Hội tụ các nguồn lực đất nước để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế Ngày 3/12/2003. Cập nhật lúc 16 h 14' Những gì mà Việt Nam đã làm được trong thời gian qua là hết sức cố gắng và lớn lao. Những tin tức mà chúng ta nhận được từ bản thân nền kinh tế và sự đánh giá của bạn bè về những mặt thành công của công cuộc đổi mới trong gần hai chục năm qua là khá ngoạn mục và hấp dẫn. Tốc độ tăng GDP của năm 2003 dự kiến khoảng 7%; phấn đấu giai đoạn 2004-2010 tốc độ đó phải là 7,5-8,5%. Chính nhờ có tinh thần đổi mới của Đảng từ Đại hội VI và sự tiếp tục của các Đại hội VII, VIII, IX đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội mà chúng ta có được những thành tựu như ngày hôm nay. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã đứng vững trên những thành quả lớn lao của tiến trình đổi mới và điều có ý nghĩa quan trọng hơn là chúng ta đã nhanh chóng biết chớp lấy thời cơ để hội tụ tối đa các nguồn lực cho sự giàu có của đất nước. Trong thời gian tới chúng ta cần phải kết hợp nguồn nhân lực được đào tạo ở trình độ cao với chiến lược ưu tiên cho xuất khẩu, đặt mục đích vươn ra thị trường quốc tế để thu về những nguồn lợi nhuận lớn cho đất nước. Khi khát vọng làm giàu đã được châm ngòi ở mọi tầng lớp dân chúng, ở mọi thành phần kinh tế thì nguồn tiết kiệm trong nước sẽ tăng lên và sẽ duy trì được quá trình tích luỹ liên tục ở mức độ cao. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, tỷ lệ kiệm so với GDP phải từ 25% đến 40% mới hy vọng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ 9%-12% trong nhiều năm liền. Do đó, cần hun đúc một tinh thần làm việc ở tốc độ cao và chất lượng tốt trong mọi tầng lớp dân cư. Bước sang năm thứ 19 của đổi mới, chúng ta cần phải tìm ra một chiến lược phát triển công nghiệp thích hợp để thúc đẩy quá trình hiện đại hoá nền kinh tế. Chúng ta phải nghiên cứu rất cẩn thận các lĩnh vực công nghiệp để tìm kiếm những ngành có tiềm năng tương lai, những ngành mà chúng ta có lợi thế tương đối trên thị trường thế giới và phải có chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp đó trong những năm đầu chúng mới hình thành. Chúng ta chỉ ngăn chặn sự cạnh tranh tai hại ở giai đoạn còn trứng nước, nhưng không kéo dài quá trình bảo hộ đó khi nó có đủ tầm vóc cạnh tranh trên thị trường thế giới, bởi vì nếu kéo dài sự bảo hộ thì người tiêu dùng ở trong nước chịu thiệt thòi một cách không cần thiết với những hàng tồi và giá cao. Chính sách của chúng ta là bảo hộ trong một thời kỳ nhất định rồi sau đó dần dần rút mọi sự bảo hộ, để giới doanh nghiệp và công thương Việt Nam hội nhập vào nền công nghiệp và thương mại quốc tế. Có lẽ trong thời gian tới, trừ một số ít lĩnh vực mà kinh tế quốc doanh phải đảm bảo vì những mục tiêu ổn định, hiệu quả và công bằng cho toàn xã hội, còn thì chúng ta phải cổ phần hoá nhanh hơn, quyết liệt hơn số lượng lớn các doanh nghiệp quốc doanh, đẩy mạnh bán, khoán, cho thuê các doanh nghiệp; tăng cường đổi mới quản lý trong các doanh nghiệp; khuyến khích việc nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp; khuyến khích kinh tế của mọi thành phần tham gia vào đầu tư phát triển ở mọi lĩnh vực mà thị trường đòi hỏi. Chỉ có cách này chúng ta mới huy động được nguồn vốn rất lớn còn nằm trong dân cư. Qúa trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước dứt khoát phải dựa trên một sự chuyển dịch về cơ cấu và phải tính đến những quan hệ, xu thế lớn, những tương tác lớn của thương mại toàn cầu và những đòi hỏi rất mạnh mẽ của khu vực dịch vụ, tầm quan trọng của nông nhiệp và của kinh tế biển. Thời gian tới chúng ta phải biết phân công, phân nhiệm tốt hơn trong bộ máy hành chính, tránh ôm đồm, bao biện, tăng cường cải cách các thủ tục hành chính, giảm bớt hội họp, giảm bớt giấy tờ, tăng tốc độ ra quyết định, phân quyền nhiều hơn nữa cho cấp dưới, đặc biệt là cấp huyện để họ có thể tham gia vào việc thẩm định và thậm chí ở cấp huyện là có thể ra được những giấy phép thành lập những doanh nghiệp nhỏ theo kiểu hương trấn của Trung Quốc. Khi đó, khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp cũng sẽ được phát triển hiện đại hơn và sẽ trở thành một thị trường lớn cho sản xuất công nghiệp. Thực tế đã cho thấy Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khoa học công nghệ là 3 bộ luật đã và sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Cần phải hoàn thiện cơ chế khuyến khích làm giàu chi tiết hơn, thông thoáng hơn để mọi người dân thuận tiện hơn nữa trong việc tạo dựng các doanh nghiệp cho bản thân nhằm thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển. Trong thời gian tới chúng ta cần phải hoàn thiện hơn nữa luật đất đai, sao cho những vốn tiềm ẩn đất đai phải được tiền tệ hoá đưa vào vòng chu chuyển chiến lược thì sức mạnh của nền kinh tế mới có thể tăng lên gấp bội. Tất nhiên, chúng ta phải đặt nền móng cho sự phát triển thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý và tình hình chính trị ổn định, sao cho bộ máy nhà nước phải gọn nhẹ nhất, linh hoạt nhất, nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và bảo vệ những cơ may làm giàu và thăng tiến cho mọi công dân trong xã hội. Một lộ trình mới được mở ra cho sự giàu có của đất nước phải dựa trên một nền tảng vững chắc là nguồn lực con người, trí tuệ con người và đạo đức của con người. Đất nước ta không có nhiều tài nguyên khoáng sản và còn đi sau về công nghệ, nhưng chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách và vượt lên dòng thời cuộc nếu biết khai thác tốt hơn nữa và đầu tư nhiều hơn nữa vào nguồn lực con người Việt Nam. Bước vào năm 2004 chắc chắn còn gặp phải không ít những thách thức, nhưng chúng ta cũng có vô số những cơ may. Đó là: - Dân số đông trên 80 triệu người với khoảng 40 triệu lao động cần cù khéo tay, có kiến thức văn hoá và có quyết tâm làm giàu. - Nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú, và mới chỉ bắt đầu khai thác. - Đất đai nông nghiệp khá màu mỡ, thời tiết thích hợp cho phát triển những cây, con có giá trị kinh tế cao. - Một chiều dài bờ biển chạy suốt từ Bắc chí Nam trên 2.000km, tiềm ẩn nhiều nguồn kinh tế biển đa dạng. - Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hoá lâu đời, tiềm năng du lịch rộng mở, đang và sẽ được khai thác tốt hơn. - Môi trường chính trị đất nước ngày càng ổn định, các nhà đầu tư không sợ sự rủi ro. - Là nước có địa lý nằm trong khu vực kinh tế Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng cao, nhiều triển vọng lớn. - Một đội ngũ nhân lực đang và sẽ được đào tạo có trình độ cao. - Một đội ngũ doanh nhân trẻ có trí tuệ và khát vọng làm giàu. - Năng lực và trình độ đội ngũ những nhà hoạch định chính sách và tác nghiệp hành chính trong bộ máy công quyền ngày một nâng cao… Có thể nói một cách khách quan rằng, chưa bao giờ trong gần 20 năm đổi mới, chúng ta lại có những cơ may lớn lao như hôm nay bên cạnh những vấn đề thách thức, đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng của cả một dân tộc để xử trí, tận dụng những cơ may, vượt lên những thách thức để vươn tới thắng lợi lớn lao. Từ những vấn đề tổng quát trên, xin nêu ra một số giải pháp để biến khát vọng làm giàu của đất nước thành hiện thực: 1. Ưu tiên hơn nữa cho giáo dục, trước mắt tăng thêm quỹ lương cho ngành để các thày, cô không cần phải dạy thêm, làm thêm vì sự mưu sinh; mà sẽ chuyên tâm vào việc đào tạo nguồn lực con người Việt Nam có chất lượng cao (tất nhiên là phải trên cơ sở một hệ thống kiến thức ngày càng có tính thực tiễn hơn, gắn với nâng cao năng lực sáng tạo của học sinh…) 2. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả một nền hành chính khoa học, năng động, chăm lo cho những lợi ích của mọi công dân. 3. Hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước cởi mở hơn nữa, nhằm huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân. 4. Đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giao thông, năng lượng, thông tin và nông nghiệp. Kinh nghiệm của những quốc gia xung quanh chúng ta, họ thành công cũng là nhờ có chính sách khôn ngoan về 4 lĩnh vực này. 5. Cấu trúc lại khu vực các doanh nghiệp công cộng và tư nhân trên cơ sở một cách nhìn mới về tỷ trọng của hai khu vực này. Các doanh nghiệp nhà nước cần đổi mới hình thức quản lý theo kiểu cổ phần hoá, nó chỉ nắm lấy một số lĩnh vực thiết yếu nhất để tạo ra những điều kiện đảm bảo cân bằng các tổng lượng lớn của nền kinh tế, nhằm tạo ra sự ổn định và an toàn cho nền kinh tế, còn ở những lĩnh vực khác phải nhường cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế mặc sức kinh doanh trong khuôn khổ luật pháp quy định. Muốn vậy cũng cần phải cải cách về chính sách đất đai, tín dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân để họ bình đẳng với các doanh nghiệp công cộng. 6. Xây dựng một chiến lược ngoại giao và thương mại hoá toàn cầu,. Phải nuôi dưỡng và đẩy các nhà doanh nghiệp Việt Nam ra cạnh tranh trên thương trường quốc tế. 7. Phát triển mạnh các dịch vụ và mạnh dạn đăng cai các hội thảo, hội nghị quốc tế nhằm thu về cho đất nước nhiều ngoại tệ mạnh. 8. Tiến cử nhân tài ở mọi cấp, đây phải là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo từ vi mô đến vĩ mô. 9. Phát triển các Hội nghề nghiệp phi chính phủ, tạo ra sự năng động cho đội ngũ trí thức. 10. Khoa giáo phải là một trụ cột chấn hưng kinh tế và tạo ra sự phát triển bền vững. 11. Phát triển kinh tế biển và tiến tới khai thác không gian vũ trụ trong 10-15 năm tới. 12. Công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phải là nền tảng cho sự tăng tiến kinh tế. 13. Các chính sách xã hội phù hợp, nhằm tạo ra sự giàu có bền vững cho cả cộng đồng. TS. Nguyễn Xuân Kiên . Hội tụ các nguồn lực đất nước để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế Ngày 3/12/2003. Cập nhật lúc 16 h 14' Những gì mà Việt. và đẩy các nhà doanh nghiệp Việt Nam ra cạnh tranh trên thương trường quốc tế. 7. Phát triển mạnh các dịch vụ và mạnh dạn đăng cai các hội thảo, hội nghị quốc tế nhằm thu về cho đất nước nhiều. chuyển chiến lược thì sức mạnh của nền kinh tế mới có thể tăng lên gấp bội. Tất nhiên, chúng ta phải đặt nền móng cho sự phát triển thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý và tình hình