Toàn bộ những thành tựu của công cuộc đổi mới cũng như những vấn đề nảy sinh đều có quan hệ trực tiếp đến hoạt động quản lý của Nhà nước. Bởi lẽ, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội Đảng lãnh đạo thông qua Nhà nước, nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một bộ phận cốt yếu của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, thể hiện tập trung nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đất nước phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở mức độ nào đó thì sau sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động quản lý của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ý nghĩa quyết định trực tiếp. Do đó, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động quản lý của Nhà nước ta là nhân tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định trực tiếp để đảm bảo cho đất nước ta phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động quản lý của Nhà nước đòi hỏi phải nắm bắt được những vấn đề sống động trong thực tế quản lý của Nhà nước về: chính trị, kinh, tế, xã hội, văn hoá…đồng thời còn phải tiếp tục có những nhận thức mới, đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội, về định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh thế giới nhiều biến động đầu thế kỷ XXI.