Lý Nhân Tông - Vị vua sáng triều Lý Vua Lý Nhân Tông (1066-1127) được sử sách xưa đánh giá là vị vua giản dị, nhân ái và có tài, được nhân dân hết lòng yêu mến. Ngoài các chính sách nhằm chấn hưng đất nước, vua Lý Nhân Tông thực sự là người đặt nền móng cho sự phát triển nền giáo dục chính quy của Việt Nam, người khai sinh trường đại học đầu tiên của Việt Nam, người có công đầu tiên trong việc đưa giáo dục, thi cử thành quốc sách tuyển chọn nhân tài. Lý Nhân Tông (1066 - 1127) húy là Kiền (Càn) Đức, là con trưởng của Lý Thánh Tông và Nguyên phi ỷ Lan. Ông sinh ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1066). Lý Thánh Tông lúc ấy tuổi đã cao mới sinh được hoàng tử, bởi vậy, ngay ngày hôm sau, 26 tháng Giêng, Lý Càn Đức được lập làm hoàng thái tử. Năm Lý Càn Đức lên sáu tuổi (1072), vua cha Lý Thánh Tông băng, ông nối ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) đánh giá Lý Càn Đức là "vua giỏi triều Lý"; "trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình". Lý Nhân Tông là một vị vua giản dị, nhân ái và có tài. Lúc lên ngôi tuy còn nhỏ tuổi, nhưng ông được các bề tôi giỏi giúp rập, nhất là mẹ ông - một phụ nữ có tài trị nước và các bộ óc lớn của thời đại như thái sư Lý Đạo Thành, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt cùng nhân dân hết lòng ủng hộ. Bởi vậy, dưới triều đại Lý Nhân Tông, nước Đại Việt đã làm nên những chiến công lừng lẫy cả về ngoại giao và nội trị, và ngày càng trở nên hùng mạnh. Đặc biệt về nội trị, có lẽ trong lịch sử phong kiến Đại Việt, Lý Nhân Tông là vị vua có nhiều sự khởi đầu những chính sách nhằm chấn hưng đất nước. Trong lĩnh vực chính trị, ngoài việc định quan chế, chia văn võ làm chín phẩm từ trung ương (các đại thần) đến các địa phương, Lý Nhân Tông là vị vua đầu tiên ban hành "Chiếu cầu lời nói thẳng" (tháng tư năm Bính Thìn - 1076) nhằm huy động trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân đóng góp vào công cuộc "trị quốc, bình thiên hạ". Kể từ đấy, các triều đại sau này đã kế thừa như một kế sách trị quốc an dân. Về kinh tế, ông là người rất quan tâm đến công việc nhà nông. Việc bảo vệ trâu, bò - phương tiện sản xuất chính của cư dân nông nghiệp Đại Việt - lần đầu tiên được Lý Nhân Tông đưa vào luật pháp. Năm 1117 vua xuống chiếu: "Kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp, vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ và bồi thường trâu; láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng". Năm 1123 vua lại hạ chiếu "Cấm giết trâu ai làm trái thì trị tội theo hình luật" (ĐVSKTT) . Lý Nhân Tông là người có ý thức bảo vệ thiên nhiên. Điều này có lẽ xuất phát từ quan niệm Phật giáo dưới triều Lý. Nhưng nếu nhìn nhận theo quan niệm khoa học hiện đại thì ông là vị vua đầu tiên đã nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái vì sự sống còn của con người, nhất là đối với cư dân làm nông nghiệp. ĐVSKTT chép: tháng Giêng năm 1126, ông đã xuống chiếu "Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây". Dù ở góc độ nào, cũng phải thừa nhận rằng: Lý Nhân Tông là người đầu tiên trong lịch sử Đại Việt đã đưa việc bảo vệ môi trường thiên nhiên thành pháp lệnh. Điều lớn lao, đáng kể hơn cả của Lý Nhân Tông, của triều đại ông, là sự mở đầu nghiệp thi cử và nền giáo dục cao cấp của nước nhà. Tiếp tục sự nghiệp và lòng mong mỏi của vua cha - người đặt nền móng xây dựng Văn Miếu Lý Nhân Tông là người đầu tiên khởi xướng đồng thời thực hiện chế độ thi cử và giáo dục đại học của Đại Việt để từ đó về sau, ngày càng được các triều đại nối tiếp hoàn thiện. Khoa thi đầu tiên của nền giáo dục cao cấp Việt Nam được mở vào tháng hai năm ất Mão - hiệu Thái Ninh năm thứ tư (1075) , là khoa thi Minh kinh bác học nhằm tuyển chọn người có tài văn học vào làm quan. Khoa này chọn được 10 người, đỗ đầu là Lê Văn Thịnh. Ông được vời vào hầu vua học, sau được phong đến Tể tướng. Một năm sau, năm Bính Thìn (1076), vua cho lập Quốc Tử Giám ở kế sau Văn Miếu (ban đầu là cho các hoàng tử, sau mở rộng cho những người tài giỏi trong thiên hạ vào học) và chọn những người tài giỏi, những nhà khoa bảng cho vào dạy học. Đây là trường đại học đầu tiên của nước nhà. Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077) lại tổ chức "thi lại viên bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật" (ĐVSKTT) nhằm lựa chọn quan lại cao cấp cho bộ máy nhà nước. Đây là kỳ thi chọn quan lại đầu tiên với nội dung kiến thức tương đối toàn diện: văn, toán, luật pháp (chính trị). Tháng tám năm Bính Dần (1086), vua mở khoa thi chọn người có tài văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện. Khoa thi này Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ chức Hàn lâm học sĩ. Là một minh quân, Lý Nhân Tông cũng là một tấm gương khổ luyện, phấn đấu đạt đến độ "học thức cao minh, hiểu sâu đạo lý " (Phan Huy Chú). Chính vì vậy, đánh giá tổng quát về ông, các sử gia phong kiến từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đến Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn đều cho rằng: ông là "vị vua giỏi", "vị anh quân" của triều Lý. Tác phẩm của ông hiện đã tìm thấy ba bài thơ, bốn bài chiếu. Lý Nhân Tông ở ngôi 56 năm, mất tháng chạp năm Đinh Mùi (tháng 1-1127). . Lý Nhân Tông - Vị vua sáng triều Lý Vua Lý Nhân Tông (106 6-1 127) được sử sách xưa đánh giá là vị vua giản dị, nhân ái và có tài, được nhân dân hết lòng yêu mến tuyển chọn nhân tài. Lý Nhân Tông (1066 - 1127) húy là Kiền (Càn) Đức, là con trưởng của Lý Thánh Tông và Nguyên phi ỷ Lan. Ông sinh ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1066). Lý Thánh Tông lúc. Giêng, Lý Càn Đức được lập làm hoàng thái tử. Năm Lý Càn Đức lên sáu tuổi (1072), vua cha Lý Thánh Tông băng, ông nối ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) đánh giá Lý