Hiệp ước Bagdad 2 Mỹ mặc dầu mớm lời cho Thổ mà lúc này lại do dự vì thấy hiệp ước gây phong trào phản đối ở nhiều quốc gia Ả Rập mà Mỹ muốn giữ cảm tình: Ả Rập Saudi, Ai Cập, Syrie. Nhất là Ai Cập nhao nhao lên đả đảo Iraq đã tách ra đi với Tây phương, làm nứt rạn tình đoàn kết giữa các quốc gia Ả Rập, phá chủ trương thống nhất của Ai Cập. Điểm đó chúng ta sẽ xét sau, hãy tiếp tục kể tiếp công việc vận động của Thổ đã. Có được hai cái khoen Iraq và Pakistan rồi, cần phải có thêm cái khoen Iran để nối Iraq với Pakistan. Iran rất quan trọng vì đất rộng (1.645.000 cây số vuông), dân đông (17 triệu), có nhiều mỏ dầu và có 2.300 cây số biên giới chung với Nga. Không nắm được Iran thì hiệp ước Bagdad không có giá trị. Mossadegh quốc hữu hóa dầu lửa Iran mới trải qua một cuộc biến động dữ dội. Cũng chỉ tại dầu lửa. Từ xưa tới nay vua xứ đó sống rất xa xỉ - các ông Hoàng Ba Tư nổi tiếng khắp thế giới về tài liệng tiền - mà dân chúng rất điêu đứng. Nông dân năm nào được mùa thì khỏi chết đói, trẻ con bốn năm tuổi[36] đã phải vào làm trong các xưởng dệt để kiếm vài xu giúp cha mẹ. Chúng đi xin ăn đầy đường, quần áo rách rưới, chân tay khẳng khiu, đứa nào cũng mang bệnh. Ở Téhéran cứ ba người thợ thì có một người thất nghiệp. Mossadegh, một người trong hoàng tộc, rất giàu có, năm 1950 được bầu vào Quốc hội, rồi làm Thủ tướng thương tình dân chúng điêu linh, tuyên bố: "Phải quốc hữu hóa các mỏ dầu lửa và đuổi người Anh đi! Sở dĩ dân chúng nghèo đói chỉ vì bị các công ty ngoại quốc bóc lột quá tàn nhẫn. Hễ làm chủ được các mỏ dầu thì dân sẽ hết khổ". Y như một tiếng bom làm người Anh giật mình. Dân chúng hoan hô ông nhiệt liệt, ai trông thấy cái vẻ lọm khọm của ông già đó mỗi khi bước lên diễn đàn cũng cảm động. Ông suy nhược quá đỗi, đi đâu cũng phải có người xóc nách, có khi phải chở trên cáng nữa, và một bác sỹ phải theo sau, sợ ông chết "bất tử". Vậy mà ông có thể diễn thuyết được năm giờ liền, khi ngừng thì té xỉu, nước mắt giàn giụa. Nữ khán hộ chạy lại xoa bóp, chích thuốc, một hồi ông mới tỉnh. Thể chất như con mắm mà tinh thần mạnh lạ lùng. Ông chửi Anh là bóc lột tàn nhẫn. Lời đó không ngoa. Trong khi công ty Aramco của Mỹ đã tặng Ibn Séoud 50% số lời, rồi các công ty Bahrein Oil, Koweit Oil, Iraq Petroleum ở Iraq cũng theo chính sách "chia đôi" (fifty-fifty) đó, thì công ty Anglo Iranien ở Iran một mực làm thinh, chỉ chia cho quốc vương Iran có 15% số lời, mà lại còn gian lận trong đó nữa, và chính các nhà thống kê ở Liên hiệp Quốc đã đưa chúng cớ ra rằng Iran từ 1912 đến 1950 chỉ được hưởng nhiều lắm là 10% còn 90% Anh nuốt hết! Iran đòi xét lại hợp đồng, công ty Anglo Iranien làm thinh; Mỹ cảnh cáo Anh đừng giỡn với lửa, Anh chịu tăng lên chút đỉnh từ 15% lên 25%. Mossadegh đi khắp nước hô hào dân chúng và ngày 1.5.1951, luật quốc hữu hóa đầu tiên ở Trung Á và Tây Á ra đời. Tới phút chót, Anh xin nộp 50% số lời, nhưng đã quá trễ. Từ Rhyad tới Koweit, Bagdad, Le Caire mọi người theo dõi từng hành động của Mossadegh, xem ông ta vật nổi thực dân Anh không - Nếu nổi thì có lẽ họ cũng nối gót. Anh, Mỹ quýnh lên. Các kỹ sư và nhân viên Anh ở xưởng lọc dầu Abadan xách va-li, lủi thủi lên phi cơ, lẩm bẩm: "It's a shame!" (Thật là nhục nhã!) Báo Anh đăng tít lớn: "Vụ Dunkerque kinh tế ". Nhưng nỗi mừng của Mossadegh và của dân Iran không được lâu. Ông ta lầm lỡ, không hỏi ý kiến các nhà chuyên môn, tưởng người Iran thay thế người Anh được, không ngờ Iran thiếu kỹ thuật gia, xưởng lọc dầu phải ngưng hoạt động, suốt năm không sản xuất được một lít dầu. Kinh tế trong nước lâm nguy, bến tàu vắng tanh, dân chúng đói khổ muốn nổi loạn. Ngày nào Mossadegh cũng hô hào hết hơi rồi khóc mùi, té xỉu. Mỹ muốn giúp ông. Ông bướng bỉnh gạt ra. Anh cũng muốn thương thuyết lại, ông cũng gạt nốt. Nga mỉm cười nhảy vào xin giúp, ông chịu nhận. Đảng Cộng sản Iran được thế bành trướng mạnh. Vua Iran chống ông, quốc hội chống ông, nội các chống ông. Ông vẫn khăng khăng giữ ghế Thủ tướng. Nhà vua âm mưu một cuộc đảo chính để lật ông; ông dẹp được. Nhà vua phải lưu vong. Nhưng chỉ ba ngày sau, lại có một cuộc đảo chính nữa, lần này ông bị bắt, nhà vua lại trở về Téhéran. Tướng Zahedi lên làm Thủ tướng. Biết rằng dân còn quý ông nên nhà vua chỉ bỏ tù ông ba năm chứ không xử tử. Kết quả: chỉ Mỹ là hưởng lợi nhiều nhất. Công ty Anglo Iranien dẹp rồi, công ty British Petroleum được thành lập: 40% phần hùn về Mỹ, còn thì chia cho Anh, Hà Lan, Pháp, và công ty chịu nộp 50% số lợi cho chính quyền Iran. Khi vụ đó đã êm rồi, Thổ mới tiếp xúc với Iran, mời vào hiệp ước Bagdad. Iran do dự, Nga đe Iran (mới năm trước, gặp bước nguy, tôi giúp chú, bây giờ chú phản hả?), không dè càng đe, Iran càng sợ: rốt cuộc Iran phải đứng về phe Thổ và Anh, Mỹ vì Mỹ bây giờ mới ra mặt ký vào hiệp ước (1955). Thổ muốn lôi kéo Afghanistan nữa, Afghanistan do dự rồi từ chối. Như vậy cũng đủ rồi. Vòng đai kể như đã khép. Nhưng ai cũng thấy nó không bền. Chỉ một cái khoen long ra là công trình ngoại giao của Thổ trong mấy năm tiêu tan hết. Ba năm sau, 1958, cái khoen Iraq đứt vì cuộc cách mạng ngày 14.7. của tướng Kassem (coi chương XVIII ở sau). Các quốc gia Ả rập phản đối hiệp ước Bagdad Đó là lịch sử của hiệp ước Bagdad. Bây giờ chúng ta xét sự phản ứng của các quốc gia Ả Rập đối với hiệp ước Bagdad. Trong bảy quốc gia Ả Rập chỉ có mỗi Iraq ký hiệp ước. Vua Hussein (Jordani) cũng hơi xiêu lòng (vì vào hiệp ước thì sẽ được cả Mỹ lẫn Anh viện trợ mà Jordani nghèo quá đỗi, rất cần tiền) nhưng các đảng đối lập, nhất là sáu trăm ngàn dân Palestine di cư phản đối kịch liệt, rải truyền đơn mắng nhà vua là phản quốc, buộc hai nội các phải từ chức trong một tuần lễ, Hussein phải giải tán Quốc hội, hứa sẽ bầu lại trong ba bốn tháng. Cuộc nổi loạn bùng nổ ở khắp nơi, đảng Baath (Phục hưng Ả Rập) và đảng Cộng sản đốt phá các cơ quan, và Hussein phải bỏ ý định gia nhập hiệp ước, không dám đứng về phe Fayẹal II, quốc vương Iraq mà ông rất thân vì là bạn học và cùng chung một ông nội, cùng có những quyền lợi quân chủ như nhau. Còn năm nước kia đều lớn tiếng mạt sát Iraq là "làm tôi tớ cho Anh", là "phản bội", là "liên kết với bọn ngoại đạo" (trỏ Anh). Ai Cập đòi "treo cổ Nouri Said" vì bắt tay với kẻ thù truyền kiếp là Thổ. Nouri Said đáp lại tình thế bó buộc: dầu lửa không thể khai thác lấy được, phải nhờ Anh, vậy phải đi với Anh; còn việc đi với Thổ là để đề phòng trước, hễ có chiến tranh giữa Đông, Tây, Thổ thế nào cũng chiếm Iraq trước hết (Thổ lúc này mạnh hơn cả Anh, Pháp), kết thân với Thổ thì lúc đó Thổ sẽ nhẹ tay cho. Không ai nghe được những lý luận đó và Ai Cập oán Bagdad, tìm cách giúp đỡ các nhà cách mạng Iraq để lật đổ Nouri Said. Tới khi vua Hussein tuyên bố không gia nhập hiệp ước, đuổi Glubb (viên cố vấn quân sự gốc Anh) vì một bài báo ở London phỏng vấn Glubb và gọi Glubb là quốc vương không ngôi của Jordani, đưa tướng Aboul Nuwar (thân Nasser) lên thay Glubb, Ai Cập mới dịu giọng. Vậy Anh thắng ở Iraq nhưng thất bại ở Jordani. Anh vẫn hài lòng vì Jordani không đáng kể. Anh cúp trợ cấp cho Hussein (mỗi tháng một triệu bảng); Ai Cập và Ả Rập Saudi bù vào cho Hussein, nhưng không được bao lâu rồi cũng thôi, Jordani lại quay về Anh, rồi Mỹ. Hiệp ước Bagdad là vụ đầu tiên làm cho Nasser bất bình với Tây phương. Tiếp theo hai vụ nữa: Mỹ không bán khí giới cho Ai Cập, Anh-Mỹ không giúp Ai Cập xây đập Assouan, càng như đẩy Nasser về phía Nga. Riêng vụ sau có ảnh hưởng rất lớn: Nasser quốc hữu hóa kênh Suez và liên quân Anh, Pháp, Israel xâm chiếm Ai Cập, làm rung động cả thế giới . hiệp ước Bagdad Đó là lịch sử của hiệp ước Bagdad. Bây giờ chúng ta xét sự phản ứng của các quốc gia Ả Rập đối với hiệp ước Bagdad. Trong bảy quốc gia Ả Rập chỉ có mỗi Iraq ký hiệp ước. . Hiệp ước Bagdad 2 Mỹ mặc dầu mớm lời cho Thổ mà lúc này lại do dự vì thấy hiệp ước gây phong trào phản đối ở nhiều quốc gia Ả Rập mà. Iran. Khi vụ đó đã êm rồi, Thổ mới tiếp xúc với Iran, mời vào hiệp ước Bagdad. Iran do dự, Nga đe Iran (mới năm trước, gặp bước nguy, tôi giúp chú, bây giờ chú phản hả?), không dè càng đe,