Xôn xao đầu hạ

7 207 0
Xôn xao đầu hạ

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

ôi bâng khuâng bước đi trên những con đường nhạt nắng. Cơn gió đầu mùa hạ mang hương nồng khẽ lùa qua tóc. Tháng năm rung rinh, xốn xang miền hoài niệm. Phố ngơ ngác một mùa hoa. Những cung đường người và xe uốn mình duyên dáng nghiêng nghiêng rợp tràn hoa nắng. Hoa và nắng quyện nhau trải tràn mênh mang trên phố. Gió qua kẽ lá làm nên cung đàn mùa hạ cùng với tiếng ve hòa âm rào rạt. Trời trong, nắng xanh ngắt! Mỗi cung đường mang một màu nhung nhớ. Hạ về thật đắm say. Ngoảnh lại sau lưng là bao mùa hạ cũ xốn xang kỉ niệm học trò, từ cái thuở “mắt cứ nhóng lên trời khát khao nắng hạ”. Phượng cũng bắt đầu hé nụ. Mới đầu hè, phượng tuy chưa đỏ thắm nhưng cái “màu hoa như lửa cháy khát khao” ấy cũng đủ làm nên khúc du ca mùa hạ để lòng thảng thốt nhớ về “Tay học trò giọt hạ rớt lem xanh / Và nhớ lại vòm trời hoa phượng cũ/ Khép rưng rưng mùa hạ giữa tay cầm ”. Tôi yêu mùa hạ, yêu cái rực rỡ hết mình của hoa phượng, loài hoa chỉ cháy một lần đủ vắt kiệt những đam mê. Tôi sợ những ngày đông lạnh buốt khi phải can đảm lắm mới tung được tấm chăn, bước ra màn trời ủ ê, đục mờ trong giá rét. Sương hiu hắt, mụ mị trên cây, trên những mái nhà im lìm sau hàng rào tre thưa liêu xiêu. Hạ thì khác, buổi sáng có thể ngập tràn thơ thới hít căng lồng ngực gió và nắng, người dường như nhẹ hơn và tâm thanh tịnh. Ai đã mang về một dòng suối, một cánh rừng, một dòng sông đặt trong hồi ức. Ai đã xê dịch không gian và thời gian đủ để tôi cảm thấy mình như được tan ra dưới dàn đồng ca rền rĩ mà náo nức của những chú ve đầu hạ. Lẫn trong hợp xướng ve là cái âm thanh trong trẻo, thanh thoát của dòng nước lỏn lẻn chảy qua khe đá. Gió và nắng, chúng lung linh, sống động đến nỗi, ở trong đó người ta không bắt kịp bằng tất cả các giác quan của mình. Hồi ức như sóng từng lớp xô nhau cồn cào cùng cái tươi tắn, nồng nàn mùa hạ. Nỗi nhớ đằm sâu trong giấc ngủ, chập chờn giữa tiếng ve rạo rực, chập chờn trong màu đỏ hoa phượng và lắng đọng trong màu tím bằng lăng như dấu hỏi đợi chờ. Có gì đáng nhớ đến thế sao, chỉ là những kỉ niệm mơ hồ thôi sao mà nặng lòng đến vậy? Đã nhiều lần tôi tự vấn lòng mình. Vâng, tôi có thể chọn cho mình một con đường bằng phẳng hơn, ít day dứt, bồn chồn, an toàn cho tim, không bao giờ để mình phải rơi vào trạng thái lửng lơ chênh chao giữa đôi bờ mộng mị nhớ thương. Sẽ thấy mình hạnh phúc, thanh thản hơn khi trong kí ức không chất chồng những nỗi nhớ, không ắp đầy những kỉ niệm thời gian như mây trôi bèo dạt! Nhưng chỉ nghĩ vậy, lòng đã bỗng dưng muốn khóc. Bởi tất cả vẫn thường trực, vẹn nguyên trong lòng tôi với bao hồi ức mùa hạ vui, buồn luôn được đánh thức bởi những tiếng ve óng ả mỗi ban mai, khi những cánh phượng, cánh bằng lăng rơi nhẹ xuống lòng tay như chạm vào những nếp nhăn quá khứ. Mùa hạ nói với tôi về sự tùy nghi, có lẽ đã từ lâu lắm rồi chỉ là do tôi không cảm nhận được. Nhớ hôm nào, ngang qua hàng bán băng đĩa, bất chợt lòng rưng rưng khi đâu đó vọng đến bên tai những câu ca tân cổ giao duyên buồn đứt ruột một thời: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn Màu hoa phượng tím như máu con tim, mỗi lần hè sang kỉ niệm. Người xưa biết đâu mà tìm”. Tôi dừng lại chọn cho mình một đĩa, rồi quay xe ngược về nhà, náo nức nghe. Vẫn là lời ca của ngày xưa nhưng sao nghe lạc lõng, chơi vơi giữa cái thành phố ồn ào, chật chội, nóng nực này. Rõ là, nhạc vàng, vọng cổ phải được nghe trên những dòng sông vắng, cạnh bờ chuối, luống khoai hay bên hè, nơi có vại nước rụng đầy hoa cau mới là đúng điệu. Ngày nhỏ, tôi thường áp tai vào vách đất tường nhà hàng xóm nghe lén những bài vọng cổ buồn não nề với “Chuyện tình Lan và Điệp”, “Bạo chúa Mông Kha”, để rồi lại khóc âm thầm thương cô Lan lụy tình anh Điệp mà bạc mệnh, thương nàng công chúa Mông Cổ vì quá yêu con trai kẻ thù đã phải nhận lấy kết cục bi thương. ở đó, tôi thuộc lòng từng chữ: “Mười năm rồi còn chi nữa em ơi, mình xa nhau mỗi kẻ một phương buồn. Tôi giang hồ đã mỏi gót phong sương, em ở lại đây với bốn bề khói lửa ”. Cũng với những câu ca này, thời sinh viên, tôi đã từng có những buổi chiều mùa hạ, ngồi trên ban công kí túc xá “đổ” dài những câu nức nở, câu ưu phiền, gửi nỗi lòng cho người trót thương, trót nhớ: “Chiều cuối tuần cư xá, một tiếng sáo treo ngang trời, một tiếng hát lên chơi vơi, một nỗi nhớ nhung lên ngôi”. Sau này, đến những vùng sông nước miền Tây Nam Bộ được ngồi trên chiếc ghe mảnh như chiếc lá giữa miệt vườn châu thổ mênh mang, thoảng nghe những trái bần rụng rất chi là thảng thốt, mới thấy câu vọng cổ chơi vơi, cô độc lại là cái để người ta vịn vào mà đứng dậy. Những bài ca của một thời thảng hoặc tôi vẫn còn được nghe đâu đó nhưng cái không gian lặng ngắt xao xác ngày xưa không còn nữa bởi “Em hát khác xưa và em khóc cũng khác xưa” rồi. Không còn những âm thanh như chìm xuống đáy sâu mộng tưởng, không còn tiếng chuông chùa lẫn trong mái chèo khua nước sông khuya, và tôi, người đàn ông hơn nửa đời phiêu bạt, đắng lòng nhìn hoa phượng rụng váng đỏ mặt sông như ánh mắt buồn nao nao chiều kí túc. Bài ly biệt mùa hạ cho tôi biết đến tùy nghi. Những tưởng mình đã quen với cuộc sống nơi phố thị ồn ào, với những lo âu toan tính thường nhật bỗng một chiều mỏi gối, bất giác thấy một cây gạo bên đường, ngửi mùi khoai nướng cháy bùi ngùi, nhìn cây rau dền nhón chân mọc giáp giới giữa hai bức tường nhà cao ngất, bầy chim sẻ ríu rít trên chùm dây điện rối lòng lại bồn chồn, day dứt. Rồi hình ảnh bà cụ gầy nhom với mớ rau lang ngồi bán nơi vệ đường, những người buôn thúng bán bưng chào nhau bằng thổ ngữ đặc trưng của người dân quê trên những vỉa hè nham nhở Lúc đó tự trong sâu thẳm lòng mình, tôi hiểu, tôi không thuộc về nơi này, như họ. ý nghĩ đó lại trỗi dậy khi một lần tình cờ tôi bắt gặp một người đàn ông ngồi thổi sáo một mình một bóng trong cái nắng oi đầu mùa hạ. Điệu sáo buồn thương từng giọt thấm đẫm. Tôi hỏi ông thổi bài gì mà buồn vậy! Ông cười “vu vơ ấy mà!”. Cảm giác đó chỉ là nửa nụ cười. Vì ông không có mắt: “Mắt đã mất rồi nên vui buồn ai biết/ Quờ quạng lần đi một kiếp tật nguyền”. Rồi ông kể cho tôi nghe về cuộc đời ông, câu chuyện như bị cắt vụn giữa những quãng ngừng dường như là nỗi nghẹn ngào, kí ức một thời tuổi trẻ đam mê của ông đã bị xóa nhòa trong lòng bè bạn. Lòng ông xót xa, tiếc nuối. Mỗi lần nhớ lại, tôi hình dung về người đàn ông mù thổi sáo đó như một tấm gương về sự tùy nghi với thân phận và nỗi đau. Tôi đã học được cái cách nếu không bỏ nhung nhớ qua một bên thì sống chung với nó. Giữa những chiều mùa hạ, lòng tôi không khỏi vẩn vơ! Sống chung với nhớ nghĩa là luôn phải đối diện lòng mình với quá khứ. Bởi vậy, dù tuổi thơ đã “ra đi cao ngạo thế”, nỗi nhớ vẫn dắt lối đưa tôi về với những tháng ngày xưa cũ, nơi làng quê êm đềm, nơi những đêm trăng đầu mùa hạ khi những cơn mưa rào đầu tiên bất thần đổ xuống, tôi cùng lũ bạn trong làng đi thả lờ, cất vó. Những chiếc chòi cất vó dựng tạm bên sông lợp bằng lá chuối khô cắt trong vườn nhà. Ngày hanh nắng, nằm trong chòi lá, rã rượi gió sông quê thốc vào, lá khô cứ xao xác suốt. Trời mưa, chòi dột tơi tả, những tay chuối che bề nào cũng ướt. Suốt những năm tháng tuổi thơ, đối với tôi, chiếc chòi lá ấy thân thiết không khác gì ngôi nhà. Có được sống trong những đêm chờ trăng cất vó mới thấy hết cái lãng mạn trữ tình đằm thắm trong câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Đợi trăng lên viên mãn đậu vào lòng vó rồi nhẹ nhàng cất lên, thấy trăng chảy xuống lòng sông nguyên vẹn, dù trên vó chỉ còn đọng lại vài con tép rong, mấy chú cá măng quẫy đuôi nháo nhác. Có khuya xa xắc, bỗng dưng nghe tiếng gọi dằng dặc: “Vó bè ơ ” của mấy người đi chợ sớm, lại thấy rõ ràng mình đang vắt vẻo trên ngọn vó thấm đẫm sương khuya. Sáng ra lồm cồm bò dậy, mới hay đó chỉ là giấc mơ. Chỗ cất vó mộng mị những trăng sao bên bến sông trăng đó, cho đến tận bây giờ, vẫn tưởng như nó gần, thật gần đâu đây. Dẫu chỉ là hoài niệm, tôi vẫn không có cảm giác mình đi lạc, không thấy mình bơ vơ trước kí ức, bởi ngay sát hiên nhà, phượng vẫn cháy khát khao kỉ niệm và một trời bằng lăng vẫn “tím vào trong mắt lắm mê say”. Có lẽ bởi từ nhỏ tôi đã hay ngủ mê nên lớn lên, những giấc ngủ cứ bị chẻ vụn bởi những chiêm bao, mộng mị. Chỉ ước ao có được một đêm ngủ tròn giấc, không thảng thốt giật mình trong ác mộng âu lo. Vậy mà mơ ước vẫn chỉ là mơ ước! Trong mơ, đôi khi tôi thấy mình đang chạy, đang lao đi trên những con đường ngoằn ngoèo, chân vướng dấp dúi vào bờ cỏ gai dày chằng chịt, mặt bị những tay chuối khô quất vào rát buốt. Tôi một mình vun vút bơi qua dòng sông rập rờn bèo trôi. Cuộc chạy trốn bời bời trong một thứ âm thanh câm lặng. Không có bóng ai. Rã rời! Tỉnh giấc, nghe tiếng ve kêu xác xao ngoài cửa mới thiền định tâm trí. Trong giấc ngủ vùi, tôi lại thấy mình đang len lỏi giữa bạt ngàn bia mộ nơi biên thùy xa xôi lần tìm tấm bia có tên anh trai để an ủi cha già, mẹ yếu. Hồn phiêu lãng giữa những chiều tím hoa sim biền biệt, tôi miên man trong ân hận dù đã gắng hết mình mà chẳng được đền đáp, trong những khát khao bị kìm nén mà thời gian đã lướt qua nhanh đến nỗi chưa kịp nhận ra thì mái đầu đã ngả muối tiêu. Trong mơ, tôi cũng thường được gặp chị gái, người chị đã gắn tuổi thơ tôi với bao kỉ niệm mùa hạ ngọt ngào. Chị đứng bên cạnh mùa hạ như một sự tựa nâng, an ủi cho tâm hồn tôi đa cảm. ấn tượng đầu tiên trong tôi luôn là hình ảnh chị gắn liền với mái tóc dài óng ánh như suối đổ xuống duyên dáng. Nhớ nhất những buổi chiều lơ thơ nắng, nhìn chị gội đầu trước sân nhà. Chị ngồi đó, thanh thản như quên hết nhọc nhằn, lận đận, trước mặt là chậu nước nhỏ, chị xòa tóc, để lộ cái cổ cao, phất phơ những sợi tóc măng. Phải mất năm bảy gáo nước mới ướt đến da đầu. Rất thong thả, chậm rãi, bàn tay chị nhẹ nhàng như múa trên tóc, trên tấm khăn lau, cảm giác như bàn tay đó có thể tan ra trong suối tóc. Giờ thì tóc chị xác xơ, lơ thơ nhiều sợi bạc, nhiều khi nhìn mái tóc ấy, tôi bần thần, nỗi tiếc nuối hiện cả trong mơ. Bệnh tật, yếu đau đã khiến những sợi tóc lìa bỏ chị âm thầm. Có lần, nhổ tóc sâu cho chị, lùa tay vào mái tóc, thấy tóc không đan kín được lòng bàn tay, ngậm ngùi nhặt sợi tóc rơi như nhặt nỗi buồn vớt lên từ đáy nông sâu, cảm giác như những sợi tóc rướm máu, có sợi nào buông tay cho sự nuối tiếc này! Tôi lại hình dung một hôm nào đó, chị trở về ngôi nhà thơ ấu, gầy rạc, dán mình trên võng, bố sẽ chạy lại thảng thốt: “Trời ơi, sao tóc con xơ xác thế này?”. Có cái gì đó dâng lên tự trong lồng ngực và mắc nghẹn nơi cổ họng, ngậm thì xót mà nuốt thì đau. Chị sẽ nén đau, giấu mặt vào võng che đi những giọt nước mắt đầm đìa. Khi không còn mái tóc dài lướt thướt, bố vẫn thương chị, thương chúng tôi hơn bao giờ hết. Những tình cảm đó sưởi ấm hồn tôi như đóa hoa mùa hạ cháy niềm thương yêu tưởng không bao giờ vơi cạn. Kỳ lạ làm sao là nỗi nhớ, niềm thương! Nỗi nhớ miên man dài dặc miền hoài niệm quê nhà. Nhớ năm đầu tiên đi học xa nhà. Vừa đi vừa khóc, nước mắt dòng dãi, sụt sùi. Nhớ nhà. Suốt quãng thời gian chơi vơi trên đường đến trường chuyên cách nhà hơn ba chục cây số mà tưởng như xa lắc, tôi không mường tượng được khuôn mặt người thân, dù lòng thương nhói. Ngay cả những đường nét trên khuôn mặt mẹ cũng không hình dung ra được. Rõ nhất trong trí nhớ là tay mẹ có nhiều vết chai, bàn chân thì to bè, dưới gan bàn chân nứt nhiều đường rất sâu. Gương mặt bố cũng xa xôi, nhưng đọng lại cồn cào là cái dáng đi nhanh thoăn thoắt của người trên đồng sâu ruộng cạn mò cá, vạt tép, bắt cua, mót lúa. Nhớ cái cách bố thường xua tay trong bữa ăn “cái này tao không biết ăn” vì muốn nhường khúc cá, miếng thịt cho đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, nhớ lưng áo người lúc nào cũng ướt đầm mồ hôi. Hình ảnh thân thương ấy vừa hiện ra trong tâm tưởng đã nghe chếnh choáng mùi rạ mục hòa lẫn trong mùi bùn đất. Và trong chập chùng nỗi nhớ vẫn lấp lánh nụ cười hiền lành, chân thật của anh Ba tôi trước ngày nhập ngũ. Nụ cười đó theo tôi viên miễn ngay cả khi nó đã theo anh đi vào lòng đất thăm thẳm mù tăm Cả sau này, khi đã chia tay với mối tình đầu trong “mây trôi lang thang cho hạ buồn”, có nhớ lại cũng chỉ thấy thấp thoáng ẩn hiện những hàng chữ run run được viết bằng nước mắt biệt ly. Tất cả lung linh mơ hồ khói sương trong hồi ức. Cả trong chiêm bao cũng không trông rõ mặt người. Giữa bảng lảng khói sương kí ức, đôi khi là một đôi vai xương xẩu cõng tôi chạy lòng vòng quanh sân, là đôi mái chèo chèo đò miệt mài trên sông vắng, chẳng có bóng người nhưng tôi biết, bố tôi đang ở đó. Nhiều khi tôi hoang mang quá, cứ có cảm giác như mình đang phụ bạc ai đó. Nhưng may sao trong tôi kí ức vẫn đầy, vẫn nồng nàn. Ai đi qua đời cũng đọng lại một vệt nhớ, dù tốt, dù xấu. Không nhớ khuôn mặt thì nhớ vóc dáng, nhớ giọng nói, nhớ đôi mắt, nhớ mái tóc, nhớ vai, nhớ mùi Vậy thôi! Như nhắc đến mùa hè ắt phải nhớ về hoa phượng. Khi đi dưới một vòm phượng nở không ai cầm lòng được. Chẳng có thứ hoa nào cháy lên như phượng. Cả một đóa phượng, tàn phượng bốc lửa, cả một trời phượng rừng rực như sự cống hiến hết mình không tư lợi. Như có một thể lỏng gì bên trong phượng tiếp sức, không ngơi nghỉ cả những khi đêm xuống, cả những lúc phố xá vắng tanh không một bóng người. Phượng cứ như thế hàng tháng trời miệt mài để rồi sau đó, xơ xác đến không ngờ, vì phượng đã cống hiến, đã mê say kiệt cùng cho đến khi trên mặt đường chỉ còn là những cánh hoa tơi bời mà màu đỏ vẫn không nguôi nhức nhối. Góp thêm gam màu tươi sáng, nồng ấm cho bức tranh mùa hạ tuổi thơ còn là hình ảnh những cánh đồng lúa mùa thu hoạch. Màu vàng rực phơi bày, mùi thơm đền trả, sự phồn thực đầy đặn tự nhiên không có vẻ đẹp nào mỹ mãn hơn thế cả. Rồi gặt hái, đồng quê rộn rã vẻ tưng bừng muôn năm cũ nhưng năm nào cũng mới ở không khí, tâm trạng và khung cảnh. Những chiếc nón lá nhấp nhoáng trên những thửa ruộng vàng xuộm dường như không bao giờ mất đi vẻ đẹp cội nguồn của nó. Tôi yêu cánh đồng khi lúa đã gặt về sân, để trơ lại những xốn xang rơm rạ. Đứng trước cánh đồng thênh thang gió nắng, có thể cảm nhận rõ mùi lúa thơm phảng phất, mùi hoa sen, hoa súng thoang thoảng nôn nao, tiếng chim tu hú tao tác gọi bầy. Như dấu gạch nối giữa bao mùa gặt hái, có những đứa trẻ không bao giờ lớn, cũng chẳng đi đâu, cứ quanh quẩn bên những cây rơm cùng mùa hạ êm đềm trôi. Chúng nhào lộn, chúng phủ rơm lên người nhau, nói cười như nắc nẻ. Lúc nào đi qua miền thương nhớ rạ rơm trong cái nắng bời bời mùa hạ đó, tôi cũng thấy lũ trẻ con với những cuộc chơi không bao giờ dứt. Cùng với cái nắng hè bỏng rát, lũ trẻ kéo ra đồng, nhảy cuồng nhiệt trong những cơn gió chiều cuồng nhiệt. Chiều đào vũng kiếm cá, đào hang bắt chuột, bắt dế hoặc thả diều trên gò cao. Hình như tôi đang ngồi đâu đó ở một góc ruộng, bắp chân nhột nhạt bởi chọc vào những gốc rạ, mắt đăm đắm nhìn theo đứa trẻ giống hệt tôi hồi nhỏ, giống cả cái nước da rám nắng, cái xương vai nhô lên gầy guộc, cả cái tính mau nước mắt khi diều đứt dây băng xuống đường chân trời. Trong thăm thẳm hoài niệm, tôi đã gặp đứa bé ấy suốt miền rơm rạ, những chiều nó lăng xăng rải rơm đậy luống rau cải mới gieo, những khuya đi bộ xa lắc xa lơ xuống tận làng dưới xem phim, một mình trên con đường rập rờn cỏ hoa và bóng tối, ôm cái chân đau sưng vù mà chẳng một lời kêu than. Có lần, tôi thấy nó đứng cạnh một người con gái tóc dài buông phủ bờ vai đang thong thả tước những cọng rơm vàng. Tôi buột miệng gọi “Chị ơi!”. Nhưng tiếng gọi của tôi nhanh chóng tan vào thinh không. Vẫn là thằng bé níu cổ chị như thể nó là tôi còn người con gái đó chính là chị gái của tôi mấy mươi năm về trước. Quả thật, không có một chi tiết nào là không thật trong cái không gian thương nhớ rơm rạ đầy ắp hồn tôi này. Tinh tế đến mức, tôi luôn cảm nhận được, qua một ngày nắng gió, những sợi rơm sẽ lại se khô, lại vàng sẫm, lại giòn hơn một chút. Và lửa sẽ lại cất lên từ những đụn rơm. Khói từng chùm dùng dằng, tan tác trong những cơn gió rối bời mùa hạ. Đứa bé thắc thỏm chờ những chú dế sặc khói lao ra để bắt lấy, chuẩn bị cho trò chơi chọi dế. Rồi mưa ào tới khi khói vẫn còn vướng vất trên những thửa ruộng khô. Xa mưa, rạ rơm sống một cuộc đời khác, đời sống của những hóa thân. Rạ rơm mủn trộn vào bùn nhão nuôi dưỡng mầm lúa xanh mướt. Bởi thế, tôi vẫn tìm thấy sức sống của rơm rạ trong từng bông lúa đã trổ đòng đòng, trong vườn cải mướt mát Cái màu vàng rạ rơm cũ tự cháy để tái sinh vào màu xanh rượi của cỏ cây. Sẽ tiếc nuối ngẩn ngơ nhưng chẳng thể nào khác được, vì biết khi ngọn gió hạ qua đi, hiu hiu gió bấc sẽ lại bắt đầu một mùa rơm rạ mới. Tôi sẽ ngồi lại chỗ đất thơm, run rẩy đọc tặng mẹ những câu thơ mà mình viết nên từ yêu thương chan chứa: “Mẹ xin gánh rơm về phơi nắng/ Phơi nỗi lo trong rừng rực trưa nồng” và một chiều tơi bời khói rạ, khẽ ngân nga: “Gió phóng túng thổi trên đồng bát ngát/ Gốc rạ phơi vàng nghệ giữa trời”. Sẽ lại khát khao được sống thanh thản mà mãnh liệt hết mình như rơm rạ, như bằng lăng tím ngát, như phượng đỏ rực hạ nồng, để rồi lòng lại nôn nao khi nghe ai đó hát: “Em hát đi ru mây hạ về, hạ trắng lang thang miên man tình buồn”. Thương nhớ làm sao những đêm trăng nhưng phải là trăng mùa hạ vì khi đó, nắng chói chang đã làm cho đêm trở nên thanh sạch, thơm mát, mấy chị em quây quần bên cha trên mảnh sân vuông tràn trề ánh trăng. Một ngày bươn bả và mệt nhọc, một ngày đầm đìa mồ hôi lưng áo cha, bê bết sình lầy trên vai mẹ cũng sẽ tạm quên đi, tạm lắng lại dành chỗ cho những câu chuyện không đầu không cuối của cha. Ngày ấy, chẳng hiểu sao cha rất hay kể chuyện ma, chuyện về những đêm cha đi chèo đò khuya bị “ma trêu”. Anh em chúng tôi ngồi nghe, ban đầu còn thu chân xếp bằng ngay ngắn, sau đó xô vào nhau và nín thở nhìn ra bóng tối. Tôi co người lại, hình dung không biết sẽ làm gì nếu tối lại phải một mình ra đồng thả lờ, cất vó. Tự nhiên thấy người lớn thật là mạnh mẽ và can đảm vì họ không biết sợ ma và bóng tối. Dù sợ, chúng tôi vẫn muốn đêm cứ dài ra vô tận. Nhưng kho chuyện nào rồi cũng cạn, đèn sắp hết dầu, bố thì mỏi mệt. Anh em tôi cùng thở phào, nghe chuyện ma chẳng buồn mà lại có phần náo nức. Chúng tôi sống trong tưởng tượng cả ngày hôm sau để đến tối, trong ánh trăng mờ ảo lại háo hức những chuyện của chính hôm trước, không có gì mới cả. Lại những ngọn gió có lúc tưởng tắt đèn, lại những con ma trêu chọc bố khi đi chèo đò. Lại sợ rú lên, cười, xô vào nhau, hồi hộp, hình dung, thở phào và chờ đợi. Kì lại thay! đứa trẻ nào cũng sợ ma nhưng lại rất thích nghe kể chuyện ma. Nhưng đứa trẻ nào rồi cũng sẽ lớn lên, vào đời, đi xa và già cả. Những con ma ngày thơ bé bỗng trở nên buồn cười khi con người còn có quá nhiều nỗi lo và những nỗi sợ khác nữa. Dầu vậy, tôi vẫn mãi không quên cái hương vị của những đêm hè cùng những câu chuyện ma mà cha kể bằng nhiều liên tưởng có phần thêu dệt hồi ấy. Chính chúng đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng trẻ thơ mà nếu không có chúng, con người chắc sẽ nông cạn và giản đơn đi rất nhiều. Trên hết, những câu chuyện ấy, cho tôi cảm giác thế gian thật bí hiểm và khôn cùng, chính vì vậy mà ai cũng muốn tự mình khám phá thế giới bằng lòng can đảm và nghị lực. Những điều ấy, cha tôi, một ông già nông dân, cả đời cặm cụi bên lũy tre làng, vẫn thấy hết, hiểu hết và đêm đêm, bên ánh sáng của ngọn đèn dầu, vẫn thắp lên trí tưởng tượng bay bổng cho đàn con lúc nào cũng trệu trạo với bát cơm độn khoai khô, sắn héo. Để đến giờ, mỗi khi có dịp đoàn viên, thế nào anh em tôi cũng nhắc về những chuyện ma bố kể, như nhắc gợi những gì tươi đẹp thuở ấu thơ, khi cả nhà vẫn ngồi đủ đầy đúng một vòng tròn quanh chiếu chứ không phải như bây giờ, khuyết đi những góc ngồi, buồn như ánh trăng côi. Trong tôi, đọng lại sâu sắc nhất vẫn là hình ảnh bố, một thân một mình trên sông nước phập phồng giữa đêm khuya quạnh vắng, bèo trôi man mác, tiếng chèo đò của bố đơn độc mà kiên gan giữa cô tịch. Tiếng chèo ấy đã theo tôi, theo mãi trong kí ức khắc khoải, để mỗi lần nhớ lại lòng vẫn thấy rưng rưng như những tiếng thở dài xót xa mà êm dịu. Quê tôi là vùng bán sơn địa nên mùa hạ còn gắn với những đồi hoa sim tím. Những chùm hoa sim đầu hè thật đáng để ngưỡng mộ, chúng trắng tinh, chúm chím lúc khai nhụy nhưng lại tím lan lúc hoa già. Cứ thế, nụ trắng tinh khôi hòa lẫn màu tím ngạt ngào của những cánh hoa sắp phải về với đất, là sự phối màu mê hồn khiến con người ta dù lí trí đến mấy cũng phải nao lòng. Những cây sim thấp, mọc dại khờ một cách chân thành cho con người một thứ hoa dân dã mà sang trọng, rồi lại cho trái và cuối cùng là cho lá, cho quả. Đứa trẻ nông thôn nào chẳng nhớ đến mùi vị quả sim bùi bùi, nhớ những cái miệng tím ngắt vì ăn sim chín. Lạ là, cây cỏ có thể mất đi nhưng sim thì luôn tồn tại. Tưởng tượng trên những ngọn núi sau nhà nếu vắng bóng hoa sim thì sẽ buồn tẻ, ô trọc và kham khổ xiết bao. Đi chầm chậm trên đồi sim, đảm bảo ngoài vẻ đẹp hồn nhiên và đặc trưng vốn có của sim, sẽ không thể không nghe thấy trong lòng dội lên những nỗi niềm gì đó từ những câu ca dao “Đói lòng ăn nửa quả sim / Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Những đồi hoa sim cùng mùi hương man mác cho tôi thêm gắn bó thiết tha với bầu trời mùa hạ, với những nỗi niềm trẻ thơ gửi vào cho hồn cây thế núi. Những cây sim kiên nhẫn mọc lên từ đất sỏi khô cằn còn là biểu tượng của sự dâng hiến hết mình. Mặc cho cuộc sống khốc liệt, mặc đời người bãi bể nương dâu, màu tím hoa sim “tím cả chiều hoang biền biệt” vẫn thủy chung, son sắt, vẫn nhưng nhức lòng những người con khi rời xa quê mẹ. Cùng với năm tháng vật đổi sao dời, mỗi mùa hạ về nhắc nhớ trong tôi bao nhiêu là hoài niệm. Tôi như người cả đời đi gieo hạt dù gặt hái chẳng được là bao nhưng lòng luôn ắp đầy những yêu thương khắc khoải. Hẳn thế nên tôi luôn đón ngày mới bằng tin yêu, bằng chan chứa những niềm vui sống, không than vãn, dù tóc trên đầu thêm nhiều sợi bạc, dù “tuổi buồn như đá” và thổn thức những âu lo Vào hạ 2008. . lên trời khát khao nắng hạ . Phượng cũng bắt đầu hé nụ. Mới đầu hè, phượng tuy chưa đỏ thắm nhưng cái “màu hoa như lửa cháy khát khao” ấy cũng đủ làm nên khúc du ca mùa hạ để lòng thảng thốt. đỏ rực hạ nồng, để rồi lòng lại nôn nao khi nghe ai đó hát: “Em hát đi ru mây hạ về, hạ trắng lang thang miên man tình buồn”. Thương nhớ làm sao những đêm trăng nhưng phải là trăng mùa hạ vì. ôi bâng khuâng bước đi trên những con đường nhạt nắng. Cơn gió đầu mùa hạ mang hương nồng khẽ lùa qua tóc. Tháng năm rung rinh, xốn xang miền hoài niệm.

Ngày đăng: 23/10/2014, 15:00

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan