Lịch sử Khai hoang Vùng Bạc Liêu, Cà Mau xa xôi và phức tạp 2 Ngoài ra, dưới mắt người Pháp, Cà Mau Bạc Liêu là nơi bấy lâu chưa được ổn định đúng mức : nhiều kẻ bất lương từ bên Tàu, từ các tỉnh lân cận tụ họp lại, lập sào huyệt. Tham biện đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu là Lamothe de Carrier báo cáo tổng quát vào năm 1882 : — Trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở nên thành phố lớn nhứt của Nam kỳ, sau Sài Gòn. Chỉ cần đào một con kinh nối liền Bạc Liêu xuống Cà Mau và cất một cây cầu nối liền hai bên bờ rạch Bạc Liêu. Cây cầu này giúp cho 6000 người qua lại mua bán mỗi ngày. Theo báo cáo trên thì giữa Bạc Liêu và Cà Mau là đồng cỏ bao la che kín chân trời, không một bóng cây cao, cỏ mọc dày, rễ bám vào bùn. Mùa nắng, cỏ vẫn không chết. Mùa mưa nước ngập, cỏ lên cao đến một mét rưỡi. Trong đồng cỏ, ai muốn đi hướng nào thì đi, muỗi mòng vô số kể. Mùa mưa, xuồng nhỏ tha hồ di chuyển nhưng ghe to thì phải đi theo con đường con queo hơn, gọi là “đường láng”. Đường này đầy cỏ, khi di chuyển phải có người phát cỏ ngã rạp xuống, cào sang một bên rồi đẩy ghe trên khoảng đất vừa dọn trống trải ấy. Nếu gặp nơi cỏ quá rậm rạp, ghe chở nặng chỉ di chuyển một ngày có một cây số. Viên tham biện đề nghị cho đào con kinh Bạc Liêu Cà Mau rồi lấy đất đào ấy mà đắp đường lộ xe. Đồng thời, ông ta cho biết là dân số không quá ít oi nếu kiểm tra lại kỹ lưỡng hơn. Riêng về người Huê kiều ở phía Bạc Liêu trước kia khai 1900 người nay lại khai thêm 3000 người nữa cộng lại 4900 người, chưa kể một số Huê kiều làm bạn chèo ghe hoặc ẩn náu ở ruộng muối. Cũng trong năm 1882, dân bộ trong tỉnh phỏng chừng 2500 người (có thể là 30000) tức là bằng số dân ở tỉnh Tây Ninh, cao hơn số dân Rạch Giá. Diện tích toàn tỉnh là 810.000 mẫu tây, canh tác chừng 14.761 mẫu. Tổng số thuế dự thâu năm 1882 là 36.183 đồng, trong đó tiền thâu to nhứt là thuế thân của Huê kiều, kế đến là thuế điền 6.585 đồng, đến thuế thân của người việt 4.792 đồng. Chợ Bạc Liêu nằm trên địa phận làng Vĩnh Hương. Vùng ngoại ô ăn qua các làng Vĩnh Hinh, An Trạch, Tân Hưng (năm 1890, nhập lại gọi là làng Vĩnh Lợi, hương chức các làng An Trạch và Tân Hưng kêu nài vì trong tên Vĩnh Lợi không có dấu vết tên làng của họ, đề nghị quan trên sửa Vĩnh Lợi ra làng Tứ Hòa, nhưng không được chấp thuận). Từ năm 1873, đất làng Vĩnh Hương đã đem ra đấu giá với giá một cắc hai xu một thước vuông. Năm 1880, khai trong bộ ở chợ Bạc Liêu là 2.757 người nhưng năm 1882 là 6000 người. Việc thành lập tỉnh Bạc Liêu gây khó khăn cho ngân sách Nam kỳ, năm 1882, phỏng định tốn kém chừng 45.000 đồng để xây cất dinh thự, công sở, cộng thêm chừng 8.000 đồng lương bổng cho nhân viên. Thuế phỏng định chắc chắn sẽ thâu được là 35.000 đồng nhưng nếu thiếu tiền cứ dùng bàn ghế cũ từ tòa Bố Sóc Trăng gởi tặng. Và còn dự thu thêm một số tiền phạt những người nào theo Thiên Địa Hội. Thoạt tiên, nhà lồng chợ cất bằng lá. Năm 1885, làng Vĩnh Hương xin cất chợ lợi ngói, hy vọng rằng tiền góp chợ sẽ tăng gấp đôi và xin vay trước của nhà nước 6100 đồng để xây cất, làng sẽ trả lại cho nhà nước cả vốn lẫn lời trong vòng 12 năm. Năm 1892, tham biện bắt buộc những nhà lá ở chợ phải dỡ bỏ để cất lại phố ngói có lầu. Tiến triển của việc cai trị Bộ máy hành chánh khá chặt chẽ vừa thiết lập làm cho người Huê kiều và người Minh Hương bực bội vì họ đã quen với quy chế tự trị tương đối rộng rãi hồi thời đàng cựu. Họ xem vùng Bạc Liêu như đất riêng của họ. Ngoài ra, còn nhiều người từ Rạch Giá đổ xuống, đa số là người lãnh bằng cấp của quân khởi nghĩa để chuẩn bị âm thầm dấy binh giữa vùng Rạch Giá và Châu Đốc, nhưng cuộc này không xảy ra được. Năm 1885, lập được 5 trường tổng với 326 học sinh ghi tên, đa số đều vắng mặt khi bắt đầu mùa ruộng hoặc đau ốm vì bịnh rét rừng, tất cả đều là trường lợp lá, thiếu bàn ghế, nhiều trường không có sách gì cho học trò học ngoại trừ tờ Gia Định báo, tức là Công báo do làng phát cho. Con Đường Láng tức là đường kéo ghe từ Bạc Liêu qua Cà Mau vẫn còn sử dụng vì chưa đào kinh được. Nhà nước giúp đỡ người đi ghe bằng cách cắm nọc làm dấu hai bên đường, mỗi năm hai lần, cắm vào lúc đầu mùa và lúc dứt mùa mưa. Kinh Mương Điều nối Rạch Đầm qua sông Gành Hào đào gần xong nhờ bắt dân làm xâu, chỉ còn lại 480 thước chót. Trong mùa 1884—1885, ghe chở ra khỏi tỉnh 174.693 tạ lúa và 79.349 tạ muối. Việc khẩn đất thì đang tiến hành, dân ở miền trên đến, tha hồ khai khẩn để mong được làm điền chủ nhỏ ở vùng đất sình lầy, vô chủ. Về đất đai, năm 1885, chưa phân khoảnh để làm bằng khoán được, ngoại trừ tổng Thạnh Hưng và tổng Thạnh Hòa. Quận Cà Mau còn nguyên vẹn, chưa đo đạc. Nhờ điều tra lại nên chủ tỉnh biết thêm về vùng Cà Mau : dân không giàu nhưng ai nấy đều đủ ăn, có chùa, có đình làng, có nhà ngói. Nhưng đi về phía mũi Cà Mau thì chạy tàu nhiều tiếng đồng hồ mà không gặp một căn chòi nào cả. Nghề đóng đáy, làm tôm khô bán cho ghe Hải Nam càng phát triển. Chiếu Cà Mau được giá, nhiều người bỏ nghề ruộng để dệt chiếu và vô rừng khai thác mật ong, sáp. Mùa mưa, đường vận tải dễ dàng, họ đốn cây mà bán lậu qua Sóc Trăng hoặc lên chợ Bạc Liêu . Lịch sử Khai hoang Vùng Bạc Liêu, Cà Mau xa xôi và phức tạp 2 Ngoài ra, dưới mắt người Pháp, Cà Mau Bạc Liêu là nơi bấy lâu chưa được ổn định. liền Bạc Liêu xuống Cà Mau và cất một cây cầu nối liền hai bên bờ rạch Bạc Liêu. Cây cầu này giúp cho 6000 người qua lại mua bán mỗi ngày. Theo báo cáo trên thì giữa Bạc Liêu và Cà Mau là. kéo ghe từ Bạc Liêu qua Cà Mau vẫn còn sử dụng vì chưa đào kinh được. Nhà nước giúp đỡ người đi ghe bằng cách cắm nọc làm dấu hai bên đường, mỗi năm hai lần, cắm vào lúc đầu mùa và lúc dứt