Chính sách thắt lưng buộc bụng gồm 10 điều như tăng thuế, giảm chi tiêu công, tư hữu hóa chính phủ, tỏ ra thiếu tính thuyết phục, “lợi bất cập hại”, tạo ra làn sóng phản đối dữ dội trong dân chúng, dẫn đến những cuộc biểu tình tuần hành ở nhiều nơi, gây bất ổn về mặt chính trị xã hội. Sự kiện thủ tướng George Papandreou đã tuyên bố từ chức ngày7 tháng 11 vừa qua đã minh chứng rõ hơn phần nào những hỗn loạn, rối ren này trong xã hội Hy Lạp; đặt ra câu hỏi liệu rằng lịch sử Argentina với 4 lần thay đổi tổng thống trong vòng 2 tuần lễ có lặp lại ở quốc gia châu Âu này. Vậy thì, tại sao ở Hy Lạp lại xảy ra thực tế đáng buồn đó? Phải chăng, đó là do các nhà chức trách Athens chưa thực hiện đúng bổn phận của mình, khiến cho khâu quản lý tài chính công trở nên lỏng lẻo, tình hình điều hành đất nước gặp nhiều khó khăn chủ quan lẫn khách quan? Thông thường, khi một quốc gia lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ công, các giải pháp được đưa ra phải lấy sự nỗ lực nội tại của chính quốc gia đó làm nền tảng, lấy sửa đổi căn bản từ các chính sách về kinh tế – chính trị xã hội làm biện pháp khắc phục trong dài hạn; bên cạnh đó, kêu gọi viện trợ quốc tế và sự góp sức của các nước có liên quan để giải quyết các vấn đề ngắn hạn. Đó là những gì Tunisia, Argentina, Brazil, tiền hành trong những giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, Hy Lạp lại lựa chọn một hướng đi hoàn toàn khác. So với những nỗ lực giải cứu Hy Lạp từ các quốc gia, tổ chức, cộng đồng lớn trên thế giới thì ý thức tự lực thoát khỏi khủng hoảng nợ của quốc gia này là hết sức yếu ớt.