quan hệ giữa văn chương và văn hóa ở việt nam – phan ngọc tài liệu, giáo án, bài giảng , luận văn, luận án, đồ án, bài t...
QUAN HỆ GIỮA VĂN CHƯƠNG VÀ VĂN HÓA Ở VIỆT NAM – PHAN NGỌC I. 1. Nước nào cũng có những quan hệ gắn bó giữa văn chương và văn hoá. Riêng ở Việt Nam mối quan hệ này biểu hiện dưới một hình thức rất đặc biệt, khác nhiều nền văn hoá khác. Bước vào một ngôi nhà Việt Nam, dù giàu hay nghèo, điều đập vào mắt một người nước ngoài, đó là tủ sách cha ông để lại và gia đình làm cho phong phú thêm. Một gia đình không có tủ sách thì bị làng xóm coi thường. Những người nước ngoài nhận thấy, tuy cùng là người Đông Nam Á, nhưng ngoài việc mua đồ gia dụng, người Việt Nam đặc biệt ham mua sách và trong khi trò chuyện, người Việt Nam không kể nam nữ, giàu nghèo thường dẫn những câu thơ, những truyện kể và các cổ tích. Trước Cách mạng tháng 8, tôi còn thấy một tục rất thú vị là tục “xin chữ”. Mỗi khi một gia đình có một công việc quan trọng như làm nhà mới, con cái đỗ đạt, gia đình hiếm sinh con trai, đặc biệt các dịp thượng thọ hay tang ma, thế nào ông chủ gia đình cũng đến gặp những người nổi tiếng trong huyện để “xin chữ”. Chữ đây có thể là một đôi câu đối, một bài thơ, một bài văn nói về sự kiện này. Rồi tác phẩm này sẽ được một người viết chữ Hán tốt viết lại để đem khắc vào gỗ hay đem thêu thành câu đối, hoành phi, trướng, và điều này duy trì sinh hoạt cho những người làm nghề thêu, nghề chạm khắc. Sau đó, tác phẩm thường được treo lên, và nếu câu đối, bài phú là hay thì nó sẽ được lưu truyền khắp tỉnh, thậm chí khắp nước. Tôi đã được nghe nhiều câu đối, bài thơ như vậy của Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu. 2. Nói đến văn chương làm nền tảng cho văn hoá Việt Nam, trước hết phải nói đến cái tư tưởng gần như bất biến làm nền tảng cho nền văn hoá ấy. Tư tưởng ấy theo tôi là tinh thần yêu nước, đoàn kết của những đứa con trong cùng một gia đình, tuy thân phận có thể khác nhau, người sang kẻ hèn, người giàu kẻ nghèo, nhưng đều phải đoàn kết nhau, chia ngọt sẻ bùi để cùng sống cho độc lập dân tộc. Chúng ta biết người Việt Nam tự gọi mình là người nước Nam. Đó là vì ở phía Bắc là nước đông dân nhất thế giới, văn hoá rất cao, và có một tham vọng là bình thiên hạ. Người Việt Nam phải bắt buộc tạo ra truyền thuyết “Con tiên, cháu rồng”, những người của cùng một gia đình, không kể miền xuôi hay miền ngược. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn”. Ý thức bảo vệ độc lập dân tộc phát triển rất sớm và được khẳng định lần này lượt khác trong thơ Lý Thường Kiệt, hịch Trần Hưng Đạo, đặc biệt trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi khẳng định văn hiến Việt Nam trong sự đối lập với văn hoá Hán. Trung Hoa không tự đặt cho mình một từ ngữ nào để chỉ nước mình. Từ Trung Hoa là xuất hiện từ cách mạng Tân hợi 1911. Còn trước đó, Trung Quốc tự gọi mình là “thiên hạ” (dưới trời) và tên nước được gọi theo tên của triều đại. Nước do đó là vật sở hữu của triều đại. Còn tên nước của Việt Nam tách khỏi triều đại. Nước Đại Việt là chung cho các triều đại từ Lý đến Nguyễn. 3. Để nêu bật sự khác nhau trong cách nhìn văn chương của Việt Nam tôi xin dẫn đoạn văn dưới đây của Neil L.Jamieson, trong tác phẩm “Việc hiểu Việt Nam” (Understanding Vietnam), tác phẩm theo tôi là có giá trị bậc nhất để hiểu văn hoá Việt Nam qua cách nhìn của Phương Tây. Tác giả vì say mê văn học dân gian Việt Nam đã học tiếng Việt ở Mỹ rồi gia nhập quân đội Mỹ sang Việt Nam, làm việc trong lĩnh vực cải tiến nông nghiệp. “Trong mọi hoạt động của tôi, cả hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội, vì tôi nói được tiếng Việt, tôi thấy mình phải giải thích người Mỹ cho người Việt và giải thích người Việt cho người Mỹ. Con số và phạm vi những hiểu lầm là không thể tưởng tượng nổi. Sau khi đã học một giáo trình nhân loại học ở trường Cao đẳng, và đã đọc có lẽ năm hay sáu quyển sách, tôi bị các biến cố đẩy tới việc học nhân loại học một cách chính quy. Các cố gắng của tôi để đọc văn học Việt Nam thường đều dựa vào một tình trạng không hiểu biết của tôi về các ước lệ văn học cũng như ngôn ngữ cổ điển và các điển tích. Đồng thời, lòng mong muốn của tôi để học thêm về văn học Việt Nam lại tăng lên khi những người tôi gặp trong các cuộc đi của tôi cứ tiếp tục kể cho tôi những bài thơ hay quyển tiểu thuyết mà tôi phải đọc để hiểu, và trả lời một vài câu hỏi đã được nêu lên. Tới một trình độ sẽ là sửng sốt ở Mỹ, người Việt Nam ở mọi đường đời có thể dẫn những đoạn dài từ các bài thơ, và các truyền thuyết và thảo luận về những quyển tiểu thuyết cách đây ba mươi năm tựa hồ như các nhân vật là ở nhà bên cạnh”. Tác giả bắt buộc phải rời bỏ quân đội để quay về Mỹ học văn học Việt Nam đặng hiểu Việt Nam hơn. II. 1. Các nguyên nhân dẫn tới sự ham mê văn học của người Việt có nhiều, nhưng cũng như mọi hiện tượng phổ biến toàn dân, khó lòng tìm ra nguyên nhân nào là chính. Một trong những nguyên nhân có thể xuất phát từ chế độ thi cử bắt đầu vào đời Lý năm 1070. Tuy chế độ thi cử chỉ dựa vào chữ Hán nhưng nó cũng góp phần tạo nên lòng ham mê văn học. Sự ham mê văn chương ở Việt Nam còn tiêu biểu ở chỗ nhiều ông vua Việt Nam thường đồng thời là một nhà thơ. Một trong những tác phẩm đầu tiên bằng chữ Hán mà ta biết được là tập thơ chữ Hán thời Lý-Trần có phần đóng góp của các vị vua đã được xuất bản chủ yếu với bản dịch của cha tôi, Phan Võ. Các vua đời Lê như Lê Thánh Tông, đời Nguyễn như Minh Mạng, Tự Đức đồng thời là những nhà thơ. Đây là một hiện tượng có thể nói hiếm thấy trong văn học thế giới. 2. Bên cạnh nền văn học bằng chữ Hán, xuất hiện nền văn học bằng chữ Nôm. Hiện nay vẫn chưa có công trình nào quy định được ngày ra đời của chữ Nôm. Sử sách nói đến chuyện Nguyễn Thuyên đời Trần Nhân Tông (1279-1298) làm bài văn tế cá sấu bằng chữ Nôm và người ta ví ông với Hàn Dũ đời Đường nên gọi là Hàn Thuyên. Cuối đời Trần, Hồ Quý Ly dùng chữ Nôm để dịch Kinh thư. Công trình thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi đã được xuất bản với sự đóng góp của các cụ Trần Lê Nhân, Ngô Lập Chi, Phan Duy Tiếp, Phan Võ. Đặc biệt Lê Thánh Tông đã có bộ “Hồng Đức quốc âm thi tập” chứng tỏ chữ nôm đã được ngay cả vua chúa quý trọng. 3. Dĩ nhiên văn học Việt Nam tiếp thu Nho giáo, Phật giáo. Nhưng cả Nho giáo và Phật giáo đều không nói đến tổ quốc, còn các nhà Nho và các hoà thượng Việt Nam đều phục vụ tổ quốc Việt Nam. Chính dưới thời Lý- Trần khi Phật giáo là tư tưởng chủ đạo, Việt Nam đã đánh bại không chỉ quân Tống mà cả quân Nguyên xưa nay vô địch. Phật giáo Việt Nam gần như không nói đến Niết bàn mà nói đến cuộc sống dưới đất, mối quan hệ gắn bó của con người với làng xã Việt Nam và dạy con người ta thân để góp phần làm cuộc sống hài hoà, yên ổn. III. 1. Vào thế kỷ XVII và XVIII, có một sự đứt đoạn trong văn học. Vấn đề bảo vệ tổ quốc lúc này lùi xuống hàng thứ yếu vì không có chiến tranh xâm lược. Trong cuộc nội chiến giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn câu chuyện chuyển sang vấn đề thân phận của con người. Nói đến thân phận trước hết phải nói đến nữ giới vì ở một nước phong kiến, nữ giới là thiệt thòi nhất. Lúc này xuất hiện bản Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm dịch tác phẩm Hán văn của Đặng Trần Côn và Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Dĩ nhiên các tác giả không thể vươn tới người đàn bà nói chung của tục ngữ, ca dao, mà chỉ bó hẹp vào thân phận những cô gái đẹp khuê các. Với hai tác phẩm này, thể song thất lục bát đã đạt đến đỉnh điểm đến nỗi sau này nó là hình thức của thơ tâm sự. 2. Thể thơ này tiêu biểu ở chỗ với hai câu thất có số chữ ngang nhau, nó sẽ gây áp lực tới câu lục và câu bát làm hai câu này tách đôi thành 3-3 và 4-4 và có thể có đối xứng. Thơ lục bát của Truyện Kiều là một thơ lục bát kiểu mới, khác lục bát của dân ca, truyện nôm trước đó. Những cấu trúc như Làn thu thuỷ, nét xuân sơn Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh là thuộc loại này. Vấn đề thân phận trở thành một đề tài chủ yếu từ thế kỷ XVIII trở đi, bao gồm nhiều thể loại (truyện nôm, truyện ngắn, thơ, phú…) 3. Nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước, bác bỏ các cải cách văn hoá của thời Tây Sơn chống xu hướng Hán hoá (lấy chữ Nôm làm văn tự chính thức, chống lại xu hướng Tống Nho). Nhà Nguyễn lấy chữ Hán làm văn tự chính thức, lấy Tống Nho làm học thuyết chủ đạo của hệ tư tưởng Việt Nam, trong nghi lễ, kiến trúc có xu hướng bắt chước nhà Thanh ở Trung Quốc. Nhưng cũng chính “Truyện Kiều” tác phẩm nôm lớn nhất của văn học Việt Nam lại ra đời vào đầu thế kỷ XIX và dù Tự Đức có thiên về chữ Hán đến đâu, cũng phải “mê nôm Thúy Kiều”. IV. 1. Khi thực dân Pháp đã chiếm Việt Nam, trong văn học xuất hiện một hình tượng mới là con người cá nhân. Nhưng con người cá nhân ra đời dưới ách đế quốc, tất yếu chẳng hề có một chút sinh khí nào của chàng cá nhân phương Tây khi chính anh ta lật đổ chế độ phong kiến, xây dựng xã hội tư bản. Đây là một nghịch lý trong bước chuyển hoá từ một tinh thần yêu nước kiểu cũ, bó hẹp vào Việt Nam sang một tinh thần yêu nước kiểu mới trong tình quốc tế với mọi người lao động. Chính vì vậy tối đại đa số những con người phơi bày sự hoang mang của mình, thậm chí đập phá khá bừa bãi di sản cũ, nhưng khi họ tiếp thu tư tưởng mới của Bác và Đảng thì đa số đều thành những người hăng hái theo cách mạng và sự đóng góp trước đây của họ vẫn góp phần vào nền văn học mới. Nhất là khi với những cố gắng của Bác và Đảng, con đường giải phóng dân tộc đã tìm được. 2. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 15 tháng 8 năm 1945 là ngày khai mạc Hội nghị Tân trào, cử ra Uỷ ban giải phóng toàn quốc sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng thì cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền của toàn dân chỉ trong mười ngày đã hoàn thành trong cả nước. Rồi cũng cái chính quyền cách mạng thành lập nhanh chóng đến như vậy trước khi quân đội đồng minh vào lại đương đầu thắng lợi chống lại thế lực của Tàu Tưởng và lực lượng võ trang, và tiền của Pháp, Mỹ trong cuộc tử chiến ba mươi năm trời để đi đến thắng lợi hoàn toàn. 3. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, văn học tham gia tích cực và đã đóng góp to lớn. Mọi chiến dịch, mọi cuộc vận động đều có những tác phẩm văn học giá trị và số nhà văn nhà thơ hy sinh cho cách mạng không phải là ít. Tôi không có điều kiện để nghiên cứu giai đoạn văn học dưới sự lãnh đạo của Đảng bởi vì vào lúc này có nhiều yêu cầu vượt ra ngoài phạm vi văn học mà phải là người tham dự vào sự lãnh đạo văn hoá mới có thể biết được. Trong văn học có sự khác nhau về ý kiến là chuyện bình thường và có một số người bị phê phán nặng thì đều chấp nhận kỷ luật, phần lớn đổi nghề, nhưng không có ai rời bỏ tổ quốc. Tôi vui mừng thấy gần đây thái độ đánh giá của Đảng rộng rãi hơn và cuộc đời của họ cũng khá hơn trước. Chuyện văn chương là chuyện ngàn đời không thể giải quyết xong xuôi ngay trong một nguyên lý, dù nguyên lý ấy là đúng. V. Với thời đại mới có những vấn đề mới. Giờ đây, người Việt Nam nếu chỉ lo hiểu mình mà thôi như trước thì không ổn. Anh ta phải hiểu xu thế thế giới để hiểu chính mình. Rồi lại phải hiểu chính mình thực chu đáo để có cách điều chỉnh cho hợp với thế giới mà vẫn cứ là mình. Dĩ nhiên, điều này là khó khăn. Nhưng trong mọi việc từ chính trị, kinh tế đến văn hoá, văn học, một thành công đòi hỏi một quá trình tìm hiểu hết sức khó khăn. Kinh nghiệm của các nhà chính trị, quân sự Việt Nam thành công như thế nào thì kinh nghiệm văn học cũng thế. Người Việt Nam có truyền thống văn hoá trong lịch sử, và đặc biệt có những kinh nghiệm từ năm 1945 đến nay, chắc chắn sẽ khắc phục được nhiều trở ngại để xây dựng một nền văn hoá tiến bộ, vừa hiện đại lại vừa Việt Nam./ . QUAN HỆ GIỮA VĂN CHƯƠNG VÀ VĂN HÓA Ở VIỆT NAM – PHAN NGỌC I. 1. Nước nào cũng có những quan hệ gắn bó giữa văn chương và văn hoá. Riêng ở Việt Nam mối quan hệ này biểu hiện. đầu vào đời Lý năm 1070. Tuy chế độ thi cử chỉ dựa vào chữ Hán nhưng nó cũng góp phần tạo nên lòng ham mê văn học. Sự ham mê văn chương ở Việt Nam còn tiêu biểu ở chỗ nhiều ông vua Việt Nam. bậc nhất để hiểu văn hoá Việt Nam qua cách nhìn của Phương Tây. Tác giả vì say mê văn học dân gian Việt Nam đã học tiếng Việt ở Mỹ rồi gia nhập quân đội Mỹ sang Việt Nam, làm việc trong lĩnh