốn đến trò khôi hài của Tom để trả tự do cho một con người tự do. Twain đang ghép đôi quá khứ với thực tại, miền Bắc với miền Nam, để tra vấn ý nghĩa của sự tự do cho người Hoa Kỳ gốc Phi và cả quốc gia nói chung dưới hậu quả của thời kì tái thiết (các bang miền Nam sau nội chiến 1861 - 1865)” [45;tr. 24]. Ngoài ra, khi nhận định cụ thể hơn về Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Miles Donald trong lời giới thiệu về Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn (1991) đã chỉ ra sự tiếp nối giữa hai cuốn tiểu thuyết: “Có lẽ sự khác nhau cơ bản nhất về phương diện thể loại giữa hai cuốn tiểu thuyết là quan hệ đối với người đọc. Nói ngắn gọn, mặc dù người lớn và trẻ con có lợi ở những cấp độ khác nhau và theo các cách khác nhau từ cả hai cuốn sách, nhưng Tom Sawyer nguyên thuỷ được viết cho trẻ em còn Huckleberry Finn nguyên thuỷ là viết về trẻ em nhưng lại dành cho người lớn” [tr. 12]). Cùng với đó, tác giả đồng thời khẳng định tầm vóc của Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn - một trong những tiểu thuyết xuất sắc hàng đầu của Hoa Kỳ: “Không nghi ngờ gì nữa, Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn là một trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất, ai đó có thể không đồng ý, nhưng nó là cuốn tiểu thuyết vĩ đại đầu tiên của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh, hành động, tính cách, đề tài và có lẽ địa hạt nổi trội nhất là ngôn ngữ tinh tuý của người Hoa Kỳ… Đây không chỉ là câu chuyện của Huck, mà còn là sự tường thuật của cậu ta. Cũng thế, sức thuyết phục nhanh chóng đã hé lộ rằng đây là một Huck mới với thái độ nước đôi nhiều hơn những trò trẻ con của Tom…” [tr. 19]. Từ một góc độ khác, Leo Marx trong bài Chàng hoa tiêu và vị hành khách (The pilot and the passenger) đã chỉ ra nhân tố quyết định sự thành công của tiểu thuyết này chính là phong cách trần thuật phương ngữ của Mark Twain: “Mục đích của tôi không phải là tâng bốc lối trần thuật phương ngữ như là một kỹ thuật siêu hạng phổ biến. Mỗi một nhà văn khám phá ra phương pháp tối ưu nhất phù hợp với sự cảm nhận cuộc sống mà anh ta sáng tạo. Đương nhiên, trong trường hợp này, sử dụng phương ngữ là sự giải phóng đối với Sam Clemens. Khi ông nhìn dòng sông bằng đôi mắt của Huck, bỗng nhiên ông được giải thoát khỏi những diễn đạt nhàm chán nào đó mà lẽ ra một nhà văn phải sử dụng. Hẳn là ngớ ngẩn khi để Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn miêu tả dòng sông Mississippi như là bức tranh phong cảnh siêu phàm” [50;tr. 57]. Như vậy, có thể thấy, một trong những yếu tố tạo nên chuyến phiêu lưu kỳ diệu của Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn chính là nghệ thuật miêu tả thiên nhiên qua ngôn ngữ của Huck. Một nhà nghiên cứu khác là Henry Nash Smith trong bài viết Một trái tim lành mạnh, một lương tri méo mó cũng đánh giá cao thành công về phương diện nghệ thuật trong Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Ông cho rằng: “Tác phẩm chứa đựng ba thành tố chính. Nổi bật nhất là câu chuyện về những cuộc phiêu lưu của Huck và Jim trong cuộc chạy trốn về miền tự do. Jim bỏ trốn khỏi ách nô lệ thực sự. Huck thì từ bỏ sự độc ác của cha cậu, từ bỏ những nỗ lực văn minh hoá với mục đích tốt đẹp của cô Watson và bà goá Douglas, từ bỏ sự trọng vọng và tập quán nói chung. Thành tố thứ hai trong tiểu thuyết là sự châm biếm xã hội đối với những thị trấn dọc bờ sông. Sự mỉa mai thường là khôi hài tột độ, đặc biệt là những tình tiết liên quan đến tên quận công và vua lưu manh, nhưng nó cũng liên quan đến bạo lực ghê sợ, như mối huyết thù Grangerford - Shepherson hay vụ giết lão Boggs không có khả năng tự vệ của đại tá Sherburn. Thành tố chính thứ ba trong cuốn sách là việc định hình đặc điểm tính cách đang phát triển của Huck”.[51; tr. 118]. Tác giả W.H.Auden trong bài viết Huck và Oliver lại chọn cách tiếp cận từ góc độ văn hoá đối với tác phẩm này. Ông đã chỉ ra sự khác nhau trong văn hoá Châu Âu và văn hoá Hoa Kỳ qua một số chủ đề như thái độ đối với thiên nhiên, đối với quy luật tự nhiên, đối với tiền bạc và mối quan hệ giữa chúng… khi so sánh đối chiếu hai tác phẩm nói trên: “Huckleberry Finn là một trong những cuốn sách chìa khoá cho việc tìm hiểu về văn hoá Hoa Kỳ” [tr. 112]. Tác giả bài viết cũng chỉ ra sự giống và khác nhau giữa hai nhân vật Huck và Artful Dodget bằng cái nhìn xã hội học văn hoá. Điểm này gợi mở cho chúng tôi nhiều phương diện khi nghiên cứu bản sắc Hoa Kỳ qua cuộc phiêu lưu của Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn. Như vậy, ngoài giá trị hiện thực và tiếng cười châm biếm như các nhà nghiên cứu trong nước đã chỉ ra, Mark Twain còn được các nhà nghiên cứu trên thế giới ca ngợi như một bậc thầy của việc sử dụng phương ngữ và nghệ thuật trần thuật tài hoa, chặt chẽ, mạch lạc. Những luận điểm đó đã gợi mở cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình tiếp cận cuốn tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn từ góc độ thể loại tiểu thuyết phiêu lưu. Tiếp thu và rút kinh nghiệm từ những luận điểm đó, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần khẳng định lại một lần nữa giá trị vững bền của tiểu thuyết nói trên cũng như tầm vóc và sự ảnh hưởng toàn nhân loại của đại văn hào nước Mỹ Mark Twain trong công trình nghiên cứu này. III. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU Tương ứng với tên đề tài: Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn từ góc nhìn thể loại, mục đích của luận văn này là nghiên cứu tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn dưới góc nhìn thể loại tiểu thuyết phiêu lưu. Để thực hiện mục đích đó, chúng tôi thực hiện những nội dung sau: - Tìm hiểu, khai thác và đánh giá phương pháp xây dựng cốt truyện trong tác phẩm. - Tìm hiểu, khai thác và đánh giá đặc trưng phương pháp xây dựng không gian & tổ chức và vận động thời gian trong tác phẩm. - Tìm hiểu, khai thác và đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật và những cách tân thể loại của Mark Twain. IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Chúng tôi tiến hành luận văn chủ yếu dựa trên phương pháp tiếp cận về thi pháp học văn bản, thi pháp học thể loại kết hợp với thi pháp học văn hóa. Luận văn cũng được tiến hành bằng một số thao tác nghiên cứu cụ thể như: khảo sát, thống kê, phân loại, phân tích, bình giá, tổng hợp, hệ thống, đối chiếu, so sánh đồng đại và nghịch đại. V. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn từ góc nhìn thể loại. (gọi tắt là Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn) Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi chọn khảo sát chính trên bản dịch tiếng Việt Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, dịch giả Xuân Oanh, NXB. Văn học 2002. Bên cạnh đó, chúng tôi tham khảo thêm nguyên bản tiếng Anh The Adventure of Huckleberry Finn, NXB. Charles L.Webster And Company, 1884. VI. CẤU TRÚC NỘI DUNG CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn của chúng tôi bao gồm 03 chương chính: Chương 1: Cốt truyện Chương 2: Không – thời gian Chương 3: Nhân vật References TIẾNG VIỆT 1. Aristote, (tái bản 1999), Nghệ thuật thơ ca, NXB Văn học. 2.Lại Nguyên Ân, (1998), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội. 3.Bakhtin Mikhail (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB. Hội Nhà văn, Hà Nội. 4.Lê Huy Bắc (2002), Văn học Mỹ, NXB. Đại học Sư phạm. 5.Lê Huy Bắc (2008), Cốt truyện trong tự sự, Tạp chí Văn học, (số 7), trang 34-44 6.Đào Ngọc Chương (1997), Mark Twain (1835 - 1910) trong truyền thống văn học Mỹ, Bình luận văn học, niên giám 1997, cuốn 1, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 7.Đào Ngọc Chương (1997), Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn - Nhân vật người kể chuyện và hành trình của thời đại, Bản photocopy. 8.Lê Đình Cúc (1986), Ngòi bút hiện thực phê phán và nghệ thuật hài hước của Mark Twain, Tạp chí Văn học, (số 3), trang 65 - 75. 9. Lê Đình Cúc (2004), Tác gia văn học Mỹ, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 10. Lê Đình Cúc (2007), Lịch sử văn học Mỹ, NXB.Giáo dục. 11. Chu Xuân Diên (1995), Văn hóa dân gian (folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành, Tủ sách Đại học Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh. 12. Nguyễn Đức Đàn (1996), Hành trình văn học Mỹ, NXB. Văn học Hà Nội. 13. Đặng Anh Đào (1995), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB. Giáo dục, Hà Nội. 14. Phan Cự Đệ (2003), Tiểu thuyết phiêu lưu và tiểu thuyết tâm lý, Tạp chí Nhà văn, (số 7), trang 81 - 110. 15. Lê Minh Đức, Nguyễn Nghị (1994), Lịch sử nước Mỹ, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 16. Everett Emerson, Hợp tuyển Heath về văn học Hoa Kỳ (1998), NXB. Văn hóa Thông tin. 17. Lê Bá Hán (chủ biên), 1999, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc Gia. 18. Hoàng Ngọc Hiến (2003), Nhập môn văn học và phân tích thể loại, NXB. Đà Nẵng. 19. Kathryn VanSpanckeren (1998), Phác thảo văn học Mỹ, Chương trình thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. 20. Kathryn VanSpanckeren (1998), Đại cương văn học Hoa Kỳ, Chương trình thông tin Quốc tế, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ 21. Lê Huy Liên (1997), Nghệ thuật châm biếm – hài hước trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay. 22. Phương Lựu (1999), Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, NXB. Văn học, Hà Nội. 23. Phương Lựu (chủ biên),2002, Lý luận văn học, NXB Giáo dục. 24. Hữu Ngọc (1995), Hồ sơ văn hóa Mỹ, NXB. Thế giới. 25. Mark Twain (2002), Những cuộc phiêu lưu của Hucklerberry Finn, (Xuân Oanh dịch), NXB. Văn học 26. Mark Twain (2003), Những cuộc phiêu lưu của Tom Saywer, (Vương Đăng - Minh Đức dịch), NXB. Văn học. 27. Xuân Oanh (1991), Lời giới thiệu in trong Những cuộc phiêu lưu của Hucklerberry Finn, NXB. Văn học. 28. Phan Thị Kim Oanh (2002), Nghệ thuật hài hước châm biếm trong “Những cuộc phiêu lưu của Hucklerberry Finn”, Luận văn Thạc sĩ ĐHSP. Hà Nội. 29. G.N. Pospelov (Chủ biên),1985, Dẫn luận nghiên cứu văn học (2 tập), NXB Giáo dục, Hà Nội. 30. Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, NXB. Giáo dục. 31. Trần Đình Sử (1996), Lý luận và phê bình văn học, NXB. Hội Nhà văn, Hà Nội. 32. Trần Đình Sử (chủ biên), 2004, Tự sự học - một số vấn đề lý luận và lịch sử, NXB. ĐHSP. 33. Nguyễn Kim Thành (2005), Hình thức tiểu thuyết phiêu lưu trong truyện của Mark Twain, Luận văn Thạc sĩ ĐHSP Hà Nội. 34. Giang Tân (1981), Chất hài trong tiểu thuyết Mark Twain, báo Văn nghệ Tp. HCM. 35. Tzvetan Todorov (2004), Thi pháp văn xuôi, (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), NXB. ĐHSP. 36. Dương Thị Ánh Tuyết (2009), Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Mark Twain, Luận án Tiến sĩ Viện Văn học. 37. Versluis.E.B (1995), Hình tượng con người trong Văn học Mỹ Thế kỉ XX, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay. 38. Nhiều tác giả, Văn học Mỹ - Quá khứ và hiện tại, NXB. Thông tin Khoa học Xã hội. 39. Nhiều tác giả (2001), Văn học phương Tây, NXB. Giáo dục. 40. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học, NXB. Thế giới. 41. Nhiều tác giả (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB. Giáo dục. 42. Nhiều tác giả (2004), Lý luận văn học, NXB. Giáo dục. 43. Nhiều tác giả (2002), Bách khoa toàn thư tuổi trẻ - Văn học và nghệ thuật, NXB.Phụ nữ. 44. Nhiều tác giả (2003), Thập đại tùng thư – Mười đại văn hào thế giới, NXB.Văn hóa thông tin. 45. Nhiều tác giả, Lịch sử Columbia về tiểu thuyết Hoa Kỳ. TIÊNG ANH 46. Brooks C. (1974), American literature, St Martin’s Press, New York. 47. Cuddon J.A (1992), Dictionary of literary terms and literary theory, Peguin Books, London. 48. Davis S.D. and Beidler P.D. (1984), The Mythologizing of Mark Twain, The University of Alabama Press. 49. Donald M. (1991), Introduction - Tom Sawyer and Hucklerberry Finn, Everymen’s Library. 50. Marx Leo (1988), The pillot and the passenger, Essays on Literature, Technology, and Culture in the United States, Oxford University . 51. Henry Nash Smith (1963); Mark Twain: A collection of Critical Essays, Prentice Hall, Inc. 52. Mark Twain, The Adventure of Hucklerberry Finn, NXB.Charles L.Webster And Company. 53. Mark Twain (1991), Tom Swayer and Huckleberry Finn, Everyman’s Library, London. . đề tài: Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn từ góc nhìn thể loại, mục đích của luận văn này là nghiên cứu tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn dưới góc nhìn thể loại tiểu. phẩm Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của Mark Twain là một trong số những tác phẩm như thế. Tiếp nối Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, năm 1883, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry. chính của luận văn là tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn từ góc nhìn thể loại. (gọi tắt là Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn) Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi chọn khảo

Ngày đăng: 17/07/2015, 10:48

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w