Sông Cầu: Tiềm năng du lịch của Bắc Giang Sông Cầu, cái tên nghe êm ái, nhẹ nhàng như bao tên sông trên đất nước Việt Nam. Sông Cầu, vừa ra khỏi nơi phát nguyên vùng rừng núi Bắc Kạn đã gặp ngay một địa danh rất yên bình: Thái Nguyên - thủ đô của kháng chiến, an toàn khu Việt Bắc, nơi đây, bạt ngàn là rừng: "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, làm việc dưới những tán lá rừng, hang động của chiến khu Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái với động thái: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang…", chắc hẳn bước chân của Người đã nhiều lần vượt qua những con suối đầu nguồn, tiền thân chi lưu của dòng sông Cầu. Sông Cầu nước chảy lơ thơ Xa xưa hơn nữa, những người lính thú đi bảo vệ biên cương phía bắc dưới các triều đại phong kiến (dân tộc ta trong trường kỳ thế kỷ, thường xuyên phải đương đầu với quân giặc phương bắc), sau khi từ biệt, đôi khi là vĩnh biệt, những người yêu, người vợ khóc sướt mướt, nước mắt hóa thành con sông Thương nước chảy đôi dòng, họ kiên quyết: "ra đi, đầu không ngoảnh lại", tất nhiên họ đã nhiều lần uống nước sông Cầu nơi biên ải trong hoàn cảnh: "Miệng ăn măng trúc măng mai, những tre cùng nứa lấy ai bạn cùng". Nước sông Cầu trong xanh, màu xanh đậm đà, khoáng đạt của lá cây vùng rừng nhiệt đới thừa thãi ánh nắng mặt trời. Đi thuyền trên sông Cầu, vào những buổi trưa tròn bóng nắng, tinh mắt, có thể nhìn thấy cả sỏi đá, rong rêu dưới đáy sông. Nước sông Cầu vùng trung lưu, hạ lưu chảy êm đềm, những ngọn cỏ ven bờ nương theo dòng nước. Có lẽ, vì vậy, một người không định làm thơ, đã có một câu thơ rất hay: "Sông Cầu nước chảy lơ thơ" - một câu thơ thần với hai chữ "lơ thơ". Nhìn dòng nước sông Cầu, tôi lại nhớ đến dòng sông Đa-nuýp chảy qua thành phố Viên, thủ đô nước Áo, nổi tiếng với bản nhạc: "Đa-nuýp xanh" mà những người yêu âm nhạc thường rạo rực, say đắm khi những nốt nhạc êm ái theo điệu Van-xơ của bản nhạc này nổi lên. Dòng nước ở đây cũng xanh trong, nhưng là màu xanh lơ của mây trời xứ lạnh. Những ngày nắng, dân thành phố Viên thường ra đây tắm sông, tắm nắng, họ nằm vô tư, ngổn ngang, mắt nhìn vô định để thư giãn, tĩnh tâm, trẻ em nô đùa, đuổi bắt nhau, chạy tung tăng, đôi khi có những nhóm nhỏ quây quần bên nhau, biểu diễn ca nhạc theo kiểu gia đình, bè bạn. Sông Đa-nuýp đi qua nhiều thành phố, nhiều nước châu Âu, ở đâu nó cũng vừa làm đẹp thêm phong cảnh những vùng nó qua, vừa làm giàu cho cư dân hai bên bờ sông. Sông Cầu đẹp và nên thơ Vậy, còn sông Cầu của chúng ta ra sao? Sông Cầu đẹp và nên thơ không kém sông Đa-nuýp, chỉ có điều chúng ta chưa biết "make up", chưa biết làm đẹp cho nó và cũng chưa biết khai thác hết vẻ đẹp của thiên nhiên để phục vụ cho con người. Trên dòng sông Cầu ngày xưa đã diễn ra những trận thủy chiến ác liệt giữa quân nhà Trần và giặc Nguyên. Trần Quốc Toản, vị tướng trẻ với lá cờ thêu sáu chữ: "Phá cường địch, báo hoàng ân", đầy nhiệt huyết với đất nước, sục sôi chí căm thù giặc, đã hy sinh lẫm liệt trong một trận giao chiến không cân sức trên sông Cầu. Và tôi rất xấu hổ thú nhận rằng, tôi không biết nơi ấy ở đâu. Những thầy giáo sử học suốt từ cấp một đến cấp ba và cả bố mẹ tôi, đều không nói với tôi điều ấy. Thật là đáng buồn! Xuôi dần về phía hạ lưu sông Cầu, ta thấy xuất hiện nhiều địa danh xứng đáng để khách du lịch dừng chân. Làng Vân nấu rượu nổi tiếng mấy trăm năm nay với Vân Hương Mỹ Tửu có mặt ở nhiều nước châu Á, châu Âu sánh ngang rượu Vôt-ca ở đất nước xứ sở của tuyết trắng, bạch dương. Làng Thổ Hà với nghề gốm lâu đời, chum sành, tiểu, vại… màu đỏ sẫm, vàng au đi khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, "Làng Tiến Sĩ" là loại làng có vài chục người đỗ bằng tiến sĩ, làm quan to trong triều đình dưới các triều đại phong kiến, có gia đình đại hồng phúc, cha và con, anh và em cùng làm quan dưới một triều vua. Làng Đại Lâm nổi tiếng về chống càn, trong kháng chiến chống Pháp, phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ. Có lần, hai chiếc máy bay "bà già", loại máy bay cánh quạt, dùng để thị sát chiến trường, đã bị bắn rơi trên cánh đồng gần thị xã Bắc Ninh sau khi đi thám thính, thu thập tình hình trở về. Nếu tổ chức du lịch trên sông Cầu, điểm cuối cùng du khách dừng chân, đó là đền Vạn Kiếp, nơi thờ Đức Thánh Trần, một con người đầy quyền lực, thừa tài đức để làm vua, nhưng không màng ngôi báu, bỏ thù riêng, tận trung với vua, "ngày quên ăn, đêm quên ngủ" vì vận mệnh dân tộc. Từ đền Vạn Kiếp tọa lạc trên đồi cao nhìn xuống Lục Đầu Giang ta mới thấy tầm vĩ đại của vị danh tướng đời Trần văn võ song toàn, khi Người chọn nơi đây làm quyết chiến điểm, bằng một trận thủy chiến lẫy lừng đã chấm dứt vĩnh viễn những mưu toan xâm lược của nhà Nguyên. Một tour du lịch được nghe thơ của Lý Thường Kiệt, thăm đài tưởng niệm Trần Quốc Toản, thăm các làng nghề truyền thống, làng kháng chiến, đền Kiếp Bạc, tôi thiển nghĩ, sẽ vô cùng hấp dẫn. Đồng thời, du khách sẽ càng thư thái khi được ngắm cảnh đồng quê trù phú ở vùng hạ lưu sông Cầu đậm đà hình ảnh, sắc màu của vùng dân ca quan họ. Tour du lịch kết thúc ở đền Vạn Kiếp, bên dưới đền là Lục Đầu Giang, đó cũng là điểm cuối cùng của dòng sông Cầu. Từ đây, sông Cầu hòa nhập cùng với sáu con sông khác đổ về biển cả. Lục Đầu Giang, nơi tụ hội của sáu con sông, là một hiện tượng tự nhiên độc đáo, nếu không nói là duy nhất, của thiên nhiên, dường như chỉ có ở Việt Nam. Với tour du lịch này, du khách Việt Nam còn được tắm vào dòng sông lịch sử, đầy tự hào về những người con anh hùng, kiệt xuất của dân tộc. . Sông Cầu: Tiềm năng du lịch của Bắc Giang Sông Cầu, cái tên nghe êm ái, nhẹ nhàng như bao tên sông trên đất nước Việt Nam. Sông Cầu, vừa ra khỏi nơi phát nguyên vùng rừng núi Bắc Kạn. đền là Lục Đầu Giang, đó cũng là điểm cuối cùng của dòng sông Cầu. Từ đây, sông Cầu hòa nhập cùng với sáu con sông khác đổ về biển cả. Lục Đầu Giang, nơi tụ hội của sáu con sông, là một hiện. là duy nhất, của thiên nhiên, dường như chỉ có ở Việt Nam. Với tour du lịch này, du khách Việt Nam còn được tắm vào dòng sông lịch sử, đầy tự hào về những người con anh hùng, kiệt xuất của