Những bậc tiên phong của tư duy Hậu hiện đại II) Michel Foucault: Tri thức, quyền lực, trách nhiệm M. Foucault (1926-1984) có khuynh hướng triết học từ thời trung học, và khi vào Đại học Sư phạm Paris được theo học các triết gia nổi tiếng như G. Dumezil, G. Canguilhem, J. Hyppolite, L. Althusser, v.v… Ngay trong thời Đại học, ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, nhưng sinh hoạt lơ là, và đến năm1951 đã ra Đảng. Những năm 50, với tư cách là đại biểu giới văn hoá Pháp, M. Foucault đã chủ trì nhiều hoạt động giao lưu văn hoá ở Paris, đồng thời cũng từng đi giảng dạy ở Đức, Thuỵ Điển, Ba Lan, v.v… Ông cũng từng nhiệt tình ủng hộ phong trào sinh viên bạo loạn năm 1968 ở Paris. Từ năm 1970, ông được phong giáo sư môn lịch sử tư tưởng ở Học viện Pháp quốc và giảng dạy suốt đời tại đây, vì thật ra chưa đến tuổi về hưu đã qua đời, chỉ thọ 58 tuổi. Những công trình chính gồm có Điên cuồng với văn minh (1961), Sự ra đời của phòng khám (1963), Từ với vật (1966), Khảo cổ học tri thức (1969), Trật tự của diễn ngôn (1971), Lịch sử tính dục (1976), Quyền lực với tri thức (1980), v.v… M. Foucault không hề nhận mình theo chủ nghĩa cấu trúc đã đành, nhưng nếu xếp ông vào chủ nghĩa giải cấu trúc thì hình như có chỗ vướng, vì ông đã không ngừng tranh luận với J. Derrida, tuy là học trò của mình, nhưng là một kiện tướng của chủ nghĩa giải cấu trúc. Song thật ra đó chỉ là câu chuyện “hoà nhi bất đồng”, vả chăng chủ nghĩa giải cấu trúc cũng chỉ là một thành phần, dù là thành phần quan trọng trong chủ nghĩa hậu hiện đại mà thôi. Sự phê phán của ông đối với tính hiện đại, tư tưởng phản trung tâm, phản quyền uy, chống lại mọi quy tắc mặc định, v.v đã đành là rất đồng điệu với chủ nghĩa giải cấu trúc, nhưng nó phần nào là vũ khí của các thành phần khác trong chủ nghĩa hậu hiện đại như chủ nghĩa lịch sử mới, phê bình hậu thực dân, phê bình nữ quyền, v.v… Bởi vì tư duy của ông được triển khai trong một không gian lịch sử sâu rộng, không những nhằm phê phán những cái vốn có, mà còn được dẫn dắt bởi một mục tiêu xây dựng cho trước mắt và tương lai. Trong tự thuật, ông đã từng viết: “Tôi cho rằng từ thế kỷ XVIII cho đến nay, và tôi tin rằng trong cả tương lai, vấn đề hạt nhân của triết học và tư tưởng phê phán mãi mãi vẫn là: Lý tính mà chúng ta sử dụng xét cho cùng là gì? Hậu quả lịch sử của nó như thế nào? Hạn chế của nó là ở đâu? Nguy cơ của nó ra sao? Mục tiêu của tôi mãi mãi là muốn sáng lập nên một bộ môn lịch sử về các mô thức tạo lập khác nhau, và dựa vào những mô thức đó, loài người sẽ được xây dựng thành chủ thể trong nền văn hoá của chúng ta” (2) . Để giải đáp những câu hỏi, nhất là để thực hiện mục tiêu ấy, tư tưởng học thuật của M. Foucault dần dần hình thành nên những vấn đề trọng điểm như sau: 1) Vấn đề hệ hình tri thức Hệ hình tri thức là một hệ thống phán đoán giá trị tự hình thành trong một thời kỳ nhất định, hay nói giản dị hơn là “nhận thức chung của cộng đồng” trong một thời đại nhất định. Nó sẽ căn cứ theo hàng loạt tiêu chuẩn của mình để cấu tạo ra tri thức. Theo M. Foucault, lịch sử cận đại châu Âu đã trải qua ba hệ hình tri thức như sau: a) Hệ hình tri thức thời Văn nghệ phục hưng (thế kỷ XIV-XVI): Nguyên tắc cấu tạo tri thức của nó là phạm trù “tương tự”, ở đây từ ngữ và sự vật đan dệt vào nhau, sự vật ẩn giấu trong từ ngữ, con người phải thông qua ngôn ngữ để nhận biết sự vật. b) Hệ hình tri thức thời cổ điển (thế kỷ XVII, XVIII): Nguyên tắc cấu tạo tri thức là yêu cầu đồng nhất giữa từ ngữ với sự vật, cho nên phải thông qua phân tích, phân loại để nhận biết sự vật. c) Hệ hình tri thức từ thế kỷ XIX về sau, yêu cầu nhận thức sự vật phải thông qua cấu trúc nội tại của nó Khoa học trong thời kỳ này là sinh vật học, chính trị kinh tế học, ngôn ngữ học, v.v… với những khái niệm tương ứng như sinh mệnh, con người, lao động, phát triển, v.v… Theo M. Foucault, cái mà chúng ta gọi là chân lý, thật ra là phải thông qua sự xác định của những hệ hình tri thức của từng thời đại như vậy. Hệ hình tri thức là cái gì gần như vô thức bao trùm lên từng thời đại, khiến cho cùng một hiện tượng lại được nhận biết rất khác nhau qua từng thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà M. Foucault đã khảo sát rất sâu vào lịch sử, nhận thấy hoá ra các giai đoạn khác nhau có những cách nhìn không thống nhất về các hiện tượng như điên cuồng, bệnh hoạn, phạm tội, v.v Đặc biệt về hiện tượng điên khùng với tư cách là mặt đối lập của lý tính (tỉnh táo) theo nhận thức thông thường ngày nay, M. Foucault lại cho thấy thật ra thời cổ đại lại cho người điên là những đầu óc thâm thúy, đến thời trung cổ lại cho họ cũng là những thành viên bình thường trong xã hội, đến thời cận đại lại xem họ là loại người nguy hiểm gần như tội phạm, và tiếp theo lại xem họ là con bệnh cần được nhập viện để chữa trị. Riêng M. Foucault thì cho rằng, xét trên bình diện tâm lý, nếu điên khùng là cái gì phi lý tính, thì nó không hẳn là đối lập, mà là tấm gương, là sự kéo dài của lý tính. Chỉ cần thấy nhiều nghệ sĩ ưu tú mà thường bị xem là những người không bình thường và trong sáng tác có nhiều yếu tố phi lý tính thì đủ rõ. Hệ hình tri thức không những có tác dụng trong việc nhận thức chân lý, nhận thức bản chất sự vật, mà thậm chí còn có tác dụng trong việc xác nhận bản thân sự vật đã xuất hiện hay chưa, có tồn tại hay không? Thí dụ đã có tác phẩm thì hiển nhiên là phải có người sáng tác, tức là tác giả, nhưng trong thi học cổ trung đại phương Tây không hề có khái niệm này. Bởi vì trong hệ hình tri thức cổ đại chưa có quan niệm về cá nhân, cá tính, tự ngã. Từ Man trong tiếng Anh có gốc trong tiếng La tinh cổ có nghĩa là Mặt nạ, Vai diễn. Người La mã cổ đại chỉ khi nào bước lên đài tế thần hoặc đóng vai trò pháp nhân trong công việc xã hội nào đó, thì mới được xác định danh phận. Ngoài ra, dù là người sáng tác cũng chan hoà trong chúng sinh mà thôi. Qua nghiên cứu của M. Foucault thì mãi đến thế kỷ XVII, XVIII, khái niệm tác giả mới xuất hiện. Và khi đã xuất hiện thì sự nhìn nhận nó cũng diễn biến. Thế kỷ XIX, nhất là với chủ nghĩa lãng mạn thì tác giả (văn nghệ sĩ) được đề cao như loại người có tài năng thiên phú. Trái lại đến thế kỷ XX, nhất là với chủ nghĩa cấu trúc, thì vai trò nhà văn lại bị đánh mất: “Nhà văn là người duy nhất theo định nghĩa, chịu để mất cái cấu trúc bản thân và của thế giới trong cấu trúc của lời nói” (R. Barthes). Như thế mặc dù từ xưa đến nay, người sáng tác vốn tồn tại như một thực thể, nhưng có được xác nhận hay không, được đánh giá cao hay thấp, thật ra đều do sự chi phối của hệ hình tri thức ở bên sau cả. 2) Quyền lực với tri thức Trên cơ sở phân tích “hệ hình tri thức”, dần về sau M. Foucault bắt đầu nghiên cứu mối quan hệ giữa tri thức với quyền lực. Thật ra nếu tri thức phải được tồn tại trong ngôn ngữ diễn đạt, thì chúng ta cũng từng biết Bakhtin đã nhìn thấy quyền lực đã thấm sâu vào ngôn ngữ. Nhưng thật ra về mặt này, M. Foucault đã tiếp thu khá nhiều tư tưởng của F.W. Nietzsche: “Tất cả sự truy cầu chân lý đều do ý chí quyền lực”. Có nghĩa là con người luôn luôn dùng ý chí để quyết định nhu cầu của mình, rồi buộc sự thực phải phù hợp với nhu cầu đó. Cái gọi là chân lý tuyệt đối chẳng qua là được quyết định bởi địa vị quyền uy cùng hình thái ý thức đại diện cho nó. M. Foucault vận dụng tư tưởng này khảo sát vào lịch sử và nhận thấy rằng từ tri thức, lý tính đến chế độ xã hội, v.v , tất cả những thứ có vẻ tự nhiên nhi nhiên gần như thiên kinh địa nghĩa này chẳng qua là do quyền lực, những sức mạnh thống trị thông qua hình thái ý thức thể hiện trong hệ thống ngôn ngữ mà tạo nên. Trong công trình Giáo huấn và trừng phạt, ông đã khảo sát tỉ mỉ từ nhà tù, trường học, trại lính đến bệnh viện, công xưởng, v.v , nhận thấy giới quyền thế đã đặt ra chế độ thưởng phạt, hiển nhiên là phạm nhân, học sinh, binh lính, bệnh nhân, thợ thuyền đều nhất nhất tuân theo. Nhưng quan trọng hơn là chính họ đã cảm thấy những điều luật thưởng phạt ấy là hiển nhiên, là thiên kinh địa nghĩa, như vốn trời đất sinh ra đã như thế. Thế rồi, họ gần như tự nguyện biến mình - từ thân xác đến linh hồn, từ tình cảm đến tri thức - trở thành một bộ phận hữu cơ trong guồng máy quyền lực. Trong công trình Lịch sử tính dục cũng vậy, ông đã khảo sát từ thế kỷ XVI đến nay, những cơ chế quyền lực không những ra sức áp chế tính dục, mà còn dày công tạo lập nên những chủ thể tính dục với những nhận thức về tình cảm và kể cả khoái cảm được bao trùm dưới bóng đen của chính những quyền lực ấy. Nói quyền lực thông qua ngôn ngữ để tạo ra tri thức, lập luận của M. Foucault có cái gì tương tự như những quan niệm “hợp pháp hoá”, “hợp lý hoá” của triết gia J. Habermas của trường phái Frankfurt. Ý chí quyền lực bao giờ cũng muốn được “hợp pháp hoá” để dễ bề trị thiên hạ, nhưng cũng rất chú ý kết hợp với vai trò quan trọng của “hợp lý hoá”. Theo M. Foucault, giai cấp tư sản ngày nay rất chú ý vừa cải tiến vừa tuyên truyền rất có hiệu quả cho chế độ tư bản dù có bóc lột thì giai cấp công nhân vẫn thấy là hợp lý. Lập luận của M. Foucault phảng phất tính chất mác-xít, nhưng không nên lẫn lộn. Bởi vì ông không bao giờ đặt ra vấn đề truy nguyên cơ sở của quyền lực là từ đâu, vì quan niệm rằng lịch sử bao gồm vô cùng nhiều những nhân tố phức tạp, tương tác trong các dạng tụ họp, ly tán, trùng lặp và rất khó duy nhất quy về nhân tố kinh tế, dù là chỉ xét đến cùng! Không chỉ có tài phiệt, mà còn có quân phiệt và học phiệt, v.v… 3) Trách nhiệm với tri thức và quyền lực Cùng với tri thức và quyền lực, trách nhiệm cũng là một trọng điểm nghiền ngẫm và suy tư của M. Foucault. Mặc dù trong từng lúc có thể đột xuất lên một khía cạnh nào đó, nhưng xét trong cả quá trình nghiên cứu bất kỳ vấn đề gì thì tư duy của M. Foucault đều được song hành bởi ba phương diện đó. Đối với bất cứ đối tượng nghiên cứu nào, ông cũng nêu ra ba câu hỏi: Tôi biết (savoir) được cái này là thế nào? Tôi có thể (pouvoir) làm được gì? Tôi phải (devoir) làm ra sao? Tư tưởng của M. Foucault không chiết trung, không phải thế này cũng không phải thế kia (ni l’un, ni l’autre), nhị nguyên mà là “tam nguyên” rạch ròi, nói bỏ đi để mà tìm lại (se perdre pour se retrouver) theo các bước: Tôi—Không phải Tôi—Không phải không phải Tôi. Nếu bàn về mặt tri thức thì đó là sự cấu tạo của diễn ngôn (formation discursive), nếu bàn về mặt quyền lực, thì đó là sự cấu tạo phi diễn ngôn (formation non—discursive), nếu bàn về mặt trách nhiệm thì đó là sự cấu tạo không phải phi diễn ngôn (formation non-non-discursive). Nếu tri thức là hư cấu của từ ngữ, quyền lực là hư cấu của sự vật, thì trách nhiệm là hư cấu của chủ thể: “Hư cấu không phải ở chỗ làm cho có thể thấy những cái không thấy được (faire voir l’invisible), mà là ở chỗ làm cho có thể thấy được cái không thể thấy của cái thấy được trở thành không thể thấy được như thế nào (faire voir combien est invisible l’invisibilité du visible)” (3) . Trách nhiệm cũng như tri thức và quyền lực đều là sự cấu thành đặc thù trong một không thời gian nhất định, chứ không phải là những nguyên lý phổ biến. Tri thức là cái thấy và nói được trong một cấu tạo lịch sử nhất định, mà ngôn ngữ và ánh sáng là những tiền đề cơ bản không thể tách rời. Quyền lực là mô thức đặc thù trong tương quan lực lượng trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Trách nhiệm là trình tự và kỹ thuật được chủ thể hoá trong mỗi giai đoạn lịch sử. Như thế, tri thức, quyền lực hay trách nhiệm đều có điều kiện. Nhưng bất cứ điều kiện nào cũng là điều kiện trong những điều kiện nhất định, nó mang tính lịch sử đặc thù, nhưng không tất yếu, không thể tranh cãi (apodictique), mà còn có vấn đề (problématique) chưa dứt. Tôi có thể biết được gì, có nghĩa là trong những điều kiện nhất định về ngôn ngữ và ánh sáng tôi có thể thấy và nói được gì? Tôi có thể làm được gì, có nghĩa là trong một tương quan lực lượng nhất định, tôi có thể ở vị trí nào và đối trọng với ai? Tôi phải làm ra sao, có nghĩa là trong một hệ thống tri thức và quyền lực nhất định đối diện với truyền thống, phong tục tập quán trong lịch sử, tôi phải tự bồi dưỡng mình như thế nào? Cái “Tôi” trong ba mặt ấy, không phải là cái “Tự ngã” phổ biến mà chỉ là một chỉnh thể trong khả năng có thể giành được một vị trí đặc thù được sinh ra từ cả ba mặt đó. Bất kỳ một giải pháp nào trong lịch sử cũng không thể chuyển dịch sang hoàn cảnh lịch sử khác, nhưng có thể có một số vấn đề thẩm thấu (empiéter) hoặc xuyên thấm (pénetrer) đến tất cả các giai đoạn lịch sử. Tri thức, quyền lực và trách nhiệm tương tác qua lại, và không thể thiếu bất cứ khâu nào. Tri thức mặc dù không thể tác động trực tiếp và có hiệu quả với công cuộc cải tạo thế giới, nhưng thiếu nó, thì không thể nào thực hiện quyền lực và đảm nhận trách nhiệm. Còn nếu không có quyền lực, thì tri thức và trách nhiệm chỉ là nói suông hoặc ảo tưởng. Nếu không có trách nhiệm, thì những chủ thể tri thức hoặc kẻ cầm quyền có thể biến thành nô lệ hoặc vật hy sinh cho tri thức và quyền lực, và từ đó tri thức chẳng qua là vô tri vô thức, quyền lực cũng thành vô quyền và bất lực. Cho nên đối với kẻ sĩ xưa nay, trách nhiệm chính là tri thức của tri thức (le savoir du savoir), quyền lực của quyền lực (le pouvoir du pouvoir), hơn nữa còn chính là trách nhiệm của trách nhiệm (le devoir du devoir) thông thường. Kẻ sĩ xưa nay đều mang nặng trong lòng hình ảnh bậc trí giả Hy Lạp, đấng tiên tri Do Thái, nhà lập pháp La Mã, luôn phán đoán tương lai, định chế cho hiện tại, giảng giải cho thiên hạ thế nào là tốt, việc gì nên làm, hướng nào nên đi. Nhưng theo M. Foucault, đó toàn là ảo tưởng mà trí thức ngày nay cần tránh xa. Cần thiết và đúng đắn nhất là phải luôn luôn tự hỏi: Tôi biết cái gì, có thể làm được gì và làm như thế nào? Ông cho rằng: “Công việc của người trí thức không phải đi nhào nặn nguyện vọng chính trị cho kẻ khác, mà là thông qua việc phân tích chuyên môn của mình, để khảo sát lại tính minh bạch và công lý, làm rung chuyển những quán tính, những hành vi và phương thức tư tưởng, xua tan những thứ thông tục dễ chấp nhận, đồng thời trên cơ sở sự tham dự việc cấu tạo những nguyện vọng chính trị ấy, sẽ nhận được cái mức độ của những quy tắc và thể chế (reprendre la mesure des règles et des institutions)” (4) . Nói J. Lacan và M. Foucault là những nhà lý luận tiên phong của chủ nghĩa hậu hiện đại, như thế cũng hàm ý rằng họ không phải là những người trực diện khái quát và luận bàn từ thực tiễn sáng tác hậu hiện đại, mà chủ yếu là tư duy và quan niệm của họ đã trở thành vũ khí lý thuyết cho chủ nghĩa hậu hiện đại. Như quan niệm của M. Foucault đã góp phần đặt cơ sở lý thuyết cho các chi lưu của chủ nghĩa hậu hiện đại về sau. Như Chủ nghĩa lịch sử mới thì cho rằng trong mối quan hệ giữa văn học với lịch sử có bao hàm mối quan hệ giữa nhân vật văn học với hệ thống quyền lực trong hiện thực lịch sử (S. Greenblatt). Phê bình nữ quyền thì cho rằng quyền lực khống chế ngôn ngữ của nam giới đã dụ dỗ nữ giới phải mắc vào tròng “chân lý” của họ (S.de.Beauvoir). Phê bình hậu thực dân thì cho rằng phương Đông (bao gồm phần lớn thế giới thứ ba) luôn bị kiến tạo hoặc giải thích lại theo cách nhìn phương Tây, nào là phương Đông của chủ nghĩa Darwin, thậm chí là phương Đông của chủ nghĩa Freud, v.v (E. Said). Quả đúng như M. Foucault nói quyền lực thao túng khắp nơi không những trong chính trị xã hội, mà cả trong lịch sử và giới tính nữa . lý luận tiên phong của chủ nghĩa hậu hiện đại, như thế cũng hàm ý rằng họ không phải là những người trực diện khái quát và luận bàn từ thực tiễn sáng tác hậu hiện đại, mà chủ yếu là tư duy và. Những bậc tiên phong của tư duy Hậu hiện đại II) Michel Foucault: Tri thức, quyền lực, trách nhiệm M và quan niệm của họ đã trở thành vũ khí lý thuyết cho chủ nghĩa hậu hiện đại. Như quan niệm của M. Foucault đã góp phần đặt cơ sở lý thuyết cho các chi lưu của chủ nghĩa hậu hiện đại về sau.