Đẩy mạnh xuất khẩu là chủ trương kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chủ trương này đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nghị quyết 01 NQTW của Bộ Chính trị và một lần nữa khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Để thực hiện chủ trường của Đảng, chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Liên minh châu Âu hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng, là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ (theo số liệu ước tính năm 2003, xuất khẩu sang EU chiếm 19,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước) 1. Tuy nhiên quy mô buôn bán giữa Việt Nam EU hiện nay vẫn còn nhỏ (mới chiếm 0,12% tổng kim ngạch ngoại thương của EU và chiếm 13,7% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam) 2. Đặc biệt trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lại có xu hướng giảm sút. Một trong những nguyên nhân là do hàng xuất khẩu của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại, tập trung cao vào một số ít mặt hàng, chất lượng hàng thấp, không đạt độ đồng đều... Đồng thời EU lại là một trong những thị trường khó tính trên thế giới với hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao và nghiêm ngặt. Hơn nữa trong xu thế hiện nay, việc tiếp cận thị trường châu Âu sẽ còn khó khăn hơn do số lượng các yêu cầu của thị trường về an toàn, sức khoẻ, chất lượng, môi trường và các vấn đề xã hội đang tăng lên nhanh chóng, thay thế cho các biện pháp bảo hộ bằng thuế quan, hạn ngạch... đang dần bị cắt giảm với quá trình tự do hoá thương mại diễn ra sôi nổi khắp mọi nơi. Xuất phát từ những lý do nêu trên, em đã chọn “Vấn đề tiêu chuẩn chất lượng, môi trường và xã hội đối với hàng hoá xuất khẩu sang EU” làm đề tài khoá luận tốt nghiệp của mình.