Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ - phần 7 pdf

7 313 2
Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ - phần 7 pdf

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ - phần 7 Những vấn đề kinh tế vừa mới được giải quyết xong thì cuộc xung đột giữa Pháp với Nam Việt Nam chẳng mấy chốc lại sẽ bùng lên với các vấn đề chính trị. Nước Pháp khó lòng nuốt trôi được cơ sự những nhóm người Việt vẫn giữ lòng trung thành với Pháp hoàn toàn bị loại ra khỏi chính quyền, Diệm muốn dành các vị trí trong Chính phủ mình cho các thành viên gia đình và các tay chân của mình; còn người Mỹ thì không muốn sử dụng những phần tử vốn đã bị mang tiếng quá nhiều trước dư luận Việt Nam vì đã hợp tác quá công khai với bộ máy cai trị của Pháp. Theo một quy luật lịch sử mà hầu như ai cũng biết, thường những con người đang nắm giữ quyền hành trong tay không bao giờ tự nguyện rời khỏi vũ đài, nhất là khi họ còn có vũ khí trong tay. Trên lý thuyết thì Bảo Đại vẫn là người đứng đầu nhà nước Việt Nam, nhưng phần lớn thời gian ông ta sống ở Cannes; được nuôi dưỡng trên đất Pháp từ tuổi lên năm, Bảo Đại thích sống thong dong ngày rộng tháng dài tại những thành phố có nước khoáng của Pháp hoặc trên bờ biển Azur hơn là trị vì. Vả chăng, vào cái thời kỳ mà chính quyền thuộc địa còn thâu tóm hết mọi quyền hành trong tay mình hoặc sau đó, khi bộ chỉ huy Pháp một mình điều khiển các cuộc hành quân, thì nước Pháp cho rằng một vị hoàng đế trị vì đất nước mình từ xa như thế là đủ. Nhưng chẳng bao lâu, những đòi hỏi của cuộc chiến đã buộc bộ chỉ huy Pháp phải "vàng hóa" quân lính của mình; một đội quân Bảo Đại đã được lập ra, đi đôi với những lực lượng bổ sung gồm những băng nhóm vũ trang tự chủ. Trong thời kỳ chiến tranh, đội quân Bảo Đại chỉ được giao cho những nhiệm vụ thứ yếu, nhưng chiến sự càng kéo dài thì quân số của nó cũng tăng dần đều đặn cho đến khi vượt quá 250000 người. Quyền chỉ huy những lực lượng này đã được giao cho những phần tử mà lòng trung thành với nước Pháp đã vượt qua mọi thử thách. Những sĩ quan cao cấp người Việt phần lớn xuất thân từ những gia đình người Sài Gòn, đã được chính quyền thuộc địa, ngay từ những ngày đầu của công cuộc thực dân hóa, nhượng cho những đồn điền rất lớn ở mạn tây của đồng bằng sông Cửu Long, đã được hưởng tư cách là công dân Pháp, đã sống lối sống Pháp, và thậm chí sử dụng cả tiếng Pháp trong sinh hoạt hàng ngày. Tướng Nguyễn Văn Hinh, con trai của nhuyên Thủ tướng chính phủ Bảo Đại là Nguyễn Văn Tâm, được đào tạo trong các trường quân sự Pháp, trở thành sĩ quan không quân của quân đội Pháp, đã được giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân được gọi là quân đội quốc gia Việt Nam. Những viên tướng khác như Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Tý, Trần Văn Minh cũng đều là công dân Pháp. Để bảo đảm có thể nắm chắc quyền hành của mình, Diệm tất yếu phải bằng bất cứ giá nào loại trừ cho được những con người này. Những đội quân bổ sung cho đội quân viễn chinh Pháp đặc biệt ở miền Nam Việt Nam, chủ yếu gồm có nhóm Bình Xuyên và các lực lượng vũ trang của hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo. Cầm đầu quân Bình Xuyên là Lê Văn Viễn, thường được gọi là Bảy Viễn, một phần tử phiêu lưu đã tập hợp được dưới quyền mình khoảng 3000 phần tử mất gốc. Đội quân này được vũ trang bởi bộ chỉ huy Pháp, có nhiệm vụ đàn áp phong trào cách mạng trong khối dân cư đô thị đông đúc là Sài Gòn-Chợ Lớn. Thực ra, băng nhóm và thủ lĩnh của nó sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp của bộ chỉ huy Pháp, bằng tiền chuộc các vụ bắt cóc tống tiền hoặc bằng cướp bóc, cũng như bằng tiền thu từ nhà gá bạc lớn nhất của thành phố Sài Gòn. Các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo đã từng là chủ đề của những thiên phóng sự ít nhiều được phịa thêm bằng trí tưởng tượng. Trên thực tế, phải cẩn thận phân biệt giữa những cơ sở quần chúng bình dân của các phong trào này với những băng nhóm vũ trang mà thực chất chỉ là những công cụ nằm trong tay một thiểu số phần tử phiêu lưu và Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Trong các nước thuộc địa mà những tín ngưỡng mang tính chất phong kiến vẫn còn ngự tị, bao giờ cũng có một số đông nông dân và một nhóm trôi nổi gồm những người bị tước đoạt ở các đô thị lớn, nhóm người đông đảo này sẵn sàng tin theo mọi lời tiên tri - trừ phi họ được động viên vào một phong trào cách mạng. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một con người được thánh nhập, họ lập nên một tôn giáo mới và tùy theo hoàn cảnh có khi lôi kéo được hàng vạn thậm chí hàng triệu tín đồ. Những yêu sách dân tộc chống lại chế độ thực dân, đến một mức nào đó có thể mang hình thức tôn giáo như thế, và sự cùng khổ, những rối loạn và chiến tranh bao giờ cũng kích lên tận đỉnh điểm sự phấn khích mang tình thần hiệp này. Những kẻ nuôi tham vọng, những phần tử phiêu lưu chẳng mấy chốc nhảy lên đứng đầu phong trào, xúi giục đám đông tôn mình lên thành những đấng tiên tri, những đức "giáo hoàng", giành chia nhua những lãnh địa, dựng nên những thể chế mang màu sắc phong kiến ở những vung fphong trào đã lan rộng đông đảo trong quần chúng. Dựa trên phong trào quần chúng này, chúng yêu sách nhà cầm quyền thực dân phải nhượng cho mình những đặc quyền đặc lợi. Nhờ sự vô ý thức về chính trị của những đám đông tín đồ đượm màu mê tín, những kẻ cầm đầu các băng nhóm này không cần phải đưa ra bất cứ một cương lĩnh chính trị nào mà cứ bên nào trả giá cao hơn thì chúng theo về bên đó. Vì không có cương lĩnh chính trị, cho nên lực lượng của chúng thường chia năm xẻ bảy, manh mún thành những nhóm tan hợp tùy theo những tranh giành giữa các nhóm. Đến lúc đó bộ chỉ huy Pháp, dưới sức ép hiệp đồng từ cả hai phía Paris và Washington, buộc phải chấm dứt mọi sự ủng hộ, thì những băng nhóm vũ trang của các giáo phái cũng hết đời. Nhưng cơ sở quần chúng, niềm tin mang tính chất tôn giáo vẫn không vì thế mà tiêu tan, và người ta sẽ chứng kiến một phong trào tôn giáo chống Diệm bùng phát trở lại và ngày càng tăng lên đi đôi với sự suy vong của chế độ này. Chí ít có đến bốn tổ chức vũ trang tự xưng thuộc giáo phái Hòa Hảo: - Nhóm của Trần Văn Soái, được biết đến với cái tên Năm Lửa, được bộ chỉ huy Pháp phong cấp tướng, tự vỗ ngực nắm trong tay 20000 binh sĩ. - Nhóm Lê Quang Vinh, tên thường gọi là Ba Cụt, với 6000 người. - Nhóm Lâm Thanh Nguyên với 3000 người. - Nhóm Nguyễn Giác Ngộ với 2000 người. Trong thời gian đầu, chính quyền của Diệm còn quá yếu để trực tiếp đương đầu với tất cả những nhóm này. Nhưng Diệm nắm trong tay hai con chủ bài lợi hại. Đó là các ghế Bộ trưởng và những món tiền trợ cấp của Hoa Kỳ. Trong chính phủ của mình, sau khi đã lót ổ êm thấm cho các thành viên của gia đình mình, ông ta đã để dành một vài ghế cho một số Bộ trưởng cũ thân Pháp trong chính phủ Bảo Đại, như Phạm Hữu Chương, Hồ Thông Minh, Nguyễn Văn Thoại, Phan Khắc Sửu, những kẻ mà y sẽ tự tay loại bỏ một khi vị trí của mình đã được bảo đảm. Ngoài ra, những đồng đô la được Hoa Kỳ ban phát dồi dào đã giúp Diệm kéo được các tướng Trần Văn Soái, Nguyễn Thanh Phước, Trịnh Minh Thế theo về. Nhưng về quyền chỉ huy đội quân được mang danh là quân đội quốc gia, thì lập trường của người Mỹ là không thể lay chuyển. Ngay từ lúc chiến tranh chưa kết thúc, họ đã mạnh mẽ lên tiếng chê trách người Pháp làm mất hết hiệu lực chiến đấu của đội quân này vì luôn luôn kẹp chặt nó trong nách giám hộ của mình. Các sĩ quan Hoa Kỳ có nhiệm vụ phải nhanh chóng cải tạo lại đội quân ấy, biến nó thành một công cụ có hiệu lực, con chủ bài lợi hại nhất mà Hoa Kỳ sẽ nắm trong tay tại Đông Dương. Vì vậy, họ không thể chấp nhận thấy đội quân ấy bị đặt dưới quyền chỉ huy của những con người sẽ trung thành với Pháp nhiều hơn là với Mỹ. Tướng Hinh, tổng tư lệnh, là nạn nahan đầu tiên của quyết định từ phía Hoa Kỳ. Ngay từ ngày 1 tháng 9 năm 1954, Hinh được cho nghỉ phép sáu tháng và được phái đi công cán tại Pháp. Cả sự ủng hộ của Bảo Đại lẫn sự nâng đỡ của bộ chỉ huy Pháp đều đã không thể cứu được Hinh. Ông ta bị cách chứ, phải sang Pháp và nhận một chức vụ trong quân đội Pháp. Tướng Xuân, nguyên Thủ tướng của chính phủ Bảo Đại, cũng đã không thể lưu lại lâu dài trong chính phủ của Diệm và cũng phải lên đường sang Pháp. Vừa chấp nhận sự có mặt của những phần tử thân Pháp trong chính phủ của mình, vừa tiếp tục trả lương cho binh lính của các nhóm đã theo mình, Diệm tung ra một chiến dịch quyết liệt xoáy vào ba điểm: chống thực dân, chống phong kiến và chống tham nhũng. Viện cớ chống thực dân, y đã đánh vào các quyền lợi của Pháp, nhân đó buộc nước Pháp phải nhả ra nhiều nhân nhượng và nhân đó hòng làm cho dư luận quên đi quá khứ thân Pháp của mình; chống phong kiến là sự chuẩn bị dư luận cho một cuộc tiến công đánh vào các nhóm phái vũ trang và cuộc đấu tranh chống tham những là cái cớ để loại bỏ khỏi những con người gây phiền toái cho mình. Ngày 20 tháng 9 năm 1954, Bộ trưởng Phạm Hữu Chương bị tố cáo tội thụt két phải chạy trốn; chín viên Bộ trưởng xin từ chức. Tướng Hinh, lúc đó chưa rời khỏi nước, tố cáo Diệm đã cho người bắn vào một cuộc biểu tình của những người tị nạn đòi quay trở về miền Bắc, hòng gây ra những sự cố cho Diệm mượn cớ để thiết lập quyền lực cá nhân của mình. Ngày 25 tháng 9, Diệm kêu gọi các toán quân Cao Đài theo về mình; những toán quân này bị chặn lại ở cửa ngõ Sài Gòn bởi những đơn vị vẫn trung thành với Hinh, được bộ chỉ huy Pháp ủng hộ. Những cuộc trao đổi giữa Pháp với Hoa Kỳ tháng 9 năm 1954 đã chấm dứt được cuộc xung đột đầu tiên này. Hinh buộc phải nhường bước. Nhưng ở phái sau Hinh là toàn thể các sĩ quan người Pháp, những người chỉ chấp nhận một cách miễn cưỡng việc trao lại quyền chỉ huy cho các sĩ quan Hoa Kỳ. Eisenhower phải nhảy vào can thiệp với tất cả trọng lượng quyền lực và uy tín của mình. Ngày 24 tháng 10, ông ta gửi thư riêng cho Diệm, bảo đảm với y sự ủng hộ của mình. __________________ Những nhóm trên đây chiếm cứ chủ yếu mạn phía tây của đồng bằng sông Cửu Long; còn các lực lượng của giáo phái Cao Đài chiếm cứ Tây Ninh và các vùng ở Đông Bắc Sài Gòn thì bị giằng xé bởi những tranh chấp giữa "giáo hoàng" Phạm Công tắc với các tướng Nguyễn Thanh Phương và Trịnh Minh Thế. Quân số của những lực lượng này ước tính khoảng hơn 20000 người. Ngày 17 tháng 11, Tướng Collins, đặc phái viên của Eisenhower ở Sài Gòn, tuyên bố rằng sở dĩ mình có mặt tại đây là để hết sức giúp cho chính phủ của Diệm, và chỉ giúp chính phủ này mà thôi. Ngụ ý thật là rõ ràng. Ngày 29 tháng 11, nội các chính phủ Bảo Đại ra thông cáo miễn nhiệm Hinh khỏi mọi chức trách. Ngày 13 tháng 12, một thỏa ước giữa Collins và Ely xác nhận việc Pháp từ bỏ mọi tham vọng trong lĩnh vực quân sự ở Nam Việt Nam, đúng vào lúc các cuộc thương thuyết về kinh tế vừa bắt đầu và đến cuối tháng Chạp sẽ nhượng cho Pháp một số lợi thế về kinh tế. Về tất cả những xung đột để tranh giành uy tín giữa người Pháp và người Mỹ, báo Pháp Le Monde số ra ngày 8 tháng Chạp sau đó đã thốt ra những lời đầy u uất: "Quan niệm của người Mỹ về mối nguy cơ Việt Minh là không đúng. Nguy cơ về một cuộc xâm lăng, một cuộc tiến công vũ trang thì ít mà cái chính là nguy cơ của một cuộc xâm nhập, đặc biệt là nguy cơ làm thối rữa chế độ miền Nam từ bên trong. Vả chăng, đây không còn là một nguy cơ mà đã là một thực trạng, và để bồi dưỡng cho cái thực trạng đó, thì không có thức ăn nào bổ hơn là sự bất lực về uy quyền của ông Diệm, sự ủng hộ của Hoa Kỳ mà ông ta được hưởng, cũng như cái mà người ta gọi là sự "trung lập" của Pháp." Sau khi có được sự ủng hộ hoàn toàn của Hoa Kỳ, và trấn an người Pháp bằng những nhân nhượng về kinh tế, Diệm nhanh chóng xếp đặt đường đi nước bước của mình. Ngày 21 tháng Giêng năm 1955, y gửi thư cho tướng Collins yêu cầu Hoa Kỳ đảm đương hoàn toàn trách nhiệm tổ chức và huấn luyện quân đội Nam Việt Nam, đồng thời trình bày với viên tướng Mỹ một số kế hoạch tổ chức các lực lượng vũ trang để làm cơ sở cho những cuộc thương lượng về viện trợ kỹ thuật và tài chính. Ngày 10 tháng 2, giữa tướng Pháp Agostini và viên tướng Nam Việt Nam Lê Văn Ty, việc chuyển giao quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang cho chính quyền Diệm đã được ký kết. Trên bàn cờ chính trị, Diệm cũng chủ động ra quân. Ngày 16 tháng 2 năm 1955, một sắc lệnh quyết định thành lập một Quốc hội lâm thời gồm những đại biểu được bầu và chỉ định, có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch thành lập một Quốc hội lập hiến. Để quốc hội này có tính đại diện, sắc lệnh vạch rõ, sẽ được dành cho những đại biểu của các nhóm tôn giáo, người tị nạn hoặc các sắc tộc thiểu số. Những đại biểu này sẽ do người đứng đầu nhà nước chỉ định. Thế là, tiếp theo, tướng Collins, các cố vấn Hoa Kỳ thuộc trường đại học Michigan đã vào cuộc. Các nhóm thân Pháp cảm thấy nguy cơ đang đến. Họ cố tìm cách chấm dứt tình trạng chia năm se bảy của mình. Ngày 3 tháng 3, sau ba tuần thương lượng, các nhóm Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên cùng nhau ký thỏa ước không đánh lẫn nhau, và giáo hoàng Phạm Công Tắc đứng ra thành lập Mặt trận thống nhất các lực lượng quốc gia, mà nòng cốt là ba nhóm nói trên. Ráp thêm vào đó là những nhóm Đại VIệt, Quốc dân Đảng vốn đã từng theo Nhật hay theo Tưởng Giới Thạch, và cả cái đảng dân chủ tự do tí hon mà kẻ lắp ráp là Phan Quang Dân vốn cũng là một phần tử thân Mỹ, nhưng đã không tranh nổi với Diệm. Tuy nhiên, về chính tị, tất cả những nhóm và đảng này đều không có cơ sở quần chúng trong nhân dân; chúng hoàn toàn mất hết uy tín vì đã đứng về phe chống lại kháng chiến Việt Nam. Mặt trận thống nhất các lực lượng quốc gia cố tìm cách núp dưới uy tín của Bảo Đại, vẫn còn là Quốc trưởng đứng đầu nhà nước Việt Nam. Nhiều phái viên lần lượt được gửi sang Pháp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Bảo Đại, cố thuyết phục ông ta trở về Nam Việt Nam để nắm lại quyền hành. Nhưng Bảo Đại tự biết thân biết phận mình đã bị Pháp bỏ rơi rồi lại bị Hoa Kỳ cho ra rìa, nên chẳng dại gì mà rời khỏi nơi cư trú của mình ở thành phố Cannes. Nào thông cáo, nào mệnh lệnh, nào thông điệp tất cả những gì do ông ta gửi đi từ chỗ ẩn náu xa xôi trên đất Pháp đều hoàn toàn vô hiệu. Yên tâm về hậu phương của mình rồi, ngày 8 tháng 3 Diệm tung bảy tiểu đoàn kèm theo pháo binh và thiết giáp tiến đánh các lực lượng li khai trong quân đội tại tỉnh Quảng Ngãi là địa phương mà các bè đảng của Đại Việt và Quốc dân Đảng vẫn còn hoạt động. Quân Hòa Hảo đánh trả bằng cách bắt đầu hoạt động ở miền Tây Nam Bộ. Tại Sài Gòn, người của nhóm Bình Xuyên và người của chính quyền Diệm liên tiếp tiến công vào người Mỹ, người Pháp. Mặt trận thống nhất thậm chí còn tố cáo Diệm đã cho thành lập những tiểu ban ám sát đặc biêt, chĩa mũi nhọn tiến công vào những quan chức người Mỹ bị cho là thiếu nhiệt tình, nhằm buộc phía Hoa Kỳ phải trực tiếp can thiệp bằng chính quân đội của họ. Dù sao, đối với các giáo phái, Diệm đồng thời sử dụng cả súng và đồng đô la, còn những kẻ cầm đầu các giáo phái thì thoắt theo về với Diệm, thoắt lại nhảy ra bưng điền. Ngày 21 tháng 3, mặt trận thống nhất gửi cho Diệm một tối hậu thư, đòi y trong vòng năm ngày phải thành lập một chính phủ thống nhất. Diệm trả lời rằng cần phải thống nhất tất cả các lực lượng vũ trang lẫn bộ máy hành chính, đồng thời hứa hẹn sẽ cung cấp cho các giáo phái một khoản viện trợ tài chính. Ngày 25 tháng 3, Bảo Đại từ Pháp gửi đi hai thông điệp, một cho Diệm một cho các giáo phái, khuyên họ nên thống nhất lại. Ngày 29 tháng 3, giáo hoàng Phạm Công Tắc gửi cho Bảo Đại một bức điện nói rằng: "Chúng tôi nghi ngại những âm mưu khiêu khích của ông Diệm là kẻ đang thâu tóm trong tay tất cả mọi quyền bính." Trong đêm 29, quân của Bình Xuyên và quân của Diệm giao tranh trên các đường phố Sài Gòn: súng tự động, súng cối, xe thiết giáp đều vào cuộc. Trận đánh gây nhiều thương vong trong dân thường. Có thể lúc đầu, các giáo phái có giành được ít lợi thế nào đó về quân sự bởi quân đội Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn đang chịu ảnh hưởng của các sĩ quan người Pháp và thân Pháp. Tuy nhiên nếu những sĩ quan này có thể bảo đảm cho các giáo phái một sự đồng lõa nào đó về mặt quân sự thì họ cũng không có tiền để trả lương cho quân lính của các giáo phái. Túi tiền nằm trong tay của sứ quán Hoa Kỳ Bốn Bộ trưởng từ chức, trong khi quân của các giáo phái bao vây thành phố Sài Gòn. Các tướng Ely và Collins cố hết sức để dàn xếp cho được một cuộc hoãn chiến. Việc tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương cùng phó tướng của y là Trịnh Minh Thế - và đây là lần thứ hai Thế thay thầy đổi chủ - cùng với 25000 quân của họ theo về với Diệm làm tan rã mặt trận thống nhất. Diệm nắm ngay lấy cơ hội cho thay viên cảnh sát trưởng của thành phố Sài Gòn, là Lại Hữu Sang, thuộc phái Bình Xuyên, bằng một phần tử tay chân của mình là đại tá Nguyễn Ngọc Lê. Quân Bình Xuyên rút ra vùng ngoại vi của Sài Gòn, trong khi quân Hòa Hảo, đặc biệt là quân của Ba Cụt, tiến công quân chính phủ ở phía tây. Ngày 4 tháng 4, hai bên chấp nhận một cuộc hoãn chiến, nhưng vị trí của Diệm đã bị lung lay dữ dội, nhiều sĩ quan cao cấp ngại không muốn đánh nhau, nhiều bộ trưởng, viên chức cao cấp tiếp tục từ chức. Tất cả những nhân vật cao cấp này của nhà nước đều do bàn tay Pháp xếp đặt và họ không muốn thấy các giáo phái biến mất, bởi chính các lực lượng vũ trang của những giáo phái này là cái bảo đảm cho vị trí của bản thân họ. Chính phủ trên thực tế nằm trong tay của Diệm và những anh en của y. "Người đứng đầu chính phủ càng ngày càng tin chắc - và hình như quan điểm của ông ta cũng được đại sứ quán Hoa Kỳ chia sẻ rằng người Pháp đã trực tiếp giúp đỡ cho các giáo phái và các giới thân cận của ông ta loan tin rằng một cuốn sách trắng sắp được công bố về vấn đề này. Ông ta lên án các đại diện của chúng ta đã xúi bảy các giáo phái nổi loạn, thậm chí đã làm cố vấn cho quân Bình Xuyên trong đêm 29 tháng 3. Cuối cùng, ông ta còn trách bộ chỉ huy Pháp đã từ chối không chịu cung cấp thêm đạn dược và xăng dầu cho quân đội quốc gia."[32] Như vậy, tất cả tùy thuộc vào thái độ của nhà cầm quyền Pháp đang dụng tâm thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ về sự bất lực của chính phủ Diệm, về mối nguy hiểm sẽ xảy ra nếu các nhóm thân Pháp bị loại trừ. Nhưng nhà cầm quyền Hoa Kỳ lại không muốn hiểu theo kiểu đó. Báo Pháp Le Monde ngày 9 tháng 4 đưa một tin của hãng thông tấn Hoa Kỳ (Associated Press) nhắc đến lời tuyên bố của một nhân vật cao cấp trong chính phủ của tổng thống Eisenhower: "Nếu chúng ta không hành động kiên quyết để ủng hộ Diệm, chúng ta sẽ mất Đông Dương." __________________________________________________ _________________________ [32] Báo Pháp Le Monde ngày 7 tháng 4 năm 1955. hế nhưng, nhà cầm quyền Pháp vẫn cứ nuôi ảo tưởng có thể làm lay chuyển được lập trường của Hoa Kỳ. Ngày 19 tháng 4, đại sứ Pháp Couve de Murville đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Tướng Collins được gọi về Washington để tham khảo ý kiến. Người Pháp lệnh cho Bảo Đại can thiệp. Ông này, vẫn từ thành phố Cannes, gửi đi một thông điệp trao quyền chỉ huy quân đội cho tướng Nguyễn Văn Vỹ, một phần tử thân Pháp, và mời Diệm sang Pháp để gặp. Ngày 21 tháng 4, Nguyễn Văn Thoại từ chức. Đó là viên bộ trưởng thứ 13 rời bỏ chính phủ của Diệm. Nhưng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đã áp đảo tất cả mọi sự chống đối. Ngày 29 và 30 tháng 4, hai Thượng nghị sĩ đầy thế lực là Mansfield và Humphrey tuyên bố không úp mở: "Hoa Kỳ phải ủng hộ chính phủ lương thiện và đáng kính của ông Diệm. Cuộc đấu tranh đang diễn ra ở Nam Việt Nam là một cuộc đọ sức giữa hai thế lưc, một mà hiện thân là ông Diệm đại diện cho một chính phủ liêm khiết và trung thực và hai là dựa trên những phần tử bất chấp thế nào là liêm khiết và trung thực hoặc chẳng cần hiểu liêm khiết và trung thực nghĩa là gì." (Mansfield) Tổng thống Diệm là niềm hy bọng tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể có được ở Nam Việt Nam. Ông ta là người thủ lĩnh của nhân dân mình, là người duy nhất có khả năng tập hợp một tỷ lệ rất lớn nhân dân mình. Nếu lúc này Hoa Kỳ thôi không ủng hộ ông ta nữa, thì đó là bằng chứng của sự yếu đuối và sự thiếu quyết đoán không thể nào tha thứ được Nếu không có đủ chỗ cho hai người trong chính phủ của Nam Việt Nam thì Bảo Đại là kẻ phải ra đi." (Humphrey) Những lời tuyên bố vang dội này được đưa ra trong lúc tại Paris đang diễn ra cuộc hội đàm giữa đại sứu Hoa Kỳ Douglas Dillon với Edgar Faure. Trong khi chờ đợi Paris và Washington giàn xếp mối bất hòa thì quân Hòa Hảo vẫn tiếp tục quấy rối và những cuộc đụng độ giữa quân Bình Xuyên và quân của Diệm vẫn tiếp tục nổ ra trong khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Ngày 1 tháng 5, tướng Ely cho 500 xe thiết giáp tuần tiễu trong nội đô Sài Gòn. Londres bắt đầu lo lắng trước sự nghiêm trọng của tình hình. Ngày 2 tháng 5 tại Paris bắt đầu khai mạc một hội nghị tay ba Pháp-Anh-Mỹ với sự tham dự của những nhân vật ở cấp cao nhất của ba chính phủ: Edgar Faure, Henri Laforest, Pinay về phía Pháp; Foster Dulles, Walter Robertson, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Viễn Đông, Douglas Dillon về phía Hoa Kỳ; Mac Millan, Allen, Thứ trưởng phụ trách Viễn Đông và đại sứ Gladwyn Gebb về phía Anh Quốc. Kỳ hạn đầu tiên được quy định trong các Hiệp định Genève đã đến gần. Theo dự kiến thì vào tháng 7 nâm 1955, hai chính phủ Việt Nam của miền Bắc và miền Nam phải gặp nhau để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 1956. Do đó, ba cường quốc phương Tây thống nhất với nhau để cùng có một thái độ chung. Cuộ hội nghị kết thúc ngày 12 tháng 5 với một sự nhất trí hoàn toàn giữa ba bên. Như lời thông cáo được đưa ra, nước Pháp chấp nhận chủ trương của Hoa Kỳ, tức là ủng hộ Diệm vô điều kiện và bỏ rơi Bảo Đại. Ngày 13 tháng 5, báo Mỹ New York Herald Tribune viết: "Hoa Kỳ, cũng như Pháp, quan tâm đến việc thiết lập một quyền lực đủ mạnh để tập hợp mọi lực lượng trong nước và đương đầu với sự xâm lược của Cộng sản." __________________ . Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ - phần 7 Những vấn đề kinh tế vừa mới được giải quyết xong thì cuộc xung đột giữa Pháp với Nam Việt Nam chẳng mấy chốc lại sẽ. trong các Hiệp định Genève đã đến gần. Theo dự kiến thì vào tháng 7 nâm 1955, hai chính phủ Việt Nam của miền Bắc và miền Nam phải gặp nhau để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 1956. Do. hộ chính phủ lương thiện và đáng kính của ông Diệm. Cuộc đấu tranh đang diễn ra ở Nam Việt Nam là một cuộc đọ sức giữa hai thế lưc, một mà hiện thân là ông Diệm đại diện cho một chính phủ liêm

Ngày đăng: 26/07/2014, 17:21

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan