Đà Lạt - Thành phố hoa trong cảnh xuân vĩnh viễn

7 186 1
Đà Lạt - Thành phố hoa trong cảnh xuân vĩnh viễn

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Thành phố hoa trong cảnh xuân vĩnh viễn Tác giả: HOÀNG THIẾU SƠN - TẠ THỊ BẢO KIM 1. Rừng thông bát ngát dưới bầu trời nhiệt đới do chính Yécxanh phát hiện giá trị trước tiên cách ngày nay gần một thế kỷ Những thân cây cao, thanh thanh, đỡ lấy một tấm màn lá hình kim dàn mỏng như một bức thành bao la. Giữa đất với trời không có gì ngăn cách hoàn toàn, nắng vẫn tràn xuống, nhưng qua tán rừng, đã dịu mát hẳn đi; nắng như mung lung, huyền ảo giữa tiếng gió vi vu suốt ngày, triền miên trrong tiếng thông reo không bao giờ đứt. Rừng ở đây không vây kín lấy ta, không chiếm lĩnh hết không gian. Tuy rừng bao la nhưng chỉ có làn hương thông tươi như quyện lấy ta, lùa vào chân tơ kẽ tóc, thấm vào thịt da. Thứ hương thơm thoang thoảng, bất tận, tràn lan trên khắp mặt cao nguyên, nhiều lúc chập chờn kéo vào các phố phường đông đúc, đó là làn hơi thở muôn đời của Đà Lạt. Rừng thông Đà Lạt phủ kín những sườn đồi, những thung lũng, từ cao nguyên nhìn xuống xanh mượt như nhung, xanh quanh năm, không theo thời tiết mà thay mầu đổi sắc. Từ các thung lũng, thông leo lên sườn núi, sườn đồi, thế đứng chênh vênh mà chân vẫn thẳng tắp hiên ngang. Thành phố Đà Lạt là một vùng đồi thông chập chùng. Thông còn trải ra mênh mông hơn mười vạn hecta trên mặt cao nguyên Lâm Viên như dựng lên trước mắt du khách quang cảnh những rừng xanh bất tận miền Bắc Âu xa xôi, mà ở ngay dưới bầu trời nhiệt đới này. Rừng thông không những đẹp mà còn rất quý nữa, gỗ thông có vân như mây như khói, màu sắc thanh thanh, người ta thường xẻ thành lớp mỏng đem dán lên những đồ đạc đóng bằng các thứ gỗ khác như một lớp trang sức. Nhật Bản vẫn mua gỗ thông Đà Lạt với giá đắt, đem về chế biến rồi bán khắp thế giới; trước đây thông ấy xuất khẩu ở Cam Ranh có tới hàng vạn mét khối. Đà Lạt đang hứa hẹn một ngành sản xuất triển vọng tốt đẹp là công ngiệp hóa chất xenlulô. Với hàm lượng xenlulô đứng hàng đầu các loại gỗ, thông Đà Lạt là một nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp sản xuất giấy, sản xuất sợi, len, lông thú nhân tạo, rượu, thức ăn gia súc và hàng chục loại chất dẻo khác nhau, rất cần cho nhiều ngành kinh tế khác trong nước. Ngoài ra các loại dầu thơm chưng cất từ nhựa thông còn được dùng rộng rãi trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, chế biến sơn, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu. Thông Đà Lạt lại là thông ba lá nên lượng tinh dầu cao hơn thông hai lá mọc ở những vùng thấp bên dưới. * Cách ngày nay gần trăm năm, năm 1893, một thầy thuốc chưa đầy ba mươi tuổi đi qua cao nguyên Lang Biang này, đã đặc biệt chú ý đến những rừng thông rộng lớn này: đó là Alếcxăng Yécxanh, người chỉ ba năm sau đã trở thành nhà bác học, ân nhân của loài người vì phát hiện ra vi trùng dịch hạch và phát minh thuốc chủng phòng trừ dịch hạch. Trước mắt người thầy thuốc ấy thì cao nguyên mát mẻ, không khí ngát mùi thơm têrêbentin, ở giữa một nơi quanh năm chỉ một mùa hè như miền Nam nước ta, thật là giá trị trong việc bồi dưỡng sức khỏe cho con người. Năm 1899 theo yêu cầu của toàn quyền Đông Dương - Pôn Đume - muốn tìm nơi lập khu nghỉ mát ở miền núi, Yécxanh giới thiệu vùng rừng thông này. Thế là vào những năm cuối thế kỷ trước, việc đặt đường giao thông lên Lang Biang bắt đầu. Giữa khoảng rừng quê hương của người Lạt, người Mạ, cất lên vài ba ngôi nhà gỗ, khai sinh cho thành phố Đà Lạt tương lai. Cái tên Đà Lạt do đâu mà có? Chắc là do ghép tên suối Đak Cam Ly với tên bộ lạc người Lạt, thành ra Đà Lạt; nhưng có người lại cho là bằng cách ghép những chữ đầu trong một câu tiêu ngữ tiếng Latinh mà nội dung nói rõ giá trị của vùng rừng thông này "Dat aliis laetitiam, aliis temperiem", nghĩa là "đem cho người này niềm vui thích, cho kẻ nọ thời tiết tốt". Việc đặt tên do ghép chữ như thế chẳng biết có thật không, có thể là tiêu ngữ ấy đã được đặt ra sau khi đã có tên Đà Lạt rồi. Mãi đến năm 1911, toàn quyền Anbe Xarô mới quyết định cho lập khu an dưỡng ở đây. Rồi sau đó chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, các công chức Pháp ở Đông Dương đến hạn nghỉ không về được Pháp, đã kéo nhau lên Đà Lạt. Nhân thế mà kế hoạch xây dựng thành phố được đẩy mạnh. Bấy giờ khách sạn Lang Biang - Palaxơ ra đời; đất đai bên hồ Cam Li nay gọi là hồ Xuân Hương, được chia lô để bán cho tư nhân làm biệt thự. Hàng chục mẫu kiến trúc biệt thự được đưa ra để lựa chọn. Hồ Cam Ly hình dạng như mảnh trăng lưỡi liềm, ngay từ đầu đã thu hút sự chú ý của các kiến trúc sư xây dựng thành phố. 2. Giữa thành phố mà đồi gò, bãi cỏ, rừng cây, hồ, suối và cả thác nữa: thành phố giữa rừng, thành phố công viên Trung tâm Đà Lạt ngày nay ở một vị trí cao và rộng, giữa là quảng trường Hòa Bình, phía dưới một chút là chợ xây cao tầng; tầng dưới bán thực phẩm và tạp phẩm, tầng giữa bán vải vóc, đồ may mặc, giày dép, tầng trên đang dành để xây tiếp lên nữa. Quanh chợ san sát những tiệm ăn, hiệu buôn, khách sạn, toàn là mới xây gần đây, kiến trúc duyên dáng. Nhà ga, bến xe, nhà bưu điện đều ở phía nam thành phố, phía tây có sân bay. Thành phố mở rộng nhanh về phía bắc, dân số đã mười vạn người. Đà Lạt là một thành phố nghỉ mát, mỗi biệt thự có vườn tược tươi mát, là một tổng thể hài hòa thuộc nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, tuyệt không có nhà nào giống nhà nào cả, đặc biệt là những nhà làm toàn bằng gỗ thông theo kiểu nhà miền núi Thụy Sĩ; nhiều biệt thự, khách sạn có cả vườn rất rộng gồm bãi cỏ xanh bát ngát, những cổ thụ thân cao bóng cả. Đường trong thành phố lúc lên, lúc xuống, lượn quanh các sườn đồi, hai bên đường cỏ mọc mượt mà, thông reo vi vu, hoa chẳng ai trồng mà nở đỏ, trắng, tím, hồng, vàng. Cả thành phố thật là một vườn hoa mênh mông nằm giữa rừng thông bát ngát. Và trong thành phố đâu cũng có suối, có hồ, còn thác nước thì làm sao mà đếm cho hết được. Suối quanh năm không bao giờ ngừng chảy, thác quanh năm không bao giờ ngừng reo. Ở giữa thành phố, trước mặt các khách sạn lộng lẫy là hồ Xuân Hương, trên bờ hồ có vườn Bích Câu; khách có thể đến bờ hồ câu cá, bơi lội, chèo thuyền thoi hoặc dong thuyền buông cánh buồm trắng toát cho gió nhẹ đưa đi, hoặc ngồi dưới những rặng liễu thướt tha, những gốc thông cổ thụ mà ngắm những đôi thiên nga thanh thản lướt trên hồ. Quanh hồ toàn những đồi thông thoai thoải. Bên phía tây cách quảng trường Hòa Bình chỉ một quãng đã thấy mấy quả đồi liền nhau, cỏ mọc xanh rờn như một tấm thảm bát ngát, nhẹ nhàng lên xuống như sóng lượn, đó là đồi Cù, cỏ mượt mà, tươi thắm như vậy, là nơi diễn ra một môn thể thao rất quý tộc, nguồn gốc từ bên xứ Xcốtlen thuộc nước Anh, người chơi phải dùng gậy đầu mút quắp lại để đánh một quả cầu nhỏ bằng gỗ rơi vào đúng mười tám cái lỗ liên tiếp trên mặt thảm cỏ, môn thể thao này gọi là đánh golf. Đà Lạt lại còn nét đặc sắc là ngay trong thành phố mà có suối chảy quanh co, róc rách. Một dòng suối đổ vào hồ Xuân Hương ở phía bắc, rồi một dòng khác từ hồ chảy ra ở phía nam, luồn xuống dưới một chiếc cầu nhỏ gần bến xe. Chân đập là một cái đập ngăn dòng suối lại để điều hòa mực nước trong hồ. Cả hai dòng suối đều mang tên là Cam Li, dòng chảy từ hồ ra cũng được gọi là Suối Vàng. Chảy ra xa hồ đó 2 kilômét thì nó phải qua một đoạn ngổn ngang những khối đá hoa cương, tạo ra thác Cam Ly, một thắng cảnh nổi tiếng, không có gì hoang sơ, hùng vĩ, nhưng xinh xắn lạ thường. Dòng thác chảy qua những đình, những tạ, những cầu, ghế đá, bồn hoa của một công viên tráng lệ. Phía dưới thác có nhà máy thủy điện Suối Vàng là nhà máy thủy điện đầu tiên thắp sáng cho Đà Lạt, ngày trước có tên là nhà máy thủy điện Cam Ly. Phía đông thành phố có một cái hồ nhỏ có tên rất gợi cảm là hồ Than Thở, nằm giữa rừng thông tĩnh mịch. Phía Bắc còn có những hồ Đa Thành, Đa Thiện, nơi nào cũng có thể trở thành những công viên đẹp, ven bờ nơi là những hàng liễu thướt tha, những gốc thông cổ thụ, nơi là những tán cây pơ mu thon thả lá nhỏ xinh xắn, những bóng cây vượng tùng xanh như rêu. Còn gì lí thú bằng những lúc nhàn rỗi, ngồi trên các bờ hồ êm ả, như Hàn Mạc Tử: Để nghe dưới đáy nước hồ reo, Để nghe tơ liễu run trong gió 3. Quý nhất ở Đà Lạt là khí hậu cao nguyên nhiệt đới "tứ thời xuân" Đà Lạt ở độ cao 1.530 mét, những tháng hè "nóng nung người" ở các nơi thì ở Đà Lạt nhiệt độ trung bình không quá 20 o C, nóng nhất là tháng V cũng mới chỉ 19,8 o C thôi, ra đường vào lúc sáng hay chiều người Đà Lạt vẫn mặc áo len mỏng hay khoác măng tô nhẹ. Sang cuối tháng X trời mới trở rét. Không còn những trận mưa rào mau tạnh nữa, mà chỉ lất phất mưa bay, hay là sương nhẹ như khói, huyền ảo như thực, như hư, đúng như Hàn Mạc Tử đã tả trong bài Đà Lạt trăng mờ: Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ, Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt. Chân trời như xích gần lại và rừng thông như trầm lắng thêm: Hàng thông lấp loáng đứng trong im, Cành lá in như đã lặng chìm, Hư thực làm sao phân biệt được, Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm. Đà Lạt có mùa đông lạnh, nhưng lạnh khác ngoài Bắc ở chỗ rất mực điều hòa. Gió đông bắc thổi liên tục từ tháng XI đến tháng III, nhưng không phải cái gió mùa đông bắc từ Bắc Á thổi đến đem theo những đợt rét đột ngột như ở miền Bắc, mà là gió từ biển đông thổi vào, thứ gió nhiệt đới gọi là gió mậu dịch hay tín phong, chỉ làm trời trở lạnh dần dần, lạnh nhất thường vào tháng XII, rồi lại ấm lên dần dần, nhiệt độ lên xuống chẳng là bao, chỉ vài ba độ; nhiệt độ trung bình tháng nào cũng chỉ lên xuống khoảng từ 16 đến 18 o C. Thời tiết rất ít nhiễu loạn đột ngột. Những ngày rét nhất không mấy khi xuống dưới 10 o C. Năm 1900 Đà Lạt ba lần có tuyết, nhưng số lần nhiệt độ xuống dưới 0 o C thì ít hơn ở Sa Pa nhiều, vì tuy hai nơi đều ở độ cao gần ngang nhau, nhưng Đà Lạt ở gần xích đạo hơn Sa Pa những 11 o vĩ tuyến cơ mà. Đối với các nhà khí hậu học thì nhiệt độ trung bình hàng tháng mà còn cao trên 10 o C thì chưa được coi là mùa đông, mà chưa lên đến 20 o C thì không cho là mùa hè được. ở Đà Lạt trong một năm, tháng nóng nhất nhiệt độ trung bình chưa lên tới 20 o C, và tháng lạnh nhất trung bình chưa xuống tới 16 o C, như vậy là không có cả mùa hè lẫn mùa đông. Cả mười hai tháng trời đều mát, có điểm mưa rào hoặc mưa bay nên suốt năm như chỉ có một mùa xuân, và cứ thế năm này qua năm khác. Mùa xuân kéo dài không dứt, đó là loại khí hậu được gọi là mùa xuân vĩnh viễn của núi cao nhiệt đới. Nói rằng Đà Lạt có khí hậu ôn đới là quá sai về mặt khoa học, vì đã ở đới này thì làm sao mà có khí hậu đới khác được, và nếu có như thế thì người ta sẽ chia bề mặt địa cầu ra làm đới để làm gì? Vả lại khí hậu Đà Lạt dễ chịu hơn khí hậu ôn đới là nơi một năm có đủ bốn mùa xuân, hạ thu, đông, phân biệt rõ ràng hơn ở bất kì đới khí hậu nào. Ngày hè ôn đới nóng bất thường có thể lên quá 30 o C, còn mùa đông thì thường rét dưới 0 o C, nhưng ở Đà Lạt mà có rét thì cũng chỉ là se se lạnh thôi. Đà Lạt không chỉ là nơi nghỉ mát mùa hè, mà khách có thể tới quanh năm không có cản trở nào về thời tiết cả. Đà Lạt bao giờ cũng yên tĩnh êm đềm, gió lạnh cũng như gió mát đều thổi nhè nhẹ, ngay cả những cơn giông mùa hè cũng không hề dữ dội vì rừng phủ kín đất, không có mấy nơi núi trọc cho nắng hun đốt làm không khí vút lên cao, xoáy thành lốc, mà dù có gió mạnh thì rừng cây bạt ngàn cũng thừa sức cản, làm cho dông tố chóng tan. Trong khi ở dưới đồng bằng về mùa hè, thì không khí trên Đà Lạt vẫn trong, mát, vừa thơm lại vừa nhẹ. Áp suất không khí ở độ cao trên 1.500 mét này giảm xuống dưới mức khí áp trung bình nhiều, làm cho máu trong cơ thể lưu thông dễ dàng. Hơn nữa chất thơm têrêbentin từ nhựa thông tỏa ra khác gì dầu xông khiến người từ đồng bằng lên thấy nhẹ nhàng, khoan khoái, mất chứng chóng mặt, nhức đầu. Trẻ em thì chỉ ở đây một tuần là đã ham ăn, ngủ ngoan, trở nên hoạt bát hiếu động. Rồi rau xanh, quả ngọt, sữa tươi, thịt bò, từ các ấp trại ngày ngày đưa vào thành phố, bồi bổ cho người tới đây an dưỡng rất chóng lên cân. Rừng thông còn tỏa ra một lượng khí ô dôn làm tăng số hồng cầu trong máu, và cả những chất có tính năng diệt nấm, khuẩn, nên không khí ở rừng thông thật trong sạch. Rừng thông núi cao trên thế giới, thường không ít những người già sống trên trăm tuổi, và rất hiếm có người mắc các bệnh tim, phổi, thần kinh, là những bệnh phổ biến ở các thành phố công nghiệp. Đà Lạt là nơi an dưỡng tốt và đẹp nhất nước ta vậy. Khí áp thấp và không khí lạnh quả có phần bất lợi cho những người đang mắc bệnh tim mạch và phổi, nhưng lại là nhân tố tác động tốt nhất đến hệ thần kinh, hạn chế rất mạnh sự căng thẳng của bộ não, khiến cho công việc lao động trí óc đỡ mệt nhọc, và giúp người ta làm việc được bền bỉ, dẻo dai. Đà Lạt là nơi lý tưởng để đặt các trung tâm khoa học, không những vì điều kiện khí hậu mà còn vì cảnh yên tĩnh của một thành phố cách biệt với những vùng dân cư đông đúc của đồng bằng. 4. Đà Lạt: trại nuôi gia súc lấy sữa, thịt; vườn trái ngon và hoa đẹp của đất nước Quanh năm Đà Lạt thời tiết mát mẻ, lúc lạnh cũng dìu dịu, có mấy khi phải chống sương muối. Trên những đồng cỏ xanh mơn mởn những đàn bò vàng, bò khoang béo tròn đủng đỉnh, thư thả, hoàn toàn yên tâm vì chẳng bao giờ cỏ lại khô cằn kém ngon. Nhờ cỏ tươi quanh năm mà ở nước ta không đâu có thể chăn thả bò sữa tốt hơn ở đồng cỏ Đà Lạt. Sữa tươi, thịt bò tươi hàng ngày chuyển về các vùng đồng bằng liên tục, rau xứ lạnh từ các ấp, trại xung quanh thành phố cũng không ngớt về xuôi, nào là xà lách, bắp cải, nào là củ cải trắng, củ cải đỏ, nào là cà rốt, su hào, su lơ, khoai tây, cà chua, tỏi tây, hành tây, đặc biệt là áctisô , không tháng nào là không có thứ rau nào đấy được thu hoạch, vì chẳng có tháng nào mà nhiệt độ lại khắc nghiệt quá đỗi với các loài rau. Trời trở lạnh là lúc mà trong các ấp trại, mưa bụi bay bay, những hạt nước li ti đọng trên các luống rau long lanh ánh bạc, những tàu lá xòe to, cứng cáp, rau mọc khỏe và lớn nhanh như thổi, mà việc tưới tắm người làm vườn không cần phải lo đến nữa. Đà Lạt là nơi duy nhất trên đất nước trồng được áctisô, hoa áctisô thái mỏng, phơi khô bán cân, hãm như trà uống giải nhiệt. Hành giống Caliphoocnia có củ quanh năm, củ nặng hơn kilôgam. Trái cây xứ lạnh thì không đâu trên đất nước ta nhiều và ngon bằng Đà Lạt. Dâu tây quả to, mọng nước, ngày trước một kilô giá ngang nửa tạ gạo. Quả xơri tròn trĩnh chín đỏ vừa bằng cặp môi của em bé lên ba. Các loài trái ngon ở khí hậu á nhiệt đới: đào, mơ, mận, cam, chanh thì ăn tươi không hết, người ta làm mứt, cũng như mứt dâu tây, mứt xơri vậy. Quả mận họ hàng gần gũi với quả mơ thì tiếng miền Nam gọi là táo, vì mận ở đây thường chỉ quả roi ở miền Bắc, tức là quả đào tiên ở miền Trung. Ngoài các trái cây ưa lạnh ra, Đà Lạt cũng đủ các thứ trái ngon của đất nước ta: thơm tức là dứa; xoài, măng cụt, chôm chôm và tất nhiên là không thiếu chuối, đủ các thứ chuối; không có mấy chợ ở các thành phố của ta mà các quầy trái cây nom "hấp dẫn" bằng chợ Đà Lạt. Ngoài ra có một thứ cây mới nhập vào miền Nam ta độ vài chục năm nay nhưng trên cao nguyên này cứ đến mùa hè là đâu cũng thấy quả to trĩu cành, hình giống quả lê, ta gọi là quả bơ, nhưng ở phương Tây quen gọi là quả luật sư hay quả lê luật sư; quê hương nó là ở các bang Phloriđa và Caliphoócnia thuộc khí hậu á nhiệt đới của nước Mĩ. Nhưng trồng ở Đà Lạt, cũng có quả nặng tới một kilô, vỏ nó mỏng, láng bóng, xanh, lục hay tím sẫm như vỏ quả cà dê nhưng lốm đốm những chấm trắng; hột nó bằng quả cau; bơ già ngon nhất thì cầm mà lắc là nghe hột kêu lọc xọc bên trong. Cùi bơ ăn bùi và béo; bổ đôi quả bơ ra người ta xúc bằng thìa ăn tươi, hay trộn đường, trộn sữa đặc đánh cho nhuyễn, đem ướp lạnh thì thành một thứ kem thật thú vị. Đà Lạt quanh năm có hoa, nhưng tiết trời càng trở lạnh thì những trại hoa càng rực rỡ lạ thường: hồng cúc, thược dược, mẫu đơn, lay ơn, cẩm nhung vàng oóctăngxia, mimôda, anh đào, đỗ quyên, hồng tràm, liễu tràm, sen núi, từ các loài hoa đẹp xứ lạnh cho đến đào thắm, mai vàng của đất nước ta. Người trồng hoa cũng như người trồng rau, đều từ các làng hoa, làng rau nổi tiếng khắp nước lên đây; đầu tiên là dân Nghi Tàm, Ngọc Hà đem hạt giống từ vườn ương Hà Nội vào đây đã bảy chục năm nay rồi; sau đến người các địa phương khác, ngày nay còn quây quần thành những ấp mang tên quê hương: ấp Hà Đông, ấp Thái Phiên, ấp Tây Hồ, ấp Nghệ Tĩnh; đến đây là có thể nghe giọng nói đủ các miền: dân Đà Lạt hiện nay gần 80% là người trồng rau và hoa. Đi dạo trên những con đường Đà Lạt mà nhìn xuống các thung lũng, thì chỉ thấy toàn những luống rau, vồng hoa mọc lên từ đất đỏ tươi, đánh thành bậc thang, như đi giữa một vườn hoa lá mênh mông. Đà Lạt, "thành phố hoa", thật lắm thứ hoa quý không mấy nơi bằng; chỉ hoa hồng đã gần 20 thứ và đủ các mầu: hồng đỏ, hồng vàng như phong lan vẩy rồng, hồng cá vàng, hồng lòng trứng, hồng tím như hoa cà, hồng xanh như da trời, và cả hồng đen cánh mượt như nhung. Oóctăngxia là một loài hoa quý, gốc ở Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng mọc ở Đà Lạt rất tốt, hoa nở to bằng trái bưởi, màu thanh thiên xanh biếc. Nhưng mọc dễ nhất ở khắp Đà Lạt, ở ven đường phố, dọc hàng rào các nhà, là hoa mimôda thuộc họ keo, gồm nhiều giống bà con gần với cây trinh nữ. Phần lớn mimôda gốc tận Ôxtralia, trong số ấy có bốn giống nở hoa đẹp nhất và cùng màu vàng nhạt gần giống nhau. Có giống cao sáu bảy mét, thân và cành không thẫm xanh mà có mầu cẩm thạch, những nhánh non mới mọc ra thì còn trắng, lá có lông mịn và phủ phấn bạc mốc, nên dưới trời nắng cứ ánh lên, lóng lánh như trắng bạc mà dưới ánh trăng thì lại ửng sáng, huyền ảo lạ thường, và hoa tỏa hương thơm từ rất xa. Có giống thấp hơn, chỉ độ dăm ba mét, lá màu lục sẫm, cành non thô xanh, cành già lại đỏ, hoa vàng phơn phớt kết chùm trên ngọn. Lại có giống cao tới chục mét, lá rất dài, hoa vàng thơm ngát. Lý thú nhất là về cuối năm, nhiều người trồng hoa đem hết tâm sức chăm sóc những cây đào sắp ra nụ để chuẩn bị đón Tết. Tiết xuân Đà Lạt rất thích hợp với cây đào, chẳng khác gì ở miền Bắc quê hương, đào phai, đào thắm Đà Lạt chẳng khác gì đào Nhật Tân, Nghi Tàm bên bờ Hồ Tây của Hà Nội, Đà Lạt quả không phụ với cái tên gọi mĩ miều là "xứ hoa đào". Khách muốn xem hoa được nhiều và nhanh thì tới vườn Bích Câu ở phía Bắc hồ Xuân Hương, nơi ươm đủ các loại hoa quý của Đà Lạt. 5. Đường vòng qua chín mươi chín cảnh đẹp Khi xưa lên thăm Đà Lạt là có thể đi ô tô ngắm cảnh vòng quanh thành phố theo một tuyến đường đặc biệt gọi là "Đường vòng qua chín mươi chín cảnh đẹp". Thật ra là trên đất Đà Lạt đi đâu mà chẳng thấy cảnh đẹp, nơi nào mà chẳng có suối, có hồ, có đồi thông, có trại quả, còn thác nước thì thật không đếm xiết được. Hoa không tháng nào ngừng nở, thác không ngày nào ngừng reo. Cách trung tâm Đà Lạt 15 km về phía tây bắc, con sông Đa Dung, thuộc thượng lưu sông Đồng Nai, từ núi Lang Biang chảy xuống, đổ thành thác Ankroet cao 18 mét, nằm cách Đan Kia 5 kilômét; từ thành phố đi ô tô đến Đan Kia rồi xuôi theo dòng Đa Dung chỉ 3 kilômét là đến thác. Nhưng muốn đi chơi khắp các thác, xem cả một viện bảo tàng thiên nhiên về thác nước, thì tốt nhất là đi theo một đoạn của con đường 20 từ Đà Lạt xuống Di Linh. Đoạn đường này chạy men theo hữu ngạn sông Đa Tân, một phụ lưu của sông Đa Nhim bắt nguồn ngay từ thành phố Đà Lạt. Đến cây số 8 là đã thấy thác Đa Tân La cao 10 mét. Đến cây số 12 lại là thác Prenn ở ngay bên đường, cao 13 mét, từ dưới nhìn lên không kém phần hùng vĩ. Đến cây số 32 sông Đa Tân đổ vào sông Đa Nhim, từ đây đường lại men theo hữu ngạn Đa Nhim. Đến cây số 35 là thác Liên Khàng cao 15 mét; cây số 41 lại là thác Gu Ga cao 17 mét; và tới cây số 46 là cầu Đa Nhim. Dòng sông đến đây cắt qua quốc lộ 20 mà rẽ sang phía tây bắc. Ta bỏ đường nhựa mà đi theo đường sông, vào 6 kilômét nữa thì được thấy một ngọn thác đồ sộ nhất vùng và vào hạng lớn nhất ở nước ta, là thác Pông Gua cao 40 mét; ở chân thác nước lồng lên, sủi bọt rồi chảy vào một hồ nước yên lặng. Mùa mưa, tiếng thác nghe vang xa đến vài ba kilômét, làm cho cảnh núi rừng càng thêm hùng vĩ. Từ Đà Lạt đến cầu Đa Nhim này, xe xuống dốc liên tiếp, từ mặt cao nguyên Lang Biang 1.500 mét, xuống tới rìa cao nguyên Di Linh chỉ cao 800 mét, thế là dòng sông chảy ở bên cạnh đường, phải nhảy qua một chuỗi thác liên tiếp. Lòng sông càng tụt xuống nhanh thì các thác càng cao. Nhưng bất kì thác nào cũng là một cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp vì những khoảng rừng ven sông gần thác bao giờ cũng xanh tốt; gần những thác nước không khí mát ẩm, phong lan đua nhau nở, nhất là vào những tháng đầu mùa hạ. Đất rừng càng ẩm, côn trùng càng sinh sôi nảy nở thì chim chóc càng bay đến tụ tập nhiều thành những đàn lớn; vì thế đi chơi thác còn thêm cái thú nữa là xem chim, xem bướm; rừng Đà Lạt tươi vui, rộn ràng chứ không im ắng như rừng rậm nhiệt đới. Núi Lang Biang dài hơn 3 kilômét, gồm một dãy năm ngọn cao gần 2.000 mét; đỉnh cao nhất là Lang Biang 2.165 mét, đã được lấy tên để đặt cho toàn bộ cao nguyên này. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống phía nam là thấy hết toàn cảnh Đà Lạt, và nhìn sang phía bắc thì thấy được một phần cao nguyên Đắc Lắc. Khách đến Đà Lạt, leo núi Lang Biang, vừa là ngoạn cảnh, lại vừa là thể thao; từ chân núi ở độ cao 1.500 mét lên đỉnh núi 2.165 mét, sườn núi phủ toàn rừng thông bao la, trên đỉnh núi lại bát ngát những hoa đỗ quyên và phong lan. Từ thành phố, đường ô tô thẳng tới Đan Kia, nơi tập trung nhiều ấp, trại bò sữa đầu tiên của Đà Lạt. Từ đây xuôi theo sông Đa Dung 3 kilômét là đến thác Ankroet, còn theo hướng ngược lại về phía đông bắc là đường lên núi Lang Biang. Một thú vui nữa của Đà Lạt là săn bắn. Những nơi đi săn tốt không phải tìm đâu xa, chỉ cách thành phố 15 kilômét đã là chân núi Lang Biang, vùng núi này còn nhiều thú lớn. Ngoài cọp, báo, gấu, rừng Đà Lạt xưa vốn nổi tiếng về giống bò rừng, nhưng nhiều nhất là nai, rất thơm thịt. Hình con nai được lấy làm biểu tượng của núi rừng Đà Lạt, thường được khắc, được vẽ trên những vật kỉ niệm bằng gỗ thông thanh nhã xinh xắn, hình những "con nai vàng ngơ ngác" với hình những chiếc nhà rông mái cao vút, hình những cây thông thẳng tắp, thanh thoát, và hình những cô gái Tây Nguyên xinh xinh thon thả đeo gùi hay duyên dáng giã gạo. 6. Bao nhiêu đường lên "xứ hoa đào", đường nào mà chẳng núi non hùng vĩ Để lên Đà Lạt, du khách có thể chọn nhiều đường. Ngoài đường hàng không còn có rất nhiều đường bộ lên "xứ hoa đào". Về phía tây từ Buôn Ma Thuột đến, có đường 21 chạy tới Đức Trọng rồi bắt vào đường 20, lên Đà Lạt chỉ còn 35 kilômét. Gần đấy lại có con đường trong tỉnh ngắn hơn, bắt từ đường 21 ở chỗ giáp giới với Đắc Lắc rồi qua Đan Kia, Lạc Dương mà vào thành phố. Còn về phía đồng bằng Nam Bộ thì có thể từ nhiều hướng đi thẳng lên Đà Lạt. Từ thành phố Hồ Chí Minh lên thì đường dài nhất 300 kilômét từ độ cao 5 mét, lên đến 1.530 mét. Theo quốc lộ 1, ta qua Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom rồi Dầu Giây, qua nhiều vườn cao su lớn đến đây là đã đi được 67 kilômét. Lên cao 95 mét, sẽ rẽ sang đường 20, đi về phía đông bắc và lên những dốc dài thoai thoải của cao nguyên Đông Nam Bộ. Qua gần 90 kilômét đi trên mặt cao nguyên này, xe lại phải leo một cái dốc dài 19 kilômét nữa rồi lên đỉnh đèo Bảo Lộc, có thị trấn Bảo Lộc, chè thơm ngon nổi tiếng; ở đây cao 849 mét là mép của cao nguyên thứ hai, cao nguyên Di Linh, và nó cứ cao dần lên cho tới thị trấn Di Linh thì đã cao hơn mặt biển 1.026 mét: trước mắt ta, mặt cao nguyên Di Linh lượn sóng rộng ra xanh xanh những ruộng lúa, vườn cây ăn quả. Mưa ở đây ít hơn trên Đà Lạt, lại thêm có đất đỏ núi lửa nên các loài trái cây của Di Linh đều ngọt đậm. Trên đường đi có thể thấy những vườn chuối mênh mông, những vườn cà phê bát ngát, và những đồi thông hai lá báo trước rừng thông ba lá của Đà Lạt ở trên cao 500 mét nữa. Bên phía tây Di Linh cách 6 kilômét có thác Bôbla trên sông Đa Riam. Từ Di Linh còn đi 67 kilômét nữa mới hết cao nguyên thứ hai này, rồi lại phải leo một cái dốc dài 9 kilômét nữa để lên cao nguyên thứ ba là cao nguyên Lang Biang mà tới Đà Lạt. Cách thành phố 45 kilômét là qua cầu Đa Nhim và bắt đầu gặp chuỗi thác tuyệt vời trên sông Đa Nhim, Đa Tân mà ta đã biết. Lên Đà Lạt mà đi từ thành phố Hồ Chí Minh thì thấy rõ Đà Lạt nằm trên một miền cao nguyên đồ sộ, cao nhất cả Tây Nguyên, và các cao nguyên cứ gối lên nhau như xếp tầng; phía nam từ đồng bằng sông Đồng Nai lên cao dần dần thành cao nguyên Đông Nam Bộ, là tầng dưới; rồi đến cao nguyên Di Linh 1.000 mét là tầng giữa; sau cùng là cao nguyên Lang Biang 1.500 mét là tầng cao nhất. Lại còn nhiều đường nữa lên Đà Lạt từ các đồng bằng miền Trung, có thể bắt đầu từ Phan Thiết, Phan Rang hay Nha Trang. Từ bờ biển Phan Thiết theo đường 12, qua hết những làng người Chăm trên đồng bằng Bình Thuận là gần tới thị trấn Gia Bắc ở cao 800 mét, cách Phan Thiết 35 kilômét; đứng ở Gia Bắc có thể nhìn thấy hết toàn cảnh đồng bằng Bình Thuận ra tới biển. Từ Gia Bắc xe leo những dốc cao, qua những làng xóm của người Mạ, và 25 kilômét nữa là lên tới đỉnh đèo Đa Trôm cao 1.235 mét. Từ đấy xe đổ xuống thị trấn Di Linh, rồi sẽ sang đường 20 mà lên Đà Lạt. Đường Phan Thiết - Đà Lạt như thế dài 180 km. Con đường ngắn nhất từ Biển Đông lên "xứ hoa đào" là đường từ Phan Rang lên theo quốc lộ 11, nhưng cũng vì ngắn - chỉ có 100 kilômét - mà rất dốc, dốc hơn tất cả các đường khác. Ô tô thì từ bến Phan Rang, xe lửa thì từ ga Tháp Chàm lên; già nửa hành trình, hai đường đều đi ngược dòng sông Cái, rồi sông Crông Pha, lần lượt qua các địa bàn sinh tụ của người Kinh, rồi người Chăm, người Rắc Lây. Gần ga Crông Pha, cách ga Tháp Chàm 41 kilômét là nhà máy thủy điện nổi tiếng Crông Pha, còn gọi là Sông Pha, vì Crông có nghĩa là sông. Đến đây, đường ô tô ngoằn ngoèo chữ chi leo cái dốc dài 23 kilômét, rồi đến một ngọn đèo cao 1.000 mét là mép phía đông của cao nguyên Lang Biang rồi. Từ đỉnh đèo nhìn xuống bao quát cả một vùng rừng núi trùng điệp, sông suối quanh co giữa các nương rẫy cho đến tận miền đồng bằng Ninh Thuận dốc thoai thoải về phía biển Đông, bầu trời quang đãng nên cảnh vật hiện ra vừa rõ vừa đẹp, khiến người Pháp trước kia phải đặt cho đèo tên tiếng Pháp là Belle Vue nghĩa là Ngoạn Mục. Trên đoạn đường dốc ghê gớm từ ga Sông Pha lên ga Ngoạn Mục, đường sắt phải móc răng khế, xe lửa leo lên mới khỏi tụt hậu. Hết đoạn dốc này, đường bộ cũng như đường sắt đổ xuống thung lũng sông Đa Nhim, qua cầu là tới thị trấn Đơn Dương, trước kia gọi là Đran. Từ nhà máy thủy điện Sông Pha lên Đơn Dương này, qua đèo Ngoạn Mục, đường ô tô phải dài 28 kilômét, với tất cả những khúc "ngoắt ngoéo chữ chi", đường sắt thẳng hơn cũng phải 15 kilômét, thế mà theo cánh chim bay thì chỉ có hơn 7 kilômét, là vì Đơn Dương ở cao hơn mặt biển 1.018 mét, còn Sông Pha chỉ cao có 219 mét, hai thị trấn ấy cao thấp trên nhau 800 mét. Đến Đơn Dương là phải thăm cái đập bằng đất: đập Đơn Dương, nối liền hai triền núi cao, chắn ngang dòng sông Đa Nhim, tạo ra hồ Đa Nhim, sức chứa 165 triệu mét khối nước. Con sông Đa Nhim bắt nguồn từ phía đông bắc Đà Lạt, chảy xuống đây để sang phía tây rồi vào hệ sông Đồng Nai, thì bị chặn lại làm hồ chứa ở độ cao 1.042 mét, lưu lượng nước chảy vào hồ là 18 m 3 /giây. Từ đáy hồ này người ta đã đục núi làm một đường hầm, đường kính 3,40 mét, dài 5 kilômét xuống dưới đầu núi Eo Gió ở bên phải đường ta đi lên; từ đây lại có hai đường ống thủy áp dài 2.450 mét, đưa nước đến nhà máy thủy điện Crông Pha dưới chân núi ở độ cao 243 mét, làm quay bốn tuốc bin, kéo theo bốn máy phát điện, tổng công suất là 160.000 kilôoát. Từ xa hoặc từ trên máy bay, đều có thể thấy rõ hai ống kim loại dài thẳng tắp, trắng xám. Nhà máy thủy điện Sông Pha xây dựng từ 1961 đến 1966, mỗi năm có thể sản ra gần một tỉ kilôoát /giờ, cung cấp cho Đà Lạt, Phan Rang, Cam Ranh, Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh. Lượng nước đưa qua đường hầm xuyên sơn ấy có thể được 26,4 m 3 /s, nhưng chỉ 6 m 3 /s là đủ để phát hết công suất của nhà máy điện Sông Pha, dù hồ chứa nước của nó không lớn, nhỏ hơn hồ nước của nhà máy thủy điện Thác Bà trên sông Chảy nhiều - là nhờ cột nước giữa hồ chứa Đa Nhim với nhà máy thủy điện Sông Pha chênh nhau rất lớn, tới 800 mét. Độ cao chênh lệch rất ít có ấy, du khách thấy rõ hơn ai hết trên các đoạn đường ngoắt ngoéo chữ chi của quốc lộ 11 mà ô tô leo rất vất vả, hay ở đoạn đường ray móc răng khế mà xe lửa phải bò lên ì ạch. Nhưng đến Đơn Dương là có thể xem như đã đến cửa ngõ Đà Lạt rồi, vì chỉ còn cách trung tâm thành phố không đầy 40 kilômét nữa thôi. Nhưng đường không phải đã hết dốc, vì Đà Lạt còn cao hơn Đơn Dương 500 mét; dọc hai bên đường mỗi lúc một cao, biệt thự cứ kế tiếp nhau, chẳng mấy chốc là đã vào tới hồ Xuân Hương và chợ Hòa Bình. Còn một con đường nữa là từ Nha Trang lên thẳng Đà Lạt theo quốc lộ 20, nối liền hai thành phố nghỉ mát đẹp nhất nước ta, một nằm trên bãi biển, và một nằm trên cao nguyên, mà cách nhau chỉ bốn tiếng đồng hồ ô tô du lịch thôi. Nguồn: Việt Nam non xanh nước biếc, Nxb Giáo dục, 1991 . người Lạt, người Mạ, cất lên vài ba ngôi nhà gỗ, khai sinh cho thành phố Đà Lạt tương lai. Cái tên Đà Lạt do đâu mà có? Chắc là do ghép tên suối Đak Cam Ly với tên bộ lạc người Lạt, thành ra Đà. các kiến trúc sư xây dựng thành phố. 2. Giữa thành phố mà đồi gò, bãi cỏ, rừng cây, hồ, suối và cả thác nữa: thành phố giữa rừng, thành phố công viên Trung tâm Đà Lạt ngày nay ở một vị trí. hương, đào phai, đào thắm Đà Lạt chẳng khác gì đào Nhật Tân, Nghi Tàm bên bờ Hồ Tây của Hà Nội, Đà Lạt quả không phụ với cái tên gọi mĩ miều là "xứ hoa đào". Khách muốn xem hoa được

Ngày đăng: 02/07/2015, 08:00

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan