TÓM TẮT KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP (kèm theo công văn số 1888/KHTN-ĐT ngày 30/05/2011) Họ và tên: Nguyễn Thị Duyên Ngày sinh:08/10/1989 Ngành: Địa Môi Trường Khoa: Địa Chất Khóa: 52 Giáo viên hướng dẫn: TS. Phạm Thị Kim Trang. Tên đề tài: Tìm hiểu cơ chế giải phóng Asen từ trầm tích vào nước ngầm. Minh họa tại Vân Cốc - Đan Phượng, Hà Nội. Từ khóa (một số từ liên quan tới KLTN): Đan Phượng, ô nhiễm, sức khỏe, tương quan. Tóm tắt (khoảng 300 từ): Nước ngầm là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với con người. Nước ngầm ít bị ô nhiễm chất hữu cơ và vi khuẩn hơn nước mặt, bên cạnh đó trữ lượng nước ngầm cũng rất dồi dào. Do đặc điểm này, giá trị sử dụng lớn nhất của nước ngầm có độ khoáng hóa thấp là khai thác làm nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của con người và nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên khi sử dụng nước ngầm con người lại phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm các nguyên tố vi lượng trong nước ngầm cao hơn nước mặt, điển hình là ô nhiễm sắt, mangan, asen, flo, brom Asen là một trong những nguyên tố vi lượng có khả năng gây ô nhiễm nước ngầm trên diện rộng. Ô nhiễm asen trong nước ngầm đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình là BangLadesh, Tây Ben Gan (Ấn Độ). Ở Việt Nam, từ năm 1990 phát hiện ô nhiễm asen trong nước giếng khoan (nước từ tầng chứa nước Holocene) và hai vùng đã được điều tra, khảo sát tương đối kỹ là vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mêkông về cả mức độ ô nhiễm và khu vực ô nhiễm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều giả thuyết đặt ra xung quanh vấn đề ô nhiễm asen trong nước ngầm và chưa được giải thích một cách thỏa đáng: Ô nhiễm asen diễn ra như thế nào trong các tầng chứa nước và cơ chế nào giải phóng asen từ trầm tích vào nước ngầm? Liệu giả thuyết về cơ chế giải phóng asen trong môi trường ôxi hóa đúng hay cơ chế giải phóng asen trong môi trường khử đúng? Hiện tại giả thuyết về quá trình hòa tan asen từ trầm tích có tính khử đang được chứng minh qua thực tiễn tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc hiểu rõ hơn bản chất của quá trình ô nhiễm asen sẽ cung cấp cơ sở khoa học để giải quyết các bài toán về quy hoạch khai thác nước ngầm bền vững cũng như áp dụng công nghệ xử lý nước ngầm phù hợp cho từng khu vực ô nhiễm. Chính vì lý do đó em đã lựa chọn đề tài “Tìm hiểu cơ chế giải phóng Asen từ trầm tích vào nước ngầm. Minh họa tại huyện Đan Phượng, Hà Nội” Nhằm góp phần tìm hiểu kỹ hơn cơ chế, quá trình hình thành asen trong nước ngầm.